Monday, March 7, 2011

Communism


Bài ca chế độ độc tài


Những chế độ độc tài sớm hay muộn đều bị diệt vong, bởi chúng đi ngược lại với quyền lợi chính đáng của dân tộc. Sở dĩ có những chế độ kéo dài được bởi chúng biết cách thay đổi màu sắc để phù hợp hoàn cảnh. Hơn nữa chúng giỏi việc tuyên truyền nhồi nhét vào đầu óc người dân, bưng bít thông tin.

Ngày hôm nay một làn sóng đòi dân chủ, xóa bỏ chế độ độc tài đang diễn ra trên Châu Phi, một nơi dân trí so với Việt Nam khó có thể gọi là hơn được. Chế độ độc tài độc quyền sử dụng văn hóa, thông tin để tiêm nhiễm cho người dân đang bị đè nén nghĩ rằng đó là hoàn cảnh tự nhiên. Ngay từ bé trẻ em ở những nước độc tài đã bị nhồi sọ bằng những câu chuyện hay ho về lãnh tụ, về công lao của người, về thành quả của cách mạng đã mang lại ấm no, hạnh phúc....

Hãy xem bài ca Ăng Ka Vĩ Đại, một bài hát mà trẻ em Căm Pu Chia bắt buộc phải thuộc lòng dưới thời Pol Pot:

"Trẻ em chúng ta ai cũng yêu Angka vô hạn
Nhờ có Angka, chúng em có cuộc sống hạnh phúc và tươi đẹp hơn
Trước cách mạng,chúng em sống khổ cực như súc vật
Chúng em đói rét và khổ đau
Nhưng kẻ thù không đếm xỉa gì đến chúng em
Chỉ có da bọc xương, gầy guộc và đáng sợ
Đêm ngủ trên nền đất
Ngày lại đi ăn xin, kiếm tìm thức ăn trong thùng rác
Hôm nay, Angka mang tới cho chúng em sức sống
Và hôm nay chúng em được làm người
Anh sáng cách mạng, bình đẳng, tự do tỏa sáng vinh quang
Ôi Angka chúng em kính yêu Người
Chúng em nguyện đi theo con đường cách mạng của Người..."

Ở bài ca này, ý đồ nhồi sọ, tuyên truyền một chiều đầy bịp bợp được thực hiện với phong cách không có gì là lạ. Một kịch bạn cũ mèm được sao chép lại từ những nước độc tài anh em. Nào là kẻ thù dã man, tàn tệ, đời sống nhân dân tăm tối, rồi cách mạng của Người về soi sáng đổi đời mang lại ấm no, tự do,hạnh phúc, đời tươi sáng vinh quang.

Kết thúc là chúng em kính yêu và nguyện đi theo con đường Người đã chọn.

Con đường cách mạng của AngKa chon cho nhân dân Căm Pu Chia bắt đầu vào ngày 17-4-1975, cách mạng của Người cũng thành công tỏa sáng từ đó, mang lại cho nhân dân Căm Pu Chia hàng triệu người chết ngay lập tức do bị tàn sát và bỏ đói, chiếm tới 1/3 dân số nước này.

Chỉ trong vòng mấy năm, đến năm 1978 trại giam S-21 của cách mạng đã giam giữ, tra tấn và hành quyết xong 14.000 người. Tại trại giam mọi tù nhân đều phải khai chi tiết về cuộc sống, kể cả thời thơ ấu sau đó bị xích vào trong xà lim, trên tường nhà tù các quy tắc và luật lệ được viết như sau.

"Mày phải trả lời theo câu hỏi của tao
Không được viện có để che dấu sự thật
Nghiêm cấm mày tranh cãi với tao
Không được ngu ngốc phá hoại công cuộc cách mạng
Ngay lập tức mày phải trả lời các câu hỏi của tao
Không được phàn nàn về các hành vi khác với đạo lý của cách mạng
Trong khi bị đánh, dí điện cấm được khóc
Khi yêu cầu làm gì, phải làm ngay không được từ chối
Không tuân thủ các quy định trên, sẽ bị trừng phạt bằng roi điện 10 lần hoặc dí điện 5 lần."

Có 20 trại giam như vậy trên đất nước Cam Pu Chia nhỏ bé. Người dân ở đây cũng giống như người dân ở đất nước của bà đạo diễn Phạm Thị Hồng Ngát, đó là chính phủ được coi là cha mẹ.

Không biết cha mẹ đẻ của bà Ngát có tàn ác không, hay cha mẹ nhận vơ (chính phủ) của bà thế nào. Nhưng cha mẹ bắt phải nhận (chính phủ) của nhân dân Căm Pu Chia thì ác không còn gì để nói. Cuộc cách mạng mà Người (Angka) đã mang lại cho nhân dân Căm Pu Chia chính là những điều mà cách mạng đã dùng lên án kẻ thù (tưởng tượng ra).

Những kẻ độc tài thường hay nghĩ chúng là thần thánh hay cha mẹ nhân dân. Đó là điều dễ nhận thấy nhất ở bản chất của chúng, chúng càng tô vẽ, tuyền truyền về chúng bao nhiêu thì càng rõ bản chất độc tài của chúng bấy nhiêu.

Đảng lãnh đạo Cam Pu Chia trong thời gian kinh hoàng đầy máu và chết chóc này là Đảng cộng sản Căm Pu Chia sau đổi tên thành Đảng Lao Động Căm Pu Chia , người ta thường gọi là
Khmer Đỏ, màu của máu.

Người Buôn Gió
@nguoibuongioblog
Đọc thêm: e-info