Wednesday, September 14, 2011

Dạ Cổ Hoài Lang


Trung Thu, nhớ nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Video Dacohoailang

Dịp Trung Thu năm nay, chúng tôi may mắn gặp lại bác Huỳnh Văn Chín tại Sài Gòn.

Thuở thiếu thời, bác Chín từng là “đệ tử ruột” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thường gọi là Sáu Lầu, soạn giả bài ca vọng cổ “Dạ Cổ Hoài Lang” đã đi sâu vào lòng người dân miền Nam, vang vọng suốt gần một thế kỷ qua.(Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. (Hình: Internet)

Cũng nhờ gặp gỡ bác Chín, chúng tôi được biết rõ hơn về nhạc sĩ Cao Văn Lầu; nhất là biết xuất xứ ra đời của bài ca vọng cổ trác tuyệt đó. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, vào đúng đêm Rằm Trung Thu năm Mậu Ngọ (1918).

Bác Chín nói:

“Tui gốc người làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu; chính tại nơi này, bác Sáu Lầu đã sáng tác bài ‘Dạ Cổ Hoài Lang’. Ðêm nghe tiếng trống nhớ chồng. Ðó là năm Mậu Ngọ, tui vừa mới lọt lòng mẹ; lúc đó bác Sáu Lầu đã 26 tuổi.

“Quê quán bác Sáu Lầu ở Long An; năm lên 9 tuổi theo gia đình tới lập nghiệp tại Bạc Liêu, ở luôn đó tới ngày qua đời (năm 1976). Tui còn nhớ như in lời bác Sáu Lầu nói trường hợp sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang: Tên bài này được đặt đầu tiên là ‘Hoài lang’, tức là nhớ chồng; bởi bác Sáu Lầu rất thương người vợ, bà Trần Thị Tấn."

Năm viết nó thì vợ chồng bác Sáu Lầu đã ăn ở với nhau đặng ba năm mà chưa có con. Hồi đó có quan niệm ‘Tam niên vô tử bất thành thê’ khắc nghiệt lắm. Vợ chồng ăn ở với nhau đặng ba năm mà vợ không sanh con thì người chồng được quyền bỏ, cưới vợ khác đặng có con nối dõi tông đường. Thời đó người ta cho rằng vợ chồng không sanh con là do lỗi của người vợ.

“Lời ra tiếng vào buộc phải thôi vợ, nhưng bác Sáu Lầu thì không đành đoạn. Dẫu sao vợ chồng phải tạm xa nhau để đỡ căng thẳng trước sức ép của gia đình. Vợ thu xếp trở lại nhà cha mẹ, bác Sáu Lầu một lòng thủy chung với vợ phải tạm thời xa cách.

“Một thân một mình vò võ đêm trường, nghe tiếng trống chùa Vĩnh Phước gần nhà vọng tới, bác Sáu Lầu nhớ thương vợ đau thắt ruột, liên tưởng cảnh tình người thiếu phụ trông chồng thời chinh chiến. Nên người nhạc sĩ ôm cây đờn kìm gẩy lên điệu nhạc trong đêm, phổ vào đó nỗi niềm thương nhớ. Bài ca ‘Hoài Lang’ ra đời như vậy, vào đêm Rằm Trung Thu năm Mậu Ngọ.”

 Chúng tôi hỏi bác Chín về trường hợp tên bài ca này, lúc trở thành bài “Dạ Cổ Hoài Lang.” Bác Chín cho biết:

“Sau khi soạn bài ‘Hoài Lang’, bác Sáu Lầu cùng anh em đờn ca tài tử ở địa phương đờn ca tới lui để cùng đóng góp ý kiến. Do bác Sáu Lầu có nhắc tới tiếng chuông chùa Vĩnh Phước vẳng tới hằng đêm, khiến bản nhạc được soạn ra với nỗi niềm của người chinh phụ; vậy nên anh em cùng đờn hát đề nghị bác Sáu Lầu thêm hai chữ Dạ Cổ - đêm nghe tiếng trống.

“Thiệt rất giống như nỗi lòng của người chinh phụ, đêm nghe tiếng trống điểm canh mà nhớ chồng tha thiết. Từ đó bài ‘Dạ Cổ Hoài Lang’ lan truyền rộng khắp, đi vào tâm tư của người dân Nam Bộ.”

Bác Chín cũng nhớ lại, từng nghe soạn giả bài ca vọng cổ trứ danh này kể chuyện: “Bác Sáu Lầu biểu: dẫu vợ chồng bị ngăn cách, nhưng vẫn bí mật gặp nhau. Nên không lâu sau đó, vợ bác Sáu Lầu đã sanh được con trai đầu lòng; gia đình cho vợ chồng bác Sáu Lầu chung sống trở lại. Cả thảy, vợ chồng bác Sáu Lầu có bảy người con.”

Sau bài “Dạ Cổ Hoài Lang” trứ danh, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã soạn thêm khoảng 10 bài ca vọng cổ nữa, hầu hết chỉ phổ biến ở vùng Bạc Liêu. Bài ca vọng cổ cuối cùng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu soạn vào năm 1974, năm nhạc sĩ đã 82 tuổi. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu mất năm 1976, hưởng thọ 84 tuổi.

Bác Chín năm nay đã 93 tuổi, nhưng còn minh mẫn, trí nhớ chưa bị lẫn lộn, lãng quên như tuổi già. Năm 15 tuổi, bác Chín học đờn ca với nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trở thành “đệ tử ruột” của nhạc sĩ.

Sau 30 tháng 4, 1975, bác Chín về sống tại Long An, ở huyện Vàm Cỏ, cùng nguyên quán nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Hiện nay giọng nói của bác Chín đã suy yếu, bàn tay run rẩy, không còn đàn hát được như cách đây vài năm, lần chúng tôi gặp bác Chín, cũng tại nhà người quen ở Sài Gòn. Lần đó chúng tôi được nghe câu chuyện bác Chín kể về người thầy dạy đờn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, là ông Lê Tài Khí, tức Nhạc Khị.

Người thầy độc đáo tài danh này vốn bị tật nguyền: mù cả hai con mắt, lại thêm dị tật ở chân. Người học trò Cao Văn Lầu tiếp thu rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn đã sử dụng nhuần nhị các loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, trống lễ... và trở thành nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy Hai Khị.

Trong lần gặp, chúng tôi cũng được nghe bác Chín đờn ca bài “Dạ Cổ Hoài Lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và còn nhớ nằm lòng những lời ca thống thiết:

“...Vào ra luống trông tin chàng / Năm canh mơ màng / Em luống trông tin chàng / Ôi gan vàng quặn đau... // Ðường dù xa ong bướm / Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang / Ðêm luống trông tin chàng / Ngày mỏi mòn như đá vọng phu / Vọng phu vọng luống trông tin chàng / Sao nỡ phũ phàng // Chàng hỡi chàng có hay / Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây / Bao thuở đó đây sum vầy / Duyên sắc cầm đừng lạt phai / Là nguyện cho chàng / Nguyện cho chàng đặng chữ bằng an / Mau trở lại gia đàng / Cho én nhạn hiệp đôi...

 Nguyễn Ðạt