Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng
Đề-nghị của Anh quốc vào cuối tháng Hai vừa qua nhằm thiết-lập một vùng cấm bay trên không phận Libya cuối cùng đã được Hội-đồng Bảo-an LHQ chấp-thuận vào tối Thứ Năm 17/3. Nghe được tin này, dân chúng và phe chống-đối chính-quyền tại miền đông Libyia đã tỏ-ra vui-mừng, phấn-khởỉ. Đang ở trong tình-trạng chờ đợi cuộc tấn-công võ-trang khốc liệt sắp sửa xảy ra từ phía Tripoli và đang dần dần cảm thấy tuyệt vọng vì thái-độ hờ hững của Tây phương và khối anh em Ả rập bỗng dưng nghe được tin vui này chẳng khác gì phe chống đối được uống thuốc hồi sinh. Bấy lâu nay, họ đã nói rõ là họ không cần các nước gởi quân yểm-trợ trong việc đương-đầu với các nhóm lính đánh thuê và lực-lượng của Tripoli, họ chỉ cần sự giúp đỡ của các nước nhằm ngăn-cản phi-cơ oanh-tạc của Libya mà thôi. Sự hiện-diện công-khai của một số-lượng quân-đội ngoại-quốc trên đất Libya về mặt tuyên-truyền có một tác-dụng rất bất-lợi; nó sẽ giúp cho nhà cầm-quyền Libya bấy-lâu nay chứng-minh cho lập-luận của họ là các nước chỉ có chờ cơ-hội, lấy cớ tìm cách xâm-lăng Libya như họ đã làm tại Iraq trước đây, với mục-đích thực tế là xâm chiếm để lấy dầu, là đúng. Họ đã phải chịu đựng các cuộc tấn-công mạnh-mẽ của quân-đội phe Gadhafi với không quân và bộ binh và cái viễn-tượng Benghazi, thành-trì của phe chống đối tại phía đông nước này sắp-sửa lọt lại vào tay chính-phủ với một cuộc tắm máu rùng rợn như đã được Gadhafi báo trước.
Hội-đồng Bảo-an LHQ đã cho lệnh thực-hiện tất cả các biện-pháp cần-thiết gồm cả hải-quân và không-quân để chặn đứng Moammar Gadhafi, bảo-vệ thường dân và các vùng có đông dân chúng thoát khỏi sự đe dọa tấn-công, tàn sát của lực-lượng Gadhafi trong vùng Libyan Arab Jamhariya. Mới hôm trước chính-phủ Libya đã kêu gọi phe chống-đối hãy buông súng đầu hàng và sẽ được tha tội, còn bằng không lực-lượng của họ sẽ tấn-công vào Benghazi, lùng sục từng nhà và sẽ không tha một người nào. Vào Thứ Sáu, sau khi nghe được quyết-định của HĐBA LHQ về việc cho phép thành-lập khu-vực cấm bay, chính-phủ Libya đã thay-đổi lập-trường rất nhanh. Họ tuyên-bố đình-chiến, có nghĩa là không tấn-công phe chống đối nữa. Quyết-định này xem ra bị chậm mất rồi. Bố con ông Gadhafi sẽ không còn tiếp-tục cầm-quyền thêm một thời-gian bao lâu nữa. Vận mạng của ông ấy chỉ còn tính được từng ngày mà thôi. Quyết-định đinh chiến đơn-phương không giúp cho ông ấy tại vị lâu hơn được.
Hai nước có cảm-tình với Libya và thường-xuyên sử-dụng quyền phủ-quyết nhằm ngăn-trở hay đi ngược lại ý kiến của đa-số là Trung quốc và Nga, lần này đã bầu phiếu trắng. Có tất-cả năm nước bỏ phiếu trắng. Riêng Hoa Kỳ, Anh và Pháp ủng-hộ nghị-quyết cấm bay. Trong khối Ả rập có bốn nước theo giải-pháp này và sẽ giử vai-trò yểm-trợ, gồm có Saudi Arabia, Jordan, Liên-hiệp các tiểu vương Ả rập và Qatar.
Theo dõi tình-hình Libya trong tháng này nhiều người đã không còn giữ được sự bình-tĩnh, họ bộc-lộ một sự sốt-ruột trước thái-độ gần như tiêu-cực của Tây phương trước hành-động dã-man của quân-đội Libya đối với thường dân. Các nước thuộc Khối Ả rập, Arab League, không còn kiên-nhẫn chịu-đựng thêm được nữa khi chứng-kiến cái cảnh quân-đội Libya tàn-sát dân chúng đến độ họ đã ngưng không cho Libya tham dự phiên-họp của khối này và vào ngày 22/2 khối đã lên án các hành vi tội phạm của nước này nhắm vào các cuộc chống-đối và biểu-tình ôn hoà trong nhiều thành phố. Và đến ngày 12/3, ngoại trưởng của các quốc-gia Ả rập với tỉ-lệ 10/0 đã đồng-ý yêu-cầu LHQ thành-lập vùng cấm bay trên không phận Libya.
Có năm nước sẽ thi-hành triệt-để nghị-quyết cấm bay LHQ, gồm có: Pháp, Anh, Bỉ, Canada và Đan Mạch.
Trước đó không lâu các nước Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Anh, Pháp, Jordan, Nga đã có biện-pháp chế tài và cấm du-lịch đối với Gadhafi. LHQ cũng đã có nghị-quyết phong-tỏa tài-sản của gia-đình Gadhafi và hạn-chế du-lịch đối với gia-đình này, chuyển hồ-sơ chế-độ qua Tòa án Hình sự Quốc-tế điều-tra tội-ác của chế-độ đối với dân chúng Libya, và cuối cùng là biện-pháp mà quân dân Benghazi đang mỏi-mòn mong chờ từng giây từng phút: 'No Fly Zone'.
Công luận đã tỏ ra thắc-mắc về thái-độ không nhiệt-thành và chậm-chạp đến độ bực mình của Hoa Kỳ trước các cuộc tấn-công dữ dội của quân đội Libya tại các thành-phố phía đông. Không những thế, nhận-định bi quan và tiêu-cực về tình-hình Libya còn được đưa ra làm cho công chúng hoang-mang và thất-vọng với nước Mỹ nữa. Bộ-trưởng Quốc-phòng Hoa Kỳ đã nhận-định là việc thực-hiện vùng cấm bay tại Libya là một việc rất phức tạp và khó khăn. Đô đốc Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ có nhận-xét cũng giống như thế. Rồi Giám đốc Tình báo Quốc gia khi trả-lời Quốc Hội Hoa Kỳ trong cuộc điều-trần mới đây đã phát-biểu thẳng-thừng, trong cuộc giao-tranh hiện nay căn-cứ vào lực-lượng hai bên, chế độ Gadhafi sẽ thắng, làm cho Tổng Thống Obama phải sửng-sốt đến phải thanh-minh với công chúng rằng chính-phủ của ông không tin như thế và rằng đó là ý kiến cá nhân của ông giám-đốc tình-báo mà thôi.
Trước sau gì, Hoa Kỳ nói đi nói lại rằng giải-pháp cho vấn-đề Libya dứt khoát phải là một giải-pháp đồng thuận quốc-tế, và phải xuất-phát từ LHQ, chứ không thể là hành-động đơn độc của bất cứ quốc-gia nào. Ngay cả ông chủ-tịch khối NATO cũng không đồng-ý dùng lực-lượng quân-sự của khối này đơn phương giải-quyết vấn-đề Libya. Dân chúng có thể suy-đoán được lý do tại sao Hoa Kỳ lại bình-tĩnh đối phó với vấn-đề Libya.
Hoa Kỳ đang ở trong tình-trạng thiếu hụt tài-chánh. Ngay đến chính-phủ liên-bang mà hoạt-động còn phải dựa vào sự thông-qua ngân-sách mỗi lần ba tuần-lễ một thì cái việc kết-ước chiến-tranh hải ngoại là việc xa rời thực tế. Ông Bộ trưởng Quốc phòng cũng chẳng hăng-hái với giải pháp quân-sự cũng chỉ là vì Bộ của ông thiếu tiền. Ông ấy đã từng than-thở là Mỹ có nhu-cầu duy-trì quốc phòng, chưa nói đến phát-triển theo thời-gian, ấy thế mà ngân sách của Bộ ông không những đã không tăng mà lại còn bị ép buộc phải giảm-đi, thì thử hỏi ông sẽ lấy cái gì mà tham chiến?
Hoa Kỳ còn đang loay hoay với Iraq và Afghanistan chưa biết đến ngày nào mới rút chân ra được, tốn kém hàng chục tỉ đô la mỗi ngày, làm thế nào nước này còn có khả-năng mở thêm mặt trận mới nữa. Chương-trình rút quân từ A phú hãn về kể từ tháng 7, 2011 có xong hay không phải chờ xem cái đã.
Chủ trương của chính-phủ Obama là hòa-hoãn, thu-phục cảm-tình của thế-giới Hồi giáo. Gadhafi gọi Mỹ là đế-quốc xâm-lược, chỉ chực chờ thời-cơ là đến hốt dầu của Libya và biến người dân ở đó thành nô-lệ, cho nên nếu nói năng và hành-động không cẩn-trọng sẽ đưa đến cái kết-quả là làm cho dân chúng Ả rập tin lời của Gadhafi và bài Mỹ kịch-liệt hơn, bất-lợi cho chính-sách ngoại-giao và chiến-lược của Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông.
Cuối cùng, Mỹ là nước học được bài học thực-tế. Các quốc-gia khác có quyền-lợi nhiều tại Libya, trong khi Mỹ chẳng có gì. Thế thì Pháp hay Anh chẳng hạn hãy lo mà giải-quyết vấn-đề chứ Mỹ là kẻ bàng-quan nhúng tay vào Libya làm gì vừa hại của lại vừa hại sinh mạng người Mỹ vốn đã quý-trọng hơn vàng; hãy xem việc Hoa Kỳ chi hai triệu đô-la cho gia-đình hai thanh-niên Pakistan bị một nhân-viên tình-báo thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Islamabad bắn chết với lời xin lỗi; mà trên thực-tế lỗi phải chưa biết thuộc bên nào, rồi đem nhân-viên của mình về nước trong tuần này là một minh-chứng.
Trong biến-cố Libya, Mỹ có thừa bình-tĩnh, an-nhiên chờ-đợi, chẳng có gì gấp gáp cả. Chưa chọn được con cờ của mình để thay Gadhafi thì việc gì phải gấp! Ngày 10/3 Pháp đã công nhận chính-thức Hội-đồng Lâm-thời Quốc-gia Libya là chính-phủ Libya. Pháp, Anh, phe đối kháng Libya và khối Ả rập là sốt-ruột với thái-độ bình chân như vại của Mỹ. Còn Mỹ thì bảo phải chờ LHQ. Ngày xưa, chưa có sự đồng-ý của cơ-quan quốc-tế này, Tổng Thống George W. Bush đã xăm xăm một mình tiến quân vào Iraq làm cho Đảng Cộng Hòa bị thảm bại nặng-nề và làm cho nước Mỹ nhức nhối cho đến ngày hôm nay, chuyện còn sờ sờ ra đó làm sao ông Obama lại không thấy!
Nay thì LHQ đã có nghị-quyết cấm bay, Hoa Kỳ sẽ tham-gia thôi. Nhưng Tổng Thống Obama nói trước là Pháp hoặc Anh sẽ chỉ-huy lực-lượng liên-quân, đóng vai chủ-động chứ không phải Hoa Kỳ. Kỳ này, ông Tây rất hăng tiết vịt. Chả là vì quyền-lợi của ông ấy tại Libya, rồi lại thêm cái sự việc ông con trai của Gadhafi chê bai tình-nghĩa Pháp-Libya và cái sự tráo-trở của ông Tây và còn hăm he phanh-phui những bí-ẩn đi đêm với những lợi lạc nhận được từ Libya của Pháp cho cả thế-giới xem thì Tổng Thống Sarkozy muốn khóa miệng cha con nhà này càng sớm càng tốt. Được biết Hải quân Pháp đã sẵn-sàng từ khuya rồi. Chỉ trong vòng vài giờ đồng-hồ nữa thôi, phi-cơ Mirage từ Hàng không Mẫu hạm Charles de Gaulle đang nằm tại Địa Trung Hải sẽ bay vù vù trên không phận Libya ngay cho mà xem.
Nói "no-fly zone" nghe thì dễ đấy nhưng thật-tế không giản dị đâu. Mặc dù các nước chưa xác-định rõ vùng cấm bay là vùng nào nhưng để đạt mục-đích giữ an toàn cho dân chúng dưới đất khỏi ăn đạn từ phi-cơ oanh-tạc, trực-thăng và xe tăng thì vùng cấm bay sẽ tập trung vào một nửa nước phía bắc Libya gồm luôn cả không phận thủ đô Tripoli.
Mà muốn duy-trì lệnh này, việc cần làm là các phi-cơ Tây phương sẽ phải triệt hạ các dàn phòng không gồm cao xạ và phi-đạn của Libya, oanh-tạc phi-trường để máy bay của đối phương khỏi cất cánh phản công. Thành ra hành-động oanh-kích dàn phòng không Libya nghiễm-nhiên trở thành hành-động tuyên-chiến với nước này.
Các nước Tây phương còn phải gởi máy bay do thám làm việc 24 tiếng một ngày, phải tiếp-liệu trên không, phải có phản-lực chiến-đấu cơ ứng chiến, phải có đội trực thăng chở binh lính đi cấp cứu hay giải cứu phi-hành đoàn bị rớt, và phải có các đội võ-trang súng ống đầy đủ đi kèm để nếu cần phải ứng chiến chống trả.
Nói gì thì nói đến giờ phút này lực-lượng hải-quân Hoa Kỳ vẫn là vượt trội. Trong vùng Địa Trung Hải, Hoa Kỳ đã có sẵn đầy đủ các loại tàu chiến, kể cả hàng không mẫu hạm, với các tàu đổ bộ lớn nhỏ chở theo hàng ngàn Thủy quân lục chiến, binh-chủng thiện-chiến của Mỹ, chỉ chờ lệnh là đổ bộ lên đất Libya. "No-fly" không thuần chỉ là cấm bay. Các nước đưa quân vào Libya không hiểu giản dị như thế. Thủ Tướng Pháp tuyên-bố trước, là khi biện-pháp này được LHQ thông qua nước Pháp sẽ ủng-hộ hành-động quân-sự chỉ trong vòng vài giờ. Đại sứ Mỹ tại LHQ, Susan Rice, thì nói rằng vùng cấm bay này chưa đủ về phương-diện bảo-vệ thường dân đối với những nguy-hiểm cấp thiết vì những giới-hạn cố-hữu.
Nói tóm lại, từ ngữ cấm bay trên thực tế sẽ là một cuộc chiến-tranh toàn diện giữa các lực-lượng, một bên là của Gadhafi và bên kia là 28 nước của khối Minh ước Bắc Đại Tây Đương và bốn nước của khối Ả rập. Chỉ có phòng không của Libya là đáng ngại chứ còn về võ khí và lực-lượng đang có Libya không phải là đối thủ của hơn 30 nước kể trên, trong đó có Hoa Kỳ.
Trước đây Libya là nước nhập-cảng võ khí nhiều nhất của Anh. Nhưng nay Anh đã ngưng bán võ khí cho Lybia. Lãnh-tụ Gadhafi rất khôn ngoan, chẳng thế mà ông ấy đã có thể diệt hết các đối thủ chính trị của ông và tại vị đến 40 năm nay. Đến giờ phút này mà ông ấy còn nói năng mạnh miệng lắm. Vào thời-gian trước khi nghị-quyết cấm bay được LHQ thông-qua, Gadhafi đã cam-kết sẽ trả-đũa mãnh-liệt cuộc tấn-công này:"Nếu thế-giới điên khùng, chúng tôi cũng sẽ điên khùng luôn một thể."
Cả thế-giới đang duy-trì áp lực ngoại-giao đối với Libya để nước này ngưng tấn-công lực-lượng đối-kháng mà mục-đích cuối cùng là loại bỏ nhân-vật Gadhafi. Tuần vừa qua, bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã bay qua Trung Đông và đã gặp gỡ đại-diện phe chống đối. Có lẽ Mỹ đã biết ai sẽ là người thay thế ông Gadhafi rồi. Chẳng thế mà lập-trường của chính-phủ Hoa Kỳ trong vụ Libya chỉ là muốn Gadhafi ngưng ngay các cuộc tấn-công vào thường dân đã được chuyển qua việc giải-quyết số phận lãnh tụ Libya qua câu nói Hoa Kỳ tiếp-tục làm việc với các thành-viên trong cộng-đồng quốc-tế để áp-lực Gadhafi bước xuống.
Trong tuần-qua, Gadhafi mừng rỡ, thế-giới chuyển-hướng tập-trung vào Nhật Bản với thiên-tai động đất, sóng-thần và vụ nổ cháy và xì phóng xạ từ các lò điện hạt nhân tại Fukushima và không còn để tâm đến Libya nữa. Ông ấy thừa cơ hội này đã hăm dọa dân chúng các vùng Misurata, Ajdabiya và Benghazi là ông ấy sẽ tàn-bạo không thương-xót nhóm phản-quốc này, trừ phi họ rời xa phe loạn quân và một khi quân-đội của ông tiến vào vùng này, ông sẽ không tha một mạng nào hết. Ông ấy đinh-ninh thế-giới đã quên lãng Libya, thế là ông ấy khởi sự tấn công mạnh. Bất ngờ, nghị quyết cấm bay, tin vui giữa giờ tuyệt vọng đối với phe chống đối, được LHQ thông-qua tối Thứ Năm khiến ông ấy bị hụt hẫng. Để vớt vát, ông ấy áp dụng chiến-thuật vừa đánh vừa đàm, đưa Bộ trưởng Ngoại giao ra tuyên-bố với thế-giới là chính-phủ ông thi-hành giải-pháp ngưng chiến, nhưng mặt khác ông tiếp-tục xua quân tấn-công để giải-quyết nhanh phe chống-đối. Gadhafi đã lộ rõ bản-chất dã man với chính dân-tộc của ông bấy lâu nay, uy-tín đã không còn, vì thế cho nên LHQ, các nước Tây phương và các nước Ả rập anh em của ông đã không còn tin ông nữa. Số phận của Gadhfi đang đi vào ngõ cụt chỉ còn một trong bốn con đường, mà đường nào cũng gắt củ kiệu hết:
- Tự sát.
- Đào thoát qua Nga.
- Bị tóm cổ và truy tố ra Tòa hình-sự quốc-tế về các tội-ác chống nhân loại.
- Bị chính nhân-dân Libya tóm cổ, điệu ra tòa, tặng cho một bản án tử hình và cuối cùng bị treo cổ, giống như nhà cựu độc-tài Iraq.
Một người có vẻ bản lãnh như Moammar Gadhafi vào đường cùng dám tự sát lắm, trừ phi đến phút chót rờ chân lạnh cẳng bèn vọt nhanh qua sống chung với ngài thủ tướng độc-tài Nga, rồi sẽ vì vừa già vừa tức đến thác!
Tổng Thống Obama vừa tung ra tối hậu thư cho ông Gadhafi:"Moammar Gadhafi có một lựa chọn. Nghị quyết LHQ vừa được thông-qua đã đề ra những điều-kiện rõ-rệt cần phải được thỏa mãn. Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các quốc gia Ả rập đồng ý rằng ngưng chiến cần phải được thi hành ngay lập tức."
Ông Obama nói điều này có nghĩa là:
• Phải ngưng tất cả các cuộc tấn-công vào thường dân.
• Gadhafi phải cho lệnh lực lượng của ông ấy ngưng tiến quân vào cứ điểm của phe chống đối tại Benghazi, và rút quân từ Ajdabiya, Misrata và Zawiya về.
• Phải cung-cấp điện nước và khí đốt cho tất cả các vùng.
• Phải để cho sự trợ giúp nhân-đạo đến tay dân chúng.
"Để cho rõ ràng: các điều khoản này không cần bàn-cãi. Không chấp-nhận thương thảo gì hết về các điều khoản này. Nếu Gadhafi không tuân-hành nghị-quyết cộng-đồng quốc-tế sẽ ấn-định mục-tiêu và sẽ áp dụng biện-pháp quân sự để thực thi quyết-nghị."
Nguyễn Văn Huy