Monday, September 5, 2011

Nguyễn Phương


Tu
i thơ trôi dt ca Su n Út Bch Lan


Hồi xưa, ở Việt Nam, khán giả ái mộ cải lương, mến thương nghệ sĩ nên tùy theo từng giọng ca mà tặng cho nghệ sĩ một mỹ hiệu hay biệt danh. Khi nghe nhắc Vua vọng cổ là biết nói tới danh ca Út Trà Ôn, nhắc tới Nữ Hoàng vọng cổ, sầu nữ… là người ta biết nói tới nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, một người có giọng ca rất buồn, một giọng ca hiếm có trong sân khấu cải lương suốt nửa thế kỷ qua.(Nữ Hoàng vọng cổ, sầu nữ Út Bạch Lan)

Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sanh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Thân phụ của cô là ông Nguyễn Văn Chưa, làm nghề nài ngựa đua, qua đời năm 1966. Mẹ của cô là bà Đặng Thị Tư dẫn bé Hai ( tên của Út Bạch Lan hồi nhỏ ) lên Chợ Lớn. Hai mẹ con sống lang thang lề đường xó chợ. Lúc đó bé Hai được tám tuổi, ban ngày em phụ mẹ rửa chén, làm chân sai vặt cho những người trong chợ Bình Tây, buổi tối bé Hai ngủ trên sạp thịt, không mùng màn chiếu gối.

Bà Tư, mẹ của bé Hai làm quen với một người đàn bà nghèo đồng trạc tuổi, cùng cảnh ngộ nên hai bà kết nghĩa chị em. Con của bà bạn là một em bé mù nhưng biết đàn guitare thùng khá giỏi. Đó là Văn Vĩ. Bé Vĩ mù bẩm sinh, được một nhạc sĩ thương tình dạy cho bé Vĩ đờn guitare cổ nhạc. Văn Vĩ dạy lại cho bé Hai ca. Bé Hai đã học được những bài vọng cổ Đêm Khuya Trông Chồng, Mẹ Dạy Con, Trọng Thủy Mỵ Châu, đó là những bài vọng cổ mà bạn hàng chợ thường hát dĩa nên bé Hai học thuộc lòng.

Bé Hai thấy người mù đi hát dạo trong chợ được người ta cho tiền nên rũ Văn Vĩ lén mẹ đi hát dạo, từ Chợ Lớn đến Chợ Bến Thành, chợ Bàu Sen, chợ Cầu Ông Lãnh. Nơi nào hai em bé Hai và Văn Vĩ hát dạo cũng được đông đảo người tụ tập nghe và cho tiền. Hai em đem tiền về cho mẹ nên cuộc sống đở đói khó, vất vã như xưa.

Lúc đó, năm 1946, 1947, đang có cuộc chiến tranh Việt Pháp, Ban Công Tác Thành Saigon liệng lựu đạn những nơi có đông người tụ tập, các rạp hát, các bar dancing. Bé Hai và Văn Vĩ đờn ca hát dạo, dân chúng tụ tập đông đảo nên lính cảnh sát Tây bắt bé Hai và Văn Vĩ về nhốt trong bót quận Nhì ở đường Hammelin, đường đi hướng về cầu Ông Lãnh.

Ông xếp bót là người Pháp lai Việt Nam, bạn thân của nhạc sĩ Jean Tịnh đờn vĩ cầm cổ nhạc nên ông bảo Jean Tịnh đến bảo lãnh cho hai em đó ra.

Nhạc sĩ Jean Tịnh và ca sĩ Thành Công đến bót, nghe Văn Vĩ và bé Hai đờn ca. Thành Công bảo lãnh hai em ra, anh theo hai em về chợ Bình Tây, gặp hai bà mẹ để xin cho hai em theo Ban cổ nhạc Thành Công ca trên đài Pháp Á.

Ca sĩ Thành Công rất mến mộ ngón đàn guitare sắc sảo của Văn Vĩ và giọng ca có chất buồn man mác của bé Hai nên Thành Công đặt nghệ danh Bạch Lan cho bé Hai để đối lại với ca sĩ tí hon Bạch Huệ trên đài Phát Thanh Saigon. Bé Hai xin giữ thêm chữ Út mà mẹ cô thường dùng để gọi cô, từ đó bé Hai có nghệ danh Út Bạch Lan.

Ngoài việc đờn ca cho Đài Pháp Á, Út Bạch Lan và Văn Vĩ còn được mời đờn ca giúp vui cho các cuộc tiệc, đám cưới, đám giỗ, được dân chúng ở chợ Bàu Sen mời về nhà họ đờn ca. Những lần được mời đờn ca, Văn Vĩ và Út Bạch Lan được thưởng nhiều tiền, người ta cho quần áo đẹp và cho ăn uống phủ phê. Cô Năm Cần Thơ chủ quán ca nhạc Họa Mi ở khu giải trí trường Đại Thế Giới Chợ Lớn, mời Út Bạch Lan và Văn Vĩ đờn ca thường xuyên cho quán Họa Mi.

Út Bạch Lan được ca sĩ Thành Công, cô Năm Cần Thơ, nhạc sĩ Jean Tịnh và nhạc sĩ Mười Lương dạy ca thêm nhiều bài bản cổ nhạc.

Năm 1952, Út Bạch Lan gia nhập đoàn hát Kim Khánh của ông bầu Ba Cang, nhưng đoàn Kim Khánh lúc đó đang có 4 cô đào trẻ Thu Ba, Bé Hoàng Vân, Kim Nên, Ngọc An nên chỉ khi nào một trong bốn nữ diễn viên đó bịnh thì Út Bạch Lan mới được đóng thế vai. Thấy ở đoàn Kim Khánh không có tương lai, Út Bạch Lan tìm đi gánh hát khác.

Năm 1953, Út Bạch Lan theo đoàn hát Tô Huệ, cũng chỉ được cho làm thế nữ, quân hầu nên cô trở về Saigon cộng tác với Ban Cổ Nhạc Thành Công trên đài phát thanh Saigon.

Năm 1955, Út Bạch Lan gia nhập đoàn hát Kim Thanh do bốn danh ca vọng cổ Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga hùng vốn làm bầu. Ở đoàn Kim Thanh, Út Bạch Lan cũng không được giao một vai tuồng quan trọng. Soạn giả Viễn Châu biết giọng ca của Út Bạch Lan rất được khán giả tán thưởng nên trong tuồng “Đời Cô Nga “ anh viết thêm hai câu vọng cổ cho Út Bạch Lan ca. Thành công quá sức tưởng tượng: khán giả vổ tay nhiệt liệt không thua gì khi họ nghe Út Trà Ôn vô vọng cổ. Vãn hát, khán giả đứng nghẹt ở cửa sau rạp hát để chờ đón xem mặt Út Bạch Lan.

Hình của Út Bạch Lan được đăng rất lớn trên các trang kịch trường, ký giả Nguyễn Ang Ca viết:” Út Bạch Lan, một ngôi sao lạ vụt sáng trên vòm trời sân khấu cải lương”

Ký giả Trần Tấn Quốc viết:” Út Bạch Lan, một giọng ca vọng cổ thảm sầu, bứt ruột bứt gan người nghe!”

Ký giả Kiên Giang viết:” Sầu nữ Út Bạch Lan, chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả ái mộ cải lương.”

Đại diện các hãng dĩa Hồng Hoa, Hoành Sơn, Tứ Hải mời Út Bạch Lan ca thu dĩa vọng cổ. Điều bất ngờ là soạn giả Viễn Châu không được phép viết thêm bài ca vọng cổ để giới thiệu Út Bạch Lan với lý do là không được phép viết thêm khi tuồng đã kiểm duyệt. Út Bạch Lan biết có người sợ soạn giả Viễn Châu viết vọng cổ cho cô ca sẽ làm lu mờ họ nên tung tin ngăn cản.

Ông bầu Nghĩa đoàn Thanh Minh hay tin này, mời Út Bạch Lan ký hợp đồng 150.000 đồng để Út Bạch Lan về hát. Út Bạch Lan đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Hương, Hữu Phước, Kim Anh, Thu Ba, Văn Chung, Minh Tấn, hề Kim Quang và đã có những vai hát quan trọng trong các tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, Cánh Bườm Lửa, Tình Tráng Sĩ, Đồ Bàn Di Hận, Nhớ rừng, Cung Đàn Trên Sông Lạnh, Núi Liễu Sông Bằng, Hồi Trống Vân Lâu, Áo Gấm Khôi Nguyên, Cầu Gổ Hoàng Mai Thôn, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn.

Năm 1958, Út Bạch Lan ký hợp đồng hai triệu đồng về hát cho đoàn hát Kim Chưởng, hát cặp với kép chánh Thành Được.

Thành Được và Út Bạch Lan là một cặp diễn viên lý tưởng nhất trong hai thập niên 60, 70…Út Bạch Lan cùng với dàn diễn viên của đoàn Kim Chưởng Thành Được, Trường Xuân, Kim Nên, Nam Hùng, Mộng Thu, Hề Minh, Phượng Liên, Diệp Lang đã ghi dấu một thời hoàng kim của cải lương với các tuồng Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa…

Trên sân khấu Kim Chưởng, mối tình đầu nẩy nở giữa Út Bạch Lan và Thành Được đưa tới một cuộc hôn nhơn có hôn thư giá thú đàng hoàng, cô Phùng Há đứng làm chủ hôn.

Năm 1961, Út Bạch Lan – Thành Được rời đoàn Kim Chưởng, thành lập gánh hát lấy bảng hiệu Út Bạch Lan – Thành Được, hai nghệ sĩ Phùng Há và Ba Vân làm chỉ đạo nghệ thuật. Đoàn Út Bạch Lan Thành Được có những tuồng Trảm Mã Trà, Đêm Huyền Diệu, Chân Trời Hạnh Phúc, Khi Rừng Mới Sang Thu, Bốn Mùa Hoa Nở, Bao Giờ Vườn Xứ Mưa Hoa, Cuối Đường Hoa Mộng, Thuyền Về Bến Ngự, Khi Hoa Anh Đào Nở, Cầu Sương Thiếp Phụ Chàng, Sầu Qua Mấy Nhịp Cầu Duyên…

Cuối năm 1962, đoàn Út Bạch Lan - Thành Được rã gánh, Cặp vợ chồng nghệ sĩ này về cộng tác với đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga, hát tuồng Nửa Đời Hương Phấn của Hà Triều Hoa Phượng. Thời gian này soạn giả Viễn Châu viết tặng cho Út Bạch Lan bài vọng cổ Tâm Sự Một Loài Hoa, kề về cuộc đời nhiều gian truân của Út Bạch Lan.

Trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, Út Bạch Lan – Thành Được hát những tuồng xã hội Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, Ngược Dòng Sông Lỗi, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Ngả rẽ Tâm Tình, Đời Hai Mặt, Thầy Cai Tổng Bồi, Đời cô Nga…

Năm 1965, hôn nhơn của Út Bạch Lan và Thành Được gảy đổ. Út Bạch Lan ký hợp đồng hát cho đoàn Kim Chung của Bầu Long. Thành Được ký hợp đồng hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

Năm 1967, Út Bạch Lan lập gánh Tân Hoa Lan hát các tuồng Ai Cho Tôi Tình Yêu, Cổ Xe Độc Mã, Anh Hùng Xạ Điêu, Đi Biển Một Mình.

Sau năm 1975, Út Bạch Lan hát cho đoàn cải lương Saigon 1 rồi cô trở về quê hương Long An hát cho đoàn cải lương của tỉnh nhà.

Những năm gần đây, sầu nữ Út Bạch Lan được mời sang Hoa Kỳ, hát tái ngộ với nghệ sĩ Thành Được nhân dịp Phượng Liên tổ chức kỷ niệm 45 năm sân khấu. Út Bạch Lan được khán giả hải ngoại nhiệt liệt ngợi khen giọng ca bi thảm của cô, dù tuổi trên bảy mươi, giọng hát của Út Bạch Lan vẫn êm dịu, mượt mà, thu hút tâm hồn người nghe.

Út Bạch Lan đã quy y phật pháp, cô thường đi hát giúp gây quỷ từ thiện và hát giúp trong các lễ ở các chùa chiền. Sầu nữ Út Bạch Lan, một giọng ca hiếm có trong nền nghệ thuật Cải lương. Khán giả ái mộ gọi cô là Sầu Nữ, Nữ Hoàng Vọng Cổ, Vương Nữ Sương Chiều…hơn nửa thế kỷ qua, Út Bạch Lan đã rút hết tơ lòng để nhả cho đời những sợi tơ vàng óng ả đẹp vô ngần.

Lắng đọng gồm thâu những cuộc đời,
Vào hồn “ sầu nữ “ thấm tình người,
Cho nên nghệ thuật thanh xuân mãi,
Tiếng hát ngàn xa vượt tuổi trời.

Nguyn Phương