Sunday, September 4, 2011

Ngô Nhân Dụng


Mùa Xuân Ðịa Trung Hải


Một nước Libya Tự Do đang thành hình. Khi quân nổi dậy chiếm được thành phố Tripoli ký giả Al-Mustaqbal ở Lebanon mô tả đây là “Một Mùa Xuân Ðịa Trung Hải.” Người Libya gọi thủ đô Tripoli là “Vị hôn thê của Ðịa Trung Hải.” Arusat Al-Bahr - Người vợ chưa cưới - mới được giải phóng, thoát khỏi vòng tay anh đại tá độc tài “vũ phu” Muammar el-Qaddafi (cũng viết là Moammar Gadhafi hoặc Muammar Kadhafi; chúng tôi sẽ viết theo lối chung của nhật báo Người Việt là Gadhafi).

Mười ngày sau khi quân nổi dậy tiến chiếm Tripoli, điều khiến nhật báo Times ở London reo mừng là “Không xẩy ra một vụ Iraq!” Những mối lo ngại trước đây về một cảnh hỗn loạn vô chính phủ đã không diễn ra. Không có những người dân bình thường biến thành đám côn đồ đi hôi của! Không có cảnh giết chóc để trả thù những tay sai suốt 42 năm của chế độ Gadhafi. Một phần, đó là nhờ Ủy Ban Quốc Gia Chuyển Tiếp (NTC) đã dự phòng.

Trước khi chiến dịch đánh Tripoli bắt đầu, từ thành phố Benghazi, NTC thành lập một lực lượng cảnh sát, có từ 10 ngàn đến 15 ngàn dân vệ, để lo bảo vệ trật tự khi chiếm được thủ đô. Ông Mahmoud Jibril, chủ tịch ủy ban đã lên ti vi, phát hình từ vương quốc Á Rập Qatar trong vùng Vịnh, kêu gọi dân chúng thủ đô hãy kiềm chế không tự mình đi trả thù, hãy để mọi nỗi oán hờn cho công lý xét xử sau này. Khác với Iraq năm 2003, các cảnh sát, công an của chế độ cũ được kêu gọi trở lại nhiệm sở, cũng như các quân nhân không bị sa thải tức khắc, tạo nên một đạo binh thất nghiệp vừa sợ hãi vừa có súng trong tay như ở Iraq. Tại nhiều nơi, những ủy ban nhân dân tự động lập ra lo việc bảo vệ trật tự, an ninh trong khu phố mình. Ðiều đáng mừng không kém là các mỏ dầu lửa bắt đầu hoạt động và những ngân khoản ở ngoại quốc của chính quyền cũ được Liên Hiệp Quốc giải tỏa, tiền bắt đầu được tháo khoán cho chính quyền mới sử dụng!

Và chính quyền mới cần ngay rất nhiều tiền. Trong thành phố Tripoli nhiều nơi còn bị cúp điện, nước. Công chức khắp nước chưa được trả lương trong mấy tháng qua. Ðiều quan trọng nhất là chính phủ lâm thời, dưới cái tên Ủy Ban Quốc Gia Chuyển Tiếp cần phải có mặt ở thủ đô ngay, để tạo niềm tin rằng chế độ cũ đã chấm dứt thật sự. Và họ phải chứng tỏ đang nắm quyền quyết định. Ðể tránh cho Libya khỏi lâm vào cảnh nội chiến như ở Iraq sau năm 2003.

Một công trình của Ðại Học Columbia nghiên cứu 323 cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài từ năm 1900 đến năm 2006 cho biết sau khi “cách mạng thành công” có 43% trường hợp đã đưa tới nội loạn. Lybia cũng giống Iraq, có đủ các mầm mống đưa tới nội chiến, vì họ không phải là một dân tộc có truyền thống thuần nhất và chưa có ý thức quốc gia theo nghĩa hiện đại của danh từ này. Người dân Lybia hướng lòng trung thành của họ vào các bộ lạc nhiều hơn là vào một thực thể quốc gia. Ngay những nhóm dân quân nổi dậy cũng không thuần nhất. Dân Berberes ở phía Tây đã nổi lên chống Gadhafi sau khi cuộc nổi dậy ở Benghazi tại miền Tây thắng thế. Những người Berberes đầy tinh thần độc lập và tự hào của dân du mục đóng vai trò thiết yếu trong trận đánh giải phóng thành phố Misrata, họ không hoàn toàn tuân phục Ủy Ban Quốc Gia Chuyển Tiếp. Ngay trước khi thắng thế, trong phe nổi dậy đã xẩy ra những rạn nứt lớn. Vào Tháng Bẩy, nhà chỉ huy quân sự Abdel Fatah Younès được triệu hồi từ mặt trận về Benghazi tham khảo; mấy ngày sau người ta thấy xác ông và hai cận vệ ở bên ngoài thành phố, thi hài có dấu vết bị tra tấn và bị đốt cháy. Phe nổi dậy nói ban ám sát của Kadhafi đã giết ông Younes, nhưng nhiều người không tin. Sau đó, ủy ban hành pháp, tức chính quyền lâm thời đã phải từ chức. Ông Younes thuộc bộ lạc Obeidi, bộ lạc này đã yêu cầu mở cuộc điều tra tìm thủ phạm. Những bất đồng như vậy sẽ gây nhiều trở ngại cho một nước Libya mới sắp ra đời!

Ủy ban NTC do ông Mustafa Abdel Jalil, một cựu bộ trưởng Tư Pháp cầm đầu. Ông đã tuyên bố trước là sẽ không giải giới quân đội và công an cảnh sát của chế độ cũ, để họ an lòng. Ông hứa sẽ thành lập một chính phủ lâm thời trong vòng 30 ngày sau khi cả nước được hoàn toàn giải phóng, chính phủ này sẽ bao gồm nhiều khuynh hướng chính trị và nhiều bộ lạc. Trong vòng 8 tháng sẽ tổ chức bầu cử tự do, để soạn một bản Hiến Pháp mới trong vòng 20 tháng.

Ðiều khó khăn nhất sẽ là làm cách nào giải thể các toán dân quân độc lập để họp lại thành một quân đội quốc gia chuyên nghiệp, đứng ngoài chính trị!

Ông Mustafa Abdel Jalil là viên chức chính phủ Gadhafi đầu tiên từ bỏ nhà độc tài để gia nhập dân quân nổi dậy, sau khi các sinh viên ở Bengahzi biểu tình ngày 15 Tháng Hai năm nay. Ông được nhiều người kính trọng vì ngay khi làm bộ trưởng đã can đảm chỉ trích nhiều chính sách đàn áp đối lập của Gadhafi. Nhưng Jalil không được coi là một lãnh tụ mạnh có khả năng khuất phục người khác. Sau ông Jalil, nhiều nhân vật trong chính quyền Kadhafi cũng kéo về thành phố Bengahzi thủ phủ tạm thời của phe nổi dậy, lấp vào khoảng trống chính trị của một phong trào quần chúng tự động bột phát. Trong số đó có ông Mahmoud Jibril, đang cầm đầu ủy ban hành pháp của phe nổi dậy, và ông Ali al-Essawi, đứng đầu về ngoại giao.

Jibril là một cựu sinh viên Ðại Học Pittsburgh ở Mỹ. Trong cuốn “Viễn Tượng Lybia 2025” ông đã vẽ ra hình ảnh một chế độ mới, trong đó các quyền tự do được tôn trọng, kinh tế thị trường mở cửa, và quyền hành của chính phủ được giới hạn trong đời sống xã hội. Người đóng vai trò bộ trưởng Tài Chánh trong phe nổi dậy là Ali Tarhouni, một giáo sư Ðại Học Washington, ông đã bỏ ngang nghề giáo sư ở Mỹ để về nước “làm cách mạng!”

Nhân vật trong phe nổi dậy có thể bị nghi ngờ chống Tây phương là Abdul Hakim Belhaj' người đang cầm đầu Ủy Ban Quân Sự Tripoli.

Abdul Hakim Belhaj có bí danh là Abu Abdullah al-Sadiq vốn là chỉ huy của một nhóm kháng chiến mang tên Ðạo Quân Hồi Giáo Lybia (Libyan Islamic Fighting Group - LIFG), đã tổ chức chống chính quyền Kadhafi từ năm 1990, ở miền Ðông Lybia. Ông Belhaj 45 tuổi, đã âm mưu ám sát Kadhafi hai lần không thành vào những năm 1995, 96. Nhóm Ðạo Quân Hồi Giáo Libya (LIFG) bị chính phủ Mỹ ghi trong danh sách các tổ chức khủng bố Hồi Giáo quá khích. Năm 2004 ông Belhaj đã bị bắt ở Mã Lai Á, sau đưa qua nhà giam của CIA tại Thái Lan, và ở đó ông đã bị tra tấn. Khi được trả tự do, ông được đưa trả cho chính quyền Gadhafi, bị giam giữ; mới được “ân xá” năm 2010.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Belhaj nói ông không thù hận nước Mỹ. Ông cũng nói đã từng chống lại tổ chức khủng bố Al Qaeda mà ông cho là cực đoan, không theo đúng giáo lý Hồi Giáo. Nhóm LIFG nay đã đổi tên thành Phong Trào Hồi Giáo Chuyển Hóa để biến thành một đảng chính trị.

Những tổ chức dân quân kháng chiến như LIFG có hy vọng thoát xác trở thành các đảng chính trị hay không? Người ta có thể hy vọng điều đó sẽ diễn ra, theo tấm gương của Nghị Hội Quốc Gia Nam Phi (Africa National Congress ANC). Sau khi được người da trắng ở đó trao quyền hành, ANC đã tự giải tán, gia nhập quân đội quốc gia. Một diễn trình tương tự đang thành hình ở Ai Cập, nơi các nhóm Hồi Giáo võ trang đông người hơn LIFG cũng đã tự giải tán và thành lập đảng chính trị Kiến Thiết và Phát Triển.

Các nước Tây phương đã giúp cho phe cách mạng thành công, nhờ những cuộc không tập và viện trợ vũ khí, gồm các nước Anh, Pháp và Mỹ. Ðiều này được cả nước Lybia biết ơn. Ðối với nước Mỹ, cuộc nổi dậy thành công ở Lybia là một tin mừng hiếm hoi, trong lúc thị trường chứng khoán đang xuống vì mối lo nạn thất nghiệp không giảm! Biến cố này đã tạo cho nước Mỹ một hình ảnh mới trong thế giới Á Rập. Một nhà báo Mỹ viết cho tờ New York Times hôm qua đã mô tả chuyến đi của ông từ biên giới Tunisie tới Tripoli, đi đâu cũng thấy mọi người hoan hô chính phủ Mỹ trong việc hỗ trợ quân nổi dậy.

Trong khi đi bộ trong thủ đô Tripoli, nhà báo được một người lái xe gọi lại cho đi nhờ, và nhắn: Cảm ơn người Mỹ! Một người khác nhận xét: Nếu không có nước Mỹ giúp, chúng tôi không có ngày hôm nay! Một người lính biên phòng biết nhà báo từ New York tới đã hỏi thăm về trận bão Irene đang tấn công New York, tỏ ý hỏi anh ta có thể làm gì để giúp người Mỹ hay không! Belgassim Ali, một kỹ sư dầu lửa nói: “Tôi muốn cảm ơn nước Mỹ đã giúp bảo vệ dân tôi. Nếu không có nước Mỹ thì chúng tôi không đang được mừng ngày thành công như thế này! Chắc chúng tôi đang nằm trong nghĩa địa!” Chàng thanh niên Abdul Hakim al-Hasadi, một quân thánh chiến cũ (jihadist) nói với nhà báo Mỹ: Thái độ của chúng tôi đã thay đổi. “Trước đây tôi ghét Mỹ 100%, hôm nay chỉ còn dưới 50%!”

Bài học có thể rút ra từ biến cố ở Libya là: Một chế độ độc tài có thể tan rã rất dễ dàng! Mùa Xuân Ðịa Trung Hải đã bắt đầu ở Tunisia từ đầu năm, lan sang Ai Cập và các nước Á Rập khác, nay đã tới Libya và có thể sẽ tràn tới Syria trong những ngày sắp tới. Nhà báo Ali-Mustaqbal ở Lebanon mới nhớ lại, trong thập niên 1970 cả vùng Ðịa Trung Hải toàn là những chế độ độc tài. Tito ngự trị ở Nam Tư, Enver Hodja ở Albania. Các ông đại tá nắm quyền ở Hy Lạp. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong tay các ông tướng. Chế độ Franco ở Tây Ban Nha chỉ chấm dứt khi nhà độc tài này qua đời năm 1975. Chế độ độc tài ở Bồ Ðào Nha chấm dứt năm 1974 sau cuộc Cách Mạng Hoa Cẩm Chướng. Sáu nước phía Bắc Ðịa Trung Hải và tất cả các nước Á Rập ở phía Nam đều sống dưới chế độ độc tài trước đây 40 năm! Ngày nay, mùa Xuân đã tới miền Ðịa Trung Hải!

Ngô Nhân Dụng
@nguoi-viet