Thursday, April 21, 2011

Menamblog


 Ngư trường truyền thống.

Phóng sự "Ngư trường truyền thống" do Đài Truyền hình Quảng Ngãi thực hiện kể lại sự trở về của ông Mai Phụng Lưu - một người được gọi là "sói biển" gắn bó nhiều năm với ngư trường Hoàng Sa - sau nhiều ngày bị Trung Quốc bắt giữ.
Khi được phóng viên hỏi:
- "Sửa tàu xong rồi anh có tiếp tục ra đánh bắt ở Hoàng Sa không?"

Mai Phụng Lưu ngần ngừ:
- À... à, cái này chắc không dám nữa vì nó đánh, nó tra điện quá. Tui cứ nghĩ là đất Hoàng Sa là lãnh thổ của mình, ờ mình cũng nghĩ là hồi kia cũng của mình giờ nó có bắt thì nó cũng không làm gì lắm chứ biết dzầy cũng hổng dám ra, do nó bắt rồi nó đánh, nó tra điện miết đó, giờ cũng không có dám nữa.
Đó là lúc chưa hoàn hồn, nhưng nửa tháng sau ông Lưu lại đưa ra ý định trở lại Hoàng Sa, và đoàn làm phóng sự đã ra đảo Lý Sơn để gặp ông.
Nghe đoạn chị Lan (vợ ông Lưu) trả lời phóng viên, nước mắt tôi rưng rưng:
"Cái hồi nhiều lúc tôi chọc tôi kêu có bà vợ ở ngoài Hoàng Sa hay sao á. Tui nói chắc ba mày có vợ ở ngoài Hoàng Sa cho nên mới ghiền ra Hoàng Sa miết đó. Chứ đi làm gì mà cứ bắt với đập, làm cái chi mà đánh với đập miết. Có hồi bị đánh đập về giấu không nói vợ..."
Đã mang nghiệp biển, không đi biển như bị trói tay trói chân, và chỉ có Hoàng Sa vùng biển truyền thống của ngư dân Lý Sơn mới cho họ nhiều cá mực mặc ở đó đang có nhiều thách thức. Nếu trước kia thách thức duy nhất là thiên tai, còn bây giờ cộng thêm một thách thức không phải do thiên tai.
Ông Nguyễn Đảng - người từng bị Trung Quốc bắt giữ hai lần khi đánh bắt ở Hoàng Sa nói:
"Nếu ai không đi làm thì thôi chứ ai đi làm ra đó họ, cái tư tưởng của họ đó là cũng như là của mình rồi, cũng như quê hương vậy đó, cũng như một cái ruộng rẫy của mình vậy, mình tới mình làm miết thôi chứ còn nghỉ là nghỉ không được.."

Trả lời câu hỏi tại sao không tìm một ngư trường khác an toàn hơn, "sói biển" Mai Phụng Lưu nói rất chân thật:
"Anh nghĩ Hoàng Sa này thân thuộc với anh hồi giờ rồi, từ biết làm nghề biển là đã ra Hoàng Sa.."

Ý thức về chủ quyền ở Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn, của những người như ông Mai Phụng Lưu đâu cần bất kỳ giáo trình hay bài giảng nào mới có, nó là máu thịt, nó ăn sâu vào tiềm thức con người. Ngư dân Quảng Ngãi không hiểu chuyện gì đã xảy ra với vùng đất tổ tiên họ từ năm 2005, có thể họ không biết đến yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, sẽ chẳng ai trả lời họ được vì sao mình lại bị bắt giữ, bị cướp tài sản, thậm chí là bị bắn chết ngay trên chính ngư trường truyền thống của mình.

Tôi mong rằng, mỗi người xem phóng sự này (đặc biệt là những người trẻ) sẽ rút ra được cho mình những thông tin có ích về hiện trạng đất nước mình, từ đó có thể trang bị cho mình một góc nhìn xã hội tỉnh táo và nhân văn hơn với những ngư dân ở Lý Sơn - những người phải chịu khổ nạn ngay trên chính quê hương mình.

Một thước phim hơn vạn lời nói, chúng ta - những người xem phóng sự này nên nói lời cám ơn với đội ngũ những người làm phim dũng cảm: đạo diễn Nguyễn Thuỳ Quyên, quay phim Trịnh Ngọc Điệp, Nguyễn Thế Anh, người viết kịch bản lời bình Nguyễn Anh Tuấn, đặc biệt là người duyệt đề tài và chịu trách nhiệm nội dung Nguyễn Ngọc Trạch. Họ đã có thể chọn đề tài khác để làm, nhưng không, họ đã chọn, có lẽ vì họ là những người Việt Nam yêu tổ quốc, không cứ là người Quảng Ngãi. Họ chọn đề tài như anh Lưu chọn biển, chọn ngư trường…

"Ngư trường truyền thống" có mạch phim gọn, hình ảnh được sử dụng trong phim rất sát và rất đắt, tôi đặc biệt thích cách để mở hội thoại cho những nhân vật trong phim tâm sự, rất gần gũi và rất thực, tình cảm mà không hề sướt mướt.
Nghe nói rằng, phóng sự trên chỉ được trao bằng khen trong liên hoan phim truyền hình tháng 01/2011 vừa qua.

Phim tài liệu, cũng như các loại phim khác, đều có êkip làm phim gồm đạo diễn, tác giả kịch bản, quay phim…và cả “diễn viên” nữa. Bằng khen trao cho êkip làm phim, đó là đánh giá của ban tổ chức. Chắc chắn một điều, phim làm ra không chủ yếu dự thi cũng như không dành riêng cho BGK, BTC liên hoan xem và …suy ngẫm.

Cũng chẳng phải băn khoăn về cái giải được trao làm gì.
Chỉ băn khoăn, tâm thế của ban đứng ra trao giải, thái độ của các “đấng bậc” tít “trên kia” sao mà hèn thế? Miếng ăn của dân đã bị cướp mà im re, không bảo vệ được, đến cái nghe cái nhìn của dân chính xác thì bị cho là manh động lệch lạc.
Ở góc nhìn nhân đạo, có lẽ việc đưa phóng sự này lên truyền hình phải chăng là sự đối trọng cho việc đưa cô Lượm nào đó ?
Hãy nói dối nữa đi, đạo đức giả nữa đi…đã có người đi vào vùng “nhạy cảm” đánh cá, chịu bao nhiêu tủi nhục và đau đớn thể xác. Mang thực phẩm về cho các ông các bà ăn ngon, rảnh rang đi tìm bao nhiêu chuyện tầm phào, bịa đặt mà rơi nước mắt cá sấu. Đạo đức giả kiểu đó, đáng được “dựng tượng” lắm! Nếu không bị phát giác, không chừng chuyên mục người xây tổ ấm (rởm) với phóng sự cô Lượm lại đoạt giải vàng…?

Các anh các chị làm phim và những người có mặt trong phóng sự “Ngư trường truyền thống” kính mến,
Phóng sự này đã đặt đúng chỗ rồi đấy, không cần phải bằng khen hay huân huy chương gì nữa…! Những người có lương tri đã xem, đã trao giải!

Mẹ Nấm
@facebook - menamblog - wikipedia - dantri -