Sunday, April 10, 2011

Google


Tư pháp Mỹ bác dự án lập thư viện toàn cầu của Google


Ngày 22/03/2011 vừa qua, tư pháp Hoa Kỳ đã ra quyết định bác bỏ thỏa thuận được ký kết giữa tập đoàn tin học Goolge và các tác giả, các nhà xuất bản Mỹ, liên quan đến dự án lập thư viện toàn cầu, cụ thể là số hóa các cuốn sách để rồi đưa lên mạng tin học. Tổng đầu tư cho dự án này từ 150 đến 200 triệu đô la.

Theo thẩm phán liên bang Denny Chin, của thành phố New York, thì thỏa thuận nói trên « không công bằng, không thích hợp và không hợp lý ».

Vào tháng 12 năm 2004, Google thông báo ý định thực hiện dự án thư viện toàn cầu trên mạng, tiến hành số hóa khoảng 15 triệu cuốn sách trong vòng 6 năm. Đó là những cuốn sách đến từ bốn thư viện danh giá của Mỹ và Anh. Tổng đầu tư cho dự án từ 150 đến 200 triệu đô la.

Ban đầu, Google cho biết là người sử dụng internet có thể tham khảo toàn bộ các tác phẩm được đưa lên mạng, nhưng không thể tải về, lưu giữ hay in ra. Tuy nhiên, điều này gây lo ngại cho các tác giả và các nhà xuất bản trước nguy cơ vi phạm tác quyền.

Vào năm 2005, Google bị kiện và đến năm 2008, tập đoàn tin học khổng lồ đã đạt được thỏa thuận với Hiệp hội các tác giả và Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, theo đó, Google sẽ trả 125 triệu đô la cho các tác giả mà tác phẩm của họ được số hóa và đưa lên mạng mà không xin phép. Thỏa thuận cũng dự tính thành lập một quỹ về tác quyền, bảo đảm thu nhập cho các tác giả của những cuốn sách được số hóa và đưa lên internet.

Nếu thỏa thuận được chấp thuận, thì Google sẽ đưa lên mạng khoảng 20% tổng số sách liên quan. Người sử dụng internet phải trả tiền thì mới có thể tiếp cận được toàn bộ tác phẩm. Số tiền thu được sẽ rót vào quỹ tác quyền.

Thế nhưng, theo tư pháp Mỹ, thỏa thuận có nguy cơ dẫn đến việc Google tiến hành sao chụp trên một quy mô lớn những tác phẩm vẫn được giữ tác quyền, mặt khác, nhờ thỏa thuận này, Google có thể kiểm soát, giữ vị trí thống trị thị trường tìm kiếm trên mạng qua các web sites của tập đoàn. Theo thẩm phán Denny Chin, thì thỏa thuận đã gạt bỏ khả năng của các tác giả lựa chọn tham gia dự án của Google đối với từng tác phẩm.

Tập đoàn Google đã lấy làm tiếc về phán quyết của tư pháp, với lập luận rằng dự án lập thư viện toàn cầu trên mạng tạo cơ hội cho người đọc tiếp cận với hàng triệu cuốn sách rất khó tìm tại Mỹ. Với quyết định này, Google hiện nay chỉ có thể đưa lên mạng các trích đoạn của những cuốn sách vẫn được bảo hộ tác quyền.

Hiệp hội các tác giả Mỹ thì tỏ thái độ bi quan là dự án lập thư viện toàn cầu coi như thất bại. Theo ông Scott Turow, chủ tịch Hiệp hội, thì việc mở cửa cho phép độc giả tiếp cận với những cuốn sách hiếm, không xuất bản nữa, nhờ vào các công nghệ mới, tạo ra những thị trường mới. Đó là một ý tưởng lẽ ra cần phải biến thành hiện thực.

Trong khi đó, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Consumer Watchdog lại hoan nghênh quyết định của tư pháp, coi đây là một cú tát trái đối với Google bởi vì, tập đoàn này vẫn hoàn toàn hoạt động trên nguyên tắc là không bao giờ xin phép đăng tải hay xin lỗi khi cần thiết.

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố hài lòng với quyết định của thẩm phán Denny Chin, vì thỏa thuận giữa Google và các tác giả, các nhà xuất bản đã làm dấy lên nhiều lo ngại liên quan đến việc tôn trọng luật chống tập trung độc quyền, antitrust và các quyền tác giả.

Đức Tâm
@ rfi.fr