Monday, March 7, 2011

Vietnamese Jasmine Revolution


Sẽ có ‘Cách Mạng Hoa Nhài’ tại Việt Nam


Gần đây cụm từ “Cách Mạng Hoa Nhài” trở nên phổ biến rộng rãi trên các luồng thông tin. Khác với các cuộc cách mạng từ Đông Âu; cách mạng Nhung, cách mạng Màu…trước đây, Cách Mạng Hoa Nhài mang quốc tế và thời sự cao hơn, vượt ra khỏi tầm địa lý châu lục và tạo sự liên tưởng gần gũi đến những khát vọng tự do dân chủ cho ngay cả người Việt Nam và Trung Quốc.

Không thể chối cãi rằng ảnh hưởng của cuộc Cách Mạng Hoa Nhài đã đến với Trung Quốc qua cuộc xuống đường của người dân Bắc Kinh, Thượng Hải trong hai tuần vừa qua. Tuy hiện nay vẫn hãy còn quá sớm để luận sự thành bại của các cuộc vận động “Tụ Tập Hoa Nhài”, “Tản Bộ Hoa Nhài” này vì thực sự phong trào vận động vẫn còn đang tiếp diễn.

Đứng trên góc độ khách quan mà xem xét, phong trào Hoa Nhài đã buộc nhà cầm quyền Trung Quốc phải “đối thoại” và phản ứng tức thời từ nhân sự cao cấp như Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo cho đến những lực lượng công an cảnh sát đông đảo huy động đến để trấn áp áp người tham dự.

Những hình ảnh người dân Trung Quốc hô vang khẩu hiệu cho đến sự va chạm với cảnh sát trên đường thực sự không khác gì các cuộc xuống đường đòi hỏi chính quyền. Tuy ở mức độ nhỏ hơn các nước Bắc Phi và Trung Đông nhưng rõ ràng người dân Trung Quốc đã hưởng ứng. Cách Mạng Hoa Nhài đã được thoát thai chập chững đi vào lãnh thổ Trung Quốc.

Hiện nay, nhà cầm quyền Trung Quốc đang hết sức kiểm duyệt các tranh luận về Hoa Nhài coi như là biện pháp tối ưu và dứt khoát nhất để nhấn chìm phong trào này.

Hương Vị Hoa Nhài

Không như những tuyên ngôn cải lương dao to búa lớn của các cuộc cách mạng trong quá khứ, cách mạng Hoa Nhài lan tỏa bằng bằng hương vị rất riêng của nó. Chỉ cần người ta nhắc đến Hoa Nhài thôi cũng đủ biến chủ đề này thành một thứ tâm lý thời sự khiêu gợi tính hiếu kỳ. Tuần trước, thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo lên mạng nói chuyện với toàn dân trước đêm cuộc “Tản Bộ Hoa Nhài” lần 2 tại Bắc Kinh và Thượng Hải đã thậm chí không nhắc đến cụm từ Trung Đông để tránh né liên tưởng dẫn đến việc thừa nhận Hoa Nhài là một thực thể.

Nếu lỡ lời ra tuyên bố phủ nhận phong trào này mặc nhiên là thừa nhận sự xuất hiện phong vị của nó. Trong lúc đó, chính phủ Trung Quốc cũng đổ vấy lên đây là sản phẩm của báo chí truyền thông và ra sức ngăn chặn các luồng thông tin cho cuộc kêu gọi vào những Chủ Nhật sắp tới.

Ở Trung Quốc bây giờ kiểm duyệt luôn cả những bài viết chống lại trào lưu Hoa Nhài. Chế độ kiểm duyệt quy định rằng những bài viết không tán thành, chống, hoặc phỉ báng tức là gián tiếp thừa nhận trào lưu cách mạng Hoa Nhài làm hoang mang tâm lý dân chúng.

Nhưng nếu không chống thì không thể nào kiểm soát được sức lan toả và kéo theo những động loạn không thể ngờ tới. Nhà nước cộng sản Trung Quốc đang tỏ ra rất lúng túng trong việc tìm cách lý giải các cơn bão tài chính giá cả theo một lý do quanh co khác.

Ngay vào lúc lời hiệu triệu xuống đường vừa xảy ra và gây phấn chấn trong thế giới người Hoa thì tại Hồng Kông, người được coi là đứng đầu bộ môn tuyên truyền của Trung Quốc (viết tắt: Trung Liên Biện Tuyên Truyền Bộ) Hách Thiết Xuyên đã họp báo phủ nhận “Cách Mạng Hoa Lài”. Quan chức Trung Quốc cho rằng với tình hình kinh tế phát triển hiện nay, “nhân dân Trung Quốc cảm thấy tự hào, chính phủ đang được sự ủng hộ, những người hy vọng rối loạn xảy ra rất là vô trách nhiệm. Dân chúng sẽ bị tổn hại trước.”

Tuy nhiên, lời của họ Hách chỉ là tiếng nói bào chữa từ quan cách bảo vệ chế độ chứ không phải là tâm lý xã hội hiện nay. Chính phủ Trung Quốc đang đối đầu với bão giá và sự bất mãn trong dân chúng đang gia tăng mỗi ngày.

Một học giả về các vấn đề xã hội Trung Quốc, Đinh Học Lương phân tích trên BBC Hoa Ngữ rằng Cách Mạng Hoa Là là một quả bom nổ chậm. Cho dù quy mô của Hoa Lài Trung Quốc không bằng Trung Đông và Bắc Phi nhưng không có nghĩa là những bất mãn, giận dữ trong lòng dân chúng Trung Quốc không có ở mức độ tương tự.

Lấy khái niệm của “Định Thời Tạc Đạn”, bom tới giờ nổ của bản hiệu triệu hẹn nhau xuống phố vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, học giả Đinh Học Lương cảnh báo rằng thực tế về mặt oán hờn, quả bom lớn hơn (bất ổn toàn diện) sẽ nổ vào bất cứ lúc nào (Bất Định Thời) không theo phương thức, thời gian, địa điểm như các lời kêu gọi.

Hoa Nhài Việt Nam

Hiện nay, ở Việt Nam trào lưu Hoa Nhài đang manh nha và các xu hướng trên các diễn đàn còn đang tranh luận rằng điều này có thể xảy ra hay không. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, định nghĩa và cả tâm lý kỳ vọng mà người ta cũng phải ghi nhận rằng thực tế Hoa Nhài có thể đã lan tỏa theo hương vị riêng của nó tại Việt Nam.

Lấy thí dụ rằng Trung Quốc đang phong bế các thông tin về Hoa Nhài coi như là biện nhấn chìm làn sóng cách mạng. Nhà cầm quyền Việt Nam có thể chọn phương thức nhấn chìm thông tin, cho công an canh chừng bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến như kiểu Trung Quốc. (Và một thực tế nữa là người dân Trung Quốc và Việt Nam cũng có những tương đồng về phương diện bất mãn xã hội như giá cả tăng vọt, dân oan khiếu kiện vv.)

Khi nào chính quyền ra tay ngăn chặn Hoa Nhài, thực tế trấn áp này đã được ghi nhận. Nếu cuộc cách mạng thành công thì các học giả lại nhảy vào tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và trực tiếp rồi sẽ đi kết luận rằng thời điểm thai nghén bắt đầu cách mạng còn sớm hơn những lúc vào 2:00 giờ chiều của ngày Chủ Nhật đầu tiên.

Hiện nay điều khác nhau là Trung Quốc đã có biểu tượng xuống đường coi như bằng chứng để chính đáng hóa linh hồn cách mạng Hoa Lài Trung Quốc. Việt Nam thì chưa có nhưng thực tế này cũng sẽ có những chuyển biến bất ngờ.

Nếu coi rằng phương tiện truyền thông đã châm ngòi cho “Cách Mạng Hoa Nhài” như nhà cầm quyền Trung Quốc đã chỉ trích thì ở Việt Nam hiện chưa có nhân tố này coi như là biểu tượng “định thời” cho một cuộc xuống đường.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian Hoa Nhài Bắc Phi, Trung Đông và cả Trung Quốc, ở Việt Nam cũng có nhiều cuộc xuống đường nhen nhúm của dân oan khiếu kiện nhưng chưa có hãng truyền thông và dư luận nào đủ uy tín để làm giấy khai sinh cho một trào lưu mang tên Hoa Lài.

Xét cho cùng, Hoa Lài chưa đến Việt Nam cũng chỉ còn là vấn đề của khái niệm, phương thức và thuật ngữ.

Trần Đông Đức
@ nguoi-viet
Đọc thêm rfavietnam