Thursday, August 1, 2013

Living

Bia và những cuộc...cách mạng


Bia có tầm quan trọng sống còn đối với người dân Đức trong vùng Bavaria. Nó được liệt vào hàng lương thực thực phẩm (đóng thuế ít hơn), tức là thuộc vào loại thiết yếu, không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày.

Bia có một truyền thống lâu đời ở đây. Ngay từ năm 1040, thứ nước nấu từ lúa mạch này đã là vị ngọt trong cuộc sống thanh đạm của các tu sĩ dòng Thánh Biển Đức ở tu viện Weihenstephan gần München (Munich). Ở vùng này, bốn mùa trong năm không quan trọng, mà quan trọng là mùa bia nặng, mùa vườn bia và "mùa" Lễ hội tháng Mười.


Vườn bia München. Tranh của Max Liebermann, 1884.

Truyền thống mùa bia nặng của Đức bắt đầu từ năm 1651. Lúc đó là đang mùa Chay, các tu sĩ của dòng tu Anh Em Rất Hèn Mọn cảm thấy sức lực đã kiệt quệ. Vì vậy mà hầu tước Ferdinand Maria của vùng Bayern đã cho phép họ nấu một thứ "bánh mì nước" đặc biệt, có nhiều chất dinh dưỡng: một loại bia màu nâu, có khoảng 7-8% nồng độ cồn. Họ gọi loại bia đó là Salvator tức là Đấng Cứu Thế và chẳng bao lâu sau đó cũng bắt đầu bán loại bia này. Thương hiệu này còn tồn tại cho tới ngày hôm nay.

Còn mùa vườn bia thì thường hay được bắt đầu ngay từ những ngày ấm áp của tháng Hai và kéo dài cho đến cuối tháng Mười Một. Vườn bia xuất phát từ quy định nấu bia của xứ Bayern (Bavaria) năm 1539. Người ta chỉ cho phép nấu bia từ 29 tháng Chín (Lễ Thiên thần Michael) cho tới ngày 23 tháng Tư (Lễ thánh George). Mùa hè cấm nấu bia vì dễ gây ra hỏa hoạn. Thế là để có thể giữ được hơi lạnh trong hầm trữ bia vào mùa hè, các hãng nấu bia thường rãi sỏi trên nóc hầm và trồng cây dẻ cho nhiều bóng mát. Rồi Vua Ludwig I (1786-1868) của xứ Bayern (Bavaria) cho phép các hãng nấu bia được phép bán bia ở ngay tại nơi sản xuất, nhưng không được phép bán thức ăn để bảo vệ các quán ăn. Lệnh cấm của nhà vua ngày nay tất nhiên là không còn nữa, nhưng truyền thống tự mang theo thức ăn theo thì vẫn còn tồn tại. Một vườn bia mà trên nguyên tắc cấm không cho ăn thức ăn mang theo thì thật ra chỉ là một "quán vườn". 

 
Vườn bia Hofbräukeller ở München. Ảnh: Wikipedia

Vì bia mà dân München đã … từng làm cách mạng, và không chỉ một lần. Vào ngày 1 tháng Ba năm 1844, vua Ludwig I ra lệnh nâng giá bia (do chính phủ Bayern quy định) lên thêm một xu. Ngay trong chiều tối ngày hôm đó, hàng ngàn người dân trong thủ đô München đã nổi dậy đập phá tan tành các hãng nấu bia trong thành phố. Quân đội được gọi tới đã bất tuân mệnh lệnh, không tiến hành đàn áp những người nổi dậy. Thế là đến ngày 5 tháng Ba, vua đã phải nhượng bộ, rút lại lệnh tăng giá. Không những thế, đến tháng Mười ông còn buộc hãng bia Hofbräuhaus phải hạ giá bia xuống thêm một xu, "để cho giới quân đội và giai cấp công nhân có được thức uống bổ dưỡng và ngon lành."

Rồi trong năm 1995, trong một vụ kiện cáo dân sự, Tòa án trung thẩm bang Bayern tuyên án quy định một vườn bia ở khu Pullach thuộc München phải đóng cửa vào lúc 21 giờ 30 để bảo vệ người dân chung quanh đó trước sự ồn ào. Thế là vào ngày 12 tháng Năm năm 1995, tròn 25.000 người München đã xuống đường biều tình, yêu cầu bảo toàn văn hóa vườn bia. Ngay trong tuần sau đó, chính phủ Bayern đã phải ra Quy định Vườn Bia Bayern, cho phép mở cửa tới 23 giờ. Cuộc "cách mạng" này đã được giới truyền thông tặng cho danh hiệu "Cách mạng Vườn Bia".

Nhưng bây giờ quán bia nào là nguyên thủy nhất ở München? Gần Quảng trường Stachus ở đầu khu dành riêng cho người đi bộ ở München, cách nhà ga chính không xa là quán Augustinerkeller đầy quyến rũ trên đường Arnulf (Arnulfstraße). Quán này được xem là biểu tượng của vườn bia München. Có cây dẻ cho bóng râm, có bia từ thùng gỗ và cá khô nướng: Ở đây mọi thứ đều đúng như truyền thống và dân sành điệu chỉ gọi thêm vại bia khi người ta rung chuông báo hiệu đổi thùng bia mới. Cũng có tàu điện chạy qua đường Arnulf tới quán Hirschgarten ở công viên cùng tên rộng 40 hecta. Ở đây có chỗ cho 8000 người "khát nước", và người ta cho rằng đó là vườn bia lớn nhất thế giới. (Nên chăng đi thăm Lâu đài Nymphenburg ở gần đó trước khi uống vài vại bia giải khát?) Ở ngoài München một chút có quán Menterschwaige trong khu Harlaching, nơi Vua Ludwig I đã từng lui tới uống bia và cũng là nơi cư ngụ của Lola Montez, người tình trẻ trung của vua.



Quán Hofbräuhaus nổi tiếng thế giới ở München. Ảnh: Wikipedia
 
Nhưng chắc chắn là phải vào quán bia Hofbräuhaus am Platzl nổi tiếng thế giới nằm trong khu vực dành riêng cho người đi bộ của München. Quán này xưa là hãng nấu bia cho hoàng cung xứ Bayern, do Công tước Wilhelm V cho xây năm 1589.  Mãi đến năm 1896, do lượng du khách đến ngày càng đông nên Hoàng tử nhiếp chính Luitpold (1821-1912) mới cho dọn xưởng nấu bia sang nơi khác để mở rộng diện tích quán. Và rồi làm sao mà tiếng tăm của nó lan truyền đi khắp thế giới với vận tốc chóng mặt như vậy thì cho tới nay vẫn còn là câu hỏi triệu đô không có lời giải đáp của giới chuyên tiếp thị. Vào thời Cộng hòa Xô viết Munich, Hội đồng Công nhân và Quân nhân đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Xô viết Cộng sản vào ngày 13 tháng 4 năm 1919 ở trong quán này. Đảng Đức Quốc Xã của Hitler cũng được tuyên bố thành lập ở đây vào ngày 24 tháng 2 năm 1920. Năm 1901, Lênin cũng đã bị tát tai ở đây vì sàm sỡ với một cô phục vụ có tính tình cứng rắn. 

Sau một ngày dài du lịch, vườn bia thơ mộng  của quán này có thể là nơi nghỉ chân yên tịnh. Còn nếu thích sự ồn ào náo nhiệt vui vẻ thì có thể vào ngồi trong gian "Schwemme" có đủ chỗ cho 1300 người ngồi nhậu. Cheers!
 
Phan Ba