Đọc “Đứng vững ngàn năm” của Ngô Nhân Dụng
Là một dân-tộc bị đánh bật ra khỏi đất tổ của mình, không lạ là nhiều người Việt từ năm 1975 đã tìm cách “về nguồn” để xem ta từ đâu đến và đang đi về đâu? Chỗ đứng của ta đối với quê hương, đồng-bào, tiền-đồ dân-tộc?(Right ; Nhà báo Ngô Nhân Dụng (tức Đỗ Quý Toàn
)
Nhà văn-nhà thơ Đỗ Quý Toàn, người được biết dưới tên Ngô Nhân Dụng khi ông viết xã-luận cho báo Người Việt ở Cali, cũng vừa làm một nỗ lực như vậy khi ông cho in cuốn sách đồ sộ của ông, Đứng vững ngàn năm (Nhà xb Người Việt), có tiểu-tựa là “Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc.” Với gần 500 trang khổ lớn, chữ nhỏ, đây không phải là một cuốn sách ta có thể đọc lướt qua được. Nhưng tôi đã đọc với nhiều thích thú bởi gần như trang nào trong sách của ông cũng mang đến cho ta những thông tin mới hay những nhận-định sâu sắc, độc-đáo dựa vào những kết-quả rất đáng kể của ngành sử-học, xã-hội-học, khảo-cổ-học mà ta đã thụ đắc được trong gần 100 năm qua, kể từ quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
Xây dựng trên những kết-quả nghiên cứu của mọi miền
Cách đây 12 năm, ông Nguyễn Gia Kiểng ở Pháp cũng có một cuốn sách, quyển Tổ Quốc Ăn Năn, viết về những vấn-đề tương-tự như trong sách của ông Ngô Nhân Dụng, bằng-chứng là bản dịch tiếng Anh cuốn ấy do Nguyễn Ngọc Phách (ở Úc) thực-hiện còn mang tựa đề là Whence… Whither… Vietnam?, “VN từ đâu đến và đi về đâu?” Nhưng khác với quyển sau này, cuốn của ông Kiểng chỉ đi từ những sở-kiến của ông mà hầu như không nhắc đến những nghiên cứu của ai khác. Ngược lại, cuốn Đứng vững ngàn năm thì gần như chỗ nào cũng “nói có sách, mách có chứng,” ông nêu ra những tìm tòi của Lê Thành Khôi, Pierre Gourou, Vũ Quốc Thúc, Paul Mus, Nguyễn Phúc Long (Les nouvelles Recherches archéologiques au Vietnam) trong tiếng Pháp, của Keith Taylor (The Birth of Vietnam), Nguyễn Quốc Trị trong tiếng Anh, của cả sử-gia Nhật viết về Việt-nam, và nhất là những sử-gia Việt-nam có sách gần đây, như Lê Mạnh Hùng (Nhìn Lại Sử Việt), Tạ Chí Đại Trường (Thần, Người và Đất Việt), Trần Gia Phụng (Việt Sử Đại Cương), Vĩnh Sính, Lê Mạnh Thát. Ông cũng không ngại nhắc đến những sử-gia hay tác-giả đứng đắn ở Hà-nội như Phan Huy Lê (Tìm về Cội nguồn), Trần Quốc Vượng hay Trần Từ (Cơ cấu tổ chức của Làng Việt cổ truyền), Trần Nghĩa, hay những tác-giả cổ hơn nhưng vẫn còn giá-trị (Phan Kế Bính, Lê Dư, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Toan Ánh, Bình Nguyên Lộc…). Tóm lại, đọc Ngô Nhân Dụng, ta có cảm-tưởng được xem một bảng tổng-quan về những tiến-bộ sử-học, xã-hội-học, văn-học, khảo-cổ-học, thậm chí cả kinh-tế-học về Việt-nam, nghĩa là được thấy kiến thức của ta được phong phú hẳn lên.
Với những cái nhìn lý-thuyết từ phương Tây
Viết nhắm vào một độc-chúng mà không ít người hiện đang sinh sống ở phương Tây, nhất là các thành-phần trí-thức ở trong đó đã được làm quen với những lý-thuyết về sử-học, di-truyền-học, nhân-chủng-học, ngôn-ngữ-học nên cuốn sách cũng đem ra đối-chiếu kinh-nghiệm lịch-sử của dân Việt với những thuyết của Ernest Renan (sử-gia Pháp), Gottfried Herder (sử-gia Đức), để định nghĩa sự hình-thành của dân-tộc quốc-gia (nation-state) Việt-nam và xem nó bền vững được tới đâu dù như tổ tiên Lạc Việt của chúng ta đã phải chịu hơn một nghìn năm đô-hộ của nước khổng-lồ ở phương Bắc, Trung-hoa với một nền văn-minh rực rỡ đã đồng-hóa được không biết bao nhiêu dân-tộc trong nhóm Bách Việt –trừ chúng ta.
Tác-giả không chỉ nhắc đến những lý-thuyết đã có từ thế-kỷ 19 ở châu Âu, ông còn đem vào cuộc thảo-luận của ông những lý-thuyết hiện-đại hơn như “Game Theory” (“Lý-thuyết trò chơi”), “Soft Power” (“Quyền-lực mềm”), các thuyết về quản-trị và truyền-thông đại-chúng (“Management and Communication Theories”), vấn-đề xã-hội dân-sự (“Civil Society”) v.v. Như ông có những nhận xét thật sắc sảo về “làng” của người Việt (trong lũy tre xanh như ở miền Bắc) như một cơ-cấu trung-gian giữa các tộc họ trong dân-gian và nhà nước trung-ương (“Phép Vua thua lệ làng”), về các “hội” ở trong làng như một xã-hội dân-sự manh nha rất khó kiểm-soát từ trung-ương, về các hình-thức tổ-chức tôn-giáo (nguyên-thủy gốc bản-địa Đông-Nam-Á hay du nhập từ ngoài vào như Phật-giáo từ Ấn-độ, Khổng-giáo và Lão-giáo từ Trung-quốc) hay nhu-cầu bảo vệ đê điều dẫn đến sự đoàn-kết vượt ra ngoài làng xã hay địa-phương… Những sự nhào nặn đó đã dẫn đến một xã-hội bao dung với những quan-niệm như “một mẹ trăm con” (học của Ấn-độ, từ bộ sử-ca vĩ đại Mahabharata), “con Rồng, cháu Tiên,” hay “tam giáo đồng nguyên” cho phép sự tồn tại, cộng-sinh của nhiều cộng-đồng dân-tộc (53 cả thảy) trên dải đất chữ S với những ngôn ngữ, phong-tục, tập-quán rất khác nhau.
Một tổng-hợp hài-hòa
Nhìn vào tương-lai, tác-giả Ngô Nhân Dụng cảm thấy khá lạc-quan. Ông cho rằng như một dân-tộc ta đã “đứng vững ngàn năm” thì không có lý-do gì mà ta không có thể đứng vững thêm một nghìn năm nữa. Tuy-nhiên, với điều-kiện, những điều-kiện mà tác-giả thâu tóm trong chương cuối của cuốn sách (chương 32, “Vang vang trời vào xuân”).
Song kết-luận này không phải là một kết-luận dễ dãi mà tác-giả đến một cách dễ dàng, kiểu “lạc-quan tếu.” Với mỗi khẳng-định của ông là cả một cơ-cấu lập-luận vững chãi, có cơ-sở qua những đề-tài như:
- Sự hình-thành của ý-thức dân-tộc, ngay từ trong thời Bắc-thuộc (các chương 2-4).
- Sự khác-biệt giữa quan-niệm “Thiên-hạ” của người Hán và quan-niệm “trong Đế ngoài Vương” của các vua VN, kèm theo đó là sự biết tự-chế của các vua VN không bao giờ đòi ngôi vua “Thiên-hạ” (các chương 5-6).
- Sức mạnh của văn minh Hoa Hạ” và khả-năng bành-trướng của nó (các chương 7-9).
- Nhưng sức mạnh đó gặp “sức đề kháng” không kém phi thường của dân Việt dựa trên ngôn ngữ (chương 15-17), trên tín ngưỡng (chương 18-20, trong đó ta có cả khả-năng bản-địa-hóa các tín ngưỡng ngoại-lai) và trên “di-sản Đông-Nam-Á” ở ngã ba của Á-châu (chương 21-23).
- Qua hai chương phân-tích nữa về “sức mạnh của văn minh Hoa Hạ” (chương 24) đối-chiếu với “sức mạnh của người phương Nam” (chương 25) cho phép ta hòa-hợp hai dòng phát triển này (chương 26) miễn là ta đủ sáng suốt (chương 27).
Chương 28 là một chương tổng-kết rất đáng đọc kỹ càng bởi nhiều ý-tưởng then chốt của cuốn sách nằm ở đây.
Là một nhà thơ (bên cạnh chuyên-môn của ông là ngành kinh tế, tài-chánh mà ông đã giảng dạy trong nhiều năm ở Canada), không lạ là ông nhắc đến quan-niệm của nhà thơ Muhammad Iqbal, cha đẻ Hồi-quốc Pakistan (“Các dân tộc sinh ra từ trái tim của thi sĩ”), ông còn trích thơ tù của Thanh Tâm Tuyền vào đầu sách:
Đứng vững không khuỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đóa hồng rợ
Vang vang trời vào xuân…
để kết thúc cũng bằng một câu thơ trong bài “Ta Về” của Tô Thùy Yên:
Ta về cho kịp độ xuân sang…
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ
Hoa Kỳ Quốc
Ngày 27/6/2013
Nguyễn Ngọc Bích