Monday, August 26, 2013

NHẬT THỊNH

VIẾT TRONG KHÓI LỬA
 
Trước Tháng tư Đen năm 1975, trong cuộc chiến ý thức hệ miền Nam, nhiều người viết trẻ thời xa xưa ấy, trực diện với cái chết ngoài chiến trường, nay có người trở thành phế tật hay không còn nữa, tuy nhiên họ đã ít nhiều một thời góp mặt làm nên dòng văn học tự do mang một sắc thái riêng biệt. Tính nhân hậu, nhân bản trong văn chương của người lính miền Nam còn ấn dấu đậm nét trong quần chúng. Những nhà văn, nhà thơ đó không những đã cầm bút mà còn cầm súng ở ngoài chiến trường, rất tiếc, một số công trình trước tác của họ  đã mai một, thiêu hủy, cho nên việc khơi lại trong tâm thức dòng văn học đó, không ngoài một sự nuối tiếc, tưởng nhớ. Và nếu ai có chút thời giờ rảnh rỗi, sau nguồn sống chính, đảm đang nhiều ngành nghề khác nhau để kiếm sống, mà bắt gặp một tạp chí cũ, một truyện cũ, một bài thơ cũ của người lính năm xưa, thật như thấy lại được một món “bảo vật” của mình đã thất lạc tự bao giờ.
Hai miền Nam, Bắc thể hiện hai nền văn học khác biệt nhau một trời một vực, một bên bốc lửa, sát khí ngút trời, chẳng hạn bài“Bắn đi” của thi nô Tố Hữu:

Đại bác ta sau rèm tre ngoảnh cổ
Trông xuống khoanh đồi nọ
Ngon như một đĩa thịt bò tươi
Ơ kìa chúng nó đang cười
Cười đi nhé các con ơi rồi chết

Trái lại, người lính miền Nam không cầm bút làm thơ để cổ xúy chiến tranh, hô hào giết chóc. Và không coi mạng sống con người như “một đĩa thịt bò tươi”, chỉ chờ các viên đạn đại bác bắn toạc thân xác đối phương mà “cười đi nhé các con ơi rồi chết”. Thơ của họ ngút ngàn tính nhân bản, sắt son tình người như Nguyễn Bắc Sơn coi chiến trận chỉ như một cuôc “rong chơi”:

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

Những người lính miền Nam xuất hiện tuy chưa thật rõ ràng trên sách vở, đều vì nhiệm vụ khoác áo chiến binh, ra chiến trường còn đem theo lòng nhân ái. Khi viết họ không một chút hận thù. Ngay những người dân sống trong vùng “bị chiếm” hay “do những người bên kia kiểm soát” họ vẫn tử tế, mặc dù thừa biết rằng đối phương luôn nhìn người lính miền Nam dưới con mắt không hề có chút thiện cảm nào. Trong bài “Ta, lính miền Nam”, Trần Hoài Thư  ghi:

Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm

Người ta thấy cung cách đối xử giữa người với người dù cho kẻ đó chỉ là tù binh bị bắt trên thi ca cũng đủ thấy sự khác biệt giữa hai người lính của hai miền rõ như ban ngày. Một bên hiền lành, thân thiện. Một bên thù nghịch bốc lửa, sát khí ngút trời. Người lính nhìn tên tù binh  bỗng thấy thương hại vì hắn cũng có mẹ già, có người yêu đợi chờ ở phương trời. Nên người lính đã mời tên địch điếu thuốc.

Đó là việc đối xử với tù binh. Còn có biết bao nhiêu chuyện trên chiến trường, trên những vùng đất đầy tai họa, mà người lính là chúa tể khi bấy giờ, có toàn quyền bắn giết sinh sát. Đây hãy nghe Trần Hoài Thư kể trong “Đánh giặc tại Bình Định” xuất bản năm 2002, đã khác loại truyện lịch sử của cây bút nọ đem về nước giao cho Hội Nhà Văn in và được một tờ báo địa phương long trọng giới thiệu :

“Chúng tôi không thể liệng lựu đạn xuống hầm một cách điên cuồng mà phải nạt, phải gào, phải dọa để đám dân, gồm đàn bà, con nít, từ dưới hầm, chui lên, để họ còn được sống. Chúng tôi không thể đá vào người đàn bà có bầu, dù biết rằng tác giả cái bầu kia là một tên du kích Chúng tôi dí nòng súng vào màng tang ông già, bà lão, dọa bắn, nhưng không thể bóp cò. Chúng tôi muốn đốt hết nhà, muốn phóng hỏa cả làng để trả thù, nhưng chúng tôi cũng đành bất lực. Chúng tôi phải chiến đấu trong sự dằng co của lương tâm và sự thù hận. Trời ơi, những câu hỏi và những câu hỏi.”

Hay:

“Tôi đã bất lực. Tôi đã đầu hàng. Bà lão ấy là mẹ của kẻ địch. Người đàn bà có bầu ấy là vợ của kẻ thù. Đứa con nít ấy là con của kẻ địch. Tôi biết họ. Những người lính trong trung đội tôi cũng biết vậy. Họ chờ đợi tôi. Nơi này, tôi là vua, là chúa, có quyền sinh sát. Nhưng tôi không thể. Mái tóc bạc phơ của bà lão. Cái thai vô tội hay cô thiếu nữ đang ở tuổi thanh xuân .... Chẳng thà họ lấy súng bắn chúng tôi trước. Chẳng thà họ có dấu hiệu gì để chống lại chúng tôi. Nhưng họ ngồi im lặng trên sân. Mắt không sợ hãi mà ương ngạnh.”

Đó, sự khác biệt của người lính hai miền Nam,  Bắc. Một đằng chỉ biết căm thù, hung dữ hơn loài lang sói. Căm thù trên hầu hết các tác phẩm viết về chiến tranh của miền Bắc.

Có phải người lính vừa đánh giặc, vừa viết văn có hai con người trong họ. Khi cầm súng họ một người lính như mọi người. Và lúc cầm bút họ trở lại con người đích thực. Vì mang danh con người nên qua chữ nghĩa của họ, tính nhân bản của họ được thể hiện rõ hơn bao giờ. Vì khoác chiến y nên họ đã chịu đựng những số phận như đồng đội của họ. Có người ngã xuống trong cuộc chiến, có người bị tàn phế, có người bị lịch sử vùi dập tơi tả. Cuối cùng văn chương và họ đều “biệt tăm biệt tích”.

Bản chất của người lính như vậy, sách văn học thì theo luật giao thông đi trên đường một chiều, vì thế chỉ đọc một tác phẩm đã có thể coi như đọc hết những tác phẩm trong giai đoạn ấy. Những nhân vật của họ khi viết về địch thì bộ mặt, hành động của địch chỉ có hãm hiếp, cướp bóc, đốt nhà, còn ta trái lại lồng lộng, cao cả. Đó chẳng qua họ được lùa vào một căn nhà như đàn cừu Panurges, ngồi túm tụm viết văn làm thơ. Hay dở không cần biết tới, miễn cắm cúi viết theo chỉ thị trên xuống, tháng tháng lĩnh lương. Đám bồi bút đó người dân gọi là công chức nhà văn nhà thơ đấy.

Như vậy, mỗi sáng tác viết về chiến tranh của người lính miền Nam đã ít nhiều có tính cách một chúc thư, mang nhiều điều bất an như sẵn sàng bủa chụp xuống đầu họ, nên đoạn kết thường phảng phất một nỗi buồn hay bi thảm. Trần Như Liên Phượng bút hiệu của cố Trung úy Trần Văn Thạch làm thơ, tác giả của các tập“Đi Hoang”, “Đêm Không Ngủ”còn tập “Làm Thân Con Gái” chưa kịp xuất bản, đã vậy, không ngờ còn viết văn, ký bút hiệu Hoàng Yên Trang, nhưng truyện đầu tiên và cuối cùng “Lên Đường” chưa lên khuôn thì đã ngã xuống trên chiến trường Chương Thiện ngày 10 tháng 6 năm 1965 đang nở rộ ở tuổi 29. Một ngày đầu tháng 6 năm 1965, Kiều Tâm Khánh, Nguyễn Cát Đông đón tắc ráng vào Kinh Năm thăm Trần Như Liên Phương, khi Sư đoàn 21 Sét Miền Tây đang dưỡng quân tại đây. Trần Như Liên Phượng khi được họ trao tặng hai cây thuốc Lucky Strikes, đã đem chia cho cả đội cùng hút. Họ hứa sẽ gửi thêm thuốc đến, nhưng chưa kịp gửi thì người xưa đã không còn. Trần Như Liên Phượng bảo lính chiến sống chết bất thường nên đã hút thuốc Lucky Strikes để cầu may. Cái may của Trần Như Liên Phượng không ai thấy, chỉ thấy ba cái tên Như, Liên và Phượng của ba thiếu nữ được Trần Như Liên Phượng ghép thành bút hiệu đã vận vào sinh mệnh của mình. Con tạo thường đố hường nhan, một hường nhan như Kiều đã sống dở chết dở, thế mà Trần Như Liên Phượng dám ôm ấp ba cái hường nhan hỏi tránh sao không bạc mệnh? Đã vậy cái bút hiệu Hoàng Yên Trang của Trần Như Liên Phượng dùng để viết truyện cũng là một hường nhan.

Lê Bá Lăng trong truyện “Buổi Dừng Quân” đã diễn tả những gì bi thương nhất, tàn nhẫn nhất về một cuộc chiến. Tàn nhẫn như thể người lính vô tình bắn vào thi thể của đồng ngũ. Đau thương như người dân giữa hai lằn đạn. Mụ Hồng bán quán trước kia làm điếm ở Sàigòn có tiếng, về đây chôn người cha bị cộng quân Bắc Việt giết chết, gặp lúc quân đội về bình định quận này, nán ở lại mở quán nhậu. Phản trắc, lừa dối, hiểm độc của người dân vùng sôi đậu. Bi thảm như niềm ước mong của người lính nọ tên Nuôi: súng và súng. Cố kiếm súng để nhận được phép thăm vợ con. Cuối cùng lá thư viết cho vợ chưa gửi được đã tìm thấy trên thi thể của Nuôi: ”Ông (trung đội trưởng) nhân đạo quá. Đ.m, Việt cộng nó giết mình như ngóe mà bắt được thằng nào ông cũng cấm đánh đập. Anh thương ổng quá chứ không thì anh xin qua tiểu đội quân báo rồi.”

Lê Bá Lăng sinh năm 1943 tại Huế, tốt nghiệp trường Sư Phạm ở Quy Nhơn, động viên và trở về dạy học năm 1969. Ngày ngày đi dạy, đi học Lê Bá Lăng đã tốt nghiệp Cử nhân Văn Khoa, chuyển lên dạy Trung học. Lê Bá Lăng rất mê viết, các truyện ngắn xuất hiện đều đặn trên tạp chí Bách Khoa và Văn, văn viết đắn đo, cẩn trọng, dung dị và chắc khỏe, song phảng phất một nỗi buồn phiền không rõ nét. Sau năm 1975, Lê Bá Lăng gặp khó khăn trong đời sống gia đình, lại mắc bệnh đau bao tử nặng, thiếu thuốc men, nên đã không làm được gì nhiều để giúp vợ con. Năm 1989 Lê Bá Lăng mất ở tuổi 46.

Tiếp đến một người lính không viết nhiều về chiến tranh, làm thơ lấy chất liệu ở thế giới thường ngày, đời sống, ngôn ngữ ngày thường, kể chuyện cha mẹ, vợ con, thân quen, con đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi ở, bãi biển Thượng Chánh, Phan Thiết thường lui tới tắm, đó không ai khác hơn Từ Thế Mộng, tên thật Nguyễn Đình Tư tức Tư Đình, sinh năm 1937 tại làng Phước Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm lên 10 theo gia đình vào sống ở Phan Thiết cho đến ngày qua đời:

“Phan Thiết gió một ngày thật gió
Bởi yêu em anh bảo Tết quê mình
Rồi Phan Thiết nếu mai kia một nọ
Vắng em rồi
          gió suốt cả đời anh”

Phan Thiết dễ thương với Mũi Né, Tà Dôn, Tà Cù…cái không gian biển cả và dĩ nhiên, hầu hết những hình bóng mỹ nhân đều mang đồ tắm:

Anh đứng trên bờ
Chờ em đến thiên thu
Còn hắt bóng
Em thanh thản đi lên
Thân thể mịn căng trong chiếc áo tắm màu xám
Với bàn tay nâng ướt tóc
Nghẹn ngào
Anh thấy mắt em nâu.

Dời mắt khỏi cái “thân thể mịn căng” đó để còn “thấy mắt em nâu”. Từ Thế Mộng trách chi không “nghẹn ngào”. Lối mô tả đã đạt! Sự ngưỡng mộ, tình thương yêu, lòng khát khao ham muốn…tất cả kết tụ lại tạo nên nỗi “nghẹn ngào” một trạng thái thái xúc động cao độ gần như đớn đau.

Cái đẹp của thân thể người phụ nữ, đặc biệt những cô gái tơ nõn nà dưới ngòi bút của Từ Thế Mộng thật quyến rũ, gợi cảm như mời mọc:

Thân thể em căng ra như những sợi dây đàn
Căng ra
Và sắp nở
Những đóa hoa trên áo tắm xanh em
Không còn xanh
Mà như lửa
Anh tan thành giọt nhỏ
Ríu hương em
Mà nổi điệu đàn lên
                         Điệu đàn em
Ôi trời ơi
Muốn rụng ra ngoài tim

Đến khi mô tả cô gái nhỏ cao nguyên, ngây thơ, nhí nhảnh tựa như con nai tơ, Từ Thế Mộng viết:

Đôi vú nâng nâng trên ngực em trần
Là gái lạ của trời cao nguyên đó
Ánh mắt hoang vu, nụ cười trẻ nhỏ
Thịt da nàng in nắng mới tinh khôi.

Và đây Eva trinh nguyên trong vườn địa đàng dưới con mắt của Từ Thế Mộng:

Áo trắng ngây thơ đôi vú nhỏ
Áo xanh mơn mởn bờ mông non
Áo hồng chúm chím môi vừa nụ
Ôi gái tơ nào hoa chẳng thơm

Để thoát cảnh sống đói nghèo Từ Thế Mộng lập thân bằng con đường giáo dục…tốt nghiệp sư phạm, lên miền thượng Di Linh (Lâm Đồng) dạy học. Lớp học chỉ có dăm bảy đứa học trò con em dân tộc K’Ho, nay học mai nghỉ, bởi nương rẫy mới thực sự lẽ sống của chúng. Để thu hút học sinh không bỏ học, đến lớp đều đều, mỗi chiều đi dạy về Từ Thế Mộng lại tạt qua chợ mua chục quả trứng gà hay trứng vịt, tối luộc, sáng hôm sau đem vào lớp cho chúng có cái ăn mà ham học. Chiến tranh ngày một khốc liệt, mở rộng, đầu năm 1963, Từ Thế Mộng lên đường nhập ngũ…hơn hai năm sau được biệt phái trở về nhiệm sở cũ, có ít thơ về lính. Năm 1969, ở Phan Rí nghe tin Y Uyên ở tuổi 26, tài hoa đang trong thời kỳ phát triển, đã nằm xuống trên chiến trường Nora (Bình Thuận), ngày nào cùng đứng trên bục giảng ở Phan Thiết, Từ Thế Mộng bỗng dưng thấy nhớ:

Nghe ngươi vào lính, ta đang lính
Súng đạn như đùa với kẻ thơ”

Bàng hoàng:

“Ta tròn hai mắt ra kinh ngạc
Mắt người dìu dịu màu ca dao
Người áo quần xanh đường kẻ mới
Hai hàng ánh sáng ngã lao đao”

Từ Thế Mộng viết liền 10 khổ thơ, 4 câu, 7 chữ, khổ áp chót có tiếng nấc:

“Mấy trùng khơi cách người nằm xuống
Nora còn chùng bông cỏ may
Nora chùng lòng dăm đứa bạn
Thương người không thể cầm trong tay”

Chữ “cầm” có hai nghĩa: một là giữ trong bàn tay; hai là cầm lòng…ở đây chỉ cái tuyệt vọng trước sự thật phũ phàng, cái chết của Y Uyên không còn cách nào cứu vớt nổi. Chao ôi, đời lính đi đóng đồn Nora khi bấy giờ đã không khác nào cái bông cỏ may nhẹ hẫng bay đi. Cái chết phi lý chợt đến như sờ tay với được lại tuột khỏi vòng tay người còn sống. Cái thương cảm tính tràn đầy của Từ Thế Mộng muốn cầm kéo lại sinh mạng của Y Uyên, kết cục “thương người không thể cầm trong tay.”Từ Thế Mộng biết sống có trách nhiệm với vợ con: Mộng Giao, một người phụ nữ tuyệt với và hai cô con gái dễ thương Giao Tiên, Giao My, với Luân, đứa con trai bị hội chứng “down” chín tuổi vẫn chưa nói được, đang sống một cách vô ý thức, có thể cười, có thể khóc không vì một lẽ gì, và với thân quen. Từ Thế Mộng sống hết lòng với thi ca, với cuộc đời nhưng trái lại cuộc đời không hết lòng với Từ Thế Mộng.

Sau tháng 4 đen năm 1975 Từ Thế Mộng cơ cực, thiếu trước hụt sau, sống trong nỗi đớn đau của bệnh thận, ảo giác giữa mộng và thực, chờn vờn trong cơn vật vã, quằn quại. Từ Thế Mộng như đang sống trong giấc chiêm bao sau cùng của đời mình; giấc chiêm bao lẫn lộn những thực – hư, những bóng – hình, những thơ – mộng, những khổ đau – hạnh phúc. Từ Thế Mộng đang sống trong nỗi cô đơn, quanh hiu, mong đợi một ai đó đến với mình. Có thể một thoáng gió lay qua căn phòng nơi đang nằm, có thể một chiếc lá rơi rụng bên ngoài khung cửa sổ, tất cả những thứ đó đều làm nôn nao Từ Thế Mộng tưởng chừng có ai đó, một người bạn thơ hay một giai nhân đi qua cõi thơ Từ Thế Mộng, tưởng như chiêm bao đến cùng Từ thế Mộng, vỗ về Từ Thế Mộng nhập vào cõi mộng của mình.

Và cái gì phải đến đã đến, không thể tránh được, Từ Thế Mộng từ giã cõi đời lúc 10 giờ 15 ngày 13 tháng 5 năm 2007 vì căn bệnh ung thư gan ở giai đoạn cuối không thể cứu chữa. Những ngày Từ Thế Mộng lâm trọng bệnh, cô con gái Giao Tiên đem tập trung các bản thảo của Từ Thế Mộng để kịp in thi phẩm cuối đời: “Thơ Từ Thế Mộng”. Bạn bè khắp nơi tìm mọi cách chạy chữa cho Từ Thế Mộng mau lành bệnh, nhưng đời người hữu hạn, dù rất sợ phải nói lời vĩnh biệt, cuối cùng vẫn phải chia tay, không sao cưỡng nổi.

Thơ của Từ Thế Mộng có hai mảng là thơ tình và thơ thời chiến. Thơ tình đầy ắp yêu đương, nồng nàn, chan chứa, đôi khi trần gian đến cuồng nhiệt, say đắm. Thỉnh thoảng mang nỗi buồn ray rứt, nỗi buồn của một niềm hạnh phúc xa xăm, vời vợi:

Tiếng kêu
Lạnh chỗ anh nằm
Nghe quằn quại
Cả tiếng lòng
Quạnh hiu

Cuộc tử sinh giữa cõi trần gian phù phiếm này, lẽ mất còn giữa cõi đời tạm bợ này, sự ra đi hay trở về không ngoài lẽ biến dịch vô thường, vô thủy vô chung, đâu nơi khởi nguồn, đâu chốn sau cùng:

Ta còn hay đã mất
Có sá gì đâu em
Xa em, ở đâu cũng chỉ là hoang mạc
Hồn ta, ngọn tàn hiu hắt

Sống, cuộc hành hương phiền muộn đi về cõi chết, Từ Thế Mộng trong chuyến hành hương của đời mình ngót bảy mươi năm, bảy mươi năm băng qua sa mạc mênh mông đời người để tìm kiếm cái hồn của mình trong cái hồn của vạn vật, trăng sao, sóng biển, Phan Thiết chập chờn mộng và thực, giữa thi ca và giai nhân, giữa tinh huyết và bùn lầy:

“Mộng nằm mộng
dưới hàng hiên
càng khuya khoắt mộng
càng huyền hoặc ra”

Nửa đêm thức giấc giữa giấc chiêm bao, nghe tiếng vạc kêu sương tưởng chừng nghe tiếng vọng từ thiên thu vạn cổ làm vỡ tung không gian:

“Xẹt ngang qua mái hiên nhà
không gian rộng
bỗng vỡ òa
vạc kêu”

Dù trong mộng hay thực, hoan lạc hay khổ đau, chập chờn giữa hai bờ tồn vong, trái tim Từ Thế Mộng vẫn từng nhịp, từng nhịp khắc khoải yêu người, yêu sương mưa hoa cỏ, từng nhịp đập vang suốt cuộc hành trình đời mình qua bao tròn khuyết của vầng trăng định mệnh.:

“Em là giọt sương của tôi
trong veo
              em xuống từ trời
                                     thương
Có em
               có cả thiên đường
không em
         chút cỏ vô thường
                               cũng không!”

Nỗi khổ đau của Từ Thế Mộng dường như ít gặp trong thơ, có chăng là những làn gió nhẹ thổi, đôi khi những khổ đau chỉ còn là những ray rứt tự chính đáy lòng mình:

Chẳng tiếc em lấy chồng
chỉ tiếc mình già cỗi

Từ Thế Mộng yêu hết cả, trải ra mênh mông với đời, bàng bạc trong thơ hình ảnh của người thân yêu. Tình thương Từ Thế Mộng dành cho mẹ mới thật thiết tha bởi đã mất mẹ sớm:

Con lếch thếch đi tìm ôm mẹ khóc
chiều lênh đênh lùa bóng tối đi lang thang

Về tình bằng hữu Từ Thế Mộng quan niệm:

Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.

Thơ Từ Thế Mộng hiền hậu, chân chất, phơi trải cả tấm lòng bát ngát, mênh mông, vận dụng ngôn ngữ không cầu kỳ, có cân nhắc, suy tính, viết dưới mọi thể loại…không chỉ chọn lựa một hình thức thể hiện nào nhất định, cần sao diễn tả được cái tình, chẳng hạn bài“Tặng Vợ”:

Lâu ngày không nhận ra em
bỗng trưa thức dậy thấy đèn sáng trưng
ô em tóc xõa lưng chừng
em vừa tắm mát lộ cái lưng trần đó thôi. 

Tuy rằng còn hiếm nhưng vẫn thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng một tay tửu đồ giang hồ chất ngất hào khí lãng tử:

Mấy mươi năm, hừ chỉ mấy lần gặp mặt
bù khú cho quên đời chiêm bao
rượu thơ say khướt quên ngày mất
tỉnh rượu, hơi thơ còn lao đao!

Thơ của Từ Thế Mộng không ấn dấu nhiều vết tro than của lịch sử. Năm 1965 Từ Thế Mộng trong vai người cha viết cho con:

ba lớn lên từ chiến tranh
thôi cũng để ba trả về cho chiến tranh
như cây khô trả về cho đất.

Năm đó, Từ Thế Mộng giã từ cuộc sống bình thường, nhập ngũ, xuống đồi 4100, đi đơn vị, nghĩ đến vợ con vì e không có ngày về:

Máu thịt của ta ruột rà của vợ
Cũng trả cho đời, ta chiều thu buồn thiu
Lấy vợ ba năm, con vừa một tuổi
Cũng trả cho đời ta biết mang gì theo.

Chiến tranh! Nào thực sự có mấy ai ưa thích. Dù một thời mang trên người bộ đồ trận, trực diện cái chết ngoài chiến trường. Nhất những thôn xóm có người lính đi qua, tội nghiệp, xác xơ, điêu tàn. Những địa danh nào đó: An Lão, Hoài Ân, An Thường, Bồng Sơn, Phù Củ…ngày xưa họ đã đi qua, đã đến…chỉ thấy khói lửa bạt ngàn. Tổng thống thứ 31 của Mỹ Hoover đã nói:“Tuyên chiến dành cho các ông già, còn phần đánh và chết dành cho đám trẻ ” (The old men declare war. But it is the youth who must fight and die). Đó những người lính trẻ không những lãnh phần đánh, phần chết và lãnh thêm những sấp giấy có khi dính đầy máu. Trên những trang sinh hoạt văn nghệ của vài tạp chí văn học khi bấy giờ đôi khi người ta thấy bên cạnh tin thời sự loan tải cái chết của một nhà văn, nhà thơ lớn ngoại quốc hay giải thưởng văn học thế giới, còn thấy những tin liên quan đến nhà thơ trẻ này bị thương lần thứ hai hay nhà văn khác tử trận.

Y Uyên đấy, đã gục ngã giữa chiến trường Nora. Cái tên này ai đã đặt cho, có thể của Thượng, Chàm, Pháp, Mỹ. Không, người ta nghĩ cái tên này có từ thời Pháp chiếm đóng. Cái xã Tuy Hòa có tới hai địa danh mang tên Pháp. Nora và Sara. Tiếng Viêt làm chi có cái tên Pháp ấy. Nora không như bao làng quê khác nhưng là một ngọn đồi nằm gần quốc lộ 1. Địa danh này quá nhỏ, không biết có an ninh bên vệ đường hay vào sâu bên trong. Nhưng cuối năm 1969 Nora bỗng xôn xao. Y Uyên bị trúng đạn tử thương bên một dòng suối gần chân núi Tà Lơn, Phan Thiết cũng bình thường như những người khác nằm xuống trong chiến tranh. Nhưng Y Uyên thì khác, vì thật sự là một nhà văn cầm súng ngoài chiến trường.

Cái chết còn quá trẻ của Y Uyên để lại nhiều tiếc thương, âu một “định mệnh” đã an bài. Người ta tự hỏi một đồng đội đi phép, vắng mặt khi bấy giờ, sao Y Uyên lại tình nguyện cầm quân thay thế. Khi quan tài Y Uyên còn quàn tại nhà xác quân y viện, mái lợp tôn, bốn bề trống trải, núi phía trên đầu, biển phía dưới chân. Những trận gió lốc thổi cát bám lên chén cơm, quả trứng, những nén hương đỏ nghi ngút khói và điếu thuốc quân tiếp vụ cháy dở dang. Những bạn thân nhất của Y Uyên chạy đôn đáo suốt hai ngày để xin phi cơ, không có. Đành thuê chuyến xe đò muộn màng trong ngày đưa quan tài về Sàigòn chôn cất.

Y Uyên tên thật Nguyễn Văn Uy, sinh năm 1943 tại làng Dục Nội, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, trong một gia đình có 9 người em. Năm 1954 Y Uyên cùng gia đình di cư vào Nam, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, theo học trung học tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An. Năm 1964 tốt nghiệp trường Quốc Gia Sư Phạm Sàigòn, được bổ dạy tại Tuy Hòa, Phú Yên trong các năm 1964-1968. Nhập ngũ khóa 27 Trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, mãn khóa chuyển về đóng quân tại đồn Nora, Phan Thiết, không bao lâu sau bỏ mình trong trận phục kích, bên dòng suối, dưới chân núi Tà Lơn ngày 8.1.1969.  Y Uyên bị viên đạn đồng chữ nổi bắn sẻ từ phía sau lưng, sau còn bị một tên du kích chém vè bằng mã tấu nằm gục xuống bên đường trong lúc cánh quân của Y Uyên đi mở đường. Khoảng 4 giờ chiều ngày 11.1.1969, Y Uyên được chở về Sàigòn trong chiếc quan tài kẽm có phủ quốc kỳ. 10 giờ 30 chủ nhật 12.1.1969 lớp đất hửng đỏ ở nghĩa trang Hạnh Thông Tây vĩnh viễn phủ kín Y Uyên. Sau tháng Tư Đen năm 1975, các nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Quân đội Biên Hòa và Hạnh Thông Tây buộc dời chỗ, hài cốt Y Uyên được hỏa thiêu, đem về đặt tại Bảo tháp chùa Vĩnh Nghiêm Sàigòn. Riêng bức tượng đồng được đưa về đặt tại nhà riêng của cha mẹ ở Gò Vấp. Các tác phẩm đã xuất bản:“Tượng Đá Sườn Non” Thời Mới 1966,“Bão Khô” Giao Điểm 1966, “Quê Nhà” Trình Bày 1967, “Ngựa Tía” Giao Điểm 1967, “Chiếc Xương Lá Mục” Tân Văn 1968, “Đuốc Sậy” Văn Uyển 1969, “Có Loài Chim Lạ” Tân Văn 1971.

Bảy tác phẩm của Y Uyên hầu hết bị mai một, họa chăng có thể tìm kiếm được ở các thư viện Tây phương, Mỹ và Úc, việc làm này đòi hỏi nhiều công sức và đủ thứ tốn kém. Trong nước tác phẩm của Y Uyên bị xếp vào loại văn học của những người thất thế. Nên nếu có tái bản vẫn gặp khó khăn, vì Y Uyên vốn gốc một sĩ quan miền Nam bị tử trận, hơn nữa, những tác phẩm văn chương miền Nam hầu như mất đất đứng trong thị trường tiêu thụ hiện nay. Tuy nhiên không thể vì thế mà lãng quên việc sưu tầm, đánh giá sự nghiệp văn chương của Y Uyên, nếu thật sự muốn có một cái nhìn tổng quan và cân đối về nền văn học nước nhà nửa sau thế kỷ 20. Đó một việc làm cần thiết bởi một mình Y Uyên đã đủ để tạo nên một góc văn chương thời chiến.

Có thể coi Y Uyên như một trong số các người trẻ nổi bật hàng đầu của thập niên 70 đã khơi mào cho lối viết truyện không có truyện kiểu Samuel Beckett trong tác phẩm “Waiting for Gobot” (1952). Gặp gì nói đó để người ta thích thú đi theo tới chỗ chấm hết thật tự nhiên, không cần nhiều tình tiết éo le…hay có nút thắt, nút mở lôi thôi. Những ý tưởng bao trùm trong truyện của Y Uyên nói tới cuộc chiến với những tàn tệ và những hệ lụy của nó bằng một lối viết nhẹ nhàng, khách quan, diễn tả cái khổ của người dân sống trong vùng lửa đạn, không than không trách, bao dung, không chút thù hận. Y Uyên trầm tĩnh, chững chạc. Mỗi truyện đưa ra một chứng tích não nùng về những tiếng kêu thét, những nỗi khổ nhẫn nhịn đến bầm gan tím ruột, những cay đắng chịu đựng cực kỳ vô lý…của người dân sống dưới đáy cùng xã hội gây nên bởi tai họa chiến tranh. Đây thứ chiến tranh ở đằng sau những ầm ì của đạn pháo, thứ chiến tranh không giết xấn xả mà nhẩn nha giết, sói mòn như từng giọt máu rỉ rả từ vết cắt ở cườm tay. Thứ chiến tranh không mang tên gọi trong sử sách mà đục ruỗng con người như mối mọt đục giấy. Vì thế các nhân vật của Y Uyên vât vờ như cái bóng của mình.  Liệu hình ảnh người thiếu phụ nửa điên nửa tỉnh, lội lên lội xuống khúc sông gần cạn khô ở một vùng miền Trung để tìm cánh-tay-có-mang-cà-rá của chồng chết vì mìn cùng một lúc với hơn sáu chục mạng người khác, kết thúc truyện“Bão Khô”, diễn tả một-cái-gì-không-nói-được trong triệu triệu điều lớn nhỏ không nói được về cuộc chiến tranh tàn khốc vừa qua:“Trên con đường lổn nhổ đá xanh dẫn lên trên đó, người đàn bà có khăn tang đang nhảy qua nhảy lại, rượt rheo một con chó ngậm trong mồm một khúc xương.”

Do sống ở vùng Tuy Hòa, Phú Yên nên Y Uyên đã khai thác đến nát bấy cái miền đau khổ nhất nước trong suốt chiều dài cuộc chiến. Miền Trung cong quằn tựa tấm lưng xương xẩu của một người ngồi bó gối, chịu đựng tai ương, đất-cày-lên-sỏi-đá,  chỗ đất sống rộng không quá trăm cây số, kẹp cứng giữa một bên ngổn ngang những núi đá và một bên trùng trùng biển mặn. Vì chật hẹp như thế nên mìn pháo dội lên dập xuống không bỏ sót một chỗ nào, dân chúng chịu đựng đến chai lì thảm họa. Miền Trung khô hốc gió Lào, giông bão lũ lụt mỗi năm, dồn dập những thảm họa. Đây chiến địa của nhiều trận đánh lớn diễn ra, đầy đủ vũ khí hiện đại có hiệu năng tàn phá khốc liệt được đem ra thử nghiệm.

Y Uyên chưa bao giờ được viết một cách thoải mái của một người lấy nghiệp văn làm lẽ sống, cho dù có là tay trái. Trong quân đội Y Uyên phải làm cái việc lính tráng ở đơn vị tác chiến, trước cái việc viết văn. Không khác nào Trần Hoài Thư viết trong giao thông hào, viết dưới ngọn đèn pin lập lờ che dưới poncho…cửa hầm nhỏ hẹp như cánh cửa hé của chiếc nhà mồ, những đòn gỗ chống đỡ lớp đất dày bên trên, cỏ mọc xanh rì. Có khi trùm mền, bật đèn pin của quân đội để viết trong âm u địa huyệt, chuyển chữ nghĩa về các phận đời bất hạnh, những vùng đất bị bỏ quên và những thao thức suy nghĩ của tuổi trẻ. Chỉ những ai cùng chung một số phận mới hiểu nhau và thương nhau. Có gì quá đáng không nếu nói cái vị trí của Y Uyên, Trần Như Liên Phượng, Doãn Dân…và nhiều người khác không phải ở đó, phải ở một chỗ khác. Nhưng ở đâu để nói về những thôn xóm đã hẻo lánh còn trống hoang thêm sau mỗi lần bên này bên kia giành qua giật lại, cuối cùng chịu thua, vơ vét thóc gạo của dân chúng bỏ chạy vài bưng, khiến họ đã nghèo mạt rệp, xác xơ, còn nghèo đến sầu thảm sau mỗi lần bỏ nhà bỏ cửa chạy lấy mạng sống, các dây mơ rễ má lằng nhằng có mà không có của những“nhân vật lăng xăng” qua lại giữa đời như không có mặt. Và nhất là ở đâu để diễn tả một nỗi sầu kín của lớp thanh niên lớn lên giữa thời buổi đen trắng nhập nhằng, lớp thanh niên trông đã già khi tuổi còn trẻ, buồn khi chưa kịp biết vui. Thôi đã sống ở đó thì viết ở đó vậy. Đã sống ở đấy thì chết ở đấy. Như cái phận rủi may chực chờ đâu sẵn từ những dòng chữ khai mở. Như sự gắn bó của con người với thời đại nó sống, điều tất yếu của mọi hoạt động sáng tạo.

Sự hoài niệm về cái chết của Y Uyên không chỉ trong làng văn làng báo, ngay nơi đơn vị được các đồng đội ngậm ngùi thương tiếc cho cuộc đời vắn số, bạc mệnh. Chứng cớ sau khi Y Uyên ra đi không bao lâu, các anh em thân hữu ở Tuy Hòa, nơi Y Uyên đã sống và dạy học nhiều năm cùng thân hữu trong cả nước đã đúc cho gia đình Y Uyên một bức tượng đồng bán thân để kỷ niệm nhân ngày giỗ đầu. Khi hiểu được sự xuất phát từ lòng yêu mến tài năng của Y Uyên, nhà điêu khắc Đỡ Toàn khi đó sống tại Quy Nhơn đã nhiệt tình nhận lời. Công việc được tiến hành, Mang Viên Long liên hê với chị ruột của Y Uyên là Nguyễn Thị Tẩu để được cung cấp những ảnh chụp từ nhiều năm, nhiều kiểu khác nhau của Y Uyên cho Đỗ Toàn dùng để phác thảo. Bức tượng đồng bán thân cỡ lớn, nặng 50 cân được hoàn thành đúng hẹn, đưa từ Quy Nhơn vào Tuy Hòa chờ gửi xe tải chở về Xóm Mới – Gò Vấp nơi gia đình Y Uyên cư ngụ. Ông bà cụ thân sinh của Y Uyên hoan hỉ nhận món quà đặc biệt này, nói: “Gia đình chúng tôi xin cám ơn tấm lòng của anh em đã tưởng nhớ đến em nó Công việc xây bệ đặt tượng ở nghĩa trang Gò Vấp, gia đình ngỏ ý tự lo lấy được, không dám phiền anh em nhiều. Năm 1988, bà cụ thân sinh Y Uyên mất, năm 1995 đến lượt ông cụ thân sinh bị bệnh huyết áp cao  phải ngồi xe lăn, nhưng trông rất khỏe, sáng suốt. Đầu năm 1998 bệnh trở nặng, ông cụ phải nằm trên giường bệnh cho đến tháng 10 thì qua đời.

Từ ngày bức tượng hoàn thành tới năm 1984, tức gần 15 năm sau, khi tiếp xúc trở lại với gia đình người chết, các thân quen cũ của Y Uyên mới hay bức tượng đã được đưa ra phía sau vườn, nơi có cất ngôi nhà thờ nhỏ, bên trong có bàn thờ và bức tượng đồng bán thân của Y Uyên. Nhưng một hiện tượng lạ đã xảy ra, nơi lỗ tai của bức tượng đã bị cưa đứt. Nhìn thấy vậy, nhà văn Bùi Đăng – tác giả tập truyện dài “Cúi Mặtin nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa, sau in thành sách – thầm thì: “May cho mày Uy ạ, mày mất hai lỗ tai để khỏi phải nghe những điều trái khoáy.”  Đúng thế những điều“chướng tai” của chế độ cộng sản thì nhan nhản hàng ngày, hàng giờ, nhiều khi muốn lên tiếng mà phải câm nín cho được yên thân.

Thì sau năm 1975, cụ ông thân sinh của Y Uyên nằm mơ thấy con báo mộng bảo đem tượng về nhà  vì đang bị lạnh lẽo, buồn bã. Sáng ra ông cụ đem chuyện kể cho cả nhà nghe, vì lâu nay ít mơ thấy lại con. Đêm sau chuyện lại xảy ra như đêm trước. Chiều hôm ấy một người bạn quen với Y Uyên đến nhà báo cho gia đình biết khi dắt xe đạp đi bán “giò chéo quảy”, tạt qua trụ sở công an phường thì thấy bức tượng đồng Y Uyên nằm ở đó. Anh cho biét trong buổi đi tuần tra công an đã bắt được một người vác một bao tải khả nghi. Công an kiểm soát bắt gặp một tượng đồng chưa rõ của ai. Kẻ trộm khai đã cưa một bên tai của bức tượng để thử xem có phải đồng thật hay không. Và mờ sáng hôm ấy nó đã đục bệ lấy tượng đem đi bán đồng vụn. Được tin, gia đình đến trụ sở công an viết giấy báo cáo, và xin nhận lại bức tượng đem về đặt cạnh bàn thờ của Y Uyên. Nhìn bức tượng đồng bị mất đi một bên tai, các bạn cũ của Y Uyên tỏ ra buồn rầu và nghĩ sẽ nhờ nhà điêu khắc Đỗ Toàn khi ấy đã rời bỏ Quy Nhơn di chuyển vào Đà Nẵng sửa chữa lại cho hoàn chỉnh. Nhưng tìm đến nơi mới hay Đỗ Toàn đã qua đời.

Không thối chí những đồng đội cũ của Y Uyên đã thảo ra “dự án Y Uyên” , kết cục xem như thành công. Ngày 7 tháng 10 năm 2005, Mang Viên Long từ trong nước gửi thư ra hải ngoại thông báo gia đình và bạn bè của Y Uyên rất vui và cảm động khi thấy dự án được thực hiện xong. Nguyễn Thị Tẩu ngỏ lời cám ơn tất cả bảo: ”Chỉ có tình cảm của bạn văn thơ là trong sáng, là sâu đậm, còn thì không tránh khỏi sự toan tính, tạm bợ, gian dối của đời thường.” Tượng của Y Uyên được nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng – bạn cũ của Đỗ Toàn – dù rất bận rộn công việc cũng tình nguyện hoàn chỉnh lại bức tượng Y Uyên  như cũ. Bác sĩ Ninh, vợ của Phạm Văn Hạng nhiệt tình động viên chồng cố cho sớm để tu chỉnh bức tượng vì các người đứng ra làm “dự án Y Uyên” ở mãi tận ngoài Trung vào. Như vậy là bức tượng của Y Uyên đã được Phạm Văn Hạng phục chế hoàn chỉnh như khi xưa các nhà văn nhà thơ miền Trung đã đúc tượng lúc Y Uyên mới nằm xuống trên chiến trường Nora. Bao nhiêu lo lắng phập phồng của anh em được Phạm Văn Hạng và các môn sinh của Y Uyên đêm ngày đúc khuôn, giải tỏa. Đúc, xóa và đúc chỉ với lỗ tai đã bị kẻ trộm cưa mất cách đây 35 năm ở nghĩa trang Hạnh Thông Tây, nhưng quả thật đã khó tạo được vẻ thật hoàn toàn của nó như lúc ban đầu mà Đỗ Toàn và anh em văn nghệ Tuy Hòa đã tốn nhiều công sức như một tấm lòng đối với người bạn văn quá cố. Chẳng qua sau năm 1975, kinh tế bị khủng hoảng, dân chúng đói khổ trầm trọng, người ta phải đem bán đi mọi thứ trong nhà để có miếng ăn. Do đó tình trạng trộm cắp nảy sinh như rươi. Thật chưa có thời điểm nào kinh hoàng hơn những chuỗi ngày dài, hàng hàng lớp lớp người rồng rắn đứng xếp hàng từ hai giờ sáng trước cửa hàng lương thực, thực phẩm để chờ xé tem phiếu, đong từng cân gạo, mua từng lạng thịt…Và cảnh giành giật nhau, xô đẩy nhau, chửi bới nhau một cách thô lỗ, tục tĩu. Nếu đó là những người dân lao động nghèo khổ thì một lẽ, bỏ qua được. Đằng này chết nỗi là những cán bộ, công chức, những thầy cô giáo. Ấy vậy mà khi phân phối một sợi sên xe đạp, một hộp diêm, gói thuốc lá đen, họ lại giành giật nhau, kể công sá phấn đấu, moi móc phê bình đồng nghiệp này nọ…chỉ để ưu tiên mua cho kỳ được một cái ruột xe. Thời hoàng kim “bao cấp” ngự trị trên các vỏ trấu, tấm mẳn, cái ăn quả thật quan trọng. Cái đói nằm ngay trên miệng chén mấy đứa trẻ con. Cha mẹ bưng chén cơm lưng lửng, sớt ra cho mấy đứa con, mỗi đứa một chút xíu, chén của mình còn lại một ít, ngang với mỗi phần đã chia cho lũ con.

Khoảng khắc nhân dạng Y Uyên trở về chốn cũ. Bức tượng nằm trong ngôi nhà thờ nhỏ của gia đình. Dẫu sao khuôn mặt, nụ cười trẻ thơ của Y Uyên trên tấm hình khiến ai thấy đều bùi ngùi nhớ đến ngày nào, rực rỡ màu sắc của tuổi thanh xuân, của những mơ ước chưa toại lòng. Y Uyên không còn nhưng còn đó với anh em trong sự quý mến, trân trọng. Chỉ tiếc Y Uyên ra đi quá sớm, quá vội vàng để không ai còn được đọc tiếp các tác phẩm viết về thân phận con người trong biển dâu thế cuộc. Truyện “Ngựa Tía” có đoạn Y Uyên tả“hai cậu học trò miền ngoài vào thị xã chuẩn bị thi, chiều rủ nhau ra sông tắm, tắm xong, nằm lăn trên bãi cát đọc mấy câu thơ vừa sáng tác ráng chiều, hoàng hôn gì đó…” chính đây là hình ảnh người bạn thơ Nguyễn Phương Loan hy sinh trên Dakto, Kontum. Hồi Nguyễn Phương Loan từ Tuy Hòa vào thăm một người bạn ở Nha Trang, đêm ngủ bị bọn trộm móc ví, nhưng không có gì để lấy, ngoài những giấy tờ tùy thân, chúng vứt bừa bãi trên nền nhà. Sáng ra nhắc lại chuyện hồi tối Nguyễn Phương Loan cười nói: “Thân tôi đã như mấy mảnh giấy chúng bỏ lại”.

Không chỉ Y Uyên (1) còn có những cái chết thương đau tương tự, Tô Đình Sự, Nguyễn Huy Hoàng, Thế Vũ dường như chết năm 2005 ở Sàigòn, chôn cất tại nghĩa trang thành phố và Lê Minh mất cách đây bảy năm tại Tháp Chàm trong cái nghèo túng của người lính cầm bút trước năm 1975…Chu Trầm Nguyên Minh không biết bây giờ còn ở Nha Trang không? Chỉ biết sau tháng Tư Đen 1975 Phạm Văn Nhàn, Chu Trầm Nguyên Minh, Từ Thế Mộng gặp nhau trong trại cải tạo Sông Mao, tám tháng sau hai người sau về diện giáo chức biệt phái, riêng Phạm Văn Nhàn cuối năm 1982 mới được…thả, và đã qua bên đây.

Ngồi nhớ kỷ niệm xưa, xung trận trước mặt là kẻ thù, dưới chân mìn bẫy, trên cành cây thi lựu đạn gài. Trong không khí có thể có những đôi mắt rình mò, nhắm lỗ chiếu môn chờ đợi bóp cò. Ngay khi ngồi quán bên đường có thể có một trái lựu đạn được tung vào, sao cuộc đời coi nhẹ tênh đến thế dù trên lưng súng đạn, ba-lô nặng chĩu. Bây giờ khác xưa, không gì hết mà thấy nặng chịch vậy. Mới hắt hơi đã lo, hơi xây xẩm mặt mày đã sờ sợ. Thèm thuốc đến độ nước miếng cứ muốn trào ra mà không dám nhả khói nhìn. Rượu đắt tiền uống cầm chừng. Thêm những ràng buộc nọ kia, những sợi dây hệ lụy kéo ngang, kéo dọc, kéo tới, kéo lui làm con người mệt ngất. William Faulkner đoạt giải văn chương Nobel năm 1949 lập luận rằng dĩ vãng không những không trôi qua, cũng không chấm hết một khi mình còn có dịp để sống với nó. Thì đây những con người bây giờ đang sống ngất ngây với cái dĩ vãng hơn ba mươi lăm năm trước.
 
NHẬT THỊNH