Monday, March 21, 2011

Libya


Lều chõng tân thời

Video Libyan revolution

Tình-hình chiến-sự sôi-động tại Libya, nhất là trong hai ngày nay khiến cho công chúng tò-mò và chú-ý nhiều đến lãnh-tụ Moammar Gadhafi của nước này. Phải nói đây là một nhân-vật lãnh-đạo rất hiếm hoi của thế-giới trong thời-đại này. Gadhafi là một con người lạ-lùng không giống bất cứ một nguyên-thủ quốc-gia nào khác trên quả địa cầu. Nơi ông chứa chất đầy-đủ tính-chất của một cá-nhân thích làm nổi bật chính mình qua cách phục sức, nói năng, lỳ lợm, đa nghi, sắt máu, độc-tài vừa cá-nhân, phát-xít, vừa cộng-sản, một người say-mê, thích bấu víu vào quyền-lực, có vẻ can-đảm, nhưng cũng lộ vẻ sợ chết, với tham-vọng lớn lao: lãnh-tụ của cả khối Phi châu và Trung đông. Có tài luồn-lách vượt qua nguy-hiểm trong gang-tấc và sẵn-sàng chấp-nhận nhịn nhục vượt qua bão táp để tiếp-tục cầm quyền. Có người xếp Gadhafi vào loại gan dạ, nhưng cũng có người xếp ông ấy vào loại điên khùng. Có những lúc ông này tưởng chừng như đang đi vào đường cùng nhưng nhờ may-mắn và xoay xở, ông ấy đã thoát-hiểm và lại trở lại góp mặt với đời như là một nhân-vật thời sự nóng bỏng. Người ta vừa khen, vừa chê, vừa ghét, vừa giận ông này qua các hành-động của ông trong quá khứ đối với thế-giới và đối với chính dân-tộc của ông. Nghĩ đến ông, người ta lại nhớ đến những điểm đặc-thù của con người ông đến phải dở khóc dở cười!

Gadhafi năm nay gần 70 tuổi, thích được người khác gọi là đại tá, là một lãnh tụ cầm quyền tại Libya đến hơn 40 năm nay, lâu nhất thế-giới. Ông thích mặc quần áo mầu mè, luôn luôn đội mũ, đeo kính thời-trang, dùng một đội vệ sĩ gồm 40 thiếu nữ trẻ và thích dựng lều để ở và tiếp-khách khi đi công du nước ngoài. Về khoản này, ông đi sau sĩ tử Việt Nam rất xa. Ngày xưa tại Việt Nam dưới thời quân chủ, các thí-sinh phải tự túc mang theo lều chõng dùng vào việc thi cử. Ngày nay, Gadhafi dùng lều chõng cho việc họp-hành quốc-tế. Ông này không chịu ngụ trong các khách-sạn hay dinh-thự dành cho quốc khách.

Vào tháng 4 năm 2004, trong chuyến viếng thăm nước Bỉ, Gadhfi cho dựng lều trong công-viên lâu-đài Val Duchee tại thủ-đô Brussells.

Vào tháng 12 năm 2007, trong chuyến sang Pháp, Gadhafi cho dựng lều cạnh lâu-đài Marinie đối-diện với điện Elysée.

Vào tháng 10 và tháng 11 năm 2008, trong chuyến qua Nga, Gadhafi dựng lều trong khuôn-viên Điện Cẩm linh, trong khu vườn Taininski thoai-thoải nhìn xuống dòng sông Moscow.

Vào tháng 8 năm 2009, trong chuyến sang Hoa Kỳ tham-dự phiên-họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tổ-chức tại New York, theo thông-lệ, Gadhafi lại đòi dựng lều tại New York. Gặp phải sự phản-đối kịch-kiệt của các chính-trị gia Mỹ, Gadhafi bèn cho dựng lều ở tiểu-bang bên cạnh, New Jersey. Ông ấy vừa có vẻ như muốn tạo sự chú ý của quần chúng, vừa lập dị, và vừa đa-nghi sợ bị nghe lén và ám-sát!

Sau khi nghe tin LHQ đưa ra nghị-quyết thiết-lập vùng cấm bay trên cả nước Libya, Gadhafi biến-chiêu, ra lệnh ngưng-bắn ngay lập tức. Phía phiến quân miền đông bảo rằng trên thực tế binh sĩ và lính đánh thuê gốc Phi châu của phe chính-phủ với sự yểm-trợ của thiết-giáp và phi, pháo vẫn tiếp tục tấn công và siết vòng vây Benghazi. Thế là sau khi được LHQ bật đèn xanh với nghị-quyết cấm bay vào tối Thứ Năm, và được Tổng Thống Hoa Kỳ Obama cho lệnh xuất phát, nhằm bảo-vệ tính mạng của phiến-quân và thường dân Libya, Hải-quân Mỹ đã cùng với Anh và Pháp phóng hỏa-tiễn và cho xuất-phát các phi-vụ nhắm vào các dàn phòng-không, phi-trường của Lybia, các xe thiết-giáp và lự-lượng bộ binh của Gadhafi đang vây quanh Benghazi. Để giữ an toàn cho phi-cơ liên-quân, các dàn hỏa tiễn SAM nằm dọc theo bờ biển phía bắc của Libya là mục-tiêu ưu-tiên cần triệt hạ trước.

Trong đợt tấn-công đầu-tiên, các chiến-đấu cơ phản-lực của Pháp từ ngoài biển Địa Trung Hải bay đến pháo-kích các vị trí xe tăng và quân chính-phủ Libyan quanh Benghazi, trong lúc phản-lực cơ Anh quốc oanh tạc xứ Bắc phi này. Cùng một lúc, Hải quân Mỹ và Anh đã phóng ồ ạt phi-đạn Tomahawk từ các tàu chiến và tiềm thủy đỉnh ngoài khơi Địa Trung Hải nhắm vào 20 địa-điểm phòng không Libya nằm dọc duyên-hải dọn đường cho các phi-vụ kế tiếp của liên-quân nhắm vào các phi-trường của Libya.

Điểm đặc-biệt của cuộc tấn công Libya lần này là sự tham-dự của các phản-lực cơ Harrier của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và các phóng-pháo cơ tàng hình B-2 của Không quân Hoa Kỳ. Phi cơ Harrier xuất-phát từ các tàu đổ bộ đậu tại Địa Trung Hải, trong khi máy bay B-2 xuất-phát từ nội địa Hoa Kỳ. Các phi-cơ B-2 cất cánh từ căn-cứ Không quân Whiteman tại tiểu-bang Missouri, đã bay khứ hồi mất 25 tiếng đến Libya thả hết 45 quả bom, mỗi quả nặng 2000 cân Anh.

Như người khác, để tránh thiệt-hại cho đất nước và tránh tang tóc cho người dân, nhà lãnh-tụ thấy đã đến lúc phải ra đi, ấy nhưng ngược lại, Gadfafi trong trường-hợp này lại tuyên-bố sẽ không giảm áp-lực đối với Benghazi và sẽ cho mở các kho súng để phân-phát cho dân chúng Libya để họ được trang-bị súng tự động, đại bác và bom chống trả cuộc tấn công, và những người này sẽ tập-trung vào các phi-trường dùng thân làm lá chắn đỡ đạn. Ngoài ra, Gadhafi còn nói là các hành-động quốc-tế nhằm chống lại lực-lượng của ông ta không có lý do chính-đáng, mà giản-dị chỉ là sự xâm-lăng thánh-chiến để chiếm thuộc-địa có thể dẫn đến một cuộc thánh-chiến qui-mô khác. Lãnh-tụ Libya nhanh-chóng tiếp-viện mặt-trận Benghazi với phi-cơ, xe tăng và bộ binh nhưng lực-lượng của ông ấy đã bị các phi-cơ của Pháp bắn cho tan nát. Dân chúng Benghazi bảo là sự trợ giúp của liên-quân Tây phương đến thật đúng lúc và nhờ thế đã nâng cao tinh-thần chiến đấu của mọi người.

Moammar Gadhafi là người khôn ngoan xưa nay biết tiến thoái đúng mức nhưng có lẽ lần này ông ấy khó bảo-vệ được sinh-mạng.

Trong quá khứ, Gadhafi đã gây rất nhiều phiền toái cho Tây phương, nhất là Mỹ, mà chẳng bị hề-hấn gì.

Trong lúc Tổng Thống Nixon đang cầm-quyền tại Hoa Kỳ, Gadhafi lúc ấy là một quân-nhân 27 tuổi đã cùng nhóm sĩ-quan trẻ đứng lên làm cuộc đảo chánh lật đổ Vua Idris của Libya đang dưỡng bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ, thành-lập Cộng-Hòa Ả rập Libya. Ngay sau đó, ông ấy trở thành Đại Tá, cho lệnh trục-xuất các lực-lượng Hoa Kỳ và Anh ra khỏi nước Libya, đòi-hỏi tăng giá dầu phần lớn xuất-cảng sang Âu châu và được đáp-ứng ngay. Để cô-lập Gadhafi, Tổng Thống Nixon tăng viện-trợ quân-sự cho hai đồng-minh Ả rập Saudi và Ba Tư. Chiến-lược này thất-bại vì hai nước ấy gia-nhập các nước sản-xuất dầu Trung Đông để tẩy chay dầu hỏa năm 1973 nhằm trả-đũa Hoa Kỳ trong quyết-định tái cung-cấp võ-khí cho Do Thái suốt cuộc chiến Yom Kippur. Đến năm 1979, chính-phủ thân Tây phương của Ba Tư lọt vào tay cách-mạng Hồi giáo.

Suốt trong thập niên 1970, Gadhafi yểm-trợ võ-khí, huấn-luyện và cung-cấp nơi an-toàn cho quân khủng-bố. Tổng Thống Jimmy Carter gọi Gadhafi là "chồn hôi", không giao-thiệp với nước này.

Vì chính-sách ngoại-giao mềm yếu đến độ bị xem là nhu-nhược đối với các nước Trung Đông quá-khích như Libya và Iran, ông Carter bị thất-cử. Tổng Thống Ronald Reagan lên thay. Ông gọi Gadhafi là "tên điên của Trung Đông". Năm 1981, Tổng Thống Reagan trục-xuất phái-đoàn ngoại-giao Libya khỏi Hoa Kỳ sau khi nhận được báo-cáo cho biết các đội ám-sát của họ đang nhắm vào các giới chức ngoại-giao Mỹ. Vào năm 1986, có tin Libya đứng sau vụ nổ một hộp đêm tại Bá Linh, Đức làm chết ba người trong đó có hai quân-nhân Hoa Kỳ, Tổng Thống Reagan cho lệnh phi-cơ Mỹ dội bom Tripoli và Benghazi trong đó có nơi cư ngụ của Gadhafi. Nhà lãnh-tụ Lybia số còn lớn, thoát-hiểm mặc-dù cả trăm người khác bị chết trong đó có con gái nuôi của ông ấy. Vẫn cái đà khủng-bố tiếp-tục, vào năm 1988 chiếc phi-cơ dân-sự 103 của hãng hàng-không Hoa Kỳ Pan Am trong lúc đang bay ngang vùng trời Lockerbie xứ Tô Cách Lan bất thình-lình bị nổ trên trời khiến 270 hành-khách mà phần lớn là người Mỹ tử nạn. Người ta tình nghi thủ-phạm là Lybia. Một vài kẻ thủ phạm người Lybia bị cơ-quan tình-báo Anh bắt và bị đưa ra tòa kết án. Nhưng Gadhafi không nhận trách-nhiệm về vụ nổ máy bay này. Vài năm sau, Libya nhận trách-nhiệm và đồng-ý bồi-thường về tiền bạc cho gia-đình các nạn-nhân. Cách nay không lâu, một trong các thủ-phạm được chính-phủ Tô Cách Lan ân-xá với lý do người đàn ông này đang bị bệnh ung-thư nhiếp-hộ-tuyến vào giai-đoạn chót và chỉ còn sống được 6 tháng nữa mà thôi. Sau khi được trả tự do và trở về nguyên-quán, người đàn ông này vẫn còn sống nhăn cho tới bây giờ. Vấn-đề lại được báo chí hâm-nóng trở lại. Dư luận cho rằng sở dĩ Anh và Tô Cách Lan thả kẻ giết người Libya là vì cái mối lợi dầu hỏa; công-ty British Petrolium của Anh đang khai-thác dầu của Libya. Giới chức chính-phủ Tô Cách Lan thì giải-thích là họ thả người vì lý-do thuần-túy nhân-đạo dựa trên sự chẩn-bệnh của bác sĩ chuyên-môn. Mới đây nhất, Bộ Trưởng Tư-Pháp Libya, một giới chức cao-cấp trong chính-phủ Libya đã rời bỏ nội-các để phản-đối lãnh-tụ Gadhafi về việc ông này đàn-áp dã-man thường-dân Libya, đã tiết-lộ là ông có đầy đủ bằng-chứng cho thấy Đại Tá Gadhafi chính là người chủ-mưu ra-lệnh cho cấp dưới làm nổ chiếc Pan Am 103 vào năm 1988. Vì việc này, Hoa Kỳ đang đe sẽ chuyển hồ-sơ giết người của Gadhafi qua tòa án quốc tế thụ lý.

Tổng Thống Bill Clinton đắc-cử, duy-trì tiếp các chế-tài của Tổng Thống Reagan đối với Libya.

Đến thời Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush, Gadhafi lại tỏ ra ve-vãn Hoa Kỳ nhưng ông Bush phe-lờ luôn và tiếp-tục triển-hạn các biện-pháp chế-tài nói trên. Vào năm 2003, Tổng Thống Bush không cần có sự đồng ý của LHQ, đơn phương tấn-công Iraq, dẹp nhà độc-tài Saddam Hussein. Thấy nguy, không khéo ông Bush đang hăng máu, lấy cớ hỏi thăm sức khỏe chính mình, Gadhafi bèn xuống nước thỏa-mãn tất cả đòi-hỏi của Bush, từ bỏ các chương-trình chế-tạo võ-khí hạt-nhân và hóa-học, lên án khủng-bố. Mỹ bèn bỏ Libya ra khỏi danh sách các nước yểm-trợ khủng-bố. Thế là từ năm 2008 hai nước Hoa Kỳ và Libya thiết-lập bang-giao. LHQ và Hoa Kỳ có quan-hệ tốt với Libya cho tới 2009. Trong thời-gian ấy, một người con trai của Gadhafi đặc-trách về an-ninh, tóc để dài mốt thời thượng, có qua thăm Hoa Kỳ và cùng chụp hình lưu-niệm với bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton trông đằm-thắm vui vẻ lắm.

Cá tính của Gadhafi rất thất thường, vui đó nhưng nổi quạu cũng rất nhanh và có những phản-ứng khó tiên-liệu.

Như lãnh-tụ khác trong hoàn-cảnh hiện nay chắc là lo-lắng, ăn ngủ không yên vì thấy ở vào tuyệt lộ, không lối thoát. Hai quốc-gia thường bênh-vực ông ấy là Nga và Trung quốc phản-đối nghị-quyết cấm bay của LHQ bằng mồm. Trên thực-tế, hai nước hội-viên thường-trực của HĐBA ấy đã cùng bỏ phiếu trắng như ba nước hội-viện không thường-trực khác, Ấn Độ, Ba Tây và Đức. Bây giờ, Gadhafi bốn bề thọ địch, bị bao nhiêu nước lớn tấn công kẹt cứng ở giữa. Phía nam là sa mạc mênh-mông, dễ làm mồi cho phi-cơ Tây phương, phía tây là Tunisia vừa làm cách-mạng hoa Lài dẹp Ben Ali, phía đông là Egypt vừa có cách-mạng dẹp đột tài Mubarak thành-công, không có chỗ chứa cho nhà độc-tài, còn lại về phía bắc là Địa Trung Hải lởn vởn đầy tàu lớn, tàu nhỏ, tàu ngầm của Anh, Pháp và Mỹ đang đậu. Súng đạn xưa nay do Anh cung cấp bây-giờ đã ngưng. Nước nào có can-đảm đi qua vùng cấm bay để tiếp-tế cho Libya? Chẳng còn một ai. Không quân cả nước có khoảng 80 chiếc máy bay cũ thiếu bảo trì. Quân-nhu dự-trữ với kiểu này kéo được mấy hơi?

Lần này Gadhafi chỉ có-thể thoát chết nhờ vào may-mắn mà thôi. Ông ấy tuyên-bố sẵn-sàng trường-kỳ gian-khổ chiến-đấu. Nhưng mà nói là một việc còn trên thực-tế, lấy võ khí ở đâu mà chống-trả trường kỳ? Không chừng lần này Gadhafi vận hên vẫn còn.

Chỉ mới sau một ngày Libya bị oanh-tạc và ăn phải phi đạn từ phi-cơ và tàu chiến của liên-quân Tây phương, Gadhafi ngoài mặt vẫn giữ sự cứng cỏi, thề đánh nhau đến chết, trong khi Liên Minh các nước Ả rập, cái khối đã yêu-cầu LHQ ra quyết-nghị cấm bay lại cảm-thấy rét quá. Vừa nhìn thấy phi-pháo rợp trời Liên Minh sợ quá bèn phát-biểu là hành-động võ-lực của Tây phương đã vượt quá đà, đi quá mức cần thiết. Thế ra các ông hiểu từ ngữ cấm bay có nghĩa Tây phương chỉ dùng chiến đấu phản-lực cơ bay vòng vọng trên không Libya với mục-đích răn đe ngăn-cản máy bay của Không lực Libya không cho họ bắn vào dân thường và phiến quân ở phía dưới đất thôi không sao? Các ngài ngây-thơ quá! Nghị-quyết cấm bay cho phép Hải quân và Không quân Tây phương tấn-công bất cứ lực-lượng nào của phe Tripoli là mầm-mống nguy-hại cho dân chúng và dĩ nhiên phải hiểu là cho chính lực-lượng của Hải quân và Không quân Tây phương gồm các phi-cơ mà phi-công của họ. Các nơi bị pháo kích nói chung là địa điểm quân-sự. Nói rộng ra nơi cư ngụ của Gadhafi cũng được hiểu ngầm là nằm luôn trong danh-sách oanh-tạc. Đây là tổng hành dinh phát ra hiệu lệnh tấn công võ-trang, mà đã giao-chiến thì hơi đâu mà phân-biệt nữa. Mới hôm qua là địch thủ không thể hợp-tác, Tây phương giúp cho một tay làm suy-yếu tiềm-năng chiến-đấu của đối-phương thì hôm nay Liên Minh Ả rập lại bảo là làm quá! Nghĩ lại mới thấy lời nói của ông Chánh Văn Phòng William Daley của Tổng Thống Obama vào ngày 6 tháng 3 mấy tuần trước:"Nhiều người đưa ra câu nói 'vùng cấm-bay và họ nói về việc này như thể nó chỉ là một trò chơi, một video game, hay là cái gì đó. Có vài người nói ra chữ đó chẳng có biết họ đang nói cái gì." là đúng. Vì thế cho nên 'cấm-bay' phải hiểu một-cách nghiêm-chỉnh, sâu một chút là chết chóc thương vong chứ chẳng phải hù dọa dỡn chơi được.

Gadhafi có hy-vọng sống còn nếu các giới chức chính-phủ Hoa Kỳ nói thật lòng. Tổng Thống Obama trong chuyến công-du Ba Tây tuần này xác-nhận là ông sẽ không gởi bộ binh Hoa Kỳ vào Libya, rằng hành-động quân-sự của Mỹ và đồng-minh chẳng qua chỉ là vì không thể đứng yên chứng-kiến cảnh nhà độc-tài Libya nói với dân chúng của ông ấy là sẽ không có nhân-từ thương xót gì hết. Trong phần lượng-định tình-hình thiệt-hại của Libya sau chuyến không kích ngày hôm qua, Đề Đốc William Gortney, giám-đốc văn-phòng Đô Đốc Tổng tham-mưu trưởng liên-quân Hoa Kỳ nói rằng Gadhafi không phải là mục-tiêu của cuộc oanh tạc, nhưng Đề Đốc không thể bảo-đảm an-toàn cho ông ấy. Còn Đô Đốc Mike Mullen, Chủ-tịch Tham-mưu liên-quân Hoa Kỳ phát-biểu rằng mục-tiêu của chiến-dịch quốc-tế này bị giới-hạn và nó không gồm chuyện ra đi của ông ta. Ông tướng giải-thích rõ mục-tiêu chính của chiến-dịch lần này là bảo-vệ thường dân tránh khỏi sự tấn công của lực-lượng thân Gadhafi trong lúc vẫn giữ được các sự tiếp-tế nhân-đạo.

Nếu nội-chiến kéo dài và phe phiến-quân không đủ khả-năng toàn thắng, Libya có thể sẽ mặc-nhiên rơi vào tình-trạng xứ sở chia đôi, miền tây vẫn ở dưới sự cai-trị của Gadhafi và miền đông dưới sự lãnh-đạo của Hội Đồng Chính phủ Libya có sự tham-gia của các chính-trị gia, bộ trưởng và quân-nhân Tripoli bỏ ngũ trước đây. Trừ phi phe phiến quân có một nhân-vật có tầm-cỡ và uy-tín và không liên-hệ đến Hồi giáo cực-đoan thì các nước Tây phương tiện đà loại bỏ Gadhafi lần này, trừ khử dứt khoát những cái nhức đầu cho Tây phương và nhiều nước Trung Đông trong Liên Minh Ả rập. Về mặt chính-trị và ngoại-giao, Pháp và Anh có vẻ muốn dứt điểm Gadhafi lần này. Tình-trạng không được giải-quyết sớm, Anh và Pháp sẽ mất mối lợi về dầu hỏa vào tay Trung quốc, Nga và Ấn Độ. Gadhafi đang kêu gọi và dành mọi sự dễ dãi và quyền-lợi cho ba nước không ủng-hộ cuộc tấn-công Libya của Tây phương kỳ này.

Nói cho đúng ra, các nước chỉ hành-động dựa vào quyền-lợi quốc-gia của họ mà thôi, chứ chẳng quan-tâm nhiều đến sinh-mạng dân chúng Libya. Ngoài ra, có nước cũng độc-tài và dã-man không kém Libya và nếu theo phe đa số các quốc-gia Tây phương để chống độc-tài và cai-trị dã-man của lãnh-tụ Lybia thì có khác gì tự mâu-thuẫn trơ-trẽn với chính họ. Và rồi chẳng chóng thì chầy, bản thân họ sẽ cùng chung số phận thôi. Với cái đà này, dân chúng các nước sẽ tỉnh-ngộ hết, và sẽ nhận ra đây là kỷ-nguyên dân-chủ trong đó người dân đích-thực là làm chủ lấy vận-mạng của mình, thấy rằng các quyền tự-do căn-bản của người dân là đương-nhiên chứ chẳng phải ân-huệ do một nhóm lãnh-đạo nào ban-phát và như thế các chế-độ độc tài cứ là từ từ rơi rụng hết. Dân chúng Tunisia, Ai cập và Libya làm được mà người Trung Hoa hay người Việt Nam có điểm nào thua sút họ đâu, thế thì tại sao người Trung quốc và người Việt Nam lại có thể an-phận thủ-thường với hiện-tại mà không cùng nhau tranh-đấu cho một nền dân-chủ đích-thực trong đó có sự tôn-trọng dân quyền, nhân phẩm của mọi người được xem là bình-đẳng trên quả đất này?

Có tài giỏi và may-mắn đến đâu thì cầm-quyền đến hơn 40 năm đã là quá lâu rồi, chẳng có ai tài giỏi và may-mắn mãi được. Ngày hôm qua, Đề Đốc William Gortney, giám-đốc văn-phòng Tổng tham-mưu trưởng liên-quân Hoa Kỳ nhận-định là trận không-kích của Anh, Pháp, và Mỹ đã tiêu-hủy phần lớn dàn phòng không Lybia. Ông ấy nói rằng cuộc oanh tạc đã thành-cộng đáng kể, làm cho lực-lượng của Gadhafi bị mất tinh-thần, ở trong tình-trạng cô-lập và hoang-mang cực độ. Ngay cả tòa nhà lớn của chính-phủ tại Tripoli, nơi mà Gadhafi đặt văn-phòng cũng bị lãnh bom và bị thiệt hại nặng vào tối chủ nhật như thế thì cái việc Đề Đốc Gortney nói là không thể bảo-đảm an-toàn cho ông Gadhafi là một việc đáng để cho các nhà độc-tài khác trên thế-giới suy ngẫm! Lần này Gadhafi thoát chết nhưng lần sau không ai dám nói chắc! Việc này có thể xảy ra cho lãnh-tụ Libya thì nó cũng có thể xảy ra cho bất cứ các nhà độc-tài nào khác còn sót lại trên hành tinh này.

Lều chõng tân-thời sẽ tan-tác cùng ông chủ, cơ-hội cắm dùi chắc chẳng còn!


Nguyễn Văn Huy
21/3/2011
Đọc thêm : Chungta - Vietnam - China -