Ðảng Cộng Sản đào nhiệm hay từ chức?
Công ty CNOOC đem giàn khoan HD-981 vào hải phận nước ta, Cộng sản Trung Quốc muốn trắc nghiệm hai điều: Một là phản ứng của người dân Việt Nam, hai là thái độ của đảng Cộng sản Việt Nam; như mục này đã viết trước đây hai tuần.
Ðối với phản ứng của dân Việt thì Trung Cộng có thể đoán trước được, và đã chuẩn bị đối phó. Biết trước được vì dân Việt đã từng bày tỏ lòng phẫn nộ trước các hành động gây hấn, xâm lấn của họ rất nhiều lần, dù bị chính quyền ngăn cấm. Bắc Kinh phải đoán rằng phản ứng của người Việt lần này chắc chắn mạnh mẽ hơn. Cho nên từ đầu Tháng Ba 2014, họ đã báo động, khiến công ty Hua Wei thông báo nhân viên chuẩn bị rút về nước. Họ có thể chuẩn bị phá các cuộc biểu tình của dân Việt, bằng một âm mưu xâm nhập, khích động, biến cuộc tuần hành thành ra những vụ cướp của, giết người. Thêm vào đó, cho người tấn công tất cả các công ty ngoại quốc, từ Ðài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn, đến Singapore. Trước dư luận thế giới họ hành động chống Trung Cộng của dân Việt sẽ mất uy tín, bị coi là quá khích, thay vì danh chính ngôn thuận.
Về kinh tế, họ làm giới đầu tư từ các nước Á Ðông lo sợ, rút tiền về; kinh tế nước ta sẽ gặp khó khăn. Ðây là một mũi tên bắn hai con chim. Cho tới nay, Cộng sản Trung Quốc ít nhất đã đạt được mục tiêu phá hoại kinh tế. Giá vàng đã tăng vọt, đồng tiền Việt Nam xuống giá, dân lo rút tiền khỏi các ngân hàng, trên thị trường chứng khoán, trong một tuần từ ngày 8 Tháng Năm, giá trị các cổ phiếu đã giảm sáu tỷ đô la. Tại một tỉnh Bình Dương, hàng trăm ngàn công nhân mất việc làm vì các nhà máy đóng cửa.
Hậu quả tâm lý sẽ lâu dài hơn. Dư luận thế giới thất vọng về tình trạng gọi là an ninh, trật tự tại Việt Nam. Tất cả những lời khoe khoang, hứa hẹn về “ổn định chính trị” đã tan thành mây khói. Ổn định thế nào được nếu chỉ cần một nhóm người khích động là hàng chục ngàn người xuống đường đốt phá? Cả thế giới chứng kiến những biểu hiện của lòng dân phẫn uất, bất cứ lúc nào cũng có thể bùng nổ. Guồng máy cảnh sát, công an chuyên đàn áp nông dân đòi đất, công nhân đòi tăng lương, nhưng không làm gì để bảo vệ an ninh cho các xí nghiệp.
Ngay bây giờ, Trung Cộng đã thành công trong hai mục tiêu tâm lý và kinh tế, cho tới khi nào người Việt Nam tìm được cách chống lại, trên cả hai mặt trận.
Nhưng cho tới nay, chính quyền Việt Nam gần như tê liệt, không làm gì để chống đỡ hai cuộc tấn công đó. Ngay sau khi các cuộc đốt phá xẩy ra, đáng lẽ chính quyền cộng sản phải lập một ủy ban điều tra cấp liên bộ để tìm thủ phạm gây ra các tổn thất, và hứa hẹn sẽ trừng phạt đúng pháp luật. Ngay lập tức, phải gửi ngay những phái đoàn, từ cấp bộ trưởng trở lên, tới các nước Á Ðông có nhà đầu tư bị thiệt hại, để công khai và long trọng xin lỗi họ. Ðáng lẽ một người cấp thủ tướng chính phủ, hoặc ít nhất một bộ trưởng đầu tư cùng với bộ trương công an phải họp tất cả các nhà đầu tư ngoại quốc để nhận lỗi. Phải trình bày ngay các biện pháp bảo vệ tài sản của họ tại Việt Nam, và đề nghị các phương án bồi thường cho các công ty đã bị thiệt hại.
Chính quyền Hà Nội không làm được những việc tối thiểu đó. Các ông lãnh đạo chỉ đưa ra những lời tuyên bố chung chung; ngay đối với người dân trong nước. Một quốc gia bị ngoại xâm đe dọa, với các đoàn quân tập trung nơi biên giới; với giàn khoan dầu trấn đóng trong vùng biển nước mình. Và những cuộc bạo loạt, cướp của, giết người trong nhiều tỉnh. Vậy mà những ông lớn không một ông nào lên tiếng trình bày mọi việc với quốc dân. Ở Nam Hàn, một tai nạn làm chết vài trăm học sinh, bà tổng thống phải lên ti vi nói chuyện với dân; ông thủ tướng nhận trách nhiệm và từ chức. Nhưng ở Việt Nam, không ai đứng ra nói một lời nào cho dân chúng biết tình hình chung và trình bày những phương cách đối phó. Hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng có nói, nhưng chỉ nói khi đi thăm các đơn vị đã bầu họ vào Quốc Hội, chứ không nói với tất cả quốc dân. Những lời nói của họ có tính cách riêng tư, trong một khung cảnh nhỏ nhoi, cả hai người không ai dùng danh nghĩa chủ tịch nước hay thủ tướng chính phủ.
Còn Nguyễn Phú Trọng, không những ông ta hoàn toàn im tiếng, cả Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng khóa 9 cũng không bày tỏ thái độ, dù họ đã họp nhau suốt một tuần lễ, từ ngày 8 đến 14 Tháng Năm. Những diễn văn khai mạc và bế mạc của ông tổng bí thư, tới các thông tin hàng ngày của hội nghị tuyệt nhiên không nói gì tới hành động xâm lược của Trung Cộng. Họ làm như không có chuyện gì quan trọng, 16 chữ vàng, 4 tốt vẫn tốt cả! Tại sao họ ngậm miệng như vậy?
Một cách giải thích tình trang trên là không một người nào, từ cấp bộ trưởng lên tới cấp thủ tướng, tổng bí thư, không ai dám công khai đưa mặt ra đối diện với quốc dân, với các đảng viên, các chính quyền nước khác và các nhà đầu tư quốc tế. Họ không dám nói, vì không biết phải nói gì. Từ trên xuống dưới đều há miệng mắc quai.
Nguyên nhân căn bản, sâu xa hơn, là trong mấy tuần qua toàn bộ Bộ Chính Trị không biết họ nên làm cái gì, không biết phải làm gì. Cơ cấu lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó nói, khó nghĩ, bối rối, có thể coi là đang tê liệt. Không ai biết phải nói gì, làm gì, vì không biết quyết định ra sao. Tình trạng tê liệt này chính là thử thách thứ hai mà Trung Cộng muốn làm, khi cho đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Quảng Ngãi. Kết quả, cuộc trắc nghiệm cho Bắc Kinh thấy là đảng Cộng sản Việt Nam lâm vào cảnh hoàn toàn ngơ ngác và tê liệt. Những người cầm đầu đảng Cộng sản không biết phải làm gì nếu không bám lấy mối hy vọng“đồng chí, anh em, môi hở răng lạnh” đã xin được từ Hội Nghị Thành Ðô năm 1990. Suốt 24 năm qua, Trung Cộng đã dùng các lời hứa hẹn với Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười ở Hội Nghị Thành Ðô để ru ngủ Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ, sau miếng đòn HD-981, toàn ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam chợt tỉnh ngủ, nhưng vẫn chưa biết phải làm gì! Báo NY Times tiết lộ Nguyễn Phú Trọng xin nói chuyện với Tập Cận Bình, và bị từ chối. Hành động đem máy bay, tàu thủy qua đón các công nhân lậu về Trung Quốc, và cảnh đưa chiến xa, đại bác tới ngay vùng biên giới, cho thấy Trung Cộng đã dứt tình, dứt nghĩa. Trong khi đó thì Cộng sản Việt Nam vẫn chỉ năn nỉ van xin, không biết xấu hổ. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thú nhận rằng đã 20 lần xin Bắc Kinh rút giàn khoan HD-981 đi chỗ khác, nhưng vô vọng. Tại sao phải năn nỉ đến 20 lần, điện thoại nói hai, ba lần chưa đủ sao? Tất cả, chì vì toàn bộ lãnh đạo đảng không biết phải làm gì, hoàn toàn bế tắc.
Bị Trung Cộng từ chối, nhưng Cộng sản Việt Nam vẫn không dám có thái độ dứt khoát nào, vẫn sợ không còn nơi nào bám víu. Trong mục này, ngay từ đầu chúng tôi đã đề nghị phải kiện chính quyền Trung Cộng ra trước tòa án trọng tài quốc tế, đòi lại quần đảo Hoàng Sa. Ðảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa dám làm điều tối thiểu đó. Một đảng viên cộng sản ở Ðà Nẵng, nhân danh một luật sư đã nói lấp liếm rằng: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, nhưng nhân dân Việt Nam luôn đặt nặng nền tảng đạo lý, coi đạo lý là cái gốc của pháp lý!” Ðây là một cách biện hộ cho đồng đảng!
Một luật sư mà lại không dám dùng tới pháp luật, chỉ vì “đặt nặng nền tảng đạo lý!” Ðạo lý nào, nếu không phải là cố bám lấy 16 chữ vàng và 4 cái tốt! Trong lúc toàn dân phẫn uất rừng rực khí thế đấu tranh, đảng Cộng sản vẫn coi tình“đồng chí, anh em” giữa Trung Cộng và Việt Cộng đáng bảo vệ hơn là bảo vệ quyền lợi dân tộc. Họ bất động, không nói cũng không làm gì, vì vẫn còn muốn bám lấy Trung Cộng.
Thái độ đó cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam đã đào ngũ, trốn tránh trách nhiệm, lánh mặt, không dám đối diện với dân Việt Nam cũng như với giới đầu tư quốc tế. Không khác gì chủ tịch thành phố Sài Gòn từ chối không tiếp một luật sư đến xin phép biểu tình; chỉ hứa hẹn ngày sau sẽ cho được gặp phó chủ tịch; nhưng sang ngày sau, cả phó chủ tịch cũng biến mất. Toàn ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang lẩn trốn, không ai dám gặp người dân.
Hành động có liêm sỉ nhất bay giờ là toàn thể Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng cộng sản Việt Nam hãy xin từ chức. Hãy tuyên bố trả lại quyền quyết định việc nước cho toàn thể dân chúng Việt Nam. Nếu không, tất cả các đảng viên cộng sản, từ trên xuống dưới, sẽ chịu trách nhiệm với lịch sử trong ngàn năm sắp tới.
Ngô Nhân Dụng