Thơ Quang Dũng
Video DoimatnguoiSonTay
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Chỉ hai câu mở đầu đã khiến người tê lạnh. Không có gì cả,
không lời nào tha thiết, nhưng đúng như ông Huy Trâm nói: “Thơ Quang Dũng ý đã
nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái gợi cảm vô cùng. Nói về thơ nhẹ
nhàng, êm dịu, mà đọc tới đâu lâng lâng tưởng chết cả lòng đến đấy, thì thi ca
hiện đại chỉ có Quang Dũng.”(Quang Dũng (1921–1988)Nguồn ảnh: photobucket.com)
Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca
Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi.
Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ. Ngôn
ngữ thần tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả.
Người ta đã bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về,
mỗi phen như bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ
nói quanh co.
Và biết bao thy sỹ hoằng viễn đã nghĩ rằng, nguyện rằng,
mình sẽ suốt đời không làm một vần thơ nào cả — một phen thể hội cái chỗ dị
thường trống trải vắng vẻ trong lời man mác thiên tiên kia.
Lại có những
nhà tư tưởng như Heidegger, viết bao pho sách lịch kịch nêu bao câu chất vấn u
ẩn, đáo cùng vẫn chỉ nhằm mục đích nhiếp dẫn tư tưởng tới chỗ mép bờ bất khả tư
nghị của thi ca.
Nerval sau những lần thành tựu cõi miền ngôn ngữ đó, ông
bèn lao mình vào cõi ẩn mật vô ngần của một nguồn siêu thực không tiếng không
lời Les Chimères.
Apollinaire, sau phút dị thường bước lên tột
đỉnh đạm nhiên kia, lập thời nhảy lùi làm thơ theo thể thái bông lông tầm phào,
bất sá lam hồng tố bạch.
Mai chị về em gửi gì không?
Câu hỏi cũng lửng lờ như lời đáp lững lơ. Hỏi
mà cũng như không hỏi, không nói, không ngó, không nhìn nhau…
Và chỉ sau
khi lên ngựa, chia bào, con người mới để lòng mình bay tỏa khắp đường đi.
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
Tâm sự của người đi, nhưng nhan đề là kẻ ở. Kẻ
ở hay người đi cũng một tâm tình ly biệt. Đi giữa không gian, thì cũng như đứng
ở trên dâu biển. Lòng sao lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh? Vì
lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh không gian… Và tiếng “mong nhớ mong” kia
cũng chỉ vọng vào được trong không gian xa hút mà thôi.
Nghĩa là vọng trở
lại vào lòng mình. Từ lòng mình tỏa vào lòng vũ trụ. Lại từ lòng vũ trụ dội lại
lòng mình. Đó là cái vòng kỳ ảo của mong nhớ mong. Và mong nhớ mong mênh mông
như thế, thì mong nhớ mong là cõi của từ bi tế độ vậy.
Bởi vì nó mang hải
lượng bao hàm. Nó bao dong rừng biển, sớm chiều, canh gà, sương hoa, cành hoang
ngựa lạc. Nó đem thương mến phủ khắp hình hài vạn vật từ gần gũi tới xa tít dặm
xa.
Quê chị về xa tít dặm xa
Vì đó là một quê hương nào riêng biệt nằm tại
một bến bờ bỉ ngạn nào vô tức vô thanh, vô biên vô tế.
Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua
Ngựa lạc? Dẫu ngựa không lạc đường vẫn cứ là
lạc nẻo. Nghĩa là: ở trong cõi hư không bao la như thế, thì đâu cũng là lênh
đênh, nhưng lênh đênh theo nghĩa vô ngần: trụ vô sở trụ.
Người ngồi trên
ngựa cũng lạc ngựa luôn. Hươu trong rừng cùng một cảnh ngộ lạc loài như nhau,
lại tam trùng lạc lõng nhau, vì bất ngờ sợ hãi nhau, quay đầu bỏ chạy. Lời thơ
lại thêm một chút niêm hoa vi tiếu “theo ngó theo”.
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Nếu thác đục lầy cho một chút, ắt có phần gần
gũi bụi hồng hơn. Nhưng tại sao thác lại trong veo cắc cớ ra như thế? Thì trần
gian còn biết đem tâm sự hồng trần ký thác vào đâu? Đó là chỗ đạm nhiên huyền bí
lô hỏa thuần thanh vậy. Nó đốt cháy linh hồn bằng một tiếng trong veo. Nhưng đốt
cháy mà đâu có bỏng da bỏng thịt. Nó cháy để thăng hoa cho linh hồn về ba la
mật, sau một phút linh hồn tạm dừng trong một phen tư lự. Vì dù sao trận giũ áo
cũng còn vướng víu với nhân nghĩa nhân tình.
Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu chạy quay đầu theo ngó theo
Rồi xẽ xin khóc một cơn vô ngần cho trùng sinh
trong vĩnh biệt:
Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác sao vàng
Sao rơi đáy nước vương chưn ngựa
Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng
Ta lại gián tiếp với một sự tình kỳ dị. Nói ra
là buồn dưng đôi mi hàng lại hàng, nhưng có bao giờ mối sâu mênh mông và hầu như
vô đối tượng lại tràn ra thành hàng lệ. Nhưng đây là hàng lệ riêng biệt của hư
không đi về vui chơi êm đềm với không hư thái thiên nhiên tĩnh tịch. Người ta có
thể khóc, nhưng không phải khóc vì một mối đoạn trường riêng tây trong một cảnh
ngộ nhất định.
Hoặc đâu có phải bạ đâu khóc đó như bọn thy sỹ trung niên.
Người ta khóc từ chín kiếp khóc về; như trận mưa vốn từ thiên thu rớt hột. Vì
thế nên gọi là hàng lại hàng. Vì thế nên có chuyện sao rơi đáy nước. Vì thế nên
có chuyện sao vương chưn ngựa. Chưn ngựa ở đây cũng mang đủ trùng quan thời gian
vũ trụ nên mới có thể chạm vào bóng sao rơi từ thời gian tinh thể rớt về. Người
và ngựa và sao và nước bỗng nhiên như nhiên đã đi vào cõi chung vạn vật nhất
thể. Thì từ đó trở lại với đoạn đầu, từ câu hỏi mông lung tới lời đáp nhẹ nhõm,
niềm mong nhớ mong là một tặng vật không lời, không nhất định là riêng biệt của
riêng ai trao gửi lại cho ai. Người chị và người em kia cũng không có tên tuổi
nào được hạn định nơi đâu. Đó là hai đứa con của trời và đất đẻ ra trong một mùa
xuân hôn phối. Thì mai chị về em gửi gì không, là gửi cho chị hay cho ai? Làm
sao ta dám quyết định? Chỉ biết rằng: chị hãy nhớ má em hồng. Nghĩa là: mùa xuân
xanh còn tồn lưu mãi mãi trong mùa thu ly biệt. Đó là tặng vật của em trời trao
chị đất – nhớ má em hồng là ký ức kỳ ảo Mnémesyne.
Chẳng hiểu sao đọc thơ Quang Dũng, Nguyễn Du, Hồ Dzếnh, Huy Cận, tôi thường nghĩ tới người Chiêm Thành. Tội lỗi ông cha chúng ta đối với dân tộc ấy kể cũng được chuộc phần nào, cũng như ngày xưa Homère đã giải oan cho người Troyens bị đắm chìm bởi người Hy Lạp.
Mấy bài thơ của Quang Dũng như giữ lại cho mọi người một niềm tương ứng mênh mông trong thời đại ngổn ngang oan nghiệt, thế giới cùng xô ùa nhau vào hủy diệt, tàn phá, trong những trận tẩu hỏa nhập ma. Chiến tranh trong thời Quang Dũng dù sao cũng còn để lại cho người một dư địa để hoài niệm nhớ thương nhau. Nhưng dần dà, chút tình thương còn sót cũng mất đi giữa hỗn độn. Lúc bấy giờ e chỉ còn cửa quỷ đối thoại với nhà ma. Quang Dũng cũng linh cảm sự đó, nên bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” khép lại với mấy tiếng “bao giờ, bao giờ” ngậm ngùi khôn tả:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn?
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta
Khoảng trống lại trở về ngập khắp mép bờ ngôn
ngữ. Như muốn đánh chìm hết mọi lời thân thiết đã thốt ra. Chúng ta không còn
biết phải giải thích thơ Quang Dũng ra sao được nữa cả.
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Nhưng có lẽ ông không tin ở ngày ấy, ông không
nghĩ rằng ngày nở hoa ấy sẽ về. Còn có bao giờ em nhớ ta? Nghĩa là không còn có
bao giờ nữa cả? (Bùi Giáng (1926–1968)Nguồn ảnh: vienvanhoc.org.vn)
Chúng ta sẽ tiếp tục chết hết. Người ta sẽ tiếp tục giết nhau cho tới buổi chung cục thời gian. Cuộc chiến tranh ngày nay không còn chút gì giống như chiến tranh những thời đại trước. Có những cuộc chiến tranh huy hoàng như một trận mưa rào rực rỡ, làm hồi sinh con người trong tâm thức từ bi. Nhưng có những cuộc chiến tranh vốn từ trong tinh thể là làm tan rã tiêu diệt mất bản tính con người. Ngay cả con ngợm, con đười ươi cũng không còn sống sót một mống nào hết cả. Thì như thế? Còn có bao giờ em nhớ ta?
Chúng ta sẽ tiếp tục chết hết. Người ta sẽ tiếp tục giết nhau cho tới buổi chung cục thời gian. Cuộc chiến tranh ngày nay không còn chút gì giống như chiến tranh những thời đại trước. Có những cuộc chiến tranh huy hoàng như một trận mưa rào rực rỡ, làm hồi sinh con người trong tâm thức từ bi. Nhưng có những cuộc chiến tranh vốn từ trong tinh thể là làm tan rã tiêu diệt mất bản tính con người. Ngay cả con ngợm, con đười ươi cũng không còn sống sót một mống nào hết cả. Thì như thế? Còn có bao giờ em nhớ ta?
Người ta nhầm lẫn một cách kỳ quặc cái ý nghĩa sơ thủy của
chiến tranh. Cuộc chiến tranh bao dong của những ông Nguyễn Huệ, chiến tranh bác
ái của những ông Napoléon, chiến tranh đó không còn tự nhận diện ra mình nữa
trong cuộc chiến tranh tàn phá ngày nay. Tolstoï ngày xưa chẳng hiểu gì về
Napoléon hết cả, cũng như chúng ta ngày nay chẳng hiều gì cả về cuộc chiến tranh
của chúng ta. Thật là cắc cớ. Còn có một chân lý dị thường ẩn tàng trong Dịch
Kinh của Khổng Tử đang khiến mọi người tư tưởng ngậm ngùi không còn biết phải
thốt bất cứ một lời gi trong hiện trạng năm châu. Bài thơ Quang Dũng hiện ra tại
chỗ chênh vênh bát ngát và thê thảm nhất trong sử lịch con người. Nó chỉ đạm
nhiên và thống thiết khơi rộng những khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đề được
nhận định và tự tìm lời giải đáp.
Bàn luẩn quẩn mãi là vô lối. Chỉ nên
thong dong đọc thơ như uống nước mía, như dõi theo cánh chuồn chuồn, như nằm ngủ
gọi em Thúy Kiều em Thúy Vân em Đạm Tiên, em Hoạn Thư em Bạc Hạnh, em Sở Khanh,
em Mã Giám Sinh, mọi mọi em em của em Tố Như Tử em Liệp Hộ em Thanh Hiên, em
Hiền em Thánh, em Cành em Nhánh, em Trái Ớt, em Muối Tiêu, em Soài Riêng sa
rụng, em Bương Cấn em Sài Sơn…
Tuy nhiên riêng đối với học sinh đang tập đi thi để cuối năm cưới vợ thì chớ nên lẩn thẩn chiêm bao đọc thơ nhiều quá.(Đi vào cõi thơ -Nguồn ảnh: OntheNet)
Bùi Giáng