Monday, July 30, 2012

Buddhism


LUÂN HỔI TÁI SINH

GIẢI ÐÁP VẤN ÐỀ HÔN NHÂN


Trên thế giới nhiều người đã có sự nhận xét giống nhau về một vấn đề: đó là sự tương quan về nhân dáng diện mạo giữa chồng và vợ. Phần lớn một cặp vợ chồng thường có những nét giống nhau về gương mặt và đôi khi cả lánh tình. Có nhiều vợ chồng thoạt mới nhìn qua ai cũng tưởng đó là hai anh em. Nếu xét về mặt tánh tình thì có thể bảo rằng vì sống gần nhau họ sẽ chịu ảnh hưởng về cá tính của nhau. Nhưng trên thế giới, thật sự những người có tánh tình tương tự nhau mới hợp được nhau, mới khiến họ tìm đến nhau và dễ tiến tới hôn nhân (đồng thanh tương ứng, đồng chí tương cầu là vậy).

Nếu xét về diện mạo thì khó mà giải thích theo lập luận nào. Vì quả thật vợ chồng không đồng chung huyết thống, mỗi người thuộc một dòng dõi riêng. Vậy mà như đã trình bày ở trên, có lắm cặp vợ chồng có gương mặt tương tự nhau và ai trong chúng ta cũng có lần thấy rõ điều đó. Nguyên nhân nào đã khiến những người này liên hệ, kết hợp với nhau để thành vợ chồng? Theo các nhà tâm lý học thì một trong những nguyên nhân đáng kể là sự "gặp lại hình ảnh của chính mình". Những cặp vợ chồng ấy trước đây sống riêng lẽ, khi mới gặp nhau, quen biết nhau, họ đối mặt nhau và mỗi người tự cảm nhận một hình ảnh thân thuộc lạ lùng từ người kia mà họ chưa định rõ là gì. Cái hình ảnh thân thuộc ấy chính là những nét giống họ về gương mặt mà thường ngày họ bắt gặp trong lúc soi gương...

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là không phải cặp vợ chồng nào cũng đều có gương mặt tương tợ nhau mà trái lại có những cặp vợ chồng lại khác nhau một trời một vực về diện mạo và cả tánh tình. Những nhà nghiên cứu về các hiện tượng siêu linh đã đưa vào một vài thuyết tôn giáo, trong đó có thuyết luân hồi để giải thích và làm sáng tỏ phần nào vấn đề này.
Hôn nhân có nguồn gốc từ tiền kiếp. Ở kiếp này khi hai người nam nữ cùng nhau đi đến hôn nhân vợ chồng, quyết định sống bên nhau trọn đời thì thật ra điều đó không có nghĩa là điều mới được quyết định. theo thuyết luân hồi, chính nhân duyên từ kiếp trước đã là quyết định thế nào họ cũng gặp nhau vì nhân duyên (nhân duyên được hiểu đơn giản là Nhân cái này mà sinh ra cái kia (quả) như nhân có hạt giống mà sinh ra quả. Nhân duyên có 12 thứ: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, thủ, hữu, sinh, lão và tử - xem ý nghĩa 12 nhân duyên - Duyên giữa trai gái để trở thành vợ chồng) Nguyễn Du có câu thơ: Có nhân duyên, có vợ chồng).

Chính sợi dây duyên nghiệp sẽ nối kết trói buộc hai người lại với nhau. Khi hai người nam nữ gặp nhau, cảm tình với nhau, mong ước được cùng nhau sống hạnh phúc dưới một mái nhà, họ vẫn tưởng họ là hai người xa lạ không quen biết nhau và chỉ gặp nhau qua sự giới thiệu hoặc sự tình cờ nhưng thật sự họ ÐÃ QUEN BIẾT NHAU TỪ KIẾP TRƯỚC, hay nói khác đi là họ đã có duyên nghiệp với nhau từ kiếp trước.

Duyên nghiệp gồm có nghiệp và duyên theo nhau để tạo nên quả báo. Có thể trước đây người này đã gây đau khổ cho người kia (về khía cạnh nào đó) và trái lại. Hoặc trước đây hai người vẫn còn mối liên hệ ràng buộc nào đó chưa dứt cần phải có thêm thời gian nữa mới mong trả hết cho nhau.v.v... Vì thế mà họ phải gặp lại nhau ở kiếp kế tiếp. Có thể trước đó họ là anh em trong một nhà, hay cùng một giòng giõi, thân thuộc. Do đó không lạ gì khi có những cặp vợ chồng có gương mặt thường giống nhau như hai anh em. Ngoài ra tùy theo duyên nghiệp mà cặp vợ chồng sống với nhau thuận hòa hạnh phúc hay lại xung đột, cải vả, bất hòa khổ đau, chán chường để rồi đi đến ly hôn, ly dị, đôi khi còn coi nhau như kẻ thù. Có những cặp vợ chồng mới cưới nhau một thời gian ngắn đã vội lìa nhau. Thời gian chung sống với nhau ấy tùy thuộc vào nghiệp quả (Giống nghiệp báo chỉ sự báo ứng. của những gì mà trước đó người này đã tác động lên người kia nhiều hay ít, dữ hay lành...)

Nhiều người ở tiền kiếp đã có nhiều nghiệp duyên với người khác và nếu chưa trả hết thì đến kiếp này họ phải trả. Vì thế có nhiều người đã phải trải qua nhiều cuộc hôn nhân mà không được hưởng hạnh phúc của một vợ một chồng.

Theo những nhà nghiên cứu và thực hành phương pháp tìm về quá khứ hay tiền kiếp của con người như nhà vật lý học Pháp P.Drouot, Morris Nettherton, Cayce, N.Kchan... thì có nhiều người trong những thời gian của những tiền kiếp khác nhau đã là vợ chồng của nhau nên bị cái hấp lực mạnh của nhau tác động vào vì thế đến kiếp này họ vẫn còn liên hệ ràng buộc với nhau theo kiểu tự nguyện. Dĩ nhiên phần lớn những trường hợp này họ dễ hòa thuận với nhau hơn là xung khắc vì họ đã biết nhau nhiều hơn qua nhiều kiếp và chắc chắn họ sẽ dễ đạt thành công trên đường đời. Có nhiều trường hợp ở tiền kiếp người này vì có nghiệp duyên với người kia quá nặng nên đến kiếp này họ tự nhiên bị ám ảnh bởi một sự hối thúc tìm gặp người kia và đôi khi người kia chẳng biết.

Trích đoạn từ sách KHI CHẾT KHÔNG MANG THEO ĐƯỢC GÌ của tác giả Đoàn Văn Thông-Nhà xuất bản hải ngoại - 2004

Đoàn Văn Thông