Tuesday, July 24, 2012

VN.VN


Trường Hợp Tái Bản Những Cuốn Sách

Sau năm 1975, một chủ trương rõ rệt của những người vừa chiếm Sài Gòn là phải bằng mọi giá bôi xóa và chấm dứt những thành quả của hai mươi năm văn học miền Nam. Tác phẩm bị tiêu hủy, tác giả bị lên án và cầm tù, hành vi "phần thư khánh nho" đã liên tục xảy ra khắp cả đất nước. Những trẻ em học sinh khăn choàng đỏ nhái lại y hệt những động tác của Hồng Vệ Binh thập niên trước. Đốt sách, học tập lên án "nọc độc văn hóa Mỹ Ngụy", sách vở bị dầy đạp, bị thiêu hủy. (Hình phải:Tác giả bài viết Nguyễn Manh Trinh)
Dương Nghiễm Mậu cũng bị trong hoàn cảnh chung ấy. Bản thân thì bị cầm tù ở trại giam Phan Đăng Lưu, sách vở thì bị chưng bày trong phòng triển lãm tội ác Mỹ Ngụy như một bằng chứng của một nền văn hóa đồi trụy.

Một đao phủ thủ của văn học miền Nam trong giai đoạn ấy là Trần Trọng Đăng Đàn và "Văn Hóa Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975". Cuốn sách được coi như một văn kiện chính thức với những lời buộc tội và danh sách những sách bị cấm. Cuốn sách về sau trở thành luận án của một văn nô là những lý luận văn học cứng nhắc thô thiển chẳng có một chút giá trị nào ngoài danh sách những sách bị cấm và danh sách văn nghệ sỹ miền Nam bị kết tội. Trong đó, có Dương Nghiễm Mậu, ông ta đã viết với những lời buộc tội gay gắt qua tiểu thuyết Tuổi Nước Độc:

"... Tác hại của Tuổi Nước Độc chính là ở chỗ nó đội lốt chống thực dân để chống Cộng sản, nó không trực diện hô hào người ta theo đế quốc Mỹ, mà tập trung vào việc gây hoài nghi khuyến khích tiêu cực để tách bạn đọc ra khỏi cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, đảo ngược phải trái, đánh rối chính tả xóa nhòa ranh giới thù bạn... để mong hướng người đọc, nhất là những người trẻ tuổi - vào những chọn lựa sai lầm đi tới chỗ thỏa hiệp với đế quốc rồi theo hùa với đế quốc chống lại nhân dân - điều mà bọn chỉ huy chiến tranh tâm lý Mỹ Ngụy đặt hy vọng nhiều vào từng lớp trí thức tiểu tư sản ở giai đoạn tác phẩm ấy ra đời. Nhiều luận điệu nhằm phục vụ cho chiến tranh tâm lý tương tự như thế hoặc ở một số khía cạnh khác cũng đã thể hiện trong nhiều tác phẩm khác của Dương Nghiễm Mậu. Chẳng hạn như Gia Tài Người Mẹ, Địa Ngục Có Thật... "

Những luận điệu như thế của nhiều người đồng thanh: Phan Cự Đệ, Phong Lê, Văn Tâm, Trần Đình Sử, Trần Hữu Tá, Mai Quốc Liên,... đã thành một dàn đồng ca suốt bao nhiêu năm. Những người viết văn học sử đã theo chủ trương của chế độ muốn xóa bỏ hoàn toàn một thực thể văn học. Nhưng, tới bây giờ, khuynh hướng ấy có vẻ lung lay.

Nguyên Ngọc, trong thời gian gần đây ở cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do RFA đã phát biểu về nền văn học miền Nam Việt Nam khi ở trong nước đã tái bản tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu và Lê Xuyên:

"Ở Việt Nam trong nhiều năm qua người ta coi như không có cái bộ phận văn học miền nam trong suốt thời gian có thể nói từ năm 1954 đến năm 1975. Trong những cái nghiên cứu chính thống thì người ta không hề nhắc đến cái bộ phận đó.

Theo tôi, trước nhất cần phải khẳng định trong thời gian đó có một cái nền văn học ở miền Nam, trước hết phải công nhận cái điều đó. Cái thứ hai nền văn học đó cũng đã tạo nên những tác giả và những giá trị đáng kể mà theo tôi là tài sản chung của đất nước..."

Phạm Xuân Nguyên viết về những truyện ngắn tái bản của Dương Nghiễm Mậu:
"Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ 20 có nhiều hoàn cảnh lịch sử và lý do khác nhau đã không thuần nhất và thống nhất. Có một thực tế đã trở thành lịch sử là trong giai đoạn 1954-1975 đất nước bị chia thành hai miền lãnh thổ và hai thể chế khác nhau và dưới hai thể chế trên hai miền lãnh thổ ấy đã tồn tại hai nền văn chương khác biệt về ý nghĩa chánh trị. Nhưng ở những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, ở bên này hay bên kia, đó đều là văn chương đúng nghĩa, tức là có giá trị nhân bản, nhân văn đối với con người.

Tôn trọng lịch sử thì phải thừa nhận một thực tế khách quan là văn chương Việt nam thế kỷ 20 có các bộ phận khác nhau và để hình dung bức tranh đầy đủ về văn chương dân tộc thì phải có sự tổng hợp thống nhất các giá trị văn chương đích thực rừ các bộ phận cấu thành ấy. Độ lùi thời gian và hoàn cảnh xã hội chính trị xã hội hiện thời của đất nước đã tạo điều kiện cho việc này..."

Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng việc tái bản những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu nằm trong ý nghĩa ấy, là công nhận sự hiện hữu của nền văn học mà trước đây đã bị khai tử và bôi xóa bởi những người đã cưỡng chiếm được miền Nam. Ông đi xâu vào việc phân tích những tác phẩm đã tái bản từ Nhan Sắc đến Cũng Đành, và từ Đôi Mắt Trên Trời đến Tiếng Sáo Người Em Út. Những tính chất như tâm trạng day dứt dằn vặt của người trí thức trước cuộc sống, cũng như chất nhân bản rất người trong văn phong giản dị nhưng chĩu nặng suy tưởng. Phạm Xuân Nguyên kết luận:

"... Trong nền văn chương Sài Gòn trước năm 1975, Dương Nghiễm Mậu có vị trí khá đặc biệt nhờ ở văn tài của ông. Ông viết không ồn ào thị trường, không thời sự nhất thời, nhưng lặn sâu vào bề trong của con người và bề sâu ngôn ngữ và ma lực của ngòi bút ông khiến ai đã đọc thì không thôi am ảnh. Văn nghiệp Dương Nghiễm Mậu ngoài truyện ngắn còn có những tiểu thuyết gồm nhiều tác phẩm, trong đó có những tác phẩm rất đáng chú ý. Tuy nhiên vì nhiều lý do khó có thể chọn lọc để in lại hết. Còn in lại truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu là lựa chọn chính xác. Từ đây, có thể hy vọng trong tủ sách này của nhà xuất bản Văn nghệ và Công ty văn hóa Phương Nam sẽ tiếp tục cho ra những cuốn khác có gía trị văn chương của các tác giả khác. Văn chương dân tộc Việt Nam thế kỷ XX đang cần được kiểm kê đầy đủ ngõ hầu một bộ văn học sử thế kỷ này sẽ được viết ra trung thực với lịch sử."

Viết về một tác giả đã có lúc là đích nhắm muốn xóa sổ của chế độ hiện hữu như thế kể ra cũng là một chuyện khá lạ. Trước hết, phải nhận xét rằng cái tâm tốt đẹp của một nhà phê bình đã lớn lên và được học tập từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa khi mà một cô giáo dạy đại học xa lạ với văn học Việt Nam tiền chiến, biết mù mờ về Tự Lực Văn Đoàn và không biết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng là ai. Văn chương tiền chiến còn bị bôi xóa thì văn học miền Nam dĩ nhiên không thể hiện hữu trong những chương trình giáo dục. Thế mà, Phạm Xuân Nguyên đã viết chân thực như những đoạn trích dẫn ở trên.

Như vậy, văn học sử sẽ được trung thực với thực tế lịch sử chăng? Và, tất cả sẽ được ghi chép lại cho đời sau từng ý hướng ấy? Nhưng, không phải dễ dàng lạc quan như vậy. Có nhiều dư luận phản ứng. Như bài viết ký tên cô giáo Lê Anh Đào kết án truyện của Dương Nghiễm Mậu thú vật hóa con người và lưu manh hóa hình tượng văn học. Vũ Hạnh trong bài viết đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 22/4/2007 "Đâu là tiêu chí của người xuất bản" đã phê phán kịch liệt. Giọng văn thô lỗ áp đặt của một loại công an văn hóa viết lấy được của một người cầm bút nằm vùng, đã biểu hiện cho một khuynh hướng mắt mù tai điếc không cảm thấy được những biến chuyển của dân tộc. Vũ Hạnh kết án truyện của Dương Nghiễm Mậu phản động và sách của Lê Xuyên thì đồi trụy. Và cái bản đồng ca từ ba chục năm nay lại nhai lại. Nào là phương tiện của chủ nghĩa thực dân mới nhằm tha hóa giới trẻ để họ chống lại "cách mạng", nào là văn nghệ thời ấy cũng độc hại không kém bom mìn tàn phá đất nước. Vũ Hạnh viết:

"... Gần đây trên một vài tờ báo có đăng bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn kiệt nội dung như thế, bởi sự cảm thông đoàn kết để sớm đưa đất nước phát triển vươn xa. Theo tinh thần ấy, có thể sẽ có sự xem xét lại khá nhiều sản phẩm văn hóa của chế độ cũ để được lựa chọn và tái hiện với sự giới thiệu và đánh giá đúng mức. Thực ra từ sau giải phóng toàn bộ sách của ông Nguyễn Hiến Lê đều được in lại với khối lượng lớn, dẫu tác giả chưa đến với cách mạng một ngày và nội dung của đa số sách Nguyễn Hiến Lê vốn là sách dịch chứa nhiều quan niệm tư sản.
Ngay cả tác giả hiện sống ở Mỹ như Nguyễn Mộng giác vẫn có sách mới in tại quê nhà, đó là Sông Côn Mùa Lũ do chính Trung Tâm Quốc Học ở thành phố này kết hợp với nhà xuất bản Văn Học Trung Ương ấn hành cách đây độ chừng mười năm. Như thế, để khẳng định rằng chúng ta không hề có thành kiến nào đối với văn học thời cũ hay là văn học nước ngoài của các Việt Kiều, mà điều chúng ta bận tâm là những sản phẩm văn hóa như thế đã đem lại lợi ích gì cho xã hội này?"

Hình như, Vũ Hạnh có bộ óc méo mó và hay quên, khi cố ý hay vô tình? Thí dụ như sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê được in có Hồi Ký NHL. Nhưng chỉ in những phần chung chung, còn cả một phần lớn tác giả phân tích về tình trạng xã hội miền Nam rất chính xác thì lại bị cắt bỏ. Phần nhận định ấy được in ở hải ngoại trong bộ ba cuốn mà cuốn thứ ba như một bản cáo trạng xác thực và hùng hồn của một nhà trí thức dù trước đây đã tỏ ra có cảm tình nhiều với chế độ cộng sản.
Cũng như, Vũ Hạnh nêu lên trường hợp in Sông Côn Mùa Lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác coi như chính sách xét lại về văn hóa. Thực ra đó chỉ là một trường hợp đặc biệt hiếm hoi, cũng như Phạm Xuân Nguyên khi trả lời Vũ Hạnh: "... Ông có nhắc đến nhà văn Nguyễn Mộng Giác sống ở Mỹ và bộ Sông Côn Mùa Lũ viết về Nguyễn Huệ được in lại trong nước. Nhưng nếu bây giờ ông Nguyễn Mộng Giác xin phép cùng in lại trong nước bộ tiểu thuyết trường thiên khác của ông ấy là Mùa Biển Động viết về hiện thực cuộc chiến tại miền Nam trong thời gian 1963-1975 mà không được cấp phép thì ông nói sao thưa ông Vũ Hạnh?"

Chẳng thà một nhà văn Cộng sản lớn lên trong xã hội miền Bắc viết những lời cuồng tín thì một lẽ. Còn Vũ Hạnh, từng sống và cầm bút ở chế độ VNCH mà lại có thái độ như thế thì thật là thô bỉ. Ông ta đã bị một thi sĩ trẻ ở trong nước, Lý Đợi, dùng chính những lời ông ta đã viết về tiểu sử mình trong tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta. Ông ta bị bắt nhiều lần mà vẫn được tha nhờ sự vận động của các nhà văn trí thức, và vẫn viết báo, dạy học bình thường không bị một kỳ thị nào. Thế mà bây giờ ông hung hăng kết tội những người đã xin ân giảm cho mình...

Và Lý Đợi ngậm ngùi cho những người như Dương Nghiễm Mậu, như Lê Xuyên,... lại bị chụp những cái mũ phản động và đồi trụy cũng như bị hăm dọa vì những cuốn sách được in lại.

Một bài báo mới đăng trên nhật báo Nhân Dân ngày 8/8/2007 tiếp tục công việc đấu tố, bài "Văn hóa chân chính không cần sự đánh bóng" của Nguyễn Hòa, một nhà phê bình chỉ phê chứ không cần bình, và cung cách cũng giống y chang Vũ Hạnh, thái độ một mật thám văn nghệ. Ông phê truyện của Dương Nghiễm Mâu đầy hơi hướng hiện sinh đến nay đã quá "date", cũng như đề cập đến những người "bên kia" thì mô tả bằng những hình ảnh không thực bị bóp méo.

Nguyễn Hòa chơi trò đánh lận con đen khi cho rằng ở miền Nam mà ông ta gọi là vùng tạm chiếm chỉ có một loại văn chương mà ông gọi là văn chương tiến bộ ở trong bưng biền hay của những cây bút đại loại như Vũ Hạnh, và chỉ có dòng văn học này mới đại diện cho miền Nam thời kỳ ấy. Có lẽ, đó cũng là chủ trương của Đảng Cộng Sản. Cái giả và cái thật bị nhập nhòa tạo thành những hỏa mù để lịch sử bị bóp nặn theo chiều hướng phục vụ cho chế độ hiện tại.
Nguyễn Hòa viết: "... Do những điều kiện lịch sử cụ thể, có thể nói rằng trong gần một thế kỷ qua, văn học Việt Nam đã vận động trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Và không có nguyên do nào khác, chính sự chi phối của các xu hướng tư tưởng, chính trị khác nhau xuất hiện trong bối cảnh đất nước bị xâm lược sinh các xu hướng tư tưởng nghệ thuật khác nhau.

Trong bối cảnh đó, từ những năm 30 của thế kỷ trước, khuynh hướng văn học cách mạng đã ra đời trong từng bước được khẳng định và với các phẩm chất ưu việt của nó, văn học cách mạng đã có vị trí then chốt trong tiến trình phát triển chung của văn học Việt Nam hiện đại.

Bên cạnh đó, với thái độ tiếp cận khách quan về lịch sử, khi đề cập tới văn học Việt Nam chúng ta không thể phủ nhận vai trò của những tác phẩm văn học tiến bộ trong giai đoạn 1930-1945, không thể không nhắc tới một số tác phẩm văn học tiến bộ xuất hiện ở vùng tạm chiếm giai đoạn 1946-1954 và ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, bởi các tác phẩm này đã góp phần vạch rõ tội ác xâm lược, khẳng định lòng yêu nước ý thức tự tôn dân tộc cổ vũ mọi người hướng tới các giá trị nhân bản chân chính..." Đúng là giọng điệu của một chính trị viên tuyên huấn Đảng đang thuyết giảng những bài học chán như cơm nếp nát, chứ không phải nhận định của một người phê bình văn học có suy nghĩ. Làm sao so sánh được những Hòn Đất, những Chị Sứ với những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu được, dù người đó có óc khôi hài đen?

Nguyễn Hòa phê khơi khơi, chê khơi khơi không cần dẫn chứng:

"Trong 44 truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu, những mảnh đời, những kiểu sống nhọc nhằn được lý giải theo lối 'mô phỏng triết lý hiện sinh' một cách khá lộ liễu nên không có gì là đặc sắc khi bắt gặp trong các tác phẩm một thái độ sống vô hồn lạnh lẽo, những câu trả lời về sự sống chết vô cảm dửng dưng.
Lối văn chương hiện sinh ấy ngày nay đã "quá đát" so với lịch sử, người ta thường hồi nhớ về nó chứ có mấy ai hứng thú tìm đọc như để tiếp xúc với tuyệt tác văn chương mà phải quảng bá rùm beng.."

Trong tương lai, chắc sẽ có nhiều người và nhiều bài viết đươc chế độ huy động để viết tương tự một giọng như Vũ Hạnh như Nguyễn Hòa...

Tự hỏi, có phải chế độ này có muốn thừa nhận 20 năm văn học miền Nam và văn học hải ngoại không như cựu thủ tướng Cộng sản Võ Văn Kiệt phát biểu không? Liệu câu nói của một người hết thời có giá trị thực tế không? Hay chỉ là nói để vớt vát, để nói cho có mặt...

Có thể họ sẽ mang những văn chương mà họ gọi la "văn học tiến bộ" ở trong bưng hoặc của những kẻ nằm vùng làm nồng cốt và cho xen vào một phần những tác giả vô thưởng vô phạt để đại diện cho văn học miền Nam. Một thời kỳ văn chương đầy sinh động và nhiều khai phá sẽ được bóp nắn lại, tái chế lại để thành một thứ khác phù hợp hơn với nhu cầu chính trị cũng như để tỏ ra đã có sự thay đổi. Nhưng, trong bản chất, vẫn là muốn duy trì sự độc tôn của văn chương mà họ gọi là "hiện thực xã hội chủ nghĩa".

Một người trong cuộc có sách được tái bản có phản ứng ra sao, tôi đọc bài viết của Nguyễn thị Lan Anh:

"... Nghe và đọc hết một lượt các bài góp ý phê bình hiện tượng tái bản sách của các nhà văn trước năm 1975, mà cụ thể của Dương Nghiễm Mậu, tôi nhắc điện thoại Bố ơi, người ta mắng bố ghê quá. Con sợ... Bên kia đầu dây, giọng đàn ông trẻ trung đầm ấm "Không sao toàn cái bên lề có gì mà sợ". Giọng điệu như vậy mà bảo là không sao. Con lên chở bố đi cà phê thấy sự thực bố "không sao" mới tin. Ừ thì lên! Chỗ cũ ấy, nhớ không?.."
Tự nhiên tôi lại đọc một đoạn văn viết về Dương Nghiễm Mậu hơn hai chục năm về trước:
"... Riêng nghe tin Dương Nghiễm Mậu bây giờ làm công nhân một xưởng sơn mài thành phố, không hiểu sao tôi lại thấy vui và muốn cười. Có lẽ vì Dương Nghiễm Mậu bao giờ cũng đến với tôi bằng khuôn mặt đó. Khuôn mặt một người nhắm cả hai mắt lại, cho cái nhìn trở thành cái nhìn bên trong, cái nhìn tâm hồn và nụ cười tủm tỉm hóm hỉnh là chân dung Mậu ở tấm hình chân dung ngộ nghĩnh của Trần Cao Lĩnh. Cũng có lẽ vì tôi thấy Mậu vững chãi nhất, chẳng phải buồn phiền và xót xa cho hắn.."
Một già, một trẻ viết về tác giả Nhan Sắc như vậy cũng đủ cho thấy được cái nội lực mạnh mẽ cũng như một quan niệm sống của kẻ sĩ phương đông. Viết bằng tâm cảm trung thực, của nỗi day dứt có thực, của suy tư có thực nên văn chương còn tồn tại với thời gian. Hơn ba chục năm đã qua, những tác phẩm đã bao lần bị vùi dập, dầy xéo, đã bao nhiêu lần bị thiêu đốt, bị xỉ mạ, bị lên án. Nhưng, cái chân thực vẫn còn tồn tại. Chẳng có ai và chế độ nào xóa đi được những dòng chữ tâm huyết của người nghệ sĩ. Thành ra, tái bản sách của Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu cũng chỉ là sự tất yếu phải đến để dần dần ló ra những gia tài quý báu bị vùi lấp. Có thể cũng ở trong một tính toan nào đó của chế độ đang muốn xiết chặt truyền thông nhưng bất ngờ đã bị phản tác dụng. Nhưng, dù thế nào chăng nữa, chế độ nào mạnh mẽ cho bằng thời Tần Thủy Hoàng, thế mà cũng không "phần thư khánh nho" hoàn toàn được. Huống chi, lúc bây giờ, không có gì bưng bít được khi thế giới gần gũi với nhau như trong một ngôi làng với những hệ thống truyền thông tinh nhạy...

 Nguyễn Mạnh Trinh