Tuesday, April 19, 2011

Cuba


Cuba mở rộng kinh tế để cứu vãn mô hình xã hội chủ nghĩa

Một người dân chạy xe ba bánh chở một con heo trên đường phố thủ đô La Habana, ngày 1/4/11. Buôn bán nhỏ đang được Nhà nước Cuba khuyến khích.Hơn 30 năm sau Trung Quốc và 25 năm sau Việt Nam, đến lượt Cuba tiến hành công cuộc cải tổ kinh tế. Lần đầu tiên từ năm 1968 người dân Cuba từng bước làm quen lại với khái niệm « sở hữu tư nhân ». Cũng lần đầu tiên cả một thế hệ dưới 50 tuổi không còn có thể trông chờ vào sổ mua hàng để được cấp nhu yếu phẩm hàng tháng. (Một người dân chạy xe ba bánh chở một con heo trên đường phố thủ đô La Habana, ngày 1/4/11. Buôn bán nhỏ đang được Nhà nước Cuba khuyến khích. Reuters)

Sau 50 năm ngủ vùi trong một chế độ mà tất cả các hoạt động kinh tế tập trung cả trong tay nhà nước, hơn 80 % người trong tuổi lao động là các công nhân viên chức nhà nước, dư luận Cuba đón nhận kế hoạch cải tổ của chính quyền La Habana như thế nào ?

Nới rộng hoạt động của khu vực tư nhân, cắt giảm nhân sự trong guồng máy hành chính nhà nước, cởi trói cho một nền kinh tế tập trung : Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI vừa thông qua kế hoạch đổi mới kinh tế để « cập nhật hóa » mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã được áp dụng từ cuối thập niên 60 thế kỷ trước.

Đại hội Đảng VI chính thức khép lại vào tối nay (19/4). Một ngàn đại biểu từ ngày hôm qua đã thông qua chương trình cải tổ kinh tế bao gồm trên 300 điều khoản do Chủ tịch Raul Castro đề xướng. Trong tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế này thì Đảng Cộng sản Cuba nhấn mạnh : Đó là một con đường mà ở đó « Kế hoạch hóa vẫn được ưu tiên, tuy nhiên xu hướng thị trường cũng sẽ được xem xét… Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng vượt qua những khó khăn để duy trì những thành tựu của Cách Mạng »

Trên thực tế, theo nhận xét của nhà báo Braudio Moro, phụ trách hồ sơ kinh tế của ban tiếng Tây Ban Nha trên đài RFI : Cuba sớm muộn gì cũng phải tiến hành một cuộc cải tổ sâu rộng để bảo đảm cho sự tồn tại của Đảng.
« Hơn bao giờ hết Cuba cần xét lại guồng máy kinh tế một cách toàn diện. Từ nhiều năm nay, Cuba không còn khả năng bảo đảm đời sống tối thiểu cho người dân. Chính xác hơn là kể từ khi chế độ Liên Xô cũ bị sụp đổ vào năm 1991, kinh tế hòn đảo này bị kiệt quệ và nếu như La Habana không mạnh dạn cải tổ thì bản thân chế độ cộng sản Cuba khó có thể tồn tại ».

Hơn 300 biện pháp để nới lỏng kinh tế

Sau 14 năm đảng Cộng sản Cuba mới lại họp Đại hội với trọng tâm là hồ sơ kinh tế ( Đại hội V được tổ chức vào năm 1997). Đơn giản là do ngân sách nhà nước đang cạn kiệt. Chính quyền không còn khả năng đài thọ và bảo đảm đời sống cho 11 triệu rưỡi con người.
Do vậy chính phủ Cuba đề nghị : sa thải tới một triệu công nhân viên chức nhà nước trong vòng 5 năm, kể từ tháng 3/2011. Đây là một quyết định hết sức « nhạy cảm » khi biết rằng tại Cuba có từ 5 đến 8 triệu người thuộc diện công nhân viên chức nhà nước- tức là tương đương với từ 80 đến 95% người trong tuổi lao động. Tình trạng này dẫn đến những trường hợp khó tin như là tại một bệnh viện, chỉ có một xe cứu thương nhưng bệnh viện đó lại phải tuyển dụng đến 8 ông tài xế !

Theo thống kê chính thức tỷ lệ thất nghiệp tại Cuba hiện là 1,8% nhưng theo thẩm định của các viện nghiên cứu quốc tế thì có đến 1/4 dân số trên hòn đảo này không có việc làm.
Tháng 10/2010 nhà nước quy định một danh sách bao gồm khoảng hơn 120 ngành nghề tư nhân có quyền « hoạt động tự do ». Trong Đại hội lần này thì danh sách đó đã được mở rộng ra thành 178 ngành nghề khác nhau. La Habana cam kết cấp khoảng 250.000 giấy phép lao động từ nay đến cuối năm ; tạo điều kiện để nền kinh tế tư nhân tuyển dụng khoảng 200.000 nhân công trong cùng thời kỳ. Bên cạnh đó văn bản vừa được Đại hội thông qua vào tối ngày 18/4/11 còn dự trù « nới lỏng » các điều khoản để tư nhân dễ dàng mở doanh nghiệp, tuyển dụng nhân công.
Tuy nhiên giới quan sát lưu ý, trước mắt chính quyền Cuba mới chỉ « cởi trói » cho những ngành nghề có « trị giá gia tăng thấp ». Chẳng hạn như là cho phép tư nhân bảo đảm dịch vụ giữ xe đạp, chữa xe máy và xe ô tô. Nhà nước cũng sẽ không khống chế những dịch vụ như là đánh giầy, may quần áo hay cho thuê băng đĩa DVD.

Tự lực lương thực: Còn rất xa vời

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà nước Cuba đề nghị trao lại cho nông dân một phần đất canh tác. Từ năm 2008 tới nay chính phủ quy hoạch 1,18 triệu hecta đất để cấp cho koảng 130. 000 nông gia với thời hạn sử dụng là 10 năm. Trên thực tế đến nay mới chỉ có 30% diện tích đất kể trên được canh tác do nông dân Cuba còn thiếu phương tiện từ tài chính đến máy móc để bắt tay lại vào việc trồng trọt và chăn nuôi.

La Habana đang hướng tới mục tiêu giảm bứt mức độ lệ thuộc của Cuba vào các nguồn lương thực thực phẩm nhập từ bên ngoài vào. Một tuần lễ trước Đại hội VI cơ quan ngôn luận của Đảng đã phải nhìn nhận là « mục tiêu tự lực tự cường về phương diện lương thực của Cuba còn rất xa vời »
Theo thống kê chính thức, năm ngoái tổng kim ngạch nhập khẩu lương thực của Cuba đã kên tới 1,5 tỷ đô la. Lương thực, thực phẩm và dầu hỏa là những gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Chính phủ dự trù ngân sách dành để mua lương thực sẽ tăng thêm 25% so với năm ngoái do giá thực phẩm và dầu hỏa trên thế giới tăng cao.

Trong bối cảnh đó Cuba coi việc cải tổ chính sách nông nghiệp, mở rộng hoạt động cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, và kể cả hệ thống phân phối là một ưu tiên hàng đầu. Điều này lại càng dễ hiểu khi chính quyền chuẩn bị dẹp bỏ sổ mua hàng vốn là nguồn cung cấp lương thực trọng yếu của các hộ gia đình
Nhà báo Braudio Moro của ban ngoại ngữ Tây Ban Nha đài RFI trình bày qua về vấn đề này :

« Trong số những đề nghị được đệ trình lên Đại hội Đảng lần này, có một vài biện pháp đáng chú ý. Chẳng hạn như là kế hoạch bãi bỏ sổ mua hàng « libreta » đã được áp dụng từ năm 1963 tới nay. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng vì nó trực tiếp gắn liền với đời sống của người dân. Một đề nghị cải tổ thứ hai mà theo tôi cũng quan trọng không kém, liên quan đến việc hủy bỏ đồng tiền peso chuyển đổi CUC, tức là đơn vị tiền tệ giao dịch quốc tế của Cuba. Mục tiêu đề ra nhằm từng bước cân bằng nguồn ngoại tệ của hòn đảo này. Sau cùng, chúng ta cũng nên chú ý đến dự án phân phối đất đai cho nông dân để khuyến khích giới nông gia trồng trọt, chăn nuôi. Tại Cuba, phần lớn đất canh tác thuộc về nhà nước và quân đội. Trong cảnh đói kém hiện nay, La Habana đã tính đến việc « trả lại » ruộng, đất cho nông dân sản xuất ; qua đó, bảo đảm lương thực và thực phẩm cho hơn 11 triệu dân. Ở đây đặt ra một vấn đề khác : nhà nước cấp đất cho nông dân, nhưng liệu họ có vốn và có phương tiện (như là máy cầy, máy bơm nước …) hay không để « gia tăng sản xuất » ? Đấy lại là một chuyện khác ».
Ý thức được điều này, chính phủ ra chỉ thị cho ngân hàng nhà nước nới lỏng việc cấp tín dụng cho nông dân và một số tư nhân, bước đầu khuyến khu vực kinh tế tư nhân.

Người dân đón nhận mô hình kinh tế mới ra sao?

Câu hỏi đặt ra là người dân Cuba đón nhận kế hoạch « cập nhật hóa » mô hình kinh tế này như thế nào, khi biết rằng 80% dân số Cuba hiện nay sinh ra và lớn lên với dưới chế độ Castro trong một nền kinh tế tập trung theo kiểu Liên Xô cũ. Về điểm này nhà báo Moro của đài RFI trả lời :
« Tôi cho rằng trong giai đoạn đầu thì dư luận Cuba hân hoan đón nhận chương trình « cập nhật hóa » mô hình kinh tế do chính quyền đưa ra. Họ ý thức được rằng đây là điều cần thiết. Tuy nhiên chúng ta biết rằng chính phủ dự trù « sa thải » một triệu người lao động thuộc diện công nhân viên chức nhà nước. Nếu những người này không tìm được việc làm, không có việc làm không có lương để bảo đảm cho đời sống của họ, thì chắc chắn là tiến trình cải tổ kinh tế của Cuba sẽ gặp trở ngại. Phải đợi thêm vài tháng nữa mới có thể biết được là kế hoạch này có thực sự được toàn dân ủng hộ hay không. Ngoài ra, bản thân chủ tịch Raul Castro cũng đã kêu gọi các đảng viên không nên gây trở ngại cho côn cuộc cởi trói kinh tế đất nước. Đây là một điều hi hữu ».

Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tìm cách trấn an dư luận là trong công cuộc đổi mới này, nhà nước không bỏ rơi bất kỳ một ai. Bằng chứng là trong văn bản mang tựa đề “Đường lối chính sách kinh tế, xã hội”, lộ trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba trong tương lai vừa được Đại hội VI thông qua, chính quyền cũng đã nhấn mạnh đến nhu cầu bảo đảm đến 60% mức lương cho một công nhân viên chức bị sa thải cho đến khi người đó tìm được việc làm. La Habana cũng cam kết nhà nước tiếp tục bảo đảm dịch vụ giáo dục và y tế cho người dân Cuba như hiện nay.

Cải tổ theo kiểu Trung Quốc hay Việt Nam ?

Một câu hỏi khác cần nêu lên là liệu Cuba chọn lấy cho mình con đường cải tổ theo như mô hình của Trung Quốc hay theo kiểu của Việt Nam ? Chuyên gia kinh tế thuộc ban Tây Ban Nha của đài RFI, nhà báo Braudio Moro phân tích :

« Hiện tại có khá nhiều các cuộc tranh luận về mô hình mở cửa kinh tế Cuba. Cuba sẽ áp dụng mô hình của Trung Quốc hay của Việt Nam ? Tôi cho rằng, Cuba không thể noi gương Trung Quốc bởi lẽ hòn đảo này không có khả năng xuất khẩu như là Trung Quốc trong giai đoạn 20, 25 năm vừa qua. Cuba cũng không dồi dào ngoại tệ để đầu tư rộng rãi như Trung Quốc từng làm. Có nhiều khả năng Cuba sẽ mở cửa theo kiểu của Việt Nam tức là đảng và nhà nước vẫn kiểm soát phần lớn các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên con đường mà Cuba chọn lấy còn tùy thuộc vào thế cân bằng giữa nhà nước, quân đội và nguyện vọng của người dân.
Bản thân cựu lãnh tụ tối cao Cuba, Fidel Castro, trong một bài diễn văn vào tháng 11/2005 từng nhìn nhận trong số những sai lầm đã phạm phải, thì có lẽ sai lầm nghiêm trọng nhất « là trong một thời gian dài ông đã lầm tưởng rằng có một người nào đó hiểu rõ về xã hội chủ nghĩa, và người ấy biết rõ là cần phải làm những gì để xây dựng một xã hội chủ nghĩa »

Mùa xuân năm nay, nhân Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI, đến lượt ông Raul Castro đưa cuộc Cách mạng Cuba vào một ngã rẽ mới với kế hoạch « cập nhật hóa » mô hình kinh tế Cuba để duy trì sự tồn tại của Đảng.
Công cuộc cải tổ kinh tế Cuba dù muốn dù không cũng đang đẩy đảo quốc này vào một thời kỳ mới chưa biết ra sao. Chỉ biết là trước mắt 11,5 triệu dân Cuba không còn có thể trông chờ tất cả vào nhà nước, họ sẽ phải làm quen -hay làm quen trở lại- với những khái niệm như là cạnh tranh, luật cung cầu của thị trường. Có một điều chắc chắn là trong giai đoạn « mở cửa » tới đây, Cuba vẫn tiếp tục trông chờ được rất nhiều ở các đồng minh truyền thống của mình là từ Brazil, Venezuela hay Trung Quốc. Tất cả diễn ra ngay sát cạnh Hoa Kỳ.

Thanh Hà
@rfi.fr