Sunday, August 11, 2013

Kinh Tế

Từ con đường tơ lụa đến xa lộ thông tin

Hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay bắt nguồn từ những con đường giao thương được hình thành từ hai, ba thế kỷ trước Công Nguyên. Các nhà thám hiểm, những nhà truyền giáo và sứ giả như Trương Khiên đời nhà Hán, Marco Polo, Jacques Cartier, Vasco de Gama là những người mở đường. Bằng đường thủy, đường bộ hay đường hàng không và gần đây nhất là mạng xa lộ thông tin, hàng hóa sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới ngày càng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.
Trí tò mò và óc tưởng tượng của con người, nhu cầu mở rộng bờ cõi đã mở ra những trục lộ giao thương và đâu đó đã là những viên đá đầu tiên cho khái niệm « toàn cầu hóa » đã quá quen thuộc với chúng ta ngày nay.

Tạp chí đặc biệt của tờ báo kinh tế Les Echos tháng 7/2013 đã dành hẳn một loạt bài để trả lời ba câu hỏi : Từ khi nào con người có nhu cầu chu du thế giới để tìm kiếm, khai mở những vùng đất mới ? Những trục lộ chiến lược đã được hình thành ra sao và đã tác động như thế nào đối với đời sống kinh tế của nhân loại ?
Theo chuyên gia về địa lý lịch sử, Christian Grataloup, giảng dạy tại đại học Paris 7 và Học viện Chính trị Paris, thì từ 500 năm trước Công Nguyên, hai miền nam và bắc Địa Trung Hải đã có nhu cầu giao thương. Người ta trao đổi với nhau những mặt hàng như là đồng thiếc, hay nô lệ. 3000 năm trước Công Nguyên, những cư dân đầu tiên của châu Úc đã đến Trung Hoa bằng đường biển và cho tới thế kỷ thứ VIII thì người dân Polynesia đã tung hoành khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ngược xuôi trên 2/3 địa cầu.

 Trong khi đó châu Âu mới chỉ bắt đầu thám hiểm bằng đường thủy kể từ cuối thế kỷ thứ XIII. Vào thời điểm đó giới thượng lưu ở châu Âu bắt đầu khám phá ra chất ngọt của đường và tương tự như các loại gia vị khác. Người ta phải đổi vàng để mua lấy đường. Đây là động cơ thúc đẩy nhiều nhà thám hiểm tìm đến những vùng đất xa xôi. Bước sang thế kỷ XV, châu Âu tìm đường sang châu Á, nhưng muốn tránh băng qua Trung Đông, đang được đặt dưới sự kiểm soát của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc, Trung Quốc bắt đầu hướng ra đại dương để mở rộng giao thương.
Nhà địa, sử học người Pháp, Christian Grataloup nhắc lại : gần cả một thế kỷ trước khi nhà thám hiểm Christophe Colomb phát hiện ra châu Mỹ, Đô đốc Trịnh Hòa đời nhà Minh, mà tên tuổi đã gắn liền với biển cả, đã tiến hành các cuộc « viễn dương ». Chỉ huy một hạm đội với khoảng 30 000 người, nhà hàng hải này đã nhiều lần « vượt đại dương » đến tận eo biển Mozambique. Thế nhưng đến năm 1432, triều đại nhà Minh đã đình chỉ các chương trình thám hiểm biển cả, có lẽ do vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng bám trụ đất liền. Sau này nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Trung Quốc khi đó đã đánh mất cơ hội mở rộng giao thương và trở thành một cường quốc hàng hải.

Năm 1492,Christophe Colomb mở tuyến đường hàng hải nối liền hai châu lục Âu và Mỹ. Vào thế kỷ thứ XVI, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thực sự chinh phục châu Mỹ. Trọng tâm thương mại của thế giới khi đó đang từ Địa Trung Hải chuyển hướng về Đại Tây Dương.

Con đường tơ lụa, xưa và nay
Trong lịch sử giao thương của nhân loại, con đường tơ lụa nối liền Tràng An với La Mã được coi là huyết mạch thông thương buôn bán nối liền Âu Á thời cổ đại. Khoảng 200 năm trước Công Nguyên, Hán Vũ Đế ra lệnh cho nhà lữ hành và cũng là một nhà ngoại giao xuất chúng Trương Khiên đi về phía Tây. Mục tiêu Hán Vũ Đế theo đuổi ban đầu là để tìm đồng minh chống lại quân Hung Nô.
Thế nhưng, phải đợi đến triều đại nhà Tống, tuyến đường được Trương Khiên khai phá mới trở thành trục thương mại phồn thịnh của thế giới. Không chỉ có tơ lụa mà cả những vàng bạc, châu báu, hương liệu đều được trung chuyển qua ngả này. Thế rồi dưới triều đại nhà Nguyên, nhà thám hiểm người Ý Marco Polo đã lưu lạc đến Trung Quốc, làm quan ở đây trong 20 năm, trước khi trở về nguyên quán bằng con đường tơ lụa.
Dưới triều đại nhà Minh, con đường tơ lụa trên bộ bị kiểm soát chặt chẽ. Chính sách sưu cao thuế nặng của triều đình khiến các thương gia mở ra một con đường tơ lụa trên biển với Quảng Châu là điểm khởi đầu. Con đường tơ lụa trên bộ bị chìm vào quên lãng.
Mãi đến năm 2009 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, quốc tế và Trung Quốc mới xúc tiến dự án khôi phục lại tuyến giao thương huyền thoại này. Phục hồi 8 445 km con đường tơ lụa thời xưa sẽ giúp hàng hóa của Trung Quốc dễ dàng đến với các thị trường châu Âu, thu ngắn thời gian đang từ 40 ngày vận chuyển bằng đường biển xuống còn 10 ngày qua đường bộ.
Dự án phục hồi con đường tơ lụa trên bộ đã được Trung Quốc và nhiều nước Trung Á khởi xướng. Trong số đó phải kể đến Ouzbekistan, Kazakhstan, Tadjikistan …
 
Từ tơ lụa đến máy tính bảng và …phân bón
Dấu chân những đoàn thương gia chuyên chở hàng hóa bằng lạc đà trên con đường tơ lụa đã bị cát bụi xóa nhòa. Trao đổi mậu dịch ngày nay giữa đông và tây không chỉ tập trung vào những mặt hàng như gấm vóc, đá quý, giấy hay gốm sứ, kim loại, mà đã được mở rộng đến nhiều ngành công nghê khác. Nhưng châu Á ở vào đầu thế kỷ XXI vẫn là lá phổi của nền thương mại toàn cầu.
Theo một công trình nghiên cứu gần đây của hãng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu của Đức, Euler Hermes, chỉ trong hai năm nữa, châu Á sẽ hút thêm 45 % tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của châu lục này đặc biệt thúc đẩy các lĩnh vực như ngành công nghệ hóa học, nhựa, phân bón, dược phẩm, linh kiện và trang thiết bị điện tử.
Cụ thể là đến năm 2015, 14 trên tổng số 20 quốc gia nhập trang thiết bị máy vi tính hàng đầu của thế giới là các nước Á châu. Việt Nam là một trong số 14 quốc gia đó. Tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới trong hai lĩnh vực vi tính và linh kiện điện tử lên tới 96 tỷ đô la. Trong đó, 94 tỷ là để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang trỗi dậy, mà hầu hết đều là các nước châu Á.
 
Nhìn đến ngành công nghiệp nhựa thì Việt Nam cũng là một trong số 20 quốc gia nhập khẩu hàng đầu. Nhu cầu nhập phân bón của châu Á cũng sẽ tăng mạnh trong hai năm tới, đặc biệt từ các nước như Ấn Độ, Malaysia Trung Quốc, Thái Lan Philippines hay Indonesia.
 
Kênh đào Panama
 
Ngoài con đường tơ lụa nối liền hai nền văn minh đông- tây, giao thương quốc tế còn được đánh dấu bằng rất nhiều con đường khác : trong lĩnh vực trao đổi kim loại quý thì trong hơn 100 năm, thành Babylone của Tây Ban Nha được coi là tâm điểm của các luồng giao thương. Thế rồi, Đại Tây Dương là nơi từng trông thấy không biết bao nhiêu con tàu chở người nô lệ nối liền ba châu lục Âu, Mỹ và châu Phi.
Gần với chúng ta hơn, kênh đào Panama được khánh thành vào năm 1914 là nhịp cầu nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Với chiều dài 82 cây số, trong một thế kỷ qua, đã có hơn 1 triệu con tàu phải đi ngang qua đây. Hàng năm có tới 5 % các luồng trao đổi mậu dịch của thế giới được chuyển ngang qua nơi này.
Cũng chính nhờ có kênh đào Panama mà Hoa Kỳ đã củng cố vị trí siêu cường kinh tế và thương mại của mình trên thế giới. Cách nay gần đúng 100 năm, nước Mỹ đã chi ra 350 triệu đô la – tương đương với 8 tỷ đô la hiện tại- để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vĩ đại nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc.
Nỗ lực đó đã đem lại những thành quả kinh tế và thương mại ngoài sức chờ đợi. Vào thời điểm năm 1916, tức 2 năm sau khi đi vào hoạt động, với kênh Panama, một chiếc tàu chở hàng nối liên New York với San Francisco chỉ mất 22 ngày, thay vì phải mất 55 ngày mới tới đích.

 Trong bối cảnh sau Thế chiến Thứ Nhất, cộng với con kênh Panama, Hoa Kỳ đã tước đoạt vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới từ tay châu Âu. Ngày nay, kênh đào Panama chủ yếu vẫn phục vụ quyền lợi của Mỹ trước tất cả các đối tác thương mại khác, như Trung Quốc hay Nhật Bản, Chilê. 19% hàng hóa châu Á được chuyển vào Hoa Kỳ đi qua ngả này.
Bưu điện hàng không
 
Một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử giao thương của nhân loại là sự hình thành và phát triển của ngành bưu điện hàng không ở vào đầu thế kỷ XX. Những tên tuổi như Jean Mermoz, Saint Exupéry được xem là những huyền thoại : năm 1930 Jean Mermoz phục vụ trong ngành bưu điện đã thực hiện phi vụ đầu tiên nối liền thành phố Saint Louis của Sénégal với Natal, một thành phố ven biển ở miền đông bắc Brazil, băng qua 3200 cây số trong 20 giờ bay. Lại cũng Mermoz đã thực hiện chuyến bay Paris Buenos Aires trước khi mất tích vào ngày 07/12/1936.
Về phần Saint-Exupéry ông đã cùng cùng hai bạn đồng đội là Guillaumet và Mermoz thực hiện các chuyến bay qua Nam Mỹ để thiết lập các đường hàng không mới nối liền châu Âu với châu Mỹ La Tinh.
Hai vạn dặm dưới đáy biển

Nhờ có những tuyến đường giao thương mới mà hàng hóa sản xuất ở bất kỳ nơi nào ngày càng chóng đến tay người tiêu dùng. Thế còn đối với các hoạt động liên lạc, thông tin thì sao ? Ngày nay, chưa đầy chớp mắt, tin nhắn của bạn đến tay người nhận, thế nhưng vào giữa thể kỷ XIX, một bức điện thư gửi từ Paris phải mất 3 ngày mới đến được Luân Đôn.
Ngành công nghệ thông tin của thế giới trải qua một cuộc cách mạng khi thông tin điện báo giữa các châu lục được chuyển tải bằng đường dây cáp vùi dưới lòng biển và đại dương. Đường dây cáp đầu tiên nối liền Anh và Pháp xuyên biển Manche được khánh thành vào năm 1850. Gần 20 năm sau đó, hai bờ Đại Tây Dương mới được kết nối bằng dây cáp đầu tiên.
Từ năm 1835, họa sĩ người Mỹ, Samuel Morse phát minh chiếc máy « điện tín » đầu tiên và ông sáng tạo luôn cả một hệ thống mật mã mang tên mình để chuyển thư tín qua đường dây thép. Đấy chủ yếu là những đường dây lần theo đường xe lửa. Trước những thách thức địa lý và xung đột biên giới, các nhà khoa học Âu Mỹ đã nhanh chóng hướng tới giải pháp lắp đặt hệ thống dây thép dưới lòng đại dương.
 
Để hoàn thành dự án nối liên lạc hai bờ Đại Tây Dương, các nhà đại dương học, các chuyên gia về địa chất, lý, hóa Âu và Mỹ đã hợp tác với nhau trong những công trình dài hơi. Sau nhiều hy vọng và thất bại, ngày 05/08/1858, bức điện tín của nữ hoàng Anh Victoria được gửi đến tay tổng thống Hoa Kỳ Buchanan sau 16 giờ đồng hồ ! Bức thư gồm 100 chữ của nữ hoàng Anh được chuyển đi nhờ hệ thống dây cáp có chiều dài 4 200 km trong đó có đến ¾ chiều dài được vùi trong lòng đại dương, ở độ sâu từ 1 200 đến 3 000 mét. Thế nhưng hy vọng đã chóng tàn, khi đường dây cáp này bị trục trặc chỉ khoảng 20 ngày sau khi đi vào hoạt động.
Mãi đến ngày 27/07/1866, Anh và Mỹ mới thực sự thành công trong dự án khổng lồ và đầy táo bạo này. Hệ thống xa lộ thông tin của thế giới bắt đầu từ đấy. Năm 1956, các đường dây thép điện tín vùi dưới lòng đại dương được thay thế bằng hệ thống cáp điện thoại và đến cuối những năm 1980, thì cả hai hệ thống đó được thay thế bằng cáp quang.
 
Internet, cuộc cách mạng về thông tin liên lạc
Thế rồi các con đường giao thương nối liền châu lục này với châu lục khác đã tiến thêm một bước nữa với sự hình thành của mạng Internet. Tất cả đã bắt đầu vào năm 1965, Cơ quan quản lý dự án nghiên cứu phát triển ARPA trực thuộc bộ quốc phòng Mỹ đưa ra dự án sử dụng đường dây điện thoại để kết nối liên lạc giữa bốn trung tâm nghiên cứu ở miền Tây Hoa Kỳ. Mạng thông tin nội bộ đó có tên gọi là ARPANET, chính thức ra đời vào năm 1969. Mục tiêu ban đầu chỉ là để chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu giữa các chuyên gia. Sau đó mạng thông tin liên lạc ARPANET đã được mở rộng ra ngoài phạm vi của nước Mỹ, đặc biệt là ở Anh Quốc và các nước Bắc Âu.

Năm 1983, mạng ARPANET đã trở thành Internet khi nhà khoa học người Anh, Tim Berners Lee cho ra đời mạng World Wide Web, một hệ thống thông tin toàn cầu. Riêng tại châu Âu, phải đợi đến năm 1995, giao thương qua ngả Internet mới thực sự bắt đầu được phổ biến. Rồi vào quãng đầu những năm 2000, các tập đoàn của Mỹ như Amazon, eBay hay Yahoo, Google cung cấp hàng loạt các dịch vụ trên hệ thống xa lộ thông tin, mà phần lớn là để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp của cả thế giới.

Nếu như con đường tơ lụa xưa kia là nhịp cầu nối liền các nền văn hóa đông tây bằng giao thương, thì mạng xã hội ngày nay là kết tụ của nhiều cuộc cách mạng liên tiếp trong việc khai mở những con đường để nhân loại xích lại gần nhau hơn.

Thanh Hà
@rfi