Thursday, February 17, 2011

Egypt


Lịch Sử Cận Đại của Nước Ai Cập

Trích đoạn 5,6,7:


5. Nước Ai Cập vào thời đại Nasser

Tổng Thống Nasser đã tạo được ảnh hưởng lớn lao trên xứ Ai Cập và thế giới Ả Rập cho đến ngày ông qua đời vào năm 1970. Ý thức hệ của ông Nasser là phong trào Quốc Gia Ả Rập (the Arab Nationalism) phối hợp với Xã Hội Chủ Nghĩa (socialism), vì vậy uy tín của ông Nasser trở nên rất phổ biến, lan rộng tới Iraq và Morocco.

Dưới sự lãnh đạo của ông Nasser, Ai Cập ở tuyến đầu trong phong trào chống chủ nghĩa thuộc địa (anti-colonialism), ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng tại xứ Algeria và tại miền Nam Sa Mạc Sahara. Ai Cập cũng là nước cùng sáng lập ra Phong Trào Không Liên Kết (the Non-Aligned Movement).

Năm 1954, ông Nasser đạt được thỏa hiệp để quân đội Anh rút lui khỏi vùng Kênh Đào Suez nhưng việc quản trị và lợi tức của kênh đào này vẫn còn ở trong tay các người ngoại quốc, trong khi đó ông Nasser cũng yêu cầu Ngân Hàng Thế Giới (the World Bank) tài trợ cho công cuộc xây dựng Đập Nước Aswan (the Aswan High Dam) cùng với việc mua khí giới để trang bị lại cho quân đội Ai Cập. Khi Liên Xô chấp nhận việc cung cấp võ khí cho Ai Cập thì Hoa Kỳ phủ quyết số tiền cho vay để xây dựng đập nước, sự việc này đã khiến cho ông Nasser không còn cách làm nào khác là quốc hữu hóa Kênh Đào Suez vào tháng 7 năm 1956 để có lợi tức cần dùng.

Việc quốc hữu hóa Kênh Đào Suez đã bị hai nước Anh và Pháp coi là một mối đe dọa tới các quyền lợi thiết yếu của họ, nên 2 nước này đã đồng ý ngầm với nước Do Thái trong cuộc chiến tranh xâm lăng miền Sinai vào tháng 10 năm 1956. Sau các cuộc dội bom, quân nhẩy dù Anh đáp xuống Port Said, Hoa Kỳ bèn đe doạ sẽ làm mất ổn định nền kinh tế Anh nếu lực lượng của họ không rút lui. Kênh Đào Suez nhờ đó được mở cửa lại với sự kiểm soát hoàn toàn thuộc về xứ Ai Cập và ông Nasser được coi là nhà vô địch trong phong trào Quốc Gia Ả Rập (the Arab nationalism).

Khi làn sóng “thuần-Ả Rập” (pan-Arab) lan tràn, 2 nước Ai Cập và Syria đã kết hợp thành nước Cộng Hòa Hợp Nhất Ả Rập (the United Arab Republic) vào năm 1958 nhưng sự xếp đặt này đã gặp thất bại 8 năm về sau.(Hình phải : Cờ Cọng hòa Hợp Nhất Á Rập)

Vào thời gian này, Ai Cập tiến gần tới Liên Xô hơn do Ai Cập nhận các trợ giúp kinh tế và quân sự ở mức độ rộng lớn, do việc Liên Xô giúp đỡ xây dựng Đâp Nước Aswan, đồng thời Ai Cập cũng ngấm ngầm yểm trợ các vụ khủng bố Fedayeen từ giải đất Gaza để quấy nhiễu xứ Do Thái đang được trang bị quân lực hùng hậu.

Khi quân đội Do Thái đe dọa xâm lăng xứ Syria vào năm 1967, ông Nasser đã gửi binh lực tới Bán Đảo Sinai, ngăn chặn Eo Biển Tiran, không cho các tầu chở hàng tới Hải Cảng Eilat của Do Thái. Vì vậy Do Thái đã đánh trả lại bằng cách tàn phá các lực lượng không quân của Ai Cập vào ngày 5/6/1967, khi đó các máy bay Ai Cập còn đang đậu trên mặt đất, rồi quân Do Thái đã chiếm giữ các miền Sinai, Gaza, Bờ Phía Tây (the West Bank) và Cao Nguyên Golan Heights. Cuộc Chiến Tranh 6 Ngày (the Six Day War) này đã là một thất bại lớn lao cho Khối Ả Rập và đã làm tiêu tan hào quang của ông Nasser tại xứ sở của ông. Ông Nasser đành phải từ bỏ mọi hoạt động, chỉ giữ lại chức vụ Tổng Thống rồi qua đời vì bệnh tim một cách âm thầm 3 năm về sau, nhưng đám tang của ông Nasser được coi là lễ an táng lớn lao nhất từ xưa tới nay của xứ Ai Cập.

Vào thời đại của ông Nasser, nhiều cải tiến xã hội đã được thực hiện. Công việc đầu tiên của chính quyền mới này là phá bỏ các miền đất phong kiến cũ, chuyển nhượng đất đai cho các nông dân nghèo fellaheen. Nhờ Đập Nước Aswan, diện tích đất canh tác đã tăng được 15 phần trăm và các máy phát điện của đập nước đã cung cấp điện năng cho một cơ bản kỹ nghệ khổng lồ. Các tiến bộ về giáo dục cũng gia tăng, tuổi thọ của người dân Ai Cập tăng từ 43 tới 52 năm. Do bị ảnh hưởng của hệ thống Xô Viết, mọi đảng phái chính trị phải sát nhập vào Liên Hiệp Xã Hội Ả Rập (the Arab Socialist Union) đồng thời sự kiểm duyệt, các giam cầm và hành hạ các kẻ chống đối cũng gia tăng.

6. Nước Ai Cập dưới thời Ông Anwar Sadat

Nhân vật thứ hai của ông Nasser là ông Anwar Sadat được xác nhận là Tổng Thống kế tiếp của nước Ai Cập để canh tân lại xứ sở này sau khi người dân Ai Cập bì xuống tinh thần vì các thất trận, vì các trì trệ và khắc khổ mà người dân phải chịu đựng.

Tổng Thống Anwar Sadat đã thực hiện một cuộc cách mạng “sửa đổi” (corrective revolution) bằng cách lật ngược lại cách kiểm soát kinh tế từ trung ương (centralized economic control), trục xuất hàng loạt các cố vấn Liên Xô ra khỏi xứ Ai Cập và âm thầm hoạch định với 2 xứ Syria và Jordan để tấn công nước Do Thái.

Ngày 6 tháng 10 năm 1973, quân đội Ai Cập băng qua vùng Kênh Đào Suez, tấn công phòng tuyến Bar-Lev để tiến vào miền đất Sinai do quân Do Thái trú đóng. Cuộc chiến tranh này được gọi là Cuộc Chiến Tranh Tháng 10 (the October War) (ngày 10 tháng Ramadan) hay Cuộc Chiến Tranh Yom Kippur, đã là một đòn đánh vào uy tín của nước Do Thái. Sau đó, Ai Cập giành được một dẻo đất ở phía đông của Kênh Đào và chiến thắng này được coi là công lao của ông Sadat.

Sau cuộc chiến tranh kể trên, các tù nhân chính trị được ông Sadat khoan hồng, cách kiểm duyệt của chính phủ bị bãi bỏ, các đảng phái kể cả phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo (the Muslim Brotherhood) được cho phép hoạt động. Ngoài ra, chính sách “mở cửa” (open door = infitah) của ông Sadat đã khuyến khích các loại đầu tư và giảm thiểu ảnh hưởng của chính quyền xen vào phạm vi kinh tế.

Hơn nữa, nhờ các đầu tư của các xứ Ả Rập vùng Vịnh, nhờ các công tác xây dựng lại các thành phố của vùng Kênh Đào mà nền kinh tế của nước Ai Cập đã phát triển rực rỡ. Nhưng, trong khi số người giàu gia tăng thì tình trạng của giới ngheo cũng bi thảm hơn, 5 triệu gia đình Ai Cập phải sinh sống dưới mức 30 mỹ kim một tháng và một triệu rưỡi người Ai Cập phải đi làm mướn cho các nước Vùng Vịnh.

Sau năm 1977, nước Do Thái đã có vũ khí hạt nhân, điều này khiến cho các nước Ả Rập sẽ gặp khó khăn khi muốn tấn công xứ Do Thái và cũng vì vậy, Tổng Thống Anwar Sadat là vị lãnh tụ Ả Rập đầu tiên tới thăm viếng thành phố Jerusalem. Ông Sadat và Thủ Tướng Do Thái là Menachem Begin được trao tặng Giải Thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1978 vì đã đóng góp vào sự ổn định của miền Trung Đông rồi sau đó, Ai Cập và Do Thái ký kết Thỏa Ước Trại David (the Camp David Agreement) vào ngày 17 tháng 9 năm 1978 theo đó Ai Cập công nhận quyền tồn tại của xứ Do Thái và Do Thái đồng ý rút quân ra khỏi Bán Đảo Sinai. Sự liên lạc này khiến cho Liên Hiệp Ả Rập (the Arab League) bất bình, họ đã di chuyển Bộ Chỉ Huy của họ từ thành phố Cairo qua xứ Tunis và gây nhiều khó khăn cho sự ngoại giao với xứ Ai Cập.

Trong nước Ai Cập, Tổng Thống Sadat đã nâng đỡ các nhóm Hồi Giáo để chống lại các đảng phái khuynh tả nhưng rồi phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo càng ngày càng lớn mạnh, đã phản đối Tổng Thống Sadat vì Thỏa Ước Trại David, kết quả là nhiều đảng viên của phong trào Huynh Đệ này đã bị lùng bắt, giam cầm và cuối cùng, Tổng Thống Anwar Sadat đã bị ám sát chết vào tháng 10 năm 1981 vì bọn dân quân cực đoan Hồi Giáo kể trên.

7. Nước Ai Cập dưới thời Ông Hosni Mubarak

Người kế nghiệp ông Anwar Sadat là ông Hosni Mubarak, là Phó Tổng Thông từ năm 1975 và Tư Lệnh Không Quân Ai Cập từ tháng 10 năm 1973. Ông Mubarak là Tổng Thống thứ ba, đã cai trị xứ Ai Cập bằng hệ thống toàn trị (an authoritarian system), đây là đường lối cai trị không thay đổi từ thời ông Nasser.(Hình phải : Quốc kỳ Ai Cập)

Sau khi ông Anwar Sadat bị ám sát chết, các đạo luật khẩn trương (the emergency laws) đã được áp dụng nghiêm ngặt, các cuộc biểu tình bị cấm đoán, công an cảnh sát hành hạ người dân mà không bị xét xử, các nhà hoạt động vì nhân quyền bị lùng bắt và các cuộc bầu cử bị gian lận.

Vào năm 2005, khi ông Hosni Mubarak ra tái cử nhiệm kỳ tổng thống lần thú 5 thì ứng cử viên đối lập là ông Ayman Nour đã bị nhốt tù trong khi đó, có tin đồn vị Tổng Thống 80 tuổi Mubarak muốn truyền lại chức vụ cho người con trai tên là Gamal Mubarak, mà thực ra cậu trai này chỉ là một kẻ ăn chơi (a playboy), lo thừa hưởng gia tài lớn lao của gia đình.

Trong khi đó, Ai Cập là xứ sở đang gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 3 phần trăm diện tích đất đai dùng để canh tác trong khi dân số tăng lên mỗi năm trên một triệu người. Xứ Ai Cập phải nhập cảng một nửa số thực phẩm cần thiết và nếu không có viện trợ 2 tỉ mỹ kim một năm của Hoa Kỳ thì nền kinh tế của Ai Cập sẽ bị sụp đổ.

Xã hội Ai Cập đồng thời cũng bị phân hóa, sự cách biệt giàu nghèo quá lớn, trong chính quyền chứa đầy cảnh tham nhũng. Vào năm 2009, nạn lạm phát đã khiến xẩy ra các vụ đình công và chiếm đóng các nhà máy dệt tại các tỉnh miền Đồng Bằng (Delta)

Nước Ai Cập vào năm 2010 đã gặp phải rất nhiều vấn đề nan giải, đó là chế độ độc tài toàn trị, sự hạn chế các tự do căn bản, nạn tham nhũng, nạn thất nghiệp, nạn lạm phát, các bất công xã hội, các điều kiện sinh sống quá nghèo nàn của người dân, nạn dân số gia tăng quá nhanh cùng với các khủng hoảng môi trường (environmental crisis) tại vùng Đồng Bằng, nơi đây mực nước biển dâng lên cao làm mất đi các diện tích đất đai canh tác. Tất cả các vấn đề kể trên đã là các khó khăn cho xứ Ai Cập.


Đọc hết toàn bài : Lịch Sử Cận Đại của Nước Ai Cập

Phạm Văn Tuấn
February 16, 2011
Nguồn : vietthuc