Saturday, March 26, 2011

USA


Mỹ sắp hết thời thực phẩm rẻ mạt

Ðồ ăn Mỹ chỉ chiếm 10% thu nhập, so với 70% ở nước khác.

(L.A. Times) - Giới tiêu thụ Mỹ từ lâu đã hưởng một sự xa xỉ mà ít người khác có thể khoe khoang: Thừa thãi các thực phẩm với giá có thể kham nổi.

Nhưng với giá lúa mì, bắp và các thực phẩm hàng ngày khác đang tăng vọt, vài nhà kinh tế và khoa học gia đang tự hỏi liệu chuyện đó có thể kéo dài bao lâu nữa.

Hôm Thứ Tư, 16 Tháng Ba, Bộ Lao Ðộng Hoa Kỳ báo cáo rằng thực phẩm giá sỉ đã tăng 3.9% trong Tháng Hai so với Tháng Giêng, là mức tăng hàng tháng cao nhất trong 37 năm nay. Các nhà kinh tế dự đoán sẽ thấy một sự gia tăng tương tự trong giá thực phẩm bán lẻ khi Bộ Lao Ðộng công bố chỉ số giá tiêu thụ vào ngày Thứ Năm.

“Giá thực phẩm đã gia tăng nhanh chóng hơn, bởi vì các phí tổn bên dưới đã thực sự tăng vọt. Bạn sẽ thấy vài thành phần trong thực phẩm tăng 40%, 50%, 60% so với năm ngoái,” theo lời ông Ephraim Leibtag, một kinh tế gia tại Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ.

Các kinh tế gia cảnh cáo rằng giá cả như vậy có thể sẽ giữ nguyên ở mức cao trong năm nay và có thể lâu hơn nhiều, bị thúc đẩy bởi một tập hợp các yếu tố: Sự mất giá của đồng đô la Mỹ, sự phát triển trong sản lượng mùa màng đang chậm lại, bất ổn chính trị tại vùng Trung Ðông, giá dầu cao và một sự lưu tâm trở lại về nhiên liệu sinh học có nguồn gốc mùa màng.

Các kiểu mẫu thời tiết khắc nghiệt, điều mà vài nhà khoa học quy lỗi cho sự thay đổi khí hậu, đang làm cho vấn nạn phức tạp thêm. Những trận lụt ở Úc đã tàn phá phần lớn vụ mùa lúa mì, trong khi một vụ hạn hán đe dọa mùa màng của Trung Quốc.

Vài nhà phân tích nói vẫn còn quá sớm để nói ảnh hưởng kinh tế rộng lớn hơn sẽ như thế nào vì trận động đất ngày 11 Tháng Ba, sóng thần và cuộc khủng hoảng hạt nhân đang gia tăng ở Nhật. Nhưng họ cảnh cáo rằng thiên tai, thêm vào sự rối loạn ở Trung Ðông và Bắc Phi, có thể làm sự hồi phục kinh tế ở Hoa Kỳ chậm lại.

Họ lo ngại rằng ngay cả một sự gia tăng tạm thời về chi phí thực phẩm cũng có thể làm cho người mua sắm một lần nữa khép chặt túi tiền của họ.

Người tiêu thụ Mỹ chỉ chi tiêu khoảng 10% lợi tức hàng năm của họ về thực phẩm, tuy nhiên người Mỹ vốn đang nao núng tại các trạm bơm xăng và tại các quầy tính tiền của siêu thị. Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ tiên liệu rằng giá thực phẩm sẽ tăng từ 3% đến 4% trong năm nay.

Giá nông sản đang tăng đáng kể. Tháng này, PepsiCo nói họ đã tăng giá nước cam ép hiệu Tropicana khoảng 8%, sau khi nhiệt độ lạnh kỷ lục làm cho cam mất mùa ở Florida. Ðối thủ Coca-Cola Co. đã tăng giá về các sản phẩm nhãn hiệu Minute Maid của họ.

Một vài trong số các gia tăng lớn nhất được dự đoán trong lãnh vực thịt, giữa lúc giá thực phẩm nuôi gia súc tăng gấp đôi trong năm ngoái. Công ty sản xuất thịt Smithfield Foods Inc. mới đây lưu ý rằng người tiêu thụ sẽ trả nhiều hơn về thịt và sườn trong mùa thịt nướng vào Mùa Hè này.

Trước khi xảy ra thảm họa ở Nhật, giá thực phẩm trên thế giới đã lên tới một mức cao kỷ lục trong năm nay, giữa lúc kho dự trữ các hàng hóa then chốt giảm bớt.

Nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc, Ấn Ðộ và các nước đang phát triển khác cũng đang đẩy giá cả lên, giữa lúc giai cấp trung lưu đang phát triển hiện tiêu thụ protein nhiều hơn. Theo Bộ Nông Nghiệp của Trung Quốc, người Trung Quốc tại đô thị tiêu thụ gà tính theo đầu người nhiều hơn 219% từ 1983 đến 2006.

Tại những nơi khác trên thế giới, nơi dân chúng chi tiêu từ 30% đến 70% hoặc nhiều hơn lợi tức hàng năm của họ cho thực phẩm, tình trạng đói đang gia tăng, Ngân Hàng Thế Giới đã báo cáo rằng có tới 44 triệu người bị lâm vào tình trạng đói bởi vì chi phí thực phẩm gia tăng. Ðiều đó, mặt khác, đã đổ dầu vào lửa cuộc xung đột ở Libya và giúp lật đổ các nhà lãnh đạo ở Tunisia và Ai Cập trong những tháng gần đây.

Hiện giờ, người ta ngày càng lo ngại sẽ tái diễn những vụ bạo động vì thực phẩm trên khắp thế giới như trong những năm 2007 và 2008. (n.n.)