Friday, May 16, 2014

HD 981

Trung Cộng toan tính gì?


Việc đưa giàn khoan HD 981 tới “lô 143” trong vùng biển Việt Nam không thể là do một công ty CNOOC đề ra. Quyết định này phải xuất phát từ một tính toán của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Tại sao Bắc Kinh muốn “gây sự” với Việt Nam vào thời điểm này? Họ tính toán những gì? Người Việt cần tìm hiểu các động cơ của Trung Cộng trong hành động ngang ngược này. Cần biết bên địch muốn gì để có thể đoán trước các nước cờ của họ trong thời gian sắp tới, ngõ hầu biết cách đối phó thích hợp.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews
Giàn khoan HD 981 mới bắt đầu hoạt động vào năm 2011; từ đó đến nay chỉ hoạt động ở ngoài khơi Hồng Kông mà không đi hơn. Trước đây Cộng sản Trung Quốc từng ký hợp đồng cho các công ty nước ngoài tìm dầu, khí trong vùng biển Hoàng Sa. Nhưng các công ty Âu Mỹ đã rút lui khi được Việt Nam cho biết đang tranh chấp chủ quyền tại đó. Trung Cộng hợp tác với các công ty ngoại quốc giầu kinh nghiệm và trường vốn thì có lợi hơn; vì các công ty Trung Quốc còn kém trong kỹ thuật tìm tòi dầu khí ở dưới đáy biển sâu. Công việc phức tạp, nhiều rủi ro vì chi phí cao mà kết quả không chắc chắn. Năm nay, Trung Cộng phải tự đem giàn khoan tới tìm dầu tại “lô 143.” Nhưng mục đích của hành động này không thuần túy để dò tìm dầu lửa. Giới lãnh đạo Bắc Kinh còn nhắm nhiều mục tiêu khác. Nếu trong sáu tháng, một năm, họ rút giàn khoan về, vì vùng biển này không đáng công sức và phí tổn, thì nhiều mục tiêu khác, từ gần tới xa, cũng đã đạt được. Chúng ta không thể giả thiết họ chỉ nhắm vào một mục tiêu trước mắt.

Kế hoạch của Bắc Kinh về lâu dài gồm hai mặt. Về chính trị, họ muốn làm chủ vùng biển Ðông Nam Á, gây ảnh hưởng trên các quốc gia trong đó. Về kinh tế họ muốn chiếm đoạt các tài nguyên, đặc biệt là các mỏ dầu và khí đốt vì nhu cầu nền công nghiệp đang lên; đồng thời kiểm soát con đường hàng hải thiết yếu đối với kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan và Hàn Quốc. Nói chung, mục tiêu của họ là mở rộng biên cương ảnh hưởng về phía Nam, tiếp tục tham vọng của các đế quốc từ thời nhà Tần, nhà Hán cho tới nhà Ðại Thanh.


Người Việt Nam đã có kinh nghiệm về tham vọng của các triều đình phương Bắc. Trong quá trình bành trướng về phương Nam từ hơn 200 năm trước Công Nguyên cho tới thế kỷ thứ 20, đế quốc Hán tộc chỉ phải dừng lại khi gặp một “nút chặn” ngăn cản. Nút chặn đó dân tộc Việt, với tinh thần tự chủ và óc quật cường, Ðứng Vững suốt một Ngàn Năm bị đô hộ. Người Việt Nam cần giải thích cho các nước Ðông Nam Á biết vai trò “nút chặn” của dân tộc mình. Việt Nam đã tạo một hàng rào bảo vệ các nước khác không bị người Hán tràn lấn phương Nam trong hai ngàn năm qua. Các nước Ðông Nam Á phải đoàn kết cùng dân Việt đề kháng chống tham vọng của đế quốc Hán tộc.


Sau ngàn năm Bắc thuộc, đế quốc vẫn tiếp tục xâm lăng trong thế kỷ 15, nhà Minh, và thế kỷ 18, nhà Thanh. Trước khi Ðại Chiến Thứ Hai chấm dứt, ông Tưởng Giới Thạch xin đồng minh cho ông đưa quân vào nước ta, từ vĩ tuyến 16 ra Bắc, để tước khí giới quân Nhật đầu hàng. Trong thời dân Việt đánh Pháp, Mao Trạch Ðông viện trợ đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện kế tràn xuống Ðông Nam Á. Năm 1952, Mao bác bỏ chủ trương đánh chiếm các thành phố vùng đồng bằng của đảng Cộng sản Việt Nam. Mao cho mở mặt trận ở Lào và Campuchia; để cộng sản ba nước Việt, Miên, Lào liên kết lại, do các cố vấn Trung Cộng chỉ đạo. Cùng lúc đó các đảng cộng sản Thái, Mã Lai, Indonesia được Trung Cộng giúp đỡ; thực hiện kế hoạch nhuộm đỏ vùng Ðông Nam Á. Ðảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục theo con đường bành trướng cũ, mặc dù bây giờ họ không còn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản nữa.


Mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh vẫn là chiếm ảnh hưởng trùm trên vùng Ðông Nam Á, như ao cá sau nhà của họ. Họ cần tháo gỡ cái “nút chặn” trên con đường bành trướng của người Hán trong hai ngàn năm qua, là một nước Việt Nam độc lập. Hành động đưa giàn khoan dầu HD 981 tức Hải Dương Thạch Du (Haiyang Shiyou 981) vào vùng biển nước ta trước hết là một thử thách khả năng đề kháng của người dân Việt Nam còn mạnh tới mức nào. Ðó cũng là một cuộc trắc nghiệm xem đảng Cộng sản Việt Nam phản ứng ra sao. Chính sách của Bắc Kinh vẫn là “mềm nắn, rắn buông,” tùy phản ứng của đối thủ mà thay đổi.


Ngoài thử thách nhắm vào người Việt, Bắc Kinh còn muốn thăm dò phản ứng của thế giới khi chứng kiến cảnh Trung Cộng trâng tráo chèn ép một nước láng giềng nhỏ hơn. Trước hết, họ muốn xem phản ứng của chính quyền Mỹ ra sao trong một tình thế khó xử. Ông Obama mới khẳng định những liên hệ quân sự của Mỹ với các nước Nam Hàn, Nhật Bản, và Philippines. Trong khi dư luận đang bàn tán về chính sách Mỹ “chuyển trục sang Á Châu” thì Trung Cộng gây hấn với Việt Nam để các nước Ðông Nam Á thấy rõ Mỹ không hề phản ứng mạnh. Ngoài ra, Bắc Kinh nhân dịp này cũng thách đố các nước ASEAN xem họ có dám đứng ra bênh vực một nước hội viên đang bị xâm lấn hay không.


Có thể nói, Trung Cộng đã trắc nghiệm thành công. Họ thấy phản ứng rất nhẹ, gần như hờ hững của Mỹ và các nước ASEAN, khi nghe chính quyền cộng sản Việt Nam kêu cứu.


Nước Mỹ không có nhu cầu can thiệp vào quan hệ Việt Trung. Trong thập niên 1950, sau khi Cộng sản Bắc Hàn tấn công Nam Hàn, Mỹ muốn ngăn chặn không cho khối cộng sản nuốt chửng các nước Ðông Nam Á, nên giúp miền Nam Việt Nam. Nhưng khi Nga Xô và Trung Cộng công khai chống lẫn nhau, chính quyền Mỹ đã giao thiệp trực tiếp với Bắc; Việt Nam không còn là một địa điểm chiến lược quan trọng nữa. Năm 1974, khi Hải Quân Trung Cộng tấn công chiếm Hoàng Sa của nước ta, hạm đội Mỹ ở ngay bờ biển Philippines vẫn không can thiệp, họ còn làm ngơ không cứu các quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị đắm tàu. Năm nay, chắc chắn Mỹ phải biết trước việc Trung Cộng đưa HD 981 tới vùng biển nước ta, vì giàn khoan này phải di chuyển trong hàng chục ngày, đi từ đâu, theo hướng nào, chắc chắn vệ tinh nhân tạo của Mỹ đã chụp hình cho các cơ quan tình báo Mỹ phân tích nhưng họ không hề báo động cho chính quyền Việt Nam cũng như Philippines; cũng không tiết lộ tin tức cho các nhà báo.


Ðối với quyền lợi của nước Mỹ, những tài nguyên nằm dưới đáy Biển Ðông thuộc chủ quyền nước nào không quan trọng. Ðiều quan trọng là dù nước nào làm chủ, các công ty Mỹ được tham dự vào công việc khai thác bình đẳng với các quốc gia khác. Và Mỹ muốn bảo vệ đường hàng hải được an ninh không bị gián đoạn. Trái với lời tuyên truyền của Bắc Kinh, nước Mỹ không có nhu cầu ngăn cản việc phát triển kinh tế của Trung Quốc. Ngược lại, khi các nước giầu có hơn thì sẽ mua hàng hóa đắt tiền của Mỹ nhiều hơn. Sau Thế Chiến Thứ Hai, Mỹ không ngăn cản mà còn giúp cho các nước đối thủ cũ là Ðức và Nhật Bản phục hồi kinh tế. Người Mỹ tin tưởng vào sức mạnh kinh tế của họ, sức mạnh đó đặt trên hệ thống giao thương tự do. Trong chính sách ngoại giao, các dân tộc không có bạn mà cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, lúc nào cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi quốc gia mà thôi.


Cho nên, đối với biến cố giàn khoan HD 981 phản ứng của chính phủ Mỹ vẫn chỉ nằm trong đường lối cũ của họ. Chính phủ Mỹ không có ý kiến về chủ quyền trên các hòn đảo tranh chấp; họ chỉ yêu cầu không gây nổ súng, không làm giao thông đường biển mất an ninh. Và họ kêu gọi các cuộc tranh chấp phải được giải quyết bằng pháp luật. Bắc Kinh không mong gì hơn.


Phản ứng của các nước ASEAN còn đáng thất vọng hơn nữa. Ðáng lẽ trong hội nghị ở Naypyitaw, thủ đô Miến Ðiện các nước này phải tỏ ra đoàn kết với Việt Nam hơn. Nhưng bản thông cáo chung của hội nghị cũng nói những điều tổng quát không khác gì thái độ của chính phủ Mỹ. Chúng ta không thể chỉ trích thái độ hững hờ của các nước Ðông Nam Á. Từ xưa đến nay, chính quyền Việt Nam lúc nào cũng nhất thiết theo chủ trương chỉ nói chuyện “song phương” với Trung Cộng. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra hoàn toàn hững hờ trước các cuộc tranh chấp giữa Trung Cộng và Malaysia, Philippines. Ðến khi “giặc vào nhà” mới kêu cứu, nhưng vẫn vừa tố cáo vừa xin hòa.


Trung Cộng đã thắng khi các nước ASEAN và Mỹ không có một hành động nào cụ thể. Họ có thể tiếp tục kéo dài tình trạng giằng co hiện nay ở Lô 143 trong một thời gian dài nữa. Ðây là hành động “dạy cho đảng Cộng sản Việt Nam một bài học,” nhưng theo cách mới. Nhưng Trung Cộng có thể kéo dài trò mèo vờn chuột này cho đến bao giờ?


Chính dân Việt Nam sẽ quyết định. Trong ngày Chủ Nhật vừa qua, dân chúng Việt Nam đã được phép biểu tình công khai “chống Trung Quốc xâm lược.”
Ðảng Cộng sản bất đắc dĩ phải cho phép, vì không cho không được. Nhưng các cuộc biểu tình, từ Nam ra Bắc, đã mở ra những cánh cửa mới cho những người Việt yêu nước! Ai cũng biết, từ mười năm nay những người Việt tham dự biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng cũng chính là những người tha thiết muốn cho dân tộc được hưởng cuộc sống tự do dân chủ. Người đi biểu tình chống Trung Cộng đã bị đảng Cộng sản đàn áp bao năm qua. Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần, tới Ðinh Nguyên Kha, vân vân, nay vẫn bị tù, cho nên muốn chống Trung Cộng xâm lược thì phải chống cả bè lũ độc tài lệ thuộc 16 chữ vàng.

Những cuộc biểu tình khắp nước từ Chủ Nhật vừa qua giống như một vị thần trong chuyện cổ tích đã thoát ra khỏi cây đèn thần của Aladin. Không ai có thể nhét vị thần vào trong cây đèn trở lại được nữa. Phong trào này sẽ gia tăng cường độ, càng đàn áp càng mạnh hơn. Tiêu biểu trong phong trào này, nhà báo Huy Ðức viết rằng đã tới lúc đảng Cộng sản Việt Nam phải xét lại chính sách giao thiệp với Bắc Kinh, và từ bỏ không bắt chước mô hình kinh tế của Trung Cộng. Huy Ðức thấy biến cố giàn khoan 981 có thể là động cơ thúc đẩy đảng Cộng sản quay đầu trở lại với dân tộc Việt, đánh đuổi quân xâm lược Bắc Kinh.

Với đà phát triền của phong trào chống đối, này, sẽ tới lúc đảng Cộng sản Trung Quốc thấy họ phải ra tay cứu mạng các đàn em trong đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu không đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tự tan vỡ hoặc bị lật đổ. Trung Cộng sẽ thấy duy trì một chế độ cộng sản dễ bảo ở Hà Nội là con đường ít tổn phí nhất trên con đường gây ảnh hưởng trong vùng Ðông Nam Á. Ngược lại, nếu tiếp tục con đường uy hiếp, tới lúc nước Việt Nam có một chính quyền thật sự do dân chúng bỏ phiếu bầu lên, thì chính quyền đó chắc chắn sẽ “khó bảo” hơn. Con đường tồi tệ nhất là xâm lăng bằng vũ lực. Sẽ tốn tiền bạc, mạng sống, và phải đối đầu với một dân tộc đã quen đánh du kích từ thời Triệu Quang Phục. Xâm lăng Việt Nam sẽ khiến tất cả các nước vùng Á Ðông và Ðông Nam Á bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang để tự vệ. Tất cả các nước đó sẽ giảm bớt việc thương mại với Trung Quốc; kinh tế nước Trung Hoa sẽ đứng khựng lại. Các nước Ðông Nam Á sẽ cùng Mỹ và các nước Âu Châu viện trợ vũ khí cho người Việt kháng chiến.

Cho nên, nếu trong những ngày tháng tới dân Việt tiếp tục biểu lộ tinh thần quật cường, nếu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục kiên nhẫn và dũng cảm bảo vệ mặt biển di sản của tổ tiên, thì sẽ tới ngày chính Bắc Kinh sẽ phải xuống thang. Không thể đoan chắc ngày nào chuyện đó sẽ xảy ra. Vì tất cả tùy thuộc thế cân bằng lực lượng; giữa khả năng đề kháng của dân tộc Việt và tham vọng lớn nhỏ của các hoàng đế nhà Hán nhà Ðường. Người Việt đang sống lại kinh nghiệm của tổ tiên trong hai ngàn năm đối đầu với các bạo chúa phương Bắc; lại nghe tiếng sóng Bạch Ðằng, tiếng ngựa hí ở Ải Chi Lăng. Các hoàng đế nhà Minh, nhà Thanh đã từng phải bỏ tham vọng thôn tính nước Việt, tìm đường gỡ thể diện tháo lui. Nhưng dù Trung Cộng rút lui sớm hay muộn, vị thần trong cây đèn đã thoát ra ngoài, dân Việt không thể nào cúi đầu chịu nhục nữa.

Ngô Nhân Dụng