Monday, April 11, 2011

Phan Khôi


Nhân Văn Giai Phẩm -
Phần XVI : Phan Khôi - Bài 1: Phan Khôi và sự chôn vùi Phan Khôi


Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Là lãnh đạo tinh thần của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Phan Khôi đã bị bôi nhọ trong "sử sách", qua từ điển, qua những bài của các học giả, nhà văn, nhà báo lão thành như Hồng Quảng, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Công Hoan, Phùng Bảo Thạch.

Sau Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Khôi tiếp tục xây dựng những nền móng mới cho Việt học, bằng phương pháp độc đáo: phân tích, phê bình và phản biện, mà những người trước và sau ông cho tới nay chưa mấy ai đạt được: Phải viết lịch sử cho đúng, kể cả các chi tiết nhỏ. Phải viết tiếng Việt cho đúng từng câu, từng chữ, từng chữ cái, từng chấm, phẩy. Phải dùng từ Việt và từ Hán Việt cho thích hợp. Phải hiểu Khổng học cho đúng. Sự tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và triết học Tây phương đi từ Thánh Kinh. Nữ quyền bắt đầu với Võ Tắc Thiên. Phan Khôi luôn luôn tìm đến nguồn cội để giải thích vấn đề. Là một nhà báo, nhưng không phải nhà báo bình thường. Là một học giả, nhưng không phải học giả cổ điển chỉ biết nghiên cứu. Phan Khôi là khuôn mặt học giả phản biện duy nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tạ Trọng Hiệp là người đầu tiên, tại hải ngoại, đặt vấn đề nghiên cứu lại Phan Khôi trong buổi trả lời phỏng vấn RFI năm 1996. Chỉ vào tập ronéo cao vài thước, ông nói: "Tôi đã xin được của Thanh Lãng, lúc đó còn là giáo sư đại học văn khoa Sài Gòn đã sưu tầm những bài viết trên báo xưa, bỏ tiền thuê người đánh máy, cho sinh viên học, trong đó có khoảng 5, 6 trăm trang của Phan Khôi viết trên Phụ Nữ Tân Văn. Thế nào chúng ta cũng phải đọc và giới thiệu Phan Khôi với giới trẻ ngày nay trong nước, vì họ chẳng biết gì về ông này cả!". Về tiểu sử Phan Khôi, Tạ Trọng Hiệp xác nhận: Bản đầy đủ nhất về tiểu sử Phan Khôi là bản của Hoàng Văn Chí viết trong Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc. Đó là tình trạng năm 1996.

Năm 2010, nhà thơ Lê Hoài Nguyên (tên thật Thái Kế Toại, nguyên Đại Tá công an, trực thuộc A 25, đặc trách về NVGP) cho biết tình trạng chung hiện nay như sau:
"Tại miền Bắc cuốn Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận là tài liệu duy nhất tập hợp các bài tổng kết phê phán chính thống về NVGP. Một số người nghiên cứu do không có tư liệu, thường dựa viết theo cuốn này khi phải nói về giai đoạn 1954-1960(...) Như vậy trong nước chưa có một cơ quan nghiên cứu nào, một nhà nghiên cứu nào thực sự bắt tay nghiên cứu về NVGP. Hầu như toàn bộ các thế hệ sau không biết mặt mũi các ấn phẩm NVGP là thế nào, người ta chỉ lặp lại các luận điệu chính thống mỗi khi nói về nó. (...) Ở một số cuốn hồi kí khi đến giai đoạn này người ta chỉ lướt qua một vài dòng, kể cả hồi kí của Đào Duy Anh, Vũ Đình Hoè, Gia đình Phan Khôi, Vũ Ngọc Phan, Tố Hữu... Nghĩa là việc nói lại một cách rành mạch về NVGP vẫn còn là một việc cấm kỵ hoặc ít ra là khó nói!

Trong phần kết luận, Lê Hoài Nguyên viết:
"Trong một xã hội đã kéo dài hơn nửa thế kỷ về sự mê muội dân trí, về sự độc tài về chính trị, sự lừa dối, sự đầu độc để có sự đồng thuận về vụ NVGP và các nhân vật của nó thật khó như đáy bể mò kim… Nhưng trong đêm tối không phải không có những người đã nhìn thấy ánh sáng của chân lý. Sẽ có nhiều người phản đối tôi. Nhưng chẳng lẽ cứ im lặng mãi. Mỗi người chỉ là một góc của thế giới, và người ta bị thôi miên nữa, người ta cả tin. Tôi nghĩ đau khổ nhất của con người là đánh mất lý trí, là không hiểu, không thấy được thế giới thật đang ở bên mình. Họ đã sống và tàn sát đồng loại và tự biện minh bằng một cái mục đích hão huyền vô nhân tính. Vào những năm đầu đổi mới, tôi đã viết trong bài thơ "Thế giới đang tồn tại": "Bi kịch thay cho những dân tộc chỉ tin vào những thần tượng, những tín điều."
(Lê Hoài Nguyên, Vụ Nhân Văn- Giai Phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành, mạng nguyentrongtao tháng 8/2010).

Đây là bài viết công khai đầu tiên của một người trong ngành công an, đã từng có trách nhiệm trong hơn 20 năm về hồ sơ NVGP. Một bài viết can đảm. Không những cho chúng ta những thông tin mới, những nhận định ngay thẳng, mà còn đòi hỏi sự sòng phẳng với quá khứ về mặt văn học và lịch sử.

Hoạ sĩ Trần Duy, trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 120 năm sinh Phan Khôi (6/10/1887-6/10/2007), không được đọc trong buổi lễ, viết:
"Ông Phan Khôi không còn nữa, nỗi oan khuất của đời ông vẫn chưa có người giải!
"Nỗi oan của nàng Đậu Nga" trong Kinh kịch nổi tiếng của Trung Quốc đã được minh oan. Nỗi oan trái của gia đình Nguyễn Trãi − Thị Lộ đã được minh giải. Nguyễn Du chưa đến ba trăm năm sau đã được đồng bào của mình thấu hiểu. Riêng nỗi oan của Phan Khôi, cái mà ông quý nhất, gìn giữ nhất là phẩm giá, thì đã bị bôi nhọ, bị chà đạp. Ai là người minh giải?
Tiếng thở dài và tiếng chép miệng của ông trong những ngày cuối cùng như còn vọng lại. Sinh thời, mỗi lần ông nói đến một nỗi oan khuất nào đó của người đời, ông vẫn thường nhắc đến tiếng cóc kêu với trời! Gió mưa là do chuyển hoá Đông - Tây của thời tiết, nhưng vẫn có người tốt bụng tin rằng: Trời mưa nhờ có cóc kêu." (Trần Duy, Tưởng niệm về Phan Khôi đăng trên Talawas ngày 18/6/2008)

Công trình sưu tập của Lại Nguyên Ân


Từ giữa năm 2000, Lại Nguyên Ân bắt đầu sưu tầm tác phẩm Phan Khôi. Đến nay đã ra được 4 tập Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo, từ 1929 đến 1932 và cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, do các nhà Đà Nẵng, Hội Nhà Văn và Tri Thức in. Tổng cộng: 4706 trang, không kể sưu tập năm 1932, khổ lớn (16x24). Các sách này đều có trên website của Lại Nguyên Ân: lainguyenan.free.fr. Bản điện tử có vài chỗ sửa lại chữ của Phan Khôi, ví dụ tấn sĩ thành tiến sĩ, có lẽ không nên. Những công trình này, cho giới nghiên cứu, là bước đầu cơ bản tiến tới một tuyển tập Phan Khôi, ngắn gọn hơn cho mọi từng lớp độc giả.

Sưu tập của Thanh Lãng trước 75, cũng được xuất bản, dưới tiêu đề 13 năm tranh luận văn học 1932-1945, 3 tập (Văn Học, tp Hồ Chí Minh, 1995). Bộ sách này so với bản ronéo của Thanh Lãng có chỗ bị cắt, không hoàn toàn trung thành với bản chính như việc làm của Lại Nguyên Ân. Ngoài ra, còn có sưu tập Sông Hương (1/8/1936-27/3/1937) của Phạm Hồng Toàn (Lao Động và Đông Tây, 2009). Hiệnhững bài viết của Phan Khôi trong khoảng 1918-1928 và 1933-1942, chưa được sưu tầm.

Tác phẩm đã in: Chương dân thi thoại (Đắc Lập, Huế, 1936), Tiểu thuyết Trở vỏ lửa ra [Phổ thông bán nguyệt san số 41; (16/8/1939), Hà Nội], Việt ngữ nghiên cứu (Văn Nghệ, Hà Nội, 1955). Về dịch thuật, ngoài bộ Lỗ Tấn, tác phẩm đồ sộ nhất của Phan Khôi là Bộ Kinh Tân Ước và 1/3 Kinh Cựu Ước của Hội Tin Lành. Đây là cuốn sách tiếng Việt được quảng bá rộng rãi nhất từ 1926 đến ngày nay nhưng không mấy ai biết là công trình của Phan Khôi.

Tạ Trọng Hiệp: Phan Khôi, người xa lạ


Trong buổi nói chuyện trên RFI, thu thanh ngày 10/7/1996, phát trên RFI tháng 12/96 sau khi ông qua đời về bệnh ung thư ngày 25/10/1996 tại Paris, Tạ Trọng Hiệp nói:
"Nếu tôi có can đảm viết, có thì giờ, và tôi không đau ốm quá, thì tôi sẽ viết về Phan Khôi, và sẽ đặt nhan đề là Phan Khôi: Người Xa Lạ. (...)
Tôi gọi Phan Khôi là Người xa lạ, là vì từ những năm 56, 57 trở đi, qua hiện tượng đấu tranh của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, thì sau đó có một cuộc đàn áp ghê gớm của nhà cầm quyền Hà Nội. Và từ đó đến nay, đã có rất nhiều thay đổi về tình hình trong nước (...) đã gần như không còn chỉ thị cấm kỵ gì nữa. Nhưng hình như với riêng một số người -chứ không phải toàn bộ- cứng đầu nhất trong Nhân Văn Giai Phẩm, trong đó có Phan Khôi, thì những cấm kỵ ấy vẫn còn, còn dưới nhiều hình thức lắm.

Thứ nhất là không nói đến Phan Khôi. Không nói đến Phan Khôi, làm như là không có hiện tượng Phan Khôi. Phan Khôi không xuất hiện ở trên trái đất này.
Nhưng tìm nhiều thì thấy có một vài trường hợp không thể tránh khỏi, nên miễn cưỡng, họ phải làm ra một tiểu sử về Phan Khôi. Trong một cuốn sách ra cũng lâu lắm rồi, từ năm 1972, tập 2 của bộ Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, thì ở mục số 50, có một trang rưỡi dành cho Phan Khôi. Nội dung bài viết và phong cách câu văn làm ta sống lại những năm chung quanh vụ đàn áp Nhân Văn Giai Phẩm, mà đỉnh cao là về sau, xuất hiện dưới hình thức một cuốn gọi là Bọn Nhân Văn Giai Phẩm trước toà án dư luận, in năm 1959 (...) Người nào có cuốn ấy thì thấy trong đó có ba, bốn bài gì đó, tập trung nện cụ Phan Khôi bằng đủ mọi cách, bằng những bịa đặt rất là bẩn thỉu, để chứng minh rằng ngay từ khi còn thiếu niên, Phan Khôi đã là người không ra gì. Và người viết không phải là người lơ tơ mơ đâu, đây là những người nổi tiếng có cá tính bướng bỉnh và có tinh thần phê phán rất ghê gớm như Nguyễn Công Hoan. Nếu tôi là con cháu Nguyễn Công Hoan, thì có lẽ lúc này tôi sẽ tìm những nơi nào có cuốn sách đó, đốt đi, để xóa một giai đoạn không tốt cho Nguyễn Công Hoan.

Còn riêng cá nhân tôi, Tạ Trọng Hiệp, thì tôi lại chủ trương ngược lại: Nhân dịp ta ra 1 hay 2 đặc san về Phan Khôi, thì cũng nên in lại vài bài, kiểu bài của Nguyễn Công Hoan hay là của một vài người khác đã viết về Phan Khôi, để ta nhớ lại, nhất là để giáo dục thanh niên ngày hôm nay, là đã có những thời gian mà trình độ văn hóa và đạo đức trong nước nó sa đọa đến một cái mức thấp mà không ai có thể ngờ được. Đây có tính cách giáo dục, mở đường cho tương lai. Ngày hôm nay thì những cấm kỵ, phần lớn đã được bỏ rồi. Nhưng mà người ta vừa bỏ cấm kỵ, vừa muốn cho chúng mình nghĩ rằng trong quá khứ có một vài sự hiểu lầm chứ chẳng bao giờ sa đọa đến nỗi bẩn thỉu như thế.
Đấy là chuyện nó cắt nghĩa tại sao tôi muốn gọi cụ Phan Khôi là người xa lạ. (...)
Tôi tiếp tục cái ý Phan Khôi, người xa lạ là người ta hình như cố tình xóa dấu vết về Phan Khôi .

Để chứng minh luận điểm này, Tạ Trọng Hiệp đưa ra những bằng chứng:
1- Sự cố tình xoá tên Phan Khôi:
"Tôi cho một bằng chứng rất gần đây là Phan Khôi trong những năm 30 có một số bài tranh biện với cụ Trần Trọng Kim, sau khi cuốn Nho Giáo tập I, tập II của cụ Kim được in ra. Những bài của cụ Kim đáp lại Phan Khôi được nhà xuất bản Tân Việt, khi in cuốn Nho Giáo lần thứ 3, cho vào phần Phụ lục.(...) Bây giờ, muốn xóa dấu vết Phan Khôi cho tốt, thà là ta bỏ phắt cái phụ lục đi. Và quả nhiên, năm 1991, khi tái bản Nho Giáo ở Sài Gòn, người ta bỏ hẳn phần phụ lục ấy. Ta có thể đọc hết cuốn Nho Giáo mà vẫn không biết là Phan Khôi đã giới thiệu, đã có công rất lớn để giúp cho cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim được giới có học, tạm gọi là trí thức hồi đó, tìm đọc. Và nhờ những biện luận của Phan Khôi mà có một số điểm sai lầm trong Nho Giáo được sửa lại. Như vậy là riêng về một tác phẩm mà Phan Khôi có công, và cái công đó đã hoàn toàn bị xoá bỏ, khi người ta tước cái phần phụ lục ấy đi".

2- Về nhà văn Sở Cuồng Lê Dư, em rể Phan Khôi:
"Ông Vũ Ngọc Phan, tác giả bất hủ của bộ Nhà Văn Hiện Đại, mà tôi cũng như mọi người, mang ơn rất nhiều trong thời còn trẻ (...) Những năm cuối đời, có đủ thì giờ, ông viết hồi ký rất tường tận. Đặc biệt ông dành riêng gần 100 trang để tả lại cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ông được gặp người yêu của ông và sau ông cưới làm vợ. Đó là cô Hằng Phương, người có quan hệ gia đình với Phan Khôi.
Tại sao tôi nhớ đến Vũ Ngọc Phan khi nói về Phan Khôi? Tôi muốn đưa ra một minh họa, đố ai chối cãi, rằng người ta cố ý, hay là quá sợ, người ta không dám nói đến Phan Khôi:
Ông Vũ Ngọc Phan, nhà anh hùng văn hóa này, ông anh hùng đến nỗi kể về cô gái đẹp như tiên, ông tả Hằng Phương tóc dài mượt. Cái gì cũng đẹp cả. Thế thì bố cô Hằng Phương là ai? Đọc hết cả tập hồi ký của Vũ Ngọc Phan nhan đề Những Năm Tháng Ấy (...) cả thẩy 423 trang (...) vẫn không biết ông ấy tên là gì!

Ông bố của Hằng Phương là nhà văn Sở Cuồng, tên thật là Lê Dư!
Lê Dư, hồi trẻ, có một giai đoạn bồng bột, nghe theo tiếng gọi của nhiệt huyết yêu nước, xuất ngoại Đông du. Có sang Tầu, sang Nhật. Về sau ông ấy học khá giỏi tiếng Nhật. Nhưng sau một thời gian -mà tôi chưa nghiên cứu rõ, tôi chưa biết là bao lâu- ông ấy trôi giạt ở Thượng Hải. Vì đói quá, ông chuồn về Việt Nam. Và lại gặp lúc mật thám Pháp đang tìm cách dụ những người trí thức chống đối, về làm việc với nó, vì nó đang muốn mở ra một lối thoát cho trí thức nho học duy tân: Các anh đi con đường chống chúng tôi thì chết; nhưng nếu các anh đừng chống chúng tôi, mà lại có một hoạt động văn hóa, có lợi cho cả các anh lẫn chúng tôi, thì các anh sống được. Tức là bằng sự mở tờ Nam Phong. Một người có tư tưởng ôn hòa như Phạm Quỳnh đứng chủ trương.
Cụ Lê Dư về được bổ nhiệm làm chủ bút, giữ phần Hán văn của Nam Phong[thực ra Nguyễn Bá Trác làm chủ bút phần Hán Văn, Lê Dư cộng tác sau]. Thì chỉ vì những năm đó mà về sau Lê Dư bị mang một nhãn hiệu -sau khi Cộng Sản lên cầm quyền- gần như là một người phản cách mạng.

Cho nên Lê Dư cũng bị một số phận -tuy không nặng bằng Phan Khôi, nhưng cũng gần như thế- là trong bộ sách quý báu mà tôi hay dùng, Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, tập II, ở mục số 19, có một tiểu sử Lê Dư, mà người cán bộ viết sách đó, lúc đó đang sống ở Hà Nội, có con gái cụ Lê Dư là bà Hằng Phương, con rể cụ Lê Dư là ông Vũ Ngọc Phan, con gái út cụ Lê Dư là vợ tướng Nguyễn Sơn, còn đang sống lúc bấy giờ ở giữa Hà Nội, mà họ dám viết tiểu sử Lê Dư bằng hai câu đầu như thế này: Không biết năm sinh và năm mất ở đâu. Lúc đó, cụ Lê Dư đang sống phây phây ở giữa Hà Nội (...) Vợ ông Lê Dư là em ruột Phan Khôi (...) tôi rất bất mãn khi ghi chép tiểu sử người ta, mà cứ giấu cái này, giấu cái kia. Nhất là cuốn hồi ký của Vũ Ngọc Phan, là người tôi mến trọng ngày xưa bao nhiêu, thì sau khi đọc cuốn hồi ký, tôi mất đi nhiều thiện cảm với ông ấy, chỉ vì cái chuyện hèn nhát của ông ấy: Tên bố vợ không dám nói, chỉ nói ông cụ làm ở Bác Cổ (...) Suốt mấy chục trang nói về ông bố của người mà mình sắp đến xin cưới con gái, không dám nói đến tên ông cụ là Lê Dư!

3- Về cụ Phan Trân, cha Phan Khôi:
"Điểm thứ ba, khi nói về tên ông ngoại của vợ mình là cụ Phan Trân. Trong suốt cả cuốn hồi ký đó, mỗi lần nhắc đến cụ thì cứ gọi cụ là cụ Phan Trần.(...) Ai có cuốn sách Những Năm Tháng Ấy của Vũ Ngọc Phan: Tên cụ là Phan Trân chứ không phải Phan Trần..
Và qua sự chắp nối với một vài điều đọc ở chỗ khác, thì dần dần tôi thử phác họa Phan Khôi là con cái nhà ai, sinh năm nào? Ở đâu? Đấy, cái này đã bắt tôi bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm, nó là khía cạnh khiến tôi đi đến một quyết định là nếu viết bài, thì tôi đề tựa: Phan Khôi: Người xa lạ? Với một dấu hỏi rất lớn vì quả thật là gốc gác, lý lịch và dấu vết về đời cụ Phan Khôi ngày nay gần như bị xoá hết cả rồi. (Tạ Trọng Hiệp trả lời phỏng vấn RFI, phát thanh những ngày 15, 22 và 29/12/1996).

Tạ Trọng Hiệp qua đời ba tháng sau khi nói những lời "thịnh nộ" này.

Đọc toàn bài tại:Nhân văn giai phẩm-Thụy Khuê-RFI

Thụy Khuê
@rfi.fr.org  -  hung-viet   -