Wednesday, August 14, 2013

Cao Bá Quát

CAO BÁ QUÁT DU HỘI AN...
 


 

 
1. Cao Bá Quát sinh năm 1809, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông song sinh cùng với anh là Cao Bá Đạt.

Từ nhỏ, ông là người văn hay, chữ tốt, đỗ cử nhân vào năm 1831 (Minh Mạng thứ 12). Năm 1841 (Thiệu Trị thứ 1), ông được triệu vào kinh lãnh chức Hành tẩu bộ Lễ. Trong lúc làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên vì thấy nhiều bài thi hay mà phạm húy, nên ông đã dùng muội đèn sửa giúp. Việc bị phát giác, ông đi tù và bị phát phối vào Đà Nẵng.

Nhân phái đoàn Đào Trí Phú đi công cán Hạ Châu (1) năm 1844, ông được triều đình cho đi theo phục dịch trong đoàn với chức vụ "tham quân" (giữ văn thư, giấy tờ, giao dịch) để lấy công chuộc tội. Sau khi trở về, ông được phục chức rồi thăng lên chủ sự.
Thời kỳ ở kinh đô Huế ông rất được kính nể vì tài thơ văn xuất chúng, tuy nhiên cũng lắm kẻ ganh ghét vì tính cao ngạo của ông. Người đương thời ca tụng "Thần Siêu, Thánh Quát" và tương truyền vua Tự Đức đã từng khen rằng:

"Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán.
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường" (2).

Năm 1854 (Tự Đức thứ 7), ông được lịnh đi nhậm chức Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tâỵ Lúc này, ông tỏ ra chán nản, căm ghét triều đình, phản ảnh qua câu đối dán nơi dạy học:


Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái,
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông từ chức, về quê Bắc Ninh, rồi tổ chức khởi nghĩa chống lại triều đình ở Mỹ Lương vào tháng 8 năm giáp dần (1854), tôn Lê Duy Cự làm minh chủ và ông là Quốc sư (3).

Trên lá cờ khởi nghĩa có hai hàng chữ:


Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn
Mục Dã, Minh Điều hữu Võ Thang (4)

Cuộc khởi nghĩa thất bại. Cao Bá Quát tử trận vào tháng chạp năm giáp dần (đầu năm 1855). "Tháng 12, phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận phát hết đảng giặc ở núi An Sơn; Cao Bá quát thua rồi chết, quân Triều bắt sống được tướng giặc và đảng giặc đem về". (5) Cả dòng họ Cao bị triều đình nhà Nguyễn tiêu diệt với bản án "tru di tam tộc".Hai người con của ông là Bá Phùng, Bá Thông bị xử chém tại quê nhà. Anh của ông, Cao Bá Đạt đang làm tri huyện Nông Cống (Thanh Hoá) bị bắt, trên đường giải về kinh đã đâm cổ tự tử. Con trai của Cao Bá Đạt là Cao Bá Nhạ (tác giả Tự Tình Khúc) trốn tránh, nhưng tám năm sau cũng bị bắt. Có thuyết nói ông bị chết chém, có thuyết nói ông bị đày lên mạn ngược, rồi mất tích.
Thơ văn của Cao Bá Quát bị thất lạc nhiều. Ông còn để lại một số bài thơ nôm (hát nói, Đường luật), một bài phú "Tài Tử Đa Cùng", một số câu đối và thơ, văn chữ Hán do người đời sau sưu tập như Cao Bá Quát Thi Tập, Chu Thần Thi Tập, Mẫn Hiên Thi Tập, Cao Chu Thần Di Cảo. Tổng số hơn một ngàn bài.

2. Bài "Du Hội An phùng Vị thành ca giả" được sáng tác sau thời gian Cao Bá Quát phục chức, trở về làm việc ở viện Hàn Lâm vào năm 1847. Sau đó, ông được cử đi công tác ở Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi vào mùa thu năm đó.
Bài "Trà giang thu nguyệt ca" (Trăng thu sông Trà) chắc cũng được sáng tác vào thời gian này khi thuyền ông vào Quảng Ngãị. Vào giai đoạn này, thương cảng Hội An bắt đầu mất vị thế ưu tiên vì lòng sông Cổ Cò từ Hội An ra Đà Nẵng dần dần bị phù sa bồi lấp. Tuy nhiên, vào thời ấy, phố Hội vẫn là nơi phồn hoa đô hội (6), nơi giao lưu bao nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm, Hoa, Nhật, Đông Nam Á và các nước phương Tây...

DU HỘI AN PHÙNG VỊ THÀNH CA GIẢ

Cộng thán tương phùng vãn,
Tương phùng thị khách trung.
Quản huyền kim dạ nguyệt,
Hương quốc kỷ thu phong.
Lệ tận tôn nhưng lục,
Tâm hôi chúc tự hồng,
Cựu du phương lạc lạc,
Nhất khúc mạc từ chung!


Cao Bá Quát

Cùng than thở gặp nhau muộn màng,
Lại gặp nhau trên đất khách.
Sáo và đàn dưới ánh trăng đêm nay,
Xa cách quê nhà qua bao mùa gió thu.
Nước mắt đã cạn, chén rượu vẫn đầy,
Lòng đã nguội lạnh, ngọn đèn cứ cháy,
Bạn cũ giờ lưa thưa dần,
Chỉ một khúc hát mà sao không cho nghe trọn!

CHƠI PHỐ HỘI,
GẶP NGƯỜI ĐÀO HÁT THÀNH VỊ


Cùng than thở gặp nhau đã muộn,
Hỡi người xưa! Gặp chốn phương xa.
Sáo đàn dưới ánh trăng ngà,
Quê hương thu cách trải qua mấy mùa.
Đèn vẫn cháy, lòng sao nỡ tắt,
Rượu còn đây, nước mắt ai vơi,
Bạn xưa còn được mấy người,
Tiếc chi khúc hát nàng thôi cất lời!


Bản dịch của Trần Công Nghị

Đi chơi Hội An tình cờ gặp người đào hát thành Vị! Vị ở đây là Vị xuyên, Nam Định. Tựa bài thơ đọc lên nghe rất vô tư, khách quan! Bốn câu thơ đầu Cao Bá Quát cho chúng ta biết được mối quan hệ gần gũi giữa tác giả và cô đào hát. "Tha hương ngộ cố tri " - xa quê, gặp người thân quen thật là cảm động và hạnh phúc! Huống chi là "cố nhân"! Sao không gặp gỡ sớm hơn!
Gặp nhau nơi xứ người sau bao thay đổi, nổi trôi. Người ca sĩ từ Nam Định lưu lạc về đây. Còn ông, trải bao tháng ngày tù tội, lênh đênh chân trời góc bể, hứng chịu bao đớn đau trên bước đường làm quan. Đêm nay, dưới ánh trăng thu phố Hội, tiếng sáo, tiếng đàn quyện vào nhau đánh dấu một đêm hội ngộ tràn đầy thương cảm. Họ cùng cảm nhận thương nhớ quê xa mà đã trải qua nhiều năm dài nghe gió thu mịt mùng từ phương bắc thổi về.

Đến đây tiếng đàn, tiếng hát đều dừng lại. Không gian chìm lắng. Họ đã cùng nhau khóc. Chén rượu vẫn tràn đầy, chơ vơ trên mặt bàn kia. Ngọn đèn vẫn tiếp tục cháy sáng, nhưng họ ngậm ngùi vì cái thời son trẻ, sôi nổi, rộn ràng đã chùng lắng xuống. Cô đơn. Rã rời. Bạn bè cũng chẳng còn ai! Sao người không hát nữa?

Gặp lại cố nhân nơi quê người. Cùng khóc nhau thân phận, cuộc đời và nỗi cô đơn không cùng của người nghệ sĩ. Lời thơ bàng bạc, ý thơ cô đọng, ngậm ngùi. Cao Bá Quát đang đi vào nguồn thơ trăng mênh mông (Trăng thu sông Trà). Có dịp, chúng tôi sẽ trở lại.


TRẦN CÔNG NGHỊ
@thegioinguoiviet