Saturday, April 16, 2011

Orchid LÂM QUỲNH


Bà Trần Lệ Thu, với nỗi Ngậm Ngùi Huy Cận
Cùng với mùa hè Hà Nội, tôi đem cả cái chói gắt của nắng về căn phòng của mình ở một khách sạn gần Hồ Hoàn Kiếm. Tôi tắm thật nhanh; chọn bộ quần áo mới, để chuẩn bị đón người bạn đời của tác giả “Lửa Thiêng.” Tôi cho rằng, sự “dọn mình” một cách cẩn thận đó là một bày tỏ trân trọng, cần thiết, đối với bà Trần Lệ Thu, khuê danh của bà Huy Cận; dù tôi đã thất vọng không ít, khi bà cho biết, bà không thể tiếp tôi tại căn nhà số 24 đường Ðiện Biên Phủ. Nơi ông bà trải qua trên 40 năm chung sống. Nơi, từng viên gạch, từng gốc cây, từng bụi cỏ, từng bậc thang… đã là những nhân chứng dài lâu của một tình bạn gần như duy nhất, trong lịch sử văn chương Việt Nam. Tình bạn giữa Xuân Diệu và Huy Cận. Qua điện thoại, bà nói, bà sẽ giải thích cho tôi biết lý do… khi hai bà cháu gặp nhau.(Hình phải:Tác giả Orchid LQ )

Như mẹ tôi cho biết, trái ngược với đa số người Việt Nam, bà Trần Lệ Thu là người rất đúng hẹn. Mẹ tôi bảo, khi bà ấy hẹn gọi lại, thì chắc chắn bà sẽ gọi. Khi bà nói, trong vòng nửa tiếng nữa, bà sẽ có mặt thì… “Con phải xuống phòng tiếp tân của khách sạn trước giờ hẹn. Bởi vì, bà rất đúng giờ…”
Và, đúng vậy.

Tôi không biết điều gì đã mách bảo tôi, người đàn bà mảnh khảnh, có đáng đi khoan thai, đôi mắt nhìn thẳng, ngời ngợi u uẩn…nhưng không vì thế mà nó che dấu được niềm kiêu hãnh, tự tin đến mặc nhiên. Tôi “nhận” ra bà, ngay khi bà vừa xuống xe, trước khách sạn.

Tôi không biết điều gì, khiến tôi tin chắc, tôi không lầm, lúc ào ra, chào đón bà giữa đám người nhấp nhô, lố nhố qua, lại trước khách sạn. Khi bà ôm tôi, như ôm một đứa cháu nhỏ, tôi muốn nói với những ngón tay thân thiết của bà, đang choàng qua vai tôi rằng: “Ô! Ðây rồi! Ðúng rồi! Bà Huy Cận!”

Tôi nghĩ mai này, nếu có ai làm khó yêu cầu tôi nói rõ hơn cảm nhận của mình, khi mới gặp bà Trần Lệ Thu, ngoài tiếng kêu thầm…“Ðúng rồi! Bà Huy Cận!”… chắc tôi không thể nói gì khác hơn, những điều trực giác đã mách bảo!

Do công việc, nghề nghiệp phải tiếp xúc với nhiều lớp người khác nhau, trong những năm gần đây, giúp tôi thấy rằng, mỗi dân tộc có chung một số mẫu mã… Nhưng, những người đặc biệt, hay những người sinh ra với một duyên nghiệp khác thường, hay một định mệnh lớn, nơi họ như phát tỏa một vẻ gì đó, khác lạ số đông. Ðiều nầy tôi nghiệm ra được từ cô Kiều Chinh. Trong bất cứ một tấm hình nào, dù chụp với đông người hay ít người, với Mỹ hay Việt, nếu có cô Kiều Chinh, thì dù cô đứng ở bất cứ góc nào trong tấm hình, chỉ thoáng qua là ta có thể thấy cô ngay, ở cô như có hào quang. Chỉ cần một chút nhậy cảm thôi, người ta sẽ dễ dàng nhận ra cái khác lạ ấy. Và duyên nghiệp khác thường của người bà Trần Lệ Thu, theo lời kể của bà, có thể tóm tắt nhau sau:(Hình phải : Orchid và bà Trần Lệ Thu)

Là con gái của nhà tư bản, chủ hãng dệt nổi tiếng Ðại Tân – Hà Nội, trước năm 1945, ngay tự thuở còn bé, hàng ngày bằng xe hơi, bà Trần Lệ Thu đã được bố mẹ cho học trường tiểu học Félix Faure, của Pháp. Bố mẹ bà cũng là vài người Việt đầu tiên mang sản phẩm (vải dệt) của mình sang Pháp, tham dự hội chợ Ðấu Xảo ở Paris. Trong thời gian toàn dân kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ kháng chiến, bố mẹ bà Trần Lệ Thu đã tặng cho ủy ban kháng chiến toàn quốc, toàn bộ 400 lượng vàng họ có. Nhờ thế, thân phụ bà được cử giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chính khu Liên-Trì. Năm 1948, ông bị Phòng Nhì của Pháp bắt. Họ mang ông đi bị biệt tích từ đó. Năm 1961, một lần nữa, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà nước, gia đình bà Trần Lệ Thu lại cống hiến toàn bộ bất động sản của mình cho chính phủ. Từ vị trí một đại tư bản, gia đình bà Trần Lệ Thu, trở thành tiểu thương, buôn bán lặt vặt qua ngày.

Kể tới đây, người bạn đời của tác giả “Lửa Thiêng” không nhìn tôi nữa.
Bà hướng đôi mắt ngời ngợi u uẩn, nhưng vẫn không che dấu được niềm hãnh diện, tự tin đến mặc nhiên.
Nhiều giây sau, khi sực tỉnh bà quay lại nhìn tôi. Bà mỉm cười nụ cười xấu hổ. Nụ cười không thể thấy thương và, quyến rũ hơn. Cái nụ cười thường có nơi người phụ nữ khi nhớ tới người yêu phương xa, lòng rộn ràng hay rạo rực hạnh phúc. Tôi càng thấy thương, thấy quyến rũ… muốn khóc, khi đó lại là nụ cười xấu hổ, hiếm hoi, nở trên đôi môi héo hắt của một quả phụ ở tuổi xế chiều!

Bà nói, giọng cao, ngân nga, tuồng như không chỉ cho một mình tôi nghe, mà còn cho cả tác giả “Lửa Thiêng” đang núp đâu đó nghe được nữa:
“…Nhưng cháu biết không, nhờ thế ông cháu được phép kết hôn với bà đấy!”
Bà giải thích, năm 1964, ngày 4 tháng 7, ông bà làm lễ thành hôn. Ông 46, còn bà thì 28…”

Thời gian đó nhà nước Cộng Sản miền Bắc vẫn còn giữ chế độ “quản lý,” tức quyết định việc hôn nhân của các cán bộ cao cấp. Nói rõ hơn, nhà nước không cho một cán bộ cao cấp như ông Cù Huy Cận được lấy vợ thuộc giai cấp tư sản. Thời gian đó, cũng là thời gian bà Trần Lệ Thu, đang là giáo sư dạy Nga ngữ cho một đại học ở Hà Nội.

Sống lại với tình yêu của mình, bà kể tiếp, vẫn giọng sôi nổi:
“…Mà cháu có biết ai giới thiệu bà với ông không? Chính là ‘bà mối’ Phạm Thị Trường đấy. A, chắc cháu đâu biết bà Phạm Thị Trường phải không nào? Bà ta là vợ nhà thơ Nguyễn Ðình Thi đấy. Nếu không có… “bà mối” Trường, chưa chắc bà đã lấy được ông của cháu. Mặc dù bà quen với ông Xuân Diệu từ năm 1958, khi bà mới thi đậu ban Nga văn, khoa Ngoại Ngữ, trường đại học Sư Phạm Hà Nội. Nghĩa là bà quen với bạn thân của ông cháu 6 năm, trước khi bà lấy ông…”

Từ đầu câu chuyện, tôi đã thấp thỏm chờ “cơ hội” để hỏi bà về tác giả “Thơ Thơ”, “Gửi Hương Cho Gió.” Nên, khi bà vừa nhắc tới Xuân Diệu, tôi “chụp” liền. Tôi ngắt lời bà:
“Thưa bà, con rất muốn nghe bà nói một chút về nhà thơ Xuân Diệu, sau đó, mình trở lại chuyện của ông. Ðược không ạ?”

Bà gật đầu, mau mắn:
“Gì chứ, về ông Xuân Diệu thì bà có nhiều chuyện để kể cho cháu nghe lắm. Nhưng có một chuyện mà bà nhớ nhất, nhớ mãi tới bây giờ; đó là chuyện khi hay tin bà được phép kết hôn với ông của cháu, ông Xuân Diệu gọi bà ra riêng, bảo:
“Không nói ra thì chị cũng biết là tôi mừng lắm, chuyện của Huy Cận và chị. Tôi biết anh Cận là người đặc biệt. Anh được trời cho một trực giác mạnh mẽ. Tôi nghĩ có thể chính trực giác của anh ấy đã báo trước cho anh biết, sẽ có ngày gặp chị… Trong khi chị lại là người cứng cỏi, bao nhiêu năm không chọn được cho mình một người để yêu… Nên, cuối cùng hai người tất phải gặp nhau thôi…”

Sau đó, ông Xuân Diệu còn dặn dò, như một người anh lớn dạy bảo em gái trước khi đi lấy chồng rằng:
“Chị là con gái mà lại lập gia đình với người đã có con riêng, lại lớn tuổi nữa, thật khó khăn lắm đấy. Nhưng tôi tin với nghị lực và nhân cách đặc biệt của chị, chị sẽ vượt qua dễ dàng thôi. Tuy thế, tôi vẫn muốn nhắc chị một điều mà các cụ mình ngày xưa vẫn bảo chúng ta rằng, nếu ta hết lòng thương yêu người thì thế nào rồi người cũng sẽ thương yêu lại ta thôi…”

“…Nhưng mà, cháu có tin không, sự thực, cuộc đời đôi khi đã không như mình tưởng…!”
Tới đây, bà Trần Lệ Thu lại nín lặng. Bà lại không nhìn tôi. Bà lại hướng về khung cửa sổ. Nơi, những đám mây xám bị cháy, rách bởi mặt trời đã xuống thấp; nhưng vẫn hung hãn ném lên bầu trời những búi lửa rực. Và, bất ngờ, những giọt lệ vốn rình rập quanh quất đâu đó, lại thừa cơ trào ra.

Lần này, tôi không dám phỏng đoán niềm bí ẩn nào đang đưa tay chắt mót những giọt lệ còn sót, nơi trái tim tội nghiệp, khô héo của người đàn bà mất hết lẽ sống, khi người chồng đã về cõi khác.
Lần này, trong tôi, hoàn toàn tự nơi tôi thôi, những câu thơ thuở nào của tác giả “Lửa Thiêng” theo nhau trở về; như những lời tiên tri, ông viết để gửi lại cho người bạn đời của ông. Làm như ông biết trước, một ngày nào khi ông không còn nữa, người bạn trăm năm của ông sẽ “Trình Bày” trước đấng thiêng liêng, rằng:

“Trước Thượng Ðế hiền từ tôi sẽ đặt,
Trái tim đau khô héo thuở trần gian.
Tôi sẽ nói: ‘Này đây là nước mắt,
Ngọc đau buồn nguyên khối vẫn chưa tan’…”
(Trích Trình Bày, Huy Cận.)

Làm sao tan được! Khi sau đó bà Huy Cận rút ruột, phơi trần những cay đắng bà phải gánh chịu trong cuộc đời làm vợ một người đã nổi tiếng, lại có chức quyền!
Bà kể, ngay khi vừa được tin bà sẽ kết hôn với ông Cù Huy Cận, một người ruột thịt của ông, đã sỉ nhục bà bằng kết luận, bà nhận lời lấy ông chỉ vì “hám được ngồi… ô tô!” Trong khi ô tô, với bà ngay tự tấm bé, chỉ là một phương tiện di chuyển rất bình thường. Lại nữa, trong ít năm trước khi ông chết, một người con riêng của ông, được nhà thơ Xuân Diệu nhận làm con nuôi, đã vô đơn kiện, đòi chia đôi chủ quyền căn nhà ở đường Ðiện Biên Phủ. Căn nhà sinh thời, nhà nước cấp phát cho hai ông Xuân Diệu và Huy Cận. Vụ kiện cáo này, tới giờ vẫn chưa ngã ngũ…

“Chính vì thế mà bà không muốn tiếp cháu nơi căn nhà, vừa là kỷ niệm thiêng liêng của ông bà, vừa là nỗi nhục nhã, xấu hổ của ông bà nữa!..”
“Vâng! thưa bà, con hiểu!”
Tôi nói với bà, “Con hiểu,” mặc dù, chính tôi không dám chắc có thực sự tôi hiểu.
Cũng như trước đó, tôi nói “Con hiểu!” khi bà nhắn nhủ tôi rằng: “Con chỉ có thể làm vợ một thi sĩ nổi tiếng, nếu con chấp nhận được sự thực: Lúc còn sống, không bao giờ người đàn ông đó hoàn toàn là của riêng con…”

Tâm sự hay nỗi lòng của bà, khiến tôi thấy, hình như tôi đã không sai lắm, khi nghĩ, bà thuộc lớp người sinh ra với một nghiệp duyên khác thường!
Tới đây, tôi muốn viết hoa chữ “khác thường”, vì hơn một năm trời, kể từ ngày nhà thơ Huy Cận không còn nữa, bà vẫn lủi thủi trở lại ngôi nhà, trở lại căn phòng ông bà từng sống, để nhặt nhạnh, thu góp từng kỷ vật, từng mảnh giấy vụn có chữ của ông, dù chúng đã bị ông vứt vào sọt rác.

Bà nói thêm:
“Ðó cũng một trong những việc làm ý nghĩa nhất của bà, những ngày đợi chết, theo ông!”
Tới đây, tôi thấy, bà không chỉ có một nghiệp duyên khác thường. Mà, ở nơi bà chính là một nhân cách lớn. Phải có một nhân cách đủ lớn, bà mới có thể bao dung, bảo bọc Huy Cận và di sản thi ca của ông. Ðể cả hai cùng không bị tì vết.

Cùng với Hà Nội, chói gắt mùa hè 2006, tôi trở về California, với ý nghĩ: :
Mai kia, nếu ai hỏi tôi về tên thật của tác giả “Lửa Thiêng”, trong một nghĩa nào đó, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng:
“Ông Huy Cận tên thật là…Trần Lệ Thu… Và, người bạn trăm năm của ông, trong kiếp này, đã “đăng ký” với…Thượng Ðế, để kiếp sau, vẫn tiếp tục là bà…Huy Cận!”

Orchid LÂM QUỲNH
(Calif. 8-07)
@tuoitrevnnet  -
Đọc thêm:  dutule chhv.tk - xuandieu - nguyendangmanh -