Saturday, May 24, 2014

Trần Trung Đạo

Để thắng được Trung Cộng


Câu nói “Không có đế quốc nào tồn tại mãi mãi” thoạt nghe rất bình thường và hiển nhiên vì lẽ đơn giản trên đời này không có gì tồn tại mãi mãi, tuy nhiên quy luật đó đã được chứng minh rất nhiều lần trong lịch sử bằng bao máu xương của nhân loại. Một đế quốc vừa hình thành ở Á Châu và đang đe dọa cho hòa bình thế giới: Đế quốc Trung Cộng. Đế quốc này sẽ tồn tại thêm được bao lâu và sẽ sụp đổ bằng cách nào vẫn còn là chủ đề được các nhà phân tích chính trị, các sử gia bàn cãi không chỉ trên bên ngoài Trung Cộng mà ngay tại đầu não của cơ chế độc tài.

Trung Cộng tồn tại được bao lâu?

Trên cả nước Trung Cộng có một nơi duy nhất được quyền phê bình đảng CS và một nhóm người rất nhỏ trong số hơn một tỉ dân được trao đặc quyền tự do tranh luận về ngày tàn của đảng CS mà không sợ trả thù, nơi đó là Trường Đảng Trung Ương trực thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSTQ và nhóm người đó là những cán bộ lý luận cao cấp của trường.


Trong một biệt điện hoàng gia cũ ở phía tây Bắc Kinh được đổi thành Trường Đảng, một số nhỏ chuyên gia ưu tú nhất của trường dành trọn thời gian chỉ để làm một việc là phân tích mọi sai lầm của lãnh đạo đảng, mọi chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn của đảng, mọi kế hoạch kinh tế, các chính sách đối nội và đối ngoại của đảng. Và câu hỏi chính được đặt ra cho nhóm người có đặc quyền này “Đảng CS sẽ tồn tại bao lâu và những khả năng nào xảy ra sau khi đảng sụp đổ”. Dĩ nhiên mục đích tranh luận không phải để lật đổ chế độ mà nhằm tìm các biện pháp thích nghi ngăn chận kịp thời mọi sai lầm, sơ sót để cỗ máy độc tài khỏi rơi xuống hố như trường hợp Liên Xô.

Hiện nay tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về tương lai Trung Cộng. Một quan điểm của đảng CSTQ cho rằng Trung Cộng là một nước có biệt lệ về văn hóa chính trị nên làn sóng cách mạng dân chủ tại châu Âu trước đây cũng như Bắc Phi vừa qua không đập vào bờ Trung Cộng. Một quan điểm khác gồm những học giả chuyên về Trung Cộng, trí thức Trung Quốc có ảnh hưởng và ngay cả một số viên chức CS cao cấp có khuynh hướng tự do cho rằng đảng CS phải chết nhưng vấn đề là chết bằng cách nào mà thôi. Điều đó cũng cho thấy, nỗi lo sợ một ngày cơ chế độc tài CSTQ sẽ sụp đổ ám ảnh thường xuyên trong suy nghĩ của lãnh đạo CSTQ và hai yếu tố lớn nhất dẫn đến sự sụp đổ của Trung Cộng vẫn là chính trị và kinh tế.

Về chính trị. Bài học Thiên An Môn cho lãnh đạo Trung Cộng biết nguy cơ hàng đầu vẫn là khát vọng tự do của con người. Dân chủ là hướng đi của thời đại. Năm 1900 mở đầu cho thế kỷ 20 trên thế giới chỉ có 12 phần trăm nhân loại sống trong các cơ chế chính trị được gọi là dân chủ. Đầu thế kỷ 21, 120 trong số 192 quốc gia được quốc tế công nhận là những nước được lãnh đạo bởi các chính phủ do dân bầu. Nhiều lãnh đạo CSTQ đổ lỗi sự sụp đổ của Liên Xô lên đầu Mikhail Gorbachev như Giáo sư Shen Zhihua, chuyên viên về Liên Xô của đại học Đông Hoa và cả cựu Chủ Tịch Trung Cộng Giang Trạch Dân từng phát biểu “Gorbachev phản bội cách mạng”. Tuy nhiên họ cố tình không quan sát đến tiến trình chuyển hóa không ngừng của xã hội con người.

Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm Sự vươn lên và sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản (The Rise And Fall Of Communism) nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi xã hội. Sự chuyển hóa tri thức nhanh hay chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Những nguồn đối kháng từ bên trong các nước CS đã âm thầm lớn mạnh chỉ chờ cơ hội là bùng vở như được chứng minh qua việc 300 ngàn thanh niên Đông Đức tham dự buổi nhạc hội của Bruce Springsteen vào ngày 19 tháng Bảy 1988 và hàng ngàn thanh niên Đông Đức hô to khẩu hiệu tự do muôn năm trên bờ tường Bá Linh tối ngày 9 tháng 11 năm 1989. Sức sống của đất nước cũng như của xã hội là một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ, các thế lực cầm quyền độc tài chỉ là những khe đá, có thể làm chậm dòng thác văn minh nhưng không thể ngào ngăn chận được. Tóm lai, yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự chuyển hóa không ngừng của xã hội.

Về mặt kinh tế xã hội. Như lịch sử đã chứng minh sự phát triển của giai cấp trung lưu là nguồn thúc đẩy của cách mạnh dân chủ vì đó là giai cấp có học thức, có phương tiện và có nhiều nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cần được thỏa mãn. Cách đây 20 năm, giai cấp trung lưu này không tồn tại nhưng nay là một lực lượng đông đảo và phát triển theo lũy thừa. Thành phần trung lưu chiếm 14 phần trăm dân số thành thị tại Trung Cộng và có lợi tức bình quân từ 17 ngàn đô la đến 37 ngàn đô la. Với hướng phát triển xã hội có tính quy luật đó, theo giáo sư David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc thuộc đại học George Washington sự suy thoái của đảng CSTQ đang diễn ra sẽ giống như các triều đại Trung Hoa trước đây, chiếm đoạt, hưng thịnh và sụp đổ.

Trong một tổng kết mới đây The World Bank’s International Comparison Program cho rằng Trung Cộng với GDP 2011 là 13.5 ngàn tỉ đô la, sẽ qua mặt Mỹ nhanh hơn dự đoán. Thống kê này dựa trên việc so sánh sức mua tương đương (purchasing power parity) của hàng hóa giữa hai quốc gia. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế không đồng ý vì không thể dùng giá cả của những ổ bánh mì, bao thuốc lá để làm thước đo cho mức độ giàu nghèo giữa hai nước trong lúc những món hàng quan trọng nhất lại không thể mua tại Trung Cộng. Tom Wright của Wall Street Journal ví dụ một cách chính xác và cụ thể, Trung Cộng không thể mua một chiếc tàu, một giàn hỏa tiển hay một chiếc xe Đức đắt tiền mà phải trả bằng một giá hối suất cao gấp nhiều lần. Nếu tính trên phạm vi cả nước, theo phân tích của Global Public Square staff, Trung Cộng không đứng nhất, nhì hay thậm chí 30 mà đứng sau cả Peru. Nhưng dù phát triển kinh tế nhanh, sự phát triển đó vẫn phải đồng hành với các phát triển chính trị, văn hóa để tạo nên một xã hội thịnh vượng hài hòa. Điều đó không tồn tại tại Trung Cộng. Các thành tựu kinh tế của Trung Cộng được đổi bằng sự chịu đựng, hy sinh, mồ hôi, xương máu của nhiều dân tộc khác và ngay tại Trung Cộng hàng trăm triệu dân thiểu số vẫn phải tiếp tục sống trong xã hội tham nhũng, độc tài, nghèo đói, bất công, bạc đãi. Hai nhà lý luận CS Lin Zhe và Chen Shu, thành viên trong nhóm nhỏ của trường đảng có đặc quyền phê phán, mặc dù tin rằng đảng CSTQ sẽ tồn tại lâu cũng thừa nhận tham nhũng kinh tế có thể làm sụp đổ đảng. Bà Lin Zhe dành 20 năm để nghiên cứu phương pháp diệt tham nhũng tại các cấp đảng vì theo bà “Tham nhũng là mối đe dọa nguy hiểm có thể dẫn đến sự sụp đổ của đảng và nhà nước”.

Ngọn núi lửa Trung Cộng

Tuyệt đại đa số con người không ai muốn chiến tranh và là người Việt Nam lại càng không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, chiến tranh và hòa bình không phải là chuyện muốn hay không muốn mà đó là hai mặt biện chứng nhân quả của một quá trình mang tính lập lại của phát triển xã hội loài người. Sau khi hiệp ước Versailles được ký kết, Thống chế Pháp Ferdinand Foch nhận xét “Đây không phải là hòa bình mà chỉ là cuộc đình chiến hai mươi năm”. Thế chiến thứ hai bùng nổ 20 năm và 65 ngày sau đó. Nhận xét của danh tướng Ferdinand Foch không phải là lời tiên đoán của các ông thầy bói nhưng vì các nguyên nhân kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dẫn đến thế chiến thứ nhất chẳng những không giải quyết mà còn tác động vào nhau để tạo thành nguyên nhân cho thế chiến thứ hai đẫm máu hơn. Tương tự, Trung Cộng với chính sách cực đoan về cả đối nội lẫn đối ngoại đang là mầm mống cho một chiến tranh khốc liệt tại Á Châu.

Đảng Cách Mạng Thể Chế Mexico (Mexico’s Institutional Revolutionary Party) cầm quyền được 71 năm và chế độ độc tài CS Liên Xô tồn tại được 74 năm nhưng cả hai đều đã mất quyền lãnh đạo. Trung Cộng tồn tại đến nay được 65 năm nhưng liệu sẽ thoát ra ngoài sự chi phối của quy luật “không có đế quốc nào tồn tại mãi” hay không. Câu trả lời dĩ nhiên là không. Một khi ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán như giòng nham thạch đang cuồng cuộn sôi trong lòng núi, khả năng chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình tại Trung Cộng là một chuyện khó xảy ra. Với các mâu thuẫn bên trong và thù địch bên ngoài vô cùng sâu sắc, không có cách mạng nhung, cách mạng da cam nào mà chỉ có máu chảy ngập đường phố Bắc Kinh, Thượng Hải và các vùng Tân Cương, Ninh Hạ, Nội Mông, Tây Tạng. Việt Nam với quan hệ hữu cơ về chính trị tư tưởng và với vị trí chiến lược trong vùng biển Đông cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng đầy tai họa của cách mạng máu.

Giáo sư Yuan-kang Wang thuộc đại học Western Michigan viết trong tạp chí Foreign Policy “Nếu quyền lực tiếp tục gia tăng, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đến vùng Đông Á. Chính sách này sẽ không tránh khỏi tạo nên sự cạnh tranh an ninh với Mỹ trong khu vực và các vùng chung quanh. Washington đang bước ra khỏi mối bận tâm Iraq và Afghanistan và đang là ‘mấu chốt’ hướng tới Á Châu. Như người Trung Quốc thường nói “Một núi không thể có hai cọp”, nhớ ráng hết sức mình, trò chơi còn tiếp tục”. Ngọn núi lửa Trung Cộng sẽ phun tuy chưa biết chính xác ngày nào.

Bài học cho Việt Nam

Lịch sử để lại nhiều bài học về chính sách đối ngoại khôn ngoan, nhưng đáng học nhất vẫn là bài học về cách giải quyết xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô.
Từ khi thành lập nền cộng hòa Thổ năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cô đơn. Chiến tranh với Anh vừa chấm dứt bằng chiến thắng nhưng bị các quốc gia dân chủ Tây Phương cô lập. Quân đội không nhỏ nhưng chỉ được trang bị võ khí còn lại từ thời đế quốc Ottoman và thế chiến thứ nhất. Để được an toàn, chính phủ Thổ kết thân với một anh láng giềng bên kia Hắc Hải cũng đang bị cô lập, đó là Liên Xô. Cuối thập niên 1930, khi Đức Quốc Xã trở thành mối đe dọa, Stalin quyết định phải kiểm soát Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chận các chiến hạm các quốc gia không thuộc vùng Hắc Hải di chuyển qua đó và đề nghị Thổ cùng phối hợp để làm việc này. Thổ từ chối sang nhượng chủ quyền Eo Biển. Stalin khó chịu nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Thổ. Khi Thổ nhích gần tới Anh và Pháp qua việc tham gia Balkan Pact 1934 và Saadabad Pact 1937 do khối Tây Phương chủ trương, Liên Xô công khai bày tỏ quan điểm gọi là “khó hiểu khi Thổ lại thương thảo với những kẻ cựu thù”.

Trước tham vọng xâm lược ngày càng lộ liễu của Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn một con đường duy nhất là đứng hẳn về phía Tây Phương. Tuy nhiên, muốn thân các quốc gia dân chủ Tây Phương, trước hết giới lãnh đạo Thổ phải tiến hành các cải tổ chính trị. Tổng thống Mustafa İsmet Inonu, người tiếp tục chính sách của cố tổng thống Mustafa Kemal Ataturk mở rộng chính phủ theo hình thức đa đảng. Mỹ đánh giá thiện chí của Thổ qua các cải cách chính trị và cũng thấy cần phải tích cực ngăn chận ảnh hưởng Liên Xô trên vùng Hắc Hải, đã gởi chiến hạm lừng danh USS Missouri đến Istanbul vào tháng Tư 1946. Thiết giáp hạm USS Missouri là niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ, từng tham dự hai trận Iwo Jima và Okinawa, và cũng là nơi Mỹ nhận sự đầu hàng của Nhật. Anh theo bước Mỹ, cùng tham gia cuộc diễn tập quân sự trong vùng biển Aegean tháng Chín 1946. Báo chí Liên Xô lên án Mỹ, Anh và cho rằng hai nước này đang thiết lập căn cứ quân sự trong vùng Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không thừa nhận nhưng cả thế giới lúc đó đều biết Mỹ quyết tâm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước tách ra khỏi một đế quốc tan rã, giành độc lập bằng xương máu chống lại khối dân chủ Tây Phương, bị cô lập, trung lập trong thế chiến thứ hai nhưng đã khôn khéo từng bước xích lại gần với những kẻ cựu thù và cuối cùng được trở thành hội viên của NATO. Để biết ơn và cổ vỏ các giá trị dân chủ, mỗi năm chính phủ Thổ dành một ngân sách lớn để viện trợ cho các đề án nhằm cải cách dân chủ khắp thế giới. Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ 3.4 tỉ đô la cho 121 quốc gia. Thổ cũng dành riêng 1 tỉ đô la trong ngân sách để viện trợ nhân đạo và được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới chỉ sau Mỹ, Cộng đồng Châu Âu và Anh Quốc.

Để thắng được Trung Cộng

Qua xung đột giữa Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ chúng ta có thể rút ra bốn điều kiện để thoát ra khỏi sự khống chế và sẽ thắng được Trung Cộng trong trận cuối cùng:

1. Việt Nam phải có dân chủ trước Trung Cộng. Phần đông các nhà phân tích chính trị Việt Nam đồng ý rằng Việt Nam phải có dân chủ mới bảo vệ được đất nước. Điều đó đúng nhưng cần phải nói thêm, dân chủ không chỉ giúp bảo vệ đất nước mà còn để thắng được Trung Cộng. Ngoài ra, dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến. Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài. Trung Cộng không sợ USS George Washington hay bom nguyên tử mà sợ dân chủ và rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Vũ khí dân chủ sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ chế CS. Một Trung Cộng mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi.

2. Đoàn kết dân tộc. Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc. Một dân tộc chia rẽ không thắng được ai. Đây là thời điểm để xác định lại lòng yêu nước. Yêu nước ngày nay không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay bùa mê CS mà gắn liền với với quyền lợi sống còn của đất nước và hướng đi dân chủ nhân bản của thời đại. Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, nhiều người nghĩ kẻ có lợi nhiều nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam Hussein tàn sát không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự làm ngơ của Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng trong tập thể 35 triệu Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á. Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ. Tương tự, Mỹ bỏ 900 tỉ đô la hay 3 ngàn tỉ đô la tùy theo cách tính và 4486 nhân mạng để lật đổ Sadam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trong vài năm nữa trở thành một cường quốc trong thế giới Ả Rập và nếu họ không làm được thì cũng đừng đỗ thừa cho Mỹ, đổi tội cho Saddam Hussein mà phải trách ở chính mình.

3. Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia. Việt Nam chỉ trở thành một vị trí chiến lược sau khi Trung Cộng thôn tính toàn lục địa Trung Hoa 1949 nhưng trước đó thì không. Tương tự, Ai Cập trước 1976 không quan trọng hơn Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran nhưng sau khi Tổng thống Anwar Sadat bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do, Ai Cập trở nên một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và được viện trợ ít nhất 1.5 tỉ đô la hàng năm từ đó đến nay. Vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Mỹ mong muốn được thấy Trung Cộng trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định. Trung Cộng là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, khủng hoảng chính trị tại Trung Cộng sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nên kinh tế thế giới không thể đo lường được. Biết chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia cũng như biết khai thác mối lo của cường quốc sẽ làm cho vị trí của quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế. Trái lại, chủ trương của lãnh đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự cô lập, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị và sẽ chết tức tưởi trong cô đơn mà không được ai ngó ngàng.

4. Đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy: Việt Nam đang đứng trước những ngã ba, ngã năm trong bang giao quốc tế nhưng dù bao nhiêu ngã cũng chỉ có thể đi trên một con đường trong một thời điểm nhất định. Sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp quốc gia tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh. Giáo sư Alastair Smith thuộc đại học Washington University đã công thức hóa toán học nhiều mô thức liên minh trong lịch sử bang giao quốc tế và kết luận các quốc gia có những liên minh không đáng tin cậy sẽ dễ bị tấn công hơn là các quốc gia có sự liên minh tin cậy. Hiện nay tại Á Châu có bốn liên minh quân sự gồm ba liên minh tin cậy Mỹ-Nhật, Mỹ-Phi, Mỹ-Nam Hàn và liên minh SCO về biên giới gồm Trung Cộng, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Russia, Tajikistan và Uzbekistan. Khi chảo dầu Á châu được đun nóng hơn, nhiều liên minh quân sự mới tương tự như Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) trong thời chiến tranh Việt Nam sẽ ra đời. Đối với Mỹ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của các nước đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, liên minh được với Mỹ vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm an ninh.

Bốn điều kiện để thắng được Trung Cộng chỉ có thể thực hiện nếu lãnh đạo là những người thực tâm vì đất nước. Điều đó không có tại Việt Nam. Rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981 này, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy. Dân tộc Việt Nam lại bị đảng dắt đi vòng vòng trong ngõ cụt tối tăm như đã và đang đi suốt 39 năm qua. Do đó, chọn lựa một lối thoát, một hướng đi cho đất nước không phải là chọn lựa của lãnh đạo CSVN nhưng 90 triệu người dân Việt Nam phải can đảm đứng lên quyết định vận mạng chính mình.


@danchimviet