Wednesday, April 20, 2011

Vũ Thiện


Quê Nội, Quê Ngoại .               
Thuở bé lúc học tiểu học trong lớp tôi có một thằng nhóc người Huế, ba thằng Bắc kỳ con, còn lại bao nhiêu là dân Sè Gòong hết. Ngoài giọng nói hơi khác các bạn Sè Gòong và chọc ghẹo nhái nhau chút đỉnh tôi chẳng thắc mắc gì về gốc gác của mình cho đến một hôm ông thày ra đề luận văn Tả Quê Ngoại. 
Hầu hết con nít trong lớp kể như trúng tủ. Nói đến quê ngoại là đứa nào cũng viết say sưa, ngay cả thằng người Huế kêu tụi tôi bằng mi xưng ta nghe lạ hoắc mà cũng viết được quê ngoại của nó ở thôn Vĩ Dạ nào đó. Chỉ có ba thằng Bắc kỳ con là ngọng ngay. Tôi giơ tay lên nói: “Thưa thày con không biết quê ngoại”. Ông thày trả lời: “Không biết quê ngoại thì tả quê nội”. Ông thày người miền Nam đúng là thiệt thà không biết ba thằng Bắc kỳ đang tan nát cõi lòng chỉ biết lâu lâu lại nhìn nhau không nói cho đến cuối giờ thì nộp giấy trắng. Cả quê nội lẫn quê ngoại đều ở ngoài Bắc, những thằng Bắc kỳ di cư sanh năm 1954 như Tôi lúc vào Nam còn được cha mẹ bồng trên tay, có đứa nào được thấy quê nội, quê ngoại bao giờ đâu mà tả.

May mắn là trong số ba thằng Bắc kỳ con có một thằng mà từ bé đến lúc … vẫn còn bé hay nói đúng hơn là từ lúc học i tờ cho đến lúc biết làm luận văn thì nó chỉ biết đứng hạng nhất chứ chưa bao giờ phải đứng hạng nhì, lần đầu tiên thằng nhỏ làm bài mà phải nộp giấy trắng nên thằng nhỏ tức, về nhà bỏ cơm ngồi khóc. Mẹ hỏi mới vỡ lẽ, ngày hôm sau dắt thằng nhỏ đi học đến nói chuyện với ông thày xin cho nó làm bài luận văn khác. Thế là mấy đứa tôi được mang giấy bút xuống ngồi chung bàn ở cuối lớp làm bài luận văn Tả Cái Xóm Mà Em Đang Ở.
Từ đó tôi thường hay tò mò hỏi cha mẹ về đất Bắc, đi hớt tóc tôi cũng gạ ông thợ hớt tóc kể chuyện về quê hương miền Bắc, ai cũng kể về đất Bắc với giọng mến thương và hãnh diện về gốc gác của mình. Nhưng sau tháng 4 năm 1975 thì khác. Tôi đi kinh tế mới một thời gian, khi về thăm lại Sài Gòn, ông thợ hớt tóc đã đi đâu mất nên không biết ông thế nào, còn ba tôi thì thấy người miền Bắc hành hạ, đày đoạ dân miền Nam tàn nhẫn quá nên ông nhất quyết chối bỏ cái gốc Bắc kỳ của mình mặc dù giọng Bắc Hà Nội của ông vẫn chẳng hề thay đổi. Ông thường nói: “Tôi là người miền Nam , tôi là dân Sài Gòn, tôi chẳng dây mơ rễ má gì với cái giống người tàn ác kia”. Rồi tôi vượt biên sang Úc, sau đó cha mẹ tôi sang Mỷ đoàn tụ gia đình với ông anh tôi.
Trưóc khi đi ba tôi vẫn còn “giận” miền Bắc, ông chẳng thèm ra Bắc nhìn lại quê xưa một lần. Nhưng mẹ tôi thì khác. Trước khi rời Việt Nam bà ra Bắc cố gắng tìm lại ngôi mộ của ông Ngoại tôi, và được kể lại rằng sau khi gia đình bên ngoại tôi trốn ra Hà Nội để di cư vào Nam thì những người Cộng Sản nổi giận họ, đốt ngôi nhà từ đường, sau đó cày nát, san bằng ngôi mộ của ông Ngoại tôi, chẳng còn dấu vết gì có thể tìm lại được. Thế là Mẹ tôi cũng dứt khoát với quê hương miền Bắc.
Ở bên Mỹ một thời gian, đến khi cảm thấy sức đã yếu, không thể chịu đựng nổi một chuyến bay dài từ Mỹ về Việt Nam ba tôi mới bắt đầu thấy tiếc tiếc đã không về nhìn lại đất Bắc một lần. Mỗi lần nói chuyện với ông qua điện thoại ông đều khuyến khích tôi về thăm lại mảnh đất tổ tiên. Nhưng mẹ tôi thì đã dứt khoát với đất Bắc, bà nói: “Ở ngoài ấy chẳng còn gì để mà thăm. Dân ở ngoài ấy lại còn cư xử với nhau rất tệ, không được như người trong Nam và người Bắc trước kia. Thôi nếu con có tiền đi du lịch thì hãy sang đây với mẹ”.
Có lẽ ở một kiếp nào khoảng bốn ngàn năm trước đây tôi đã là một trong năm mươi thằng đen đủi theo mẹ lên núi, nên kiếp này mỗi khi cha mẹ tôi khác ý nhau là tôi luôn luôn “về phe” với mẹ, và tôi lên đường đi Mỹ. Ở Cali vài ngày, tôi bay đến Florida. Mẹ tôi ngồi đợi trên chiếc xe lăn ở phi trường Fort Lauderdale cùng với Ba và anh chị em tôi. Tôi xuống phi trường, tôi thấy trên một chiếc xe lăn, dưới một mái tóc trắng là sông Hồng Hà, là sông Đồng Nai, là Hoàng Liên Sơn, là dãy Trường Sơn, là biển Nam Hải, là quê nội, là quê ngoại, là tất cả những gì tôi muốn nhìn thấy mà không cần phải đi đâu nữa cả. Vì trên chiếc xe lăn, dưới mái tóc trắng ở phi trường Fort Lauderdale ngày hôm đó, là mẹ tôi.
Dường như Mẹ không chỉ đơn thuần là người đã mang nặng đẻ đau, nuôi nấng dạy dỗ mình; Mẹ còn là quê hương thu nhỏ, quê hương di động của mình nữa. Và dĩ nhiên trong quê hương thu nhỏ và di động đó có cả quê nội, quê ngoại ngọt ngào.

Vũ Thiện.
@hoiquanphidung - vuthien412 -