Thursday, September 22, 2011

Việt Nguyên


Câu chuyện hai tượng Phật ở Bamiyan, A Phú Hãn


10 năm sau ngày 11 tháng 9, 2001
Tam Tạng thỉnh kinh và Con Ðường Tơ Lụa

LTS - Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa... do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston.

Ngày 2 tháng 3, 2001, quân Taliban đặt chất nổ phá hủy hai tượng Phật khổng lồ lớn nhất thế giới ở thung lũng Bamiyan, A Phú Hãn. Cơ quan Văn hóa Liên Hiệp Quốc và cả thế giới phẫn nộ lên án tội ác văn hóa của bọn Hồi giáo quá khích. Sáu tháng sau, ngày 11 tháng 9, 2001, hai chiếc máy bay đâm vào hai tòa cao ốc World Trade Center tượng trưng cho thế lực tài chánh của nước Mỹ, hai tòa nhà sập với gần 3,000 người thiệt mạng. Hoa Kỳ ngỡ ngàng giận dữ, chính quyền George W. Bush nhất định trả thù bắt Bin Laden phải đền tội.

Ngày 7 tháng 10, 2001 quân đội Hoa Kỳ tấn công A Phú Hãn, chính quyền Taliban sụp đổ. Trong 10 năm, “ground zero” ở Nữu Ước đang được xây dựng lại ( ground zero nguyên là tên đặt cho vùng đất thử bom nguyên tử đầu tiên ở New Mexico) theo chương trình hiện đại, còn hai tượng Phật đang được đúc lại như hai tượng nguyên thủy 1.500 năm trước được mô tả đầu tiên bởi Tam Tạng, nhà sư nổi tiếng đời Ðường.

Tam Tạng và Con Ðường Tơ Lụa

Nhà sư Huyền Trang là một nhà du hành đã có ảnh hưởng lớn trên lịch sử thế giới trong 14 thế kỷ từ nghệ thuật, tôn giáo, địa chất, khảo cổ, đến nhân văn. Ngài đã đi 10,000 dặm trên con đường lụa trong 16 năm. Con đường lụa (Silk road) nối dài từ Trường An, Trung Hoa qua đến Ba Tư (Iran ngày nay) từ đó đến La Mã, quan trọng như mạng lưới thông tin của thế kỷ thứ 20. Con đường ấy giúp trao đổi thương mại, tư tưởng, văn hóa, kỹ thuật, hòa bình và tôn giáo cho các quốc gia từ Á sang Âu, từ Âu sang Á. Nhà sư đi từ Tràng An qua Ấn Ðộ thỉnh kinh Phật về Trung Hoa đã được Aurel Stein, sử gia thế kỷ 19, gọi là “Thánh bổn mạng” của con đường lụa. Trong 19 năm, nhà sư Huyền Trang đã dịch 1,335 chương từ chữ Phạn sang chữ Hoa, đem Tâm Kinh và Kinh Kim Cương phổ thông về Trung Hoa.

Câu chuyện Tam Tạng thỉnh kinh thế kỷ thứ 7 có thật nhưng vào thế kỳ 16, năm 1592 Ngô Thừa Ân tiểu thuyết hóa với “Tây Du Ký” với Tề Thiên Ðại Thánh. Tiểu thuyết đã làm say mê bao thế hệ nhưng mặt khác Ngô Thừa Ân đã khiến độc giả tưởng nhân vật Tam Tạng không có thật. Tề Thiên Ðại Thánh, được Ngô Thừa Ân phỏng theo con khỉ anh hùng trong truyện dân gian Ấn Ðộ, thần Ramayana. Con heo Trư Bát Giới tham lam yếu lòng yếu dạ, Sa Tăng đeo chuỗi sọ người đen đuốc phỏng theo các tín đồ Bà La Môn đeo sọ người, da bôi lọ nồi.

Tam Tạng được tiểu thuyết hóa từ một đứa trẻ sinh ra, bị mẹ bỏ trong nôi trôi trên sông, được một nhà sư vớt về nuôi (giống như truyền thuyết Moses hay chuyện hai anh em Romus, Romulus ở La Mã) phải qua 80 khổ nạn trên đường thỉnh kinh với Tề Thiên, Trư Bát Giới và Sa Tăng bảo vệ.

Hành trình của Huyền Trang từ năm 629 đến 645 trên con đường lụa đầy gian khổ không kém Tây Du Ký. Sanh năm 602, đời nhà Ðường, gần Lữ Giang. Ngài là người trẻ nhất trong bốn người con. Hồi nhỏ nhà theo đạo Khổng, ông nội làm quan đời nhà Tề đến đời nhà Tùy suy sụp, năm 618, gia đình chạy về Tràng An. Một kinh đô văn hóa Á Châu 30 dặm vuông so với La mã được gọi là Ðại Tần 5 dặm vuông (đến năm 742 Trường An có 2 triệu dân). Ảnh hưởng bởi một người anh đã đi tu, 12 tuổi Huyền Trang được chọn trong hàng trăm người để tu học. Lớn lên nhà sư được tả là người cao lớn đẹp trai cao 1.8 m, lông mày rậm, mắt sáng, trán cao, thông minh tuyệt đỉnh. Năm 628, Trung Hoa đã có nhiều kinh Phật được dịch nhưng nhà sư Huyền Trang nhất trí học chữ Phạn, phải tìm kinh nguyên thủy, thay vì tụng kinh tam sao thất bổn (như kinh kệ dịch hiện nay lúc thì phiên âm lúc thì dịch nghĩa). Trước Huyền Trang đã có 54 nhà sư đi Ấn Ðộ, nổi tiếng nhất là nhà sư Pháp Hiển (đi theo con đường tơ lụa về theo đường biển) đã gây ấn tượng mạnh mẽ về Phật giáo cho người Hán đang theo đạo Khổng.

Năm 629, nhà Ðường bế môn tỏa cảng, không được phép đi về hướng Tây nhưng nhà sư Huyền Trang muốn học Duy Thức Luận (Yogacara, nguyên ngữ bằng tiếng Phạn) đã nửa đêm bí mật trốn đi khỏi Tràng An, qua 5 vọng gác với thông hành giả đến Ngọc Môn Quan (cửa dẫn đến vùng Thiên San như câu hát của Lê Thương: Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn) qua vùng Cam Túc, Mông Cổ, Thanh Hải, Lạng Châu bị quan tổng đốc đuổi về nhưng ngài được 2 đệ tử dẫn đến An Tây. Lính gác thành, yêu đạo Phật, xé lệnh cấm khuyên Huyền Trang đi gấp. Ra khỏi Ngọc Môn Quan, Bandha dẫn nhà sư đến bờ sông, nửa đêm cầm dao phay định giết nhà sư đang nằm ngủ. Giống như trong chuyện Tây Du Ký, Huyền Trang cầu Phật Bà Quán Âm, Bandha bỏ trốn, nhà sư một mình một ngựa trốn qua 5 vọng gác, bị lính bắn vào đầu gối nhưng vẫn đi 300 dặm qua sa mạc Gori để đến ốc đảo Hami. Sa mạc được người Hán đặt tên là Hà Sa (sông cát) sa mạc với đồn cát, gió thổi như tiếng nhạc, ban đêm như tiếng ma nói chuyện giống như những đụn cát ở Nam Phi. Nửa đêm giữa sa mạc, bình nước vỡ, nhà sư đọc kinh cầu Phật Bà Quán Âm, sương bỗng nhiên đổ xuống vừa đủ cho nhà sư và ngựa. Hai ngày sau đến ốc đảo Hami nơi chân núi Thiên Sơn, qua sa mạc Takhlamatan đến nước Thổ Phồn, vua Chu nguyên Thái gốc Hoa giữ lại giảng đạo Phật một tháng. Thổ Phồn với kinh đô Cao Cang với núi đất đỏ (flaming mountain) là ngẫu hứng một chương Tây Du Ký nổi tiếng với Tề Thiên đại thánh đại náo bị Phật nhốt vào trong lòng bàn tay.

Từ Thổ Phồn, Huyền Trang được vua cấp đoàn người với 24 lá thơ giới thiệu đến 24 quốc gia vùng Trung Á. Ông là một nhà ngôn ngữ học đại tài, đến các nước giảng đạo Phật bằng thổ ngữ chứ không bằng Hán ngữ. Sau vua Thổ Phồn, nhà sư gặp Ðại Hãn cai trị xứ Tây Thổ (kéo dài từ Ba Tư đến A Phú Hãn, Pakistan và các nước hiện nay Kyrgystan, Tajikistan, Uzbekistan) người Hán gọi là đất “ngàn con suối.” Nhờ Huyền Trang, Ðại Hãn chú trọng đến đạo Phật. Vùng đất này gần Kucha nơi có những người dân Ấn Âu (Indo European) tóc đỏ, mắt xanh, một quốc gia nổi tiếng về âm nhạc với đàn dây, đàn tì bà, đàn nhị, v.v... đem về triều nhà Ðường, với vạn Phật Ðộng và các bảo tháp. Ða số dân Uzbekistan họ An (sau có tướng An Lộc Sơn yêu bà Dương Quý Phi làm loạn triều Ðường Minh Hoàng).

Trước khi đến Bamiyan, nhà sư qua Kunduz, đến thành phố Balk nay thuộc A Phú Hãn. Thành phố Phật giáo hưng thịnh qua mặt Ấn Giáo, Bái Hỏa Giáo, Bà La Môn, Thiên Chúa Giáo và Mani Giáo. Thành phố trước bị Hung Nô chiếm sau nhờ 2 thương gia Trapusa và Bhallika đem Phật Giáo đến A Phú Hãn. Hai người đã xây hai bảo tháp thờ tóc và móng tay do Phật ban khi họ từ giã Phật Thích Ca.

Tương truyền rằng khi 2 thương gia xin Phật dạy nghi lễ, Phật Thích Ca dạy họ xây Bảo Tháp (Stupa, Phù đồ, trong câu: “Dầu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”). Phật cởi áo cà sa 3 mảnh gấp làm tư, thành hình vuông, mảnh lớn ở dưới mảnh nhỏ ở trên. Sau đó Phật để bình bát lên trên, sau cùng cắm cây thiền trượng dựng đứng lên. Bảo tháp vì vậy có hình tròn không giống các bảo tháp ở các chùa bây giờ. Bảo tháp của Phật là sơ đồ vũ trụ, với vòm tròn tượng trưng cho vòm trời, cây gậy là trục của vũ trụ. Bảo Tháp tượng trưng cho niết bàn. Ðến thời vua Asoka (A Dục, không còn dục vọng, ham muốn) nhà vua xây tám bảo tháp chứa xá lợi Phật sau đó xây 84.000 bảo tháp, nhà vua tin xương người chứa 84,000 nguyên tử. 84,000 bảo tháp là 84,000 nguyên tử của xương Phật, từ đây xuất phát 8 vạn 4 ngàn Pháp môn.

Hai tượng phật vùng Bamiyan

Nhà sư Huyền Trang đến thung lũng Bamiyan vào năm 632. Ngài mô tả thành phố ốc đảo trong vùng núi rặng Hindu Kush nơi có đầy hoa, mật, lúa mì, trái cây đầy đủ cho người, ngựa và cừu. Dân A Phú Hãn mặc áo lông, rất mộ đạo Phật. Nhà sư đã ngẩn người vì rặng núi với vách đá cao 2,000 ft. kinh ngạc với hai tượng Phật khổng lồ tạc trong vách núi. Tượng thấp màu xanh, tượng cao màu đỏ. Bức tượng lớn nằm hướng tây cao 150 ft (chiều cao thật sự sau này được đo lại là 175 ft) bức tượng thấp cao 125 ft nằm phía đông cách nhau nửa dặm. Tượng Phật cao là tượng Phật hóa thân, tượng thấp là tượng Phật Thích Ca cả hai quay mặt nhìn về hướng Nam. Nhà sư Huyền Trang là người đầu tiên tả hai tượng Phật khổng lồ ở thung lũng Bamiyan, hai tượng Phật này sau trở thành mô hình cho các tượng Phật ở Nhật và Trung Hoa. Những nhà nghiên cứu văn hóa về sau cho thấy hai tượng Phật là một hài hòa văn hóa, với áo choàng của Phật là áo choàng Hy Lạp, như kiểu áo choàng của Ðại Ðế Alexander màu ngọc bích trang hoàng với các viên ngọc. Nhà sư Huyền Trang mô tả 10 tu viện với 7.000 tu sỹ tiểu thừa. Các tu viện này nằm trong hang động và dưới chân hai bức tượng. Ðây được xem là tu viện Hoàng Gia. Các tu viện này bị phá hủy khi Hồi Giáo đến chiếm A Phú Hãn vào thế kỷ thứ 8. Từ vua Mông Cổ Mahmoud cho đến Thành Cát Tư Hãn (1221) trong ngàn năm tượng Phật bị phá mặt, cùng với thời gian và thời tiết bị hư hoại, nhưng tượng Phật vẫn đứng vững. Các nhà khảo cổ dùng phương pháp đo lường quang học (spectrometer) định được tượng Phật Thích Ca dựng lên từ giữa năm 544 đến năm 595 và bức tượng lớn từ khoảng năm 591 đến năm 644 chứng tỏ nhà sư Huyền Trang khi đến A Phú Hãn thì hai tượng Phật mới được tạc. Hai bức tượng, theo Viện Ðại Học Munich, được tạo từ đá, gỗ, sành, trộn với lông súc vật và khoáng chất thạch anh được giữ thăng bằng bởi dây thừng rồi trang điểm giống như Huyền Trang mô tả.

Nhân 10 năm kỷ niệm ngày hai bức tượng bị phá hủy, cơ quan UNESCO muốn dựng lại hai bức tượng nhưng các chương trình còn được bàn cãi, trở ngại lớn là tài chánh. Nhưng điều đã làm các nhà khảo cổ nhức đầu nhất là nhà sư Huyền Trang đã mô tả một tượng Phật thứ ba, tượng Phật nằm nhập niết bàn (Parinirvana) 12 dặm về phía đông. Bức tượng được mô tả kỹ lưỡng, nằm dài 1,000ft, hơn hẳn hai bức tượng đứng khổng lồ, tư thế nằm bên phải, chống tay, quay mặt về hướng Nam. Giáo Sư Zemulia Tarzi, học giả về A Phú Hãn Ðại Học Strasbourg từ năm 1978 đã nỗ lực tìm kiếm pho tượng này vì Huyền Trang trong sách mô tả tất cả chi tiết từ tu viện, bảo tháp các nơi trên đường tơ lụa đều chính xác. Ðược chính quyền Pháp tài trợ, vào tháng bảy mỗi năm, giáo sư Tarzi bay từ Strasbourg về Bamiyan nhưng ông chưa tìm thấy bức tượng thứ ba. Ông tìm thấy bảy tu viện, các di tích đồ gốm, các mảnh tượng dài 62 ft. Bà Nancy Dupree, chuyên gia Hoa Kỳ về nghệ thuật A Phú Hãn cũng mới tham gia đi tìm tượng Phật nằm vì bà cũng tin tưởng vào sách của Huyền Trang. Có lẽ bức tượng đã biến thành cát bụi ở thành phố Ghari-i-Gholghola (thành phố “rên xiết” khi Thành Cát Tư Hãn đi qua tàn sát hàng ngàn người).

Sau khi rời Bamiyan, nhà sư Huyền Trang tiếp tục cuộc du hành đến Kabul, xuống đến Peshawar, Lahore thuộc Pakistan bây giờ rồi đến Ấn Ðộ, mục tiêu cuối cùng để tu học ở Viện Ðại học Phật giáo đầu tiên Nalanda. Ngài đi hành hương những nơi mà các tín đồ Phật giáo phải đi đến trong những năm ở Ấn Ðộ, Saravast ( nơi Phật làm phép lạ), vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) nơi Phật Sanh, Kushinagara (nơi Phật nhập niết bàn) Bồ đề đạo tràng (Bodh Gaya, nơi Phật giác ngộ), Sanarth (nơi Phật giảng bài giảng đầu tiên Chuyển pháp luân).

Tháng 4 năm 643, nhà sư Huyền Trang được hai vua Assam và Harsha đồng ý cho phép hồi hương. Ðến Ấn Ðộ, ngài theo Bắc lộ (đường tơ lụa phía trên) về Trung Hoa Ngài theo Nam lộ, vua Ấn cung cấp voi đặc biệt chở được 8 người, kinh sách; 3,000 lạng vàng; 10,000 lạng bạc. Ði phải trốn, năm 645, trở về nhà sư Huyền Trang lại được vua Ðường Thái Tông đón tiếp trọng thể, chính thân vua ra đón vào Tràng An. Vua còn trách nhà sư tại sao đi không xin phép. Ðường Thái Tông nguyên trước giết anh để lên ngôi vua nay nhờ Huyền Trang sám hối theo đạo Phật. Vua Ðường phong Huyền Trang chức Ðường Tăng còn được gọi là Tam Tạng vì Ngài đem về ba tạng thư: Tạng thư Sutras (lời Phật giảng) Abhidharma (Pháp cú, triết học Phật giáo), Vinaya (Tăng luật). Vua sai nhà sư viết lại chuyến du hành, Sách Tây Vực Ký được dịch ra nhiều ngôn ngữ kể chuyến đi có thực khác với Tây Du Ký. Nhờ tài liệu Tây Vực Ký, các vua đời nhà Ðường thống nhất thiên hạ về phía Tây và phát triển Phật Giáo. Kinh sách, xá lợi Phật do Tam Tạng đem về được cất trong Ðại Nhạn Tháp ở Trường An ( Nay là Tây An). Tháp xây bằng đá cao 175 ft, không giống những bảo tháp Huyền Trang đã thấy ở Ấn Ðộ. Ðại Tháp vẫn còn trong gần 14 thế kỷ đánh dấu một thời kỳ Phật Giáo hưng thịnh ở Trung Hoa. Hình ảnh hai tượng Phật ở A phú Hãn và hai tòa cao ốc ở Nữu Ước giờ đây như những lời Phật dạy trong Tâm Kinh: “Hình không thật, cảnh không thật, đời là ảo ảnh...”

Việt Nguyên