Thursday, March 3, 2011

Libya now


Nội chiến Libya

Cuộc vùng dậy của dân chúng Lybia nhằm mục đích phản-đối và lật đổ chính quyền của Muammar Gaddafi tại Libya cho đến nay đã kéo dài được 15 ngày. Còn nhớ, vào tháng Hai vừa qua, dân chúng Ai Cập chỉ tranh-đấu có 18 ngày đã khiến cựu Tổng Thống Hosni Mubarak phải âm-thầm từ bỏ quyền-hành và rời khỏi thủ-đô Cairo.

Liệu cuộc tranh-đấu của quân-dân Lybia có đạt được kết-quả nhanh chóng và tương tự như tại Ai Cập hay không? Và liệu cuộc Cách Mạng Hoa Lài của Tunisia và Egypt có tạo ảnh-hưởng dây chuyền qua đến Trung quốc và Việt Nam với kết-quả giống như thế hay không?

Về trường-hợp của Libya, hoàn-cảnh nước này có khác với Tunisia và Egypt.

Dân chúng Libya đã phải sống thiếu thốn về vật chất và thiếu tự do về tinh-thần dưới một chế độ độc tài quá lâu, 40 năm. Mầm mống bất-mãn kéo dài làm phát-sinh nhu-cầu đổi mới âm ỉ từ lâu. Đến nay, bỗng dưng dân chúng hai nước Bắc Phi là Tunisia và Egypt đã biểu-lộ sự bất-mãn chính-quyền qua hình thức vùng lên tranh-đấu quyết-liệt và đã loại bỏ nhà lãnh-đạo của họ nhanh chóng đến không ngờ. Kết-quả mỹ mãn tại hai nước ấy đã là một sự khích-lệ cho dân chúng Libya. Vào ngày 15 tháng 2 nhà tranh đấu Fathi Terbil bị cảnh-sát của thành-phố nàm về phía đông thủ đô Tripoli bắt giữ, thế là có khoảng 200 dân chúng kéo nhau đi biểu tình phản-đối. Cảnh-sát đàn-áp người biểu-tình mãnh-liệt, từ đó con số dân chúng tham-gia càng lúc càng đông. Căn cứ quân sự tại đây bị dân chúng Libya dùng chất nổ phá sập và tràn vào chiếm giữ. Benghazi hiện nằm trong tay nhóm chống chính quyền. Cuộc chống đối nay đã lan-tràn đến các thành phố khác. Chính phủ trung-ương hiện chỉ còn giữ được quyền kiểm-soát tại thủ đô Tripoli và vùng lân cận giới hạn mà thôi. Libya giống Tunisia và Egypt ở điểm tham-nhũng và độc tài hà khắc, dã man nhưng ở mức độ cao hơn. Dân chúng mà bị bắt gặp nói chuyện với người ngoại quốc có thể bị bỏ tù. Có một sự khác biệt căn bản giữa Tunisia/ Egypt và Lybia: Quân-lực của Tunisia và Egypt từ-chối tuân theo chỉ thị của tổng tư lệnh quân đội đàn-áp dân biểu-tình bằng võ-lực trong khi phần lớn quân-lực Libya lại sẵn-sàng nhả đạn tiêu-diệt nhóm chống đối bất-chấp sự thiệt hại nhân mạng của dân chúng lên đến cỡ nào. Không những thế, lãnh-tụ Gaddafi lại còn sử-dụng cả lính đánh thuê người ngoại quốc để tiêu diệt nhân dân Libya. Tệ hơn nữa, ông này lại còn lên tiếng kêu gọi những người ủng-hộ ông ra tay chiến đấu tàn-sát đồng bào của họ nữa. Cuộc tranh-đấu có hy-vọng thành-tựu nếu dân chúng Libya kiên-trì, chấp nhận hy sinh xương máu cao độ và quân-lực Libya từ từ rã ngũ bỏ theo phe chống đối. Cho đến nay, con số thiệt hại về nhân mạng đã lên đến hàng ngàn người.

Libya là một nước Bắc Phi với dân số hơn 6 triệu và một diện tích hơi lớn hơn tiểu bang Alaska một chút trong đó phần lớn lãnh thổ là sa-mạc. Tài nguyên duy nhất là dầu hỏa. Ở các nước độc tài, nhà lãnh đạo thường kiểm-soát chặt-chẽ lực-lượng quân đội và an-ninh và sử-dụng hai lực-lượng trung-thành này như một phương tiện dẹp tan chống đối. Gặp phải lãnh-tụ sắt máu cỡ Gaddafi mê-man quyền-lực đến độ không ngại chuyện giết người, thì cơ hội lật đổ nhà cầm quyền rất khó thành tựu được. Quân-đội Lybia và phe chống-đối; có được sự tiếp tay của nhiều quân-nhân chuyển-hướng, đã liên-tục giao tranh tại một số thành-phố bất phân thắng bại. Số võ khí do các quân-nhân ngả theo phe chống đối cung cấp sẽ giúp họ có phương-tiện tấn công hay phản công hữu-hiệu trong một thời-gian khá dài. Vấn-đề chính nằm ở điểm những người dân sự này chưa từng được huấn-luyện về quân-sự chuyên-môn cho nên khả-năng chiến đấu, điều-động và phối hợp lực-lượng nhẹ nhàng, uyển-chuyển và nhanh chóng để tấn kích, phòng thủ hay di chuyển sẽ gặp không ít trở ngại. Vì lý do này, nếu cuộc giao tranh giữa hai bên tiếp-tục kéo dài và thiệt hại nhân mạng chắc-chắn lên cao, hàng ngũ chống đối có chịu đựng nổi hay không mà thôi. Cho đến nay cả hai phía đều ở trong tình-trạng "cỡi lưng cọp", lùi là chết cho nên cuộc chiến đấu sẽ rất quyết-liệt.

Lãnh tụ bộ lạc Bedouin Gaddfi của Libya, sinh ngày 7 tháng 6 năm 1942, có vài điểm đặc-biệt. Lúc trẻ, ông này được đào tạo bởi học viện quân-sự Hy Lạp. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1969 trong lúc Vua Idris I đang ở Thổ Nhĩ Kỳ thì đại úy Gaddafi cùng với một nhóm sĩ-quan đứng lên lật-đổ nhà vua, thành-lập Cộng Hòa Ả rập Libyia và trở-thành lãnh-tụ chỉ đạo. Đảo chánh thành-công, Gaddafi tự thăng cấp, nhưng không lên tướng mà chỉ lên đến đại tá mà thôi. Cho đến nay, khi được giới truyền thông ngoại-quốc phỏng-vấn, ông ấy không nhận là lãnh-đạo hay tổng thống của Libya. Ông này dùng toàn các cô gái trinh nguyên làm cận vệ, dùng một phụ nữ người Ukraine làm y tá riêng. Về trang-phục, ông ấy chỉ mặc hoặc quân phục hoặc thường phục. Dù dùng y phục loại nào, ông ấy luôn luôn thích màu mè, kiểu cọ lạ mắt, giống như quần áo được đặc biệt may riêng cho ông và luôn luôn đội mũ. Ngoài ra, Gaddafi thích đeo kính hợp thời trang. Ông này có thói quen nói dài, nói dai và nói dở. Ở trong nước chẳng có ai dám lên tiếng phê-bình, trừ phi người đó không thiết sống. Cái thói quen nói dài, nói dai, nói dở ông ấy đem ra hải ngoại. Vào tháng 9 năm 2009 tại diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, ông ấy đã tái diễn cái thói quen cố hữu này. Trên nguyên-tắc, nguyên thủ của các nước chỉ được có 15 phút để đọc diễn-văn, nhưng ông này đã kéo cò kéo cưa đến 90 phút, làm cho mọi người chán ngán. Ai nghĩ gì, nói gì, ông ấy cũng mặc-kệ, nghe hay không nghe cũng chẳng sao, ông ấy cứ tiếp-tục độc-diễn và còn biểu diễn màn xé giấy và phóng may bay giấy như chỗ không người vậy. Có lẽ ông ấy nghĩ Libyia hay LHQ thì cũng thế, chẳng có ai có can-đảm chận ông lại hay lôi ông xuống đài, cho nên ông ấy cứ tự-nhiên nói lung tung cho đến lúc chán mới chịu dừng. Nhìn một "phương-diện quốc-gia" như thế hỏi rằng làm sao thế giới không chán chường! Thần tượng của ông là Che Guevara của Cuba và Gamal Nasser của Ai cập. Có lẽ thêm một thần tượng nữa là Mao Trạch Đông cũng là hợp lẽ. Vì bên Trung quốc, 'sếnh sáng' có Sách Hồng thì bên Libya Gaddafi có ra Sách Xanh 1975 đề cao chủ-nghĩa xã-hội Hồi giáo. Gaddafi có 8 người con, trong đó 7 người được bà vợ thứ hai sinh ra. Có người ăn chơi hư đốn, nhưng cũng có người học-hành giỏi, lấy được bằng Cao học Quản trị Kinh doanh (MBA) bên Áo và Tiến sĩ Kinh tế bên Anh. Riêng cô con gái duy-nhất là một luật sư xinh xắn. Con cái đùm đề như thế mà ông ấy không sống để đức cho con, mà lại giết người đến độ điên cuồng, dã man đến nỗi cựu tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan gọi Daddafi là 'con chó điên của Trung Đông'!

Xưa nay Libya không có nhận viện-trợ tài-chánh, quân-sự của nước ngoài. Không những thế, lãnh-tụ Gaddafi còn viện-trợ cho các nước Phi châu để thu-phục cảm tình. Nhà lãnh tụ này có tham-vọng lãnh đạo cả khối Châu Phi và Trung Đông nhưng không thành công.

Không thể hăm-dọa cúp viện-trợ, vì Libya không nhận viện-trợ từ các nước cho nên từ LHQ cho đến các nước đã đề-nghị một số giải-pháp với mục-đích giảm-thiểu và hy-vọng chận đúng vụ bắn giết tại Libya qua việc kêu gọi Gaddafi từ bỏ quyền-lực. Ông ấy nói với phóng viên truyền-hình Hoa Kỳ và Anh là ông ấy có phải là vua hay tổng thống của Lybia đâu để mà từ chức! Quá ngán ngẫm và không còn kiên-nhẫn với sự ù lì của Gaddafi, thế giới đang cân nhắc và có thể áp dụng các biện-pháp cô-lập lãnh tụ của Libya như sau:

Cơ-quan LHQ quyết định loại Libya ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, và có thể truy tố Gaddafi trước tòa án quốc-tế về tội diệt chủng.

Hoa Kỳ có-thể xúc-tiến thủ-tục truy-tố Gaddafi ra trước tòa án quốc-tế vì đã chủ-mưu nổ bom làm chết 270 hành-khách của chuyến bay Pan Am tại Lockerbie năm 1988.

Hai Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ đề nghị trang bị võ-khí cho chính-phủ lâm-thời tại vùng đông Libya.

Bà Ngoại Trưởng Clinton vừa cho biết chính-phủ Mỹ sẵn sàng trợ giúp cho dân chúng Libya đang tìm cách lật đổ Gaddafi. Bà nói rằng Gaddafi đã mất tính cách chính đáng để cầm quyền và đã đến lúc ông ấy phải ra đi không thể tiếp tục bạo động và trì hoãn thêm nữa.

Hoa Kỳ đã di chuyển Hải quân và Không lực đến gần Libya kể cả việc bay tuần-phòng trên không phận nước Bắc Phi nhằm bảo vệ sinh mạnh của dân chúng tại đây.

Pháp sẽ vận chuyển tiếp-liệu cho phe chống đối tại vùng phía đông nước này.

Liên Hiệp Âu châu bắt đầu cấm vận võ khí đối với Libya và áp dụng các biện-pháp chế tài khác.

Thụy sĩ, Hoa Kỳ, Áo phong tỏa tài sản của gia đình Gaddafi tại các nước này.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gởi tàu chiến đến Địa Trung Hải trong đó có một tàu đổ bộ với 400 Thủy quân Lục chiến. Ngoài ra, như đã được thỏa-thuận trước dưới danh-nghĩa bảo vệ Âu châu chống lại cuộc tấn công bằng phi đạn nguyên-tử của Iran, Hoa Kỳ vừa còn gởi thêm tàu chiến có trang bị loại radar đặc-biệt đến Địa Trung Hải, nhất cử lưỡng tiện. Vào tháng trước hai tầu chiến Iran lần đầu tiên sau cuộc cách mạng Ba tư đã được Ai cập cho phép đi ngang qua kênh đào Suez khiến Do Thái phản-đối dữ dội.

Thiết-lập vùng cấm bay ở phía nam Libya do Hải quân và Không lực Hoa Kỳ phụ trách để bảo toàn sinh mạng dân chúng Lybia và các kiều dân. Để thực hiện mục đích này, việc đầu tiên cần phải giải-quyết là oanh tạc, phá hủy các dàn phòng không của Lybia.

Xưa nay phải nói rằng những lãnh-tụ kỳ quặc kiểu Gaddafi của Libya và Kim Chính Nhật của Bắc Hàn làm cho các nước khó xử. Chiến tranh chết chóc là điều bất đắc dĩ, vì thế cho nên phần lớn chính sách 'củ cà rốt' được các nước áp dụng với hai nước này hơn là 'cây gậy'. Hoa Kỳ đã tìm cách kéo Libya về với cộng đồng thế giới sau vụ Pan Am bằng cách bình thường hóa bang giao, bãi bỏ trừng phạt. Trong khoảng thời gian 2007 đến 2009 Mỹ và LHQ đã có giao hảo tốt với Libya. Đối với nước Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ và đồng minh Nam Hàn đã viện trợ thực-phẩm và dầu hỏa cho Bắc Hàn để nước này chấp nhận từ bỏ chương-trình chế tạo bom hạt nhân và chịu sống hòa bình với các lân bang, nhưng kết-quả họ vẫn chứng nào tật ấy. Tiếp tục ngang ngược mà chẳng ai làm gì được họ. Hy vọng lần này cộng đồng thế giới sẽ giải quyết xong vụ Libya và kế tiếp là vụ Bắc Hàn.

Phong trào nổi dậy chống đối nhà cầm quyền tại Bắc Phi làm cho nhiều người hy vọng cách mạng hoa lài sẽ lan đến Trung quốc và Việt Nam. Trong các ngày qua, có tin là dân chúng Trung quốc cũng đã rục rịch biểu tình ở vài nơi nhưng nhà cầm quyền Trung Hoa đã đưa công an và cảnh sát đến nơi dẹp tan biểu tình. Ngoài ra, nhà nước còn phá các trang mạng kêu gọi chống đối chính phủ nữa .

Tại Việt Nam, người ta đang nói đến cách mạng hoa sen. Giới trẻ Việt Nam vừa phổ-biến lời kêu gọi dân chúng mít tinh cải-cách xã-hội Việt Nam vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật hàng tuần tại trung-tâm các thành-phố lớn nhằm "tụ tập phát biểu hô vang khẩu hiệu cho đến khi có kết quả", gồm có:

Chúng tôi muốn công ăn, chỗ ở, việc làm
Chúng tôi cần môi trường trong sạch
Chúng tôi cần an toàn giao thông

Yêu cầu luật-pháp công minh
Yêu cầu thả các tù nhân chính trị
Yêu cầu sửa đổi hiến pháp
Yêu cầu chấm dứt chế độ đảng trị

Tự do báo chí
Tự Do Dân Chủ Muôn Năm!

Theo một người dân Việt Nam nói với báo điện tử Đàn Chim Việt, đây "là một cuộc cách-mạng của lương tri con người và của kỹ thuật truyền-tin hiện đại với mục-đích đòi hỏi quyền tự do cơ bản của công dân."

Có người nói rằng cần có thay đổi tại Hoa lục trước thì rồi ra mới có thay đổi tại Việt Nam. Trung quốc và Việt Nam là hai nước cộng sản còn sót lại trên thế giới, lại ở cạnh nhau vì thế cần phải đoàn-kết để tồn tại. Và vì là nước nhỏ hơn cho nên ít nhiều Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi Trung quốc.

Vào ngày 25 tháng 2 năm 2011 trong bài viết "Thay đổi chế độ kiểu Ai cập khó xảy ra ở Trung quốc" của Loh Su Hsing được DCV online đăng tải, tác giả đã viện dẫn một số lý do cách mạng hoa lài khó có triển vọng thành công tại Trung Hoa. Lý do là vì nước này đang có phát triển về kinh-tế liên tục và đều đặn. Cái gì cũng cần phải trả một cái giá nào đó. Nếu dân chúng hy-sinh hiện tại kinh tế và chính trị ổn định để đi đến bất ổn ảnh hưởng đến phát triển không chắc họ có chấp nhận hay không. Thứ đến là Trung quốc chỉ có một đảng chính trị duy nhất hoạt động xưa nay, đối lập bị diệt sạch, không hề có đa đảng cùng sinh-hoạt, thế thì đảng nào sẽ thay thế đây sau khi đảng cầm quyền tiêu vong? Kế đến là tham-nhũng xưa nay tại Trung quốc thời nào mà chẳng có, chẳng thể diệt sạch, dân chúng đã biết thế và đã quá quen với nó và cam-phận chịu đựng rồi. Cuối cùng, độc tài đảng trị và độc tài cá nhân khác nhau. Độc tài cá nhân như kiểu Ben Ali Tunisia và Mubarak Egypt dễ nhận diện, trong khi độc tài đảng trị khó nhận ra. Các nước cộng sản thời sau này,không duy-trì tệ sùng bái cá-nhân. Cái kiểu tập đoàn lãnh-đạo trong đó quyền-hành san-sẻ đều ra cho các nhân-vật cầm quyền, rồi lâu lâu hoặc định-kỳ nhân vật lãnh đạo lại được thay đổi và đảng của họ lúc nào cũng sửa soạn sẵn người để điền thế cho nên đánh phá vào cá nhân người lãnh đạo không có tác dụng và đem lại hiệu-quả mong muốn. Chỉ có nước tranh-đấu để thay-đổi cả một thể chế chính trị mới là giải-pháp rốt ráo.

Sức chịu đựng của con người có hạn. Vạn sự khởi đầu nan. Việc lớn muốn thành tựu đương-nhiên đòi hỏi nhiều hy sinh xương máu. Vận mạng của nước Việt Nam hoàn toàn do nhân dân Việt Nam quyết định.

Việc dân chúng các nước Tunisia và Egypt tranh đấu chống bất công xã hội và lật đổ độc tài thành-công nhưng không chắc là họ sẽ hoàn tất xây dựng dân chủ. Đó là hai việc khác nhau. Theo cuộc phỏng vấn sử gia nổi tiếng người Anh, Niall Ferguson của đài BBC vào đầu tháng này, ông cho biết phát triển dân chủ khó có thể xảy ra trong thế giới Hồi giáo. Xã hội Tây phương sở dĩ thành-công là vì hội đủ 6 yếu tố: Cạnh tranh, khoa học, quyền sở hữu bất động sản, y khoa, xã hội tiêu dùng, và tác phong làm việc, trong lúc xã hội Hồi giáo thiếu nền móng cần thiết như một số lượng lớn người trung-lưu sở hữu đất đai, thiếu quyền tư do hội họp, tự do đảng phái và tự do báo chí.

Đuổi nhà độc tài đi chỗ khác thì làm được nhưng giai đoạn kế tiếp là xây dựng dân chủ thì có thể gặp một số trở ngại. Nhà điều-khiển chương-trình hội-luận truyền thanh toàn quốc Hoa Kỳ Dennis Prager ngày 2 tháng 3 có viết bài bày tỏ 8 mối lo về trường hợp của Ai cập và các nước Ả rập mà ông hy vọng là ông sai. Ông liệt kê 8 lý do mà ông cho là bi quan như sau:

1. Các nước này chưa bao giờ tiến thẳng từ độc tài đến tự do.
2. Khi mà các nhà độc tài thân Mỹ bị lật đổ, thì lại có bạo chúa dữ dội khác lên thay.
3. Hồi giáo cực đoan hầu như độc quyền hăng say nhiệt thành trong thế giới Ả rập.
4. Cả tự do lẫn bao dung đều không có gốc rễ trong thế giới Ả rập.
5. Dân chúng được huấn-luyện để dựa vào nhà nước.
6. Truyền thông Hoa Kỳ xưa nay thường che đậy kẻ xấu.
7. Ai cập đang tiến gần với Ba tư.
8. Ai cập tràn ngập thù ghét người Do thái và nước Do thái.

Tác giả bảo là ông có đọc về một số cá nhân Ai cập chán ghét độc tài và khao-khát tư do và những người này đã từng sống tại Cuba năm 1959 và tại Ba tư năm 1979 cuối cùng vào tù hết cả.

Trong tuần này, đài truyền hình bên Mỹ có chiếu lại cuộc họp báo của ông cựu Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ông ấy nói là nước Nga hiện nay chỉ có dân chủ bề ngoài, hình thức mà thôi, chứ thực chất không có. Một nước lớn như Nga sau 70 năm nằm dưới chế độ cộng sản và với quyết tâm của dân chúng loại bỏ cái chế độ thất nhân tâm, lỗi thời như thế mà cũng chưa có dân chủ thực-sự gây thất vọng cho nhiều người cũng là điều đáng suy ngẫm vậy.

Nguyễn Văn Huy
Đọc thêm :
wikipedia - huyenthoai -