Tuesday, May 20, 2014

Phùng Cung


Nói Với Người Cộng Sản

Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội, Hôm nay chúng ta nói chuyện về nhân vật Phùng Cung, ông sinh năm 1928, mất năm 1997.

Phùng Cung là một nhà thơ, nhà văn đã bị đày đọa cùng nhiều văn nghệ sỹ khác trong biến cố "Nhân văn-Giai Phẩm".
Phùng Cung không phải là nhân vật được nhiều người biết, nhưng chính vì lẽ đó mà chúng tôi đã quyết định chọn nhân vật Phùng Cung tiếp sau nhân vật nổi tiếng Phan Khôi.
Theo một tài liệu khả tín do một cựu đại tá công an tiết lộ, chính quyền cộng sản miền Bắc đã "xử lý nặng" gần 100 người trong vụ "Nhân văn-Giai Phẩm", còn số bị đưa vào danh sách xử lý có tới hàng ngàn người.
Như vậy nhân vật Phùng Cung có tính đại diện cho nhiều người trong "Nhân văn-Giai phẩm" đã phải chịu oan khuất, đọa đày trong im lặng, không được công chúng biết đến.
Phùng Cung sinh năm 1928 trong một gia đình giàu có tại Vĩnh Yên. Thuở nhỏ Phùng Cung được đi học và đạt được bằng trung học (Brevet) thời thuộc Pháp. Nhưng sự biến lịch sử tháng Tám 1945 mới khởi đầu cho cuộc đời đáng kể của ông.
Tháng 09/1945 khi mới 17 tuổi Phùng Cung được bầu làm chủ tịch xã quê nhà sau khi Việt-Minh cướp chính quyền. Phùng Cung làm chủ tịch xã trong 02 năm. Năm 1947, nghe theo lời kêu gọi "toàn quốc kháng chiến" của chính quyền Hồ Chí Minh, Phùng Cung đi lên Việt Bắc. Cũng chính tại Việt Bắc, Phùng Cung được tin bố bị đấu tố, bị tống giam vì bị qui là địa chủ, nhưng Phùng Cung không được phép về thăm bố, thăm gia đình. Trong một lần công tác, Phùng Cung đã lén đi thăm bố trong trại giam. Nhưng Phùng Cung được một người tù già đưa tới một lùm đất và được cho biết đó là nơi chôn cất bố Phùng Cung.
Sau 1954, Phùng Cung trở về Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, tích cực tham gia phong trào "Nhân văn-Giai Phẩm". Phùng Cung đã có nhiều sáng tác văn học, như các truyện ngắn có tên: "Giải thoát", "Mạt kiếp", "Mộ phách",
"Biệt tích", "Phòng tuyên truyền điạ ngục", v.v. Nhưng dư luận nói chung dường như chỉ biết tới hai sáng tác của ông, một là truyện ngắn "Con ngựa già của chúa Trịnh", đăng trên tờ "Nhân Văn" số 4 ra ngày 05/11/1956 do Phan Khôi chủ bút; hai là tập bút ký có tên Dạ Ký.
Trong việc trấn áp "Nhân văn-Giai Phẩm", ngoài việc bắt người, đóng tòa báo, đảng cộng sản Việt Nam lúc đó còn tổ chức những cái gọi là "khóa học tập" ở ấp Thái Hà, nhằm lung lạc, chia rẽ, phân hóa giới trí thức, văn nghệ sỹ. Trong các "khóa học tập" kéo dài nhiều tháng đó, nhiều người đã khuất phục hoàn toàn hoặc khuất phục một phần trước các áp lực, đe dọa của chính quyền. Nhưng Phùng Cung không như thế.
Từ nhật ký của nhà thơ Trần Dần ghi lại những "lớp học tập" tại Thái Hà Ấp vào nửa đầu năm 1958 chúng ta có thể thấy Phùng Cung lúc đó là một văn sỹ trẻ mới 30 tuổi nhưng hết sức khí phách. Trần Dần viết:
"Tôi nhìn Phùng Cung, ái ngại cho anh quá. Đâu như trong khi học tập, anh ta "hỗn" quá, bị đuổi khỏi lớp làm sao ấy... Tôi khuyên anh, rằng nên đầu hàng đi; rằng chỉ có một con đường, "họ" là chân lý, mình đầu hàng, là phải; rằng không nên xin ra biên chế, lúc này việc ấy có thể là một sự tiến công của tư tưởng thù địch; rằng không nên coi là nhục, oan ức gì nữa, mà cứ nghĩ lại xem tổng cộng cái bồ chữ mình đã chửi vào lãnh đạo nó to như thế nào, còn oan và nhục gì nữa? Phùng Cung xem ý không thông gì lắm. Tôi thấy khổ! Một con người có cái gan "tử vì đạo" là Phùng Cung..."
Không những thế, Phùng Cung vẫn sáng tác theo ý mình ngay trong cái không khí hầm hập đe dọa, đó là tập Dạ Ký.
Nếu "Con ngựa già của chúa Trịnh" được coi là một lời than, lời cảnh báo cho những tài năng bị thui chột khi chấp nhận làm nô bộc cho cường quyền thì tập Dạ Ký là một sưu tập các bức biếm họa chân dung văn nghệ sỹ, trong đó đặc biệt là những phác họa các văn nghệ sỹ chấp nhận làm tay chân cho đảng cộng sản.
Đây là đoạn Phùng Cung viết về Nguyễn Đình Thi:
"Trước hết tôi lần nhớ dáng đi của anh ta, lon ton, lon ton... Hình hài xếp loại đẹp giai, trông rất đàn ông, da ngăm ngăm, mũi cao, mày rậm, mắt sáng, râu quai nón - lúc nào cũng cạo nhẵn - khi chưa kịp cạo, râu hơi lờm sởm càng đẹp vẻ mày râu. Anh ta được trên sủng ái; cái giọng nói to nhỏ từ miệng khuôn ra toàn đạo đức; mới nghe ngọt sớt nhưng ngẫm nghĩ thì nó lộ nguyên hình mỹ ký. Chả biết anh ta học ai mà nhuần nhuyễn bài bản mỹ ký đến thế; chẳng lẽ bẩm sinh? - Hẹp hòi, ích kỷ, thù vặt, đầy người - kể cũng được việc lắm!... Văn, thơ, kịch cọt, nhạc nhiếc, triết trủng, anh ta tự hào "thập bát ban võ nghệ tinh thông!" Nhờ tài hoa ấy mà đời anh ta thông bén luồng lạch, ngóc ngách công tác cũng như riêng tư. Tôi được biết nhiều phụ nữ từ quan hệ công tác - môi trường tạo gần gụi, ngụy trang - chị em phái yếu nhà mình không ít nhẹ dạ, nhẹ như xăng - như thùng xăng. Anh ta rất nhạy bén đánh hơi khi thùng xăng hở nút, hoặc rò rỉ, quẹt diêm đúng lúc - Dẫu đội quân cứu hoả nhà trời cũng đừng hòng tắt ngay được! Hậu quả chị em đã bị anh ta làm cho khốn khổ; chị em đã có chồng con không xiêu nhà nát cữa, cũng mang hận suốt đời! Kiêng nể cách mạng nên phụ nữ không dám lên án anh ta là tên "Sở Khanh cách mạng" mà chỉ nhổ hơi nặng bãi nước bọt!"
Xin kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn tiếp tục về nhân vật Phùng Cung vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn