Nghiên cứu về HỒ XUÂN HƯƠNG:
Tình trạng học phiệt ở trong nước.
Tôi là một con người may mắn, hay ít nhất cũng là một người có nhiều bạn tốt. Nghiên cứu về văn-học cổ-điển VN ở hải-ngoại, xa những kho sách Hán-Nôm, là một điều vất vả nếu không muốn nói là liều lĩnh
(Hình phải:GS Nguyễn Ngọc
Bích) Nhưng cũng may, khi gặp khó khăn thường tôi lại được như có quý-nhân phò trợ, gần như lần nào cũng vậy. Hồi tôi viết cuốn Hồ Xuân Hương Tác-phẩm (Tổ Hợp XB Miền Đông Hoa Kỳ in ra năm 2000), tôi đã có dịp nhắc đến tất cả những người đã tiếp tay tôi, từ ở ngoài này (Mỹ, Pháp) vào đến trong nước.
Gần đây, may mắn hơn cả cụ Hoàng Xuân Hãn hay anh Tạ Trọng Hiệp (cả hai người ở Pháp, nay đã mất), do tôi muốn trở về bản gốc Nôm của Lưu Hương Ký (1814), G.S. Phạm Lệ Hương của Viện Việt Học đã liên-lạc được với Tiến-sĩ Nguyễn Xuân Diện của Viện Hán-Nôm ở Hà-nội để xin được phóng-ảnh của bản mà ông Đào Thái Tôn đã giữ làm của riêng trong hơn 40 năm, cuối cùng cậy răng ông mới chịu trả lại cho Viện Văn-học. Có được bản phóng ảnh đó rồi, tôi có dịp xem lại những bài trong Lưu Hương Ký(1) mà tôi đã đưa vào trong sách Hồ Xuân Hương Tác-phẩm của tôi nói trên. Nói chung, tôi khá hãnh-diện là cả 31 bài tôi đưa vào sách của tôi chỉ có đôi ba lỗi mặc dầu hồi đó tôi không có bản gốc ở trong tay.
Nay có được bản gốc, tôi bèn nảy ý phiên âm toàn-bộ cuốn Lưu Hương Ký như ta còn lại ngày hôm nay, nghĩa là dưới dạng cụ Cử Nguyễn Văn Tú đã tìm ra nó trong rương sách cũ ở nhà cụ vào năm 1957 rồi đem tặng thư-viện của tập-san Văn Sử Địa, tiền-thân của Viện Văn-học sau này ở Hà-nội. Nhưng muốn thế thì ít gì tôi cũng phải xem lại đã có ai khác làm chuyện đó chưa? Nghĩa là việc tôi định làm liệu có công cốc công cò không? Tôi biết ông Đào Thái Tôn hình như ĐÃ làm nhưng chưa công-bố đầy đủ. Rồi tôi lại được biết là ông Đào bị tố-cáo nhiều tội như giữ bản thảo của người khác, thuổng luôn công-lao tìm kiếm của họ đưa vào sách mình (xem "Đơn khiếu nại và tố cáo" nói có sách mách có chứng của cụ Nguyễn Khắc Bảo đề ngày 7 tháng 5 năm 2008 gởi Viện Khoa hoc xã hội VN và Viện Nghiên cứu Hán Nôm), hoặc vốn liếng Hán Nôm của ông không vững chắc(2)... (Thành thử ông có làm đi nữa, chắc vẫn phải xem lại.)
Song nếu ông không làm (hay chưa làm) thì liệu đã có ai khác làm đầy đủ chưa? Một bài trong báo Hồn Việt của Hội Nhà văn VN, số 16 ra tháng 10/2008, cho biết "PGS-TS Hoàng Bích Ngọc đã tiến hành nghiên cứu hết sức công phu, đáng tin cậy, và đã xuất bản Hồ Xuân Hương - con người - tư tưởng - tác phẩm (khổ 16-24, Nxb Văn hoá-Thông tin, 748 tr., H., 2003). Trong đó phần khảo cứu Lưu Hương ký và thơ chữ Hán (tr. 25-226); Thơ Nôm truyền tụng (tr. 241-437) đã được khảo chứng cực kỳ kỹ lưỡng. Chưa nói đến những phần bình luận, lý giải ở các phần tiếp theo, phần khảo cứu văn bản này không còn có chỗ để cho ông Đào Thái Tôn làm lại." (NNB gạch dưới) Nếu đúng như vậy thì chắc cũng không còn gì để cho tôi thêm thắt vào việc phiên âm cuốn Lưu Hương Ký sang tiếng Việt ngày nay (Quốc-ngữ) nữa, tôi thầm nghĩ thế nên bỏ dở dự-án, không định làm gì thêm.
Nhưng lại may, gần đây, một người bạn vong niên của tôi ở Sài-gòn tìm được cho tôi một cuốn của PGS-TS Hoàng Bích Ngọc (rất khó kiếm vì sách tuy dầy và viết rất công-phu lại chỉ in tất cả có 300 bản, dành như một thứ của quý cho các chuyên-viên thượng thặng về văn-học ở trong nước mà thôi). Mở ra xem thì mới thấy là cuốn sách, dù viết kỹ càng thật, vẫn còn thiếu một số bài ở trong Lưu Hương Ký bản Nguyễn Văn Tú, như "Thạch Đình tặng," "Chí Hiên tặng," "Mấy tiếng gà thôn đánh mộng tan"... không rõ vì lý-do gì. Đó là chưa kể vì tác-giả Hoàng Bích Ngọc, không chắc về vốn Hán Nôm của mình, đã dựa vào sách của ông Bùi Hạnh Cẩn, Hồ Xuân Hương Thơ chữ Hán - chữ Nôm & Giai thoại, in ra từ năm 1995 và 1999 ("Tái bản có sửa chữa và bổ sung," Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà-nội) với sự giúp đỡ, "tham gia hiệu chính ngữ nghĩa phần văn chữ Hán" của "nhà giáo - nhà Hán học Hồ Hoàng Biên" (ghi trong phần "Mở đầu" của cuốn sách, trang 11 và trang 24).
Khổ nỗi, sách của ông Bùi Hạnh Cẩn, sách được dùng để dạy ở Đại-học trên toàn-quốc, chỉ có phần phiên âm sang Quốc-ngữ, không có in lại nguyên-bản chữ Hán (để người đọc có thể kiểm chứng, như trường-hợp sách của tác-giả Hoàng Bích Ngọc), lại còn đầy dẫy lỗi dù như ông được nhà xuất bản giới-thiệu là đã có những tác-phẩm về Hán-Nôm trong "gần 40 năm qua." Gần như bài nào của ông phiên âm cũng có lỗi, có những lỗi thông thường đến nỗi không thể hiểu được, như hai bài "Nguyệt dạ ca" đều bị phiên âm thành "Nguyệt hạ ca" (trang 62-63). Những bài có 3-4 chỗ sai là chuyện thường, chưa kể phần dịch cũng không ít chỗ sai (như "xuân" dịch thành "đông," hoặc như "Xuân Đình Lan," tên một bài hát, đáng nhẽ phải để nguyên thì lại dịch thành "Hoa Lan Xuân" -- thật ra nếu phải dịch thì "đình" đây là "vườn" như trong bài thơ nổi tiếng của Mãn Giác đời nhà Lý, "Tiền-đình tạc-dạ nhất chi mai"). Còn tệ như bài bắt đầu bằng câu "Hoa phiêu phiêu" ("Thuật ý kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ," trang 75-77) thì có tới 20 chỗ phiên sai và thiếu nguyên một câu 7 chữ, tổng-cộng thành 27 chỗ sai/thiếu. Mười bốn năm sau, sang đến sách của PGS-TS Hoàng Bích Ngọc (trang 126-129) thì 27 chỗ sai/thiếu kia được rút xuống thành 16 chỗ sai + thiếu một câu 7 chữ = 23 chỗ sai, bớt được 4 lỗi.
Đó là lý-do tại sao tôi có bài viết này.
Tình-trạng "học-phiệt" ở trong nước
Không ít người cứ nghĩ, trình-độ Hán-Nôm ở trong nước phải hơn ở ngoài này. Theo tôi nghĩ, điều này là chưa chắc. Tại sao? Tại vì những chuyên-gia Hán-Nôm như cụ Hoàng Xuân Hãn hay G.S. Tạ Trọng Hiệp (sinh-thời dạy ở Paris VII) ở Pháp trước kia, cụ Nguyễn Khắc Kham (trước khi mất ở San Jose, Cali), các giáo-sư ở Viện Việt Học (G.S. Lưu Trung Khảo, G.S. Trần Huy Bích về Hán-học, G.S. Lê Hữu Mục ở Canada, G.S. Đoàn Khoách ở San Diego, G.S. Lê Văn Đặng ở Seattle, G.S. Nguyễn Văn Sâm trên đường đi San Diego... về Hán-Nôm) hoặc ở ngoài Viện (như học-giả Lê Phụng ở Montréal, cụ Nguyễn Bá Triệu ở Mississauga, Canada, cụ Nguyễn Quang Xĩ ở Colorado, v.v.) đều là những bậc thầy khi còn ở trong nước, không lẽ ra ngoài này kiến thức của họ lại lụt đi. Không chỉ các thầy, các anh chị ở lớp trẻ hơn cũng không thua kém. Cứ xem những sản-phẩm của họ như cuốn Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (do Viện Việt Học in ra năm 2007) thì rõ.
Nếu nói là ở trong nước, các chuyên-gia Hán-Nôm có nhiều phương-tiện hơn thì đúng. Kho sách Hán-Nôm của VN, ít nhất cũng khoảng 6.000 đầu sách là chủ-yếu nằm ở trong nước. Người được huấn luyện chính-quy về Hán-Nôm cũng phải đến cả nghìn người dù như sau này, các lớp Hán-Nôm rất lác đác, không mấy người đi vào. Rồi chính-sách của Nhà nước (CS) cũng là khuyến khích "tìm về nguồn."
Nhưng có lẽ ai theo dõi tình-hình nghiên cứu Hán-Nôm ở trong nước cũng phải trông ra tình-trạng phe phái ở trong nước, như miền Nam khác miền Bắc, rồi miền Trung có lẽ cũng thành một khu-vực riêng biệt (nhiều người nghiên cứu về Huế và nhà Nguyễn, khác với miền Bắc, nơi người ta tìm cách theo lề phải và dè bỉu mọi đóng góp của miền Trung, nhất là của nhà Nguyễn Gia Miêu). Những vụ tranh cãi giữa ông Nguyễn Quảng Tuân (ở miền Nam tuy vẫn là gốc Bắc, gốc Bắc-ninh) và một số học-giả ở miền Bắc, đặc-biệt là ông Đào Thái Tôn, về Truyện Kiều là một chuyện quá nổi tiếng rồi để ta cần phải nhắc lại ở đây. Rồi khi đuối lý, một số học-giả miền Bắc lại lôi cụ Hoàng Xuân Hãn vào dù đôi khi cụ cũng trái lè lè, như cụ giải-thích về chữ "nữ-giới" trong chuyện tìm cách xác-định ai là tác-giả bản dịch Chinh Phụ Ngâm lưu-hành, hoặc cụ nói là có bản Phan Huy Chiêm nhưng rồi không bao giờ trình làng được bản Nôm dùng làm gốc cho việc đòi tác-quyền dịch-phẩm về cho Phan Huy Ích).
Thành thử bỏ ra ngoài những sự khác-biệt về miền, chúng ta lại có thể tìm ra những biểu-hiện về nạn "học-phiệt" như tôi đã có dịp trình bầy trong bài "Chuyện trinh-thám văn-học."(3) Đó là lý-do vì sao học-thuật ở nước ta khó tiến được là vì vậy! Người có quyền thì không công-chính, tìm cách ăn có với người không có đủ tư-cách hay chuyên-môn, nên sản-phẩm cuối cùng, nếu có, cũng kém phẩm-chất và phí-phạm công-quỹ --nếu không muốn nói là tham nhũng.
Học dổm, bằng giả, cộng sự lươn lẹo cá-nhân
Nạn học dổm, bằng giả lan tràn trong nước thì ngày nay ta được nghe như cơm bữa. Không chỉ mấy chức tép riu có bằng "thạc sĩ Cái Răng" (lấy ở quận Cái Răng, nơi không có đại-học), ngay một số các vụ-trưởng, thứ-trưởng, bộ-trưởng trong bộ máy Nhà nước ở quê nhà cũng bị khám-phá ra là có bằng giả. Có người có cả bằng Mỹ (vâng!) mà không biết nói tiếng Anh. Nhưng đâu cần phải đi đâu xa. Ngay đến ông thủ-tướng cũng không ai rõ ông học ở đâu, có bằng-cấp gì (không kể những bằng-cấp phịa, đã đành), có lẽ còn thua cả Bokassa! Song cũng đâu cần vì một vị tiền-nhiệm của ông làm nghề thiến lợn, học-lực đến có lớp 4 mà vẫn lên đến chức thủ-tướng rồi leo lên đến chức Tổng-bí-thư Đảng thì hiển-nhiên, trong thế-giới CS của nước VN ta, không trách trí-thức bị gọi là "cứt" --chữ học mót của Mao!
Song khi đã học dổm, bằng giả rồi thì cũng đâu có chữ để mà dạy ai? Thậm chí có một trường đại-học ở đồng bằng sông Cửu Long (ở VN hiện có tới 300 trường đại-học) mà chỉ có 1/10 ban giảng huấn là có bằng cử-nhân trở lên. Vậy thì rõ ràng 9/10 ban giảng huấn là không có đủ chữ để dạy những em đã xong tú-tài (thực-sự).
Nhưng ăn thua gì? Đã có trò lươn lẹo như mấy trò của ông Đào Thái Tôn. Cuỗm sách của người làm sách của mình, ôm sách Nhà nước về làm của riêng "Công an có đến đòi tôi cũng không trả," "quyền nghiên cứu của tôi, tôi chưa xong thì cũng không ai được đụng vào..." trong hơn 40 năm thôi! Không trách học-thuật nước nhà cũng không cách nào mà tiến lên được với những cản ngăn như thế!
Tiến lên một cách rất chậm chạp, gần như rùa bò
Ông Trần Thanh Mại là người đầu tiên khai thác được cuốn Lưu Hương Ký mà cụ Tú tặng cho Viện Văn-học. Song ông giữ miếng bằng hai cách: Một là ông chỉ công-bố một phần (16 trên 52 bài, theo cách tính của ông, nghĩa là chưa đầy 1/3), hai là ngay trong những bài ông công-bố ông cũng không cung-cấp nguyên-bản bằng Hán-Nôm cho nên không ai kiểm-chứng được là ông đọc đúng hay sai (một hệ-luận là ta phải nhắm mắt tin ông, dù như cụ Hoàng Xuân Hãn sau đó có chữa được một vài chỗ ông đọc sai). Đến bản dịch bài "Tựa Lưu Hương Ký" ông cũng không nói rõ là ai dịch nên cụ Hãn "đã tưởng lầm là ông Mại dịch." (4) Thực ra cũng không trách được cụ Hãn điều này vì có ai nói cho cụ biết sự thật đâu mà bảo cụ "lầm."
Chỉ biết, dựa lên trên những tiết-lộ cục-bộ của ông Trần Thanh Mại thì những người đến sau có hiểu lầm cũng không có gì là khó hiểu. Ông Mại mất ít lâu sau đó nên việc nghiên cứu Lưu Hương Ký của ông bị dang dở. Theo những điều mà ta có thể dựng lại được, dựa vào tiết-lộ của ông Đào Thái Tôn thì G.S. Nguyễn Văn Hoàn, lúc bấy giờ là "tổ trưởng tổ Văn học cổ cận đại của Viện Văn học" giao cho ông Tôn "đề tài về Hồ Xuân Hương từ năm 1968. Suốt 40 năm nay, Viện không giao cho ai khác đề tài này." (5) Ông Tôn muốn cho người đọc hiểu là như vậy, ông có quyền giữ chịt lấy cuốn Lưu Hương Ký của Viện Văn-học. Sao ông không tự hỏi là ông đã giấu biến đi cuốn sách thì còn ai nhìn thấy nó để mà nghĩ tới làm gì với nó.
Vẫn theo ông Tôn, "ngày ông Hồ Tuấn Niêm làm GĐ Thư viện Viện Văn học, tôi với ông Niêm thân nhau nên vẫn thường trao đổi sách. Ông Niêm đi đâu cũng cho Lưu Hương Ký vào ba lô mang theo, kể cả đi sơ tán. Về sau, trước khi mất, ông Niêm đã trao lại cho tôi bản gốc Lưu Hương Ký. Trước sau tôi cũng sẽ trả lại cho Viện Văn học nhưng thời điểm này văn bản tôi đang nghiên cứu thì tôi không thể trả lại ngay được." (6) Thật là oái oăm cách suy nghĩ của ông Tôn nhưng đây không phải là chỗ để bàn về phải trái việc làm của ông.
Chỉ cần biết là vì thế cuốn sách mất biến trong 40 năm, nên học-thuật về cuốn Lưu Hương Ký không tiến thêm được bao nhiêu trong thời-gian đó, ngoại-trừ 26 bài mà chính ông Tôn bằng lòng "xì" ra trong sách Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục (Nhà xb Giáo Dục, Hà-nội, 1995) của ông. Tiến-bộ là từ 16 đến 26 bài, thêm được 10 bài, nhưng vẫn chỉ là một nửa tổng-số 52 bài (từ 1/3 lên 1/2). Và vẫn không có công-bố nguyên-bản chữ Hán hay Nôm.
Đến cuốn của ông Bùi Hạnh Cẩn, đã nói ở trên, chúng ta đếm được 31 bài (song ông cũng không cho biết xuất-xứ của chúng là từ bản thảo nào, có phải là nguyên-bản của cụ Nguyễn Văn Tú hay không, hay chỉ là một bản chép nào đó), nghĩa là cũng có tiến-bộ được thêm 3 bài nhưng vẫn một tật, không có nguyên-bản chữ Hán hay chữ Nôm đi kèm theo.
Như vậy, ta có thể thấy là sau 30 năm hơn, số thơ trong Lưu Hương Ký được đưa ra với công-chúng là từ 16 (chưa đầy 1/3) đến 31 bài (3/5 cuốn sách). Đến Hoàng Bích Ngọc (2003), gần mười năm sau, con số vẫn không hơn nếu ta không kể những bài thơ (31 bài) đi kèm theo bài "Tựa Lưu Hương Ký"(7) của Tốn Phong thị (nhưng không có trong tập của cụ Nguyễn Văn Tú).
Khi gốc hỏng thì ngọn cũng khó khá được
Vấn-đề Lưu Hương Ký, như ta thấy đó, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải-đáp. Một bản phiên âm sang chữ Quốc-ngữ, chẳng hạn, vẫn chưa được thực-hiện đầy đủ. Vì nếu cuốn sách của tác-giả Hoàng Bích Ngọc đã có những đóng góp nhất định và quan trọng, tỷ-dụ như lần đầu tiên đã công-bố nguyên-bản của các bài thơ chữ Hán trong Lưu Hương Ký song ta không rõ những bản chữ Hán đó lấy ở đâu vì khi so với bản Nguyễn Văn Tú thì ta thấy nhiều chỗ khác nhau. Chẳng hạn, trong bài "Hoa phiêu phiêu" mấy câu như sau khác khá nhiều, không thể chỉ là một sự đọc lầm lẫn được:
Câu 3: Ngã mộng hương (HBN: khanh) tình các tịch liêu
Câu 4: Khả cảm thị (HBN: thị cảm) xuân tiêu (HBN: liêu)
Câu 7: Hoan hảo (HBN: thảo) tương kỳ tại (HBN: tài) nhất triêu
Câu 12: Lệ ngân chiêm hạ cát (HBN: đọc "sát" nhưng chữ Hán lại ghi là "lạc")
Câu 16: Dã bằng (HBN: Dạ ưng) quân bút phát (HBN: pháp)
Câu 24: Nhất trường dao vọng xúc hoài (HBN: mang) mang
Câu 32: Bút huy đô thị phó (HBN: thi) tình nhi
Câu 38: Nhất tự sầu phân duệ (HBN: ly)
Câu 41: Trực tu khí trí (HBN: "khí trí" thành "tri") thử dao cầm
Câu 42: Cao sơn lưu thuỷ vãn tương tầm (HBN: hoàn-toàn thiếu câu này)
Câu 47: Mính (HBN: Dính) tần phi
Câu 51: Hảo bằng (HBN: tư) tâm thượng các (HNB: khách) tương tri
Như vậy, ta phải hỏi: "Nếu nguyên-bản chữ Hán có in trong tác-phẩm của Hoàng Bích Ngọc không phải là bản ta thấy trong Lưu Hương Ký bản Nguyễn Văn Tú thì liệu bản ấy có chép ở đâu khác ra không?"
Điều này, hiện ta chưa có câu trả lời. Chỉ có được một điều chắc chắn, đó là bản phiên âm của Hoàng Bích Ngọc dựa gần như hoàn-toàn vào bản của ông Bùi Hạnh Cẩn (với hầu hết tất cả những lỗi trong bản này) trong khi đó, bản phiên âm của Đào Thái Tôn ra gần như cùng lúc (1995), có lẽ vì có bản gốc chữ Hán để so sánh, thì chính-xác hơn hẳn--chỉ có 3 lỗi đọc mà thôi.(8) Bản được chép lại trong Hồ Xuân Hương, Thơ và đời của Nhà xb Văn học (trong bộ Tác phẩm chọn lọc văn học Việt Nam), do Lữ Huy Nguyên chịu trách-nhiệm tuyển chọn, in ra năm nay (2011), cũng dựa vào bản phiên âm của Bùi Hạnh Cẩn và tuy có sửa được đôi ba chỗ, vẫn còn 20 chỗ sai/thiếu (13 chỗ sai và một câu 7 chữ thiếu).(9)
Thành thử ta có thể thấy đó, hiện có hai dòng phiên âm Lưu Hương Ký:
Một dòng do ông Đào Thái Tôn khai mào, vì có nguyên-bản Hán-Nôm (bản Nguyễn Văn Tú) trong tay, nên đọc tương-đối ít sai (chỉ có 3 chỗ sai thôi), và
Một dòng do ông Bùi Hạnh Cẩn bắt đầu, không rõ dựa vào nguyên-bản Hán-Nôm nào, đọc rất sai (khi so với bản Nguyễn Văn Tú) nên những bản đến sau ông mà dựa vào bản của ông thì vẫn còn nhiều chỗ sai sót lắm (23 chỗ trong trường-hợp Hoàng Bích Ngọc, 20 chỗ trong trường-hợp Lữ Huy Nguyên). Vậy mà dòng này lại là dòng phổ-biến trong các sách gần đây.
Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ
Đêm 24 tháng 10, 2011
Chú thích
(1) Xem Nguyễn Ngọc Bích, Hồ Xuân Hương Tác-phẩm (Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2000), trang 27-94.
(2) Về trình-độ chữ Hán của ông Đào Thái Tôn, ngoài đơn tố-cáo của cụ Nguyễn Khắc Bảo cũng đã có những bài chỉ-trích như bài "Chữ Huỷ không phải là 30, và..." của Trương Ngọc Tỉnh in trong Tạp chí Hồn Việt số 5 tháng 11/2007; về chữ Nôm, ông Nguyễn Hữu Thành từ Mỹ có bài "Nhân đọc quyển 'Thơ Hồ Xuân Hương' của Đào Thái Tôn" trong Hồn Việt số 6 tháng 12/2007, nêu ra 14 trường-hợp ông Tôn phiên âm sai cả Hán lẫn Nôm; thậm chí có người còn đặt lại cả chính-tả chữ Quốc-ngữ của ông.
(3 ) Nguyễn Ngọc Bích, "Chuyện trinh-thám văn-học hay là Cuộc săn lùng hơn 40 năm một thi-phẩm của Hồ Xuân Hương," Diễn Đàn Việt Thức (www.vietthuc.org).
(4) Theo sách của Kiều Thu Hoạch, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (Nhà xb Văn Học, 2008, cước-chú trang 65) thì "học giả Hoàng Xuân Hãn đã lầm tưởng là ông Mại dịch; thực ra đây là bản dịch của cụ Đào Phương Bình, ông Mại chỉ làm công việc chỉnh lý lại lời dịch tiếng Việt mà thôi; nhân đây xin được đính chính cho rõ. Hiện chúng tôi vẫn còn giữ bản nháp thủ bút của cụ Bình."
(5) Trích từ "Lưu Hương Ký - 'Báu vật' về Hồ Xuân Hương tái xuất" (không thấy ghi tác-giả, chỉ thấy ghi "Theo VTC"), trong Tin 24/7, bản điện-toán ngày 4 tháng 11/2008.
(6) Như trên.
(7) Tìm thấy trong Du Hương-tích-động ký (ký-hiệu A. 2814), sau đó có 31 bài thơ chữ Hán mà chính thật là 10 bài thơ xướng kèm theo với 2 bài hoạ cho mỗi bài xướng. Phần phân-tích về 31 bài này có lẽ là phần đóng góp đáng kể nhất của Hoàng Bích Ngọc vào việc tăng tiến nghiên cứu về Hồ Xuân Hương trong những năm gần đây (trang 33-112). Chúng tôi sẽ có bài giới-thiệu đầy đủ hơn tác-phẩm đồ sộ của tác-giả Hoàng Bích Ngọc.
(8) Đào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục (Hà-nội: Nhà xb Giáo Dục, 1996), trang 125-129.
(9) [Lữ Huy Nguyên biên tập], Hồ Xuân Hương, Thơ và đời (Hà-nội: Nhà xb Văn Học, 2011), trang 93-98.