Tuesday, February 8, 2011

International Politics


Đồng minh Ai cập

Phải nhìn nhận rằng tình-hình chính trị thế-giới, đặc biệt là Tunisia đã thay đổi quá nhanh, nhanh đến nỗi mà các nhà bình-luận thời cuộc chuyên-nghiệp đoán không ra; người nào cả gan binh luận có mòi trở thành nhà bình...loạn, và trở thành trò cười cho dư luận. Nhờ thế mà nhà bình luận tài tử lại có đất dụng võ và trở thành vừa mua vui cho quần chúng mà lại chẳng sợ mất uy tín. Không có thì sẽ mất cái gì để phải sợ!

Kinh-nghiệm cho thấy, khi nhà lãnh đạo trong lúc đương đầu với tình trạng cực kỳ căng thẳng mà nói rằng ông ấy sẽ ở lại đến cùng, chiến đấu đến cùng, và chấp nhận chết trên mảnh đất quê hương, là y như rằng ông ấy đang dọn đường ra đi. Báo chí tiết-lộ tài sản của Tổng Thống Ai cập ước lượng vào khoảng 70 tỉ Mỹ kim.

Giàu có như thế thì cái mạng sống cực kỳ quan trọng, không tính đường tháo để bảo toàn sinh mạng và tài sản ngay e hối không kịp. Nghe nói ông Tổng Thống nước này đang bị bệnh ung thư ở vào tuổi 82 hiện nay có thể vì thế ông chẳng thiết sống hay biết sợ là gì chăng! Vừa cao tuổi lại vừa bệnh hoạn, tài sản vun xới tới bạc tỉ và cầm quyền đã 32 năm như thế có ra đi để cho người khác thay thế thì đâu có gì phải hối tiếc, bám víu nữa! Cái lạ của các nhà lãnh đạo là họ quan trọng hoá bản thân họ tới độ quá lố. Người nào cũng có nhận cét giống nhau, là không có họ lãnh đạo, đất nước sẽ suy đồi. Họ không nhớ câu "không mợ chợ vẫn đông", không có họ sinh hoạt chính trị vẫn khởi sắc và xôm tụ như thường.

Vận mạng của Tổng Thống Ai cập tùy thuộc vào viện-trợ Mỹ. Con số này không nhỏ, 1 tỉ rưỡi Mỹ kim mỗi năm. Không có tiền thì chế độ sẽ xụp đổ. Mà Mỹ đang hăm he giảm viện-trợ nếu tình hình tại đó ngày càng tồi tệ. Đầu tư bạc tỉ lâu dài là vì Ai cập là một vị trí chiến lược, thoát khỏi sự khống chế của thần quyền Hồi giáo cực đoan và duy trì hòa bình với Do Thái. Không đạt được mục đích này đương nhiên Mỹ không thể tiếp tục chi viện.

Trong 30 năm nay Hoa Kỳ và Ai cập khắng khít với nhau. Tổng Thống Ai cập là một đồng minh thích-hợp của Hoa Kỳ. Hầu như hai bên đều hài lòng với nhau. Ai cập giúp đỡ trong việc truy tìm các phần tử khủng bố al-Qada. Không những thế giới tình báo Ai cập còn hoạt động sát cánh với Do Thái để truy nã quân khủng bố quá khích và áp dụng các phương pháp khiến cho đối phương phải cung khai tin tức tình báo mà Ai cập cần. Vai trò của ngành tình báo Ai cập rất quan-trọng. Hoa Kỳ và Do Thái rất hài lòng về sự hợp tác của tình báo Ai cập. Cũng chính vì thế, nhân vật lãnh đạo tình báo Ai cập trở nên quan trọng. Kết qua, trong 30 năm qua, Tổng Thống Mubarak, không hề có Phó Tổng Thống, đột nhiên vào tháng qua đã đưa một ông tướng, Omar Suleiman 74 tuổi, lên làm Phó Tổng Thống. Ông tướng này trước đây đặc trách tình báo quân đội. Nổi tiếng nhờ mạnh tay với đối lập Hồi giáo cực đoan và khủng bố. Cách nay vài năm ông được Tổng Thống Mubarak bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc Tình báo Quốc gia. Và bây giờ ông tướng trở thành Phó Tổng Thống. Điều này nói lên hai sự việc, tình hình khẩn trương tới mức độ cái ghế Tổng Thống đang bị lung lay cho nên Tổng Thống muốn có sự hậu thuẫn của một nhân vật đáng tin cậy thuộc ngành tình báo, và thứ hai là để giữ vững tình-hình giúp cho ông Tổng Thống ra đi an toàn nếu biến cố lan rộng. Ông tướng xuất thân từ một gia đình rất nghèo nơi tỉnh nhỏ. Ông vào học trường quân sự lúc 19 tuổi. Sau đó ông được qua Nga tu-nghiệp thêm về quân sự. Ông còn đi học tiếp và lấy được cấp bằng Cao học Chính trị tại Đại học Cairo.

Ông Mubarak đã tỏ ra tin tưởng ông tướng Suleiman rất mực kể từ chuyến công du Ethiopia của ông năm 1995. Lúc ấy ông Tổng Thống chỉ muốn du hành đơn giản, bình thường như một số các nguyên thủ quốc gia khác, như linh tính tình báo của ông tướng và cái tính cẩn thận của ông khiến ông cho lệnh chở xe hơi có bọc thép từ Ai cập qua cho ông Mubarak dùng. Vào cái lúc cả hai đang đi chuyển trong chiếc xe này, một quân khủng bố đã dùng súng tấn công vào xe Tổng Thống. Không nhờ ông Suleiman, Tổng Thống Mubarak đã ăn đạn và thác rồi. Vào năm 1981 cựu Tổng Thống Anwar Sadat trong lúc ngồi trên khán đài duyệt binh đã bị một binh sĩ thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan ám sát chết, và từ đó ông Mubarak, Phó Tổng Thống đã lên thay thế. Ông tướng này chỉ nổi tiếng kể từ ngày đảm trách ngành tình báo quân đội vào năm 1991 và nhất là tình báo quốc gia từ năm 1993. Báo chí Anh quốc gọi ông tướng này là một trong các cấp chỉ huy tình báo mạnh nhất thế giới. Dân chúng Ai cập không có thiện cảm nhiều với ông. Điều oái oăm ở đây là nếu ông Mubarak ra đi thì ông Suleiman, một người không do dân bầu bỗng dưng trở thành Tổng Thống Ai cập, cho giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi chính phủ tổ chức một cuộc bầu cử Tổng Thống.

Trong vài tuần qua, dân chúng Ai cập biểu tình là nhằm chống ông Mubarak. Quần chúng không có chống các định chế hiến định của Ai cập. Ai cập được tổ chức theo chế độ Tổng Thống với một Quốc Hội có hai viện rõ ràng, mà Viện dưới có nhiều quyền hành hơn Hạ viện các nước khác. Có một Thủ tướng cầm đầu nội các do Tổng Thống bổ nhiệm. Dân chúng chống ông Tổng Thống là vì ông ấy tại vị quá lâu, 30 năm, và lại có tin là ông ấy muốn đưa người con trai 47 tuổi rất thân thiết với giới tài phiệt, lên kế vị chức Tổng Thống.

Hiện nay, Ai cập đang có sáu nhóm chính trị. Chính đảng cầm quyền là Dân chủ Quốc gia do ông Mubarak làm Chủ tịch. Nhóm Hồi giáo thần quyền cực đoan 'Huynh Đệ Hồi giáo' là nhóm có tổ chức vững chãi lâu đời nhất với sự hậu thuẫn của gần một phần ba dân số, và hiện đang chiếm giữ 88 ghế trong Quốc Hội là nhóm đáng ngại nhất. Cái viễn ảnh đen tối nhất mà Hoa Kỳ và Do Thái lo ngại là nếu nhóm này khuynh loát được tình hình và lãnh đạo Ai cập. Vào lúc đó Ai cập sẽ chẳng khác gì Iran trong đó thần quyền sẽ lấn lướt thế quyền, các giáo chủ Hồi giáo sẽ chi phối hoạt động chính trị toàn quốc. Từ thời Tổng Thống Sadat, Ai cập là nước Trung đông duy nhất phân lập chính trị và tôn giáo. Kể từ ngày Tổng Thống Mubarak bị ám sát hụt, Ai cập đã truy lùng các phần tử Hồi giáo cực đoan và đặt Muslim Brotherhood ra ngoài vòng pháp luật. Các lãnh tụ của nhóm này đã bị bỏ tù và vừa được thoát ngục nhờ dân chúng giải vây. Mặc dù vậy, để chứng tỏ sự ôn hòa trong sinh hoạt chính trị các người theo nhóm này vẫn được chấp nhận cho ứng cử vào Quốc Hội và họ đã đắc cử với số lượng trên 80 người. Ông Mohamed ElBaradei, một nhà khoa bảng Ai cập đã từng cầm đầu cơ quan Giám sát Nguyên tử lực LHQ và sống lâu năm ở nước ngoài đã vừa trở về nước để tham gia biểu tình tranh đấu cho dân chủ. Ông này đứng đầu một nhóm chính trị, không được mạnh cho lắm, và ông đang hợp tác với nhóm 'Huynh Đệ Hồi giáo'. Lúc còn làm cho LHQ, ElBaradei đã có hành vi bao che cho chế độ Iran. Sự việc này sáng tỏ sau khi ông không còn giữ chức vụ ấy.

Trong hai tuần qua, để đối phó với biến động tại Ai cập, Hoa Kỳ lúc đầu đã phản ứng dè dặt. Từ Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton cho đến Tổng thống Barack Obama đều kêu gọi chính phủ Ai cập không nên dùng võ lực với người biểu tình. Chính phủ Mỹ đã gửi một cựu đại sứ Mỹ qua Ai cập nói chuyện với chính quyền bên ấy. Rồi lại có một ông tướng đại diện cho chính-phủ Ai cập sang Mỹ họp với lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ. Tình hình biến chuyển tồi tệ. Dân chúng đang tụ họp biểu tình và nằm lỳ tại công trường Tahir tại thủ đô bỗng dưng bị một nhóm người cưỡi ngựa, lạc đà bất thình lình xông đến tấn công bằng gây gộc. Vào ban đêm, nhóm khác ném bom xăng từ trên cao xuông đoàn biểu tình ở phía dưới. Nhóm biểu tình bị tán loạn và thiệt hại về nhân mạng. Một vài kẻ tấn công bị bắt, người ta truy nguyên ra họ bao gồm vừa cảnh sát chìm của chính phủ, vừa dân du thủ du thực du côn được nhà nước mướn để phá đám nhóm biểu tình. Các tên du côn còn tấn công vào phóng viên báo chí và truyền hình nữa. Kết quả, một ông chụp hình của một tờ báo nhà nước bị tử nạn. Từ ngày tranh đấu, đã có hơn 100 người bị chết. Thế là chính phủ Hoa Kỳ bèn đưa ra lời yêu cầu dứt khoát, Tổng Thống Mubarak cần phải xúc tiến việc chuyển nhượng quyền hành và bước xuống càng sớm càng tốt. Chính quyền Mỹ nói thẳng với ông Mubarak là chuyển-giao chức Tổng Thống cho ông Omar Suleiman để ông này tổ chức bầu Tổng Thống lại trong năm nay.

Các nước trong Liên Hiệp Âu châu cũng có đề nghị tương tự nhưng nói thêm hãy từ từ bầu lại chức Tổng Thống, làm nhanh quá không tốt. Bây giờ ai cũng thấy từ lúc nhà cựu ngoại giao Mỹ đến Cairo và ông tướng Ai cập đến Washington D.C, Hoa Kỳ đã dứt khoát không muốn nhìn thấy ông Mubarak tiếp tục cầm quyền rồi. Tình hình rối rắm như thế này kéo dài lâu chỉ bất lợi cho Mỹ. Nói thẳng thừng, nước nghèo mới phải nhận viện trợ, và khi đã nhận nhiều tiền của người ta thì không còn sức mạnh và chủ động được nữa.

Ở địa vị Hoa Kỳ, chẳng lẽ đã chi ra cả hàng chục tỉ Mỹ kim trong bao nhiêu năm nay lại chịu ngồi chống mắt nhìn tình hình đi ngược mục đích của họ hay sao? Dân chúng Ai cập không phải là không biết Mỹ đã tốn kém quá nhiều cho nước họ với mục đích chỉ muốn nhìn thấy tình hình hòa bình, an ninh và ổn định trong vùng Trung đông; kinh nghiệm xương máu với Do Thái năm xưa mà hậu quả là người chết và mất đất vào tay ngoại bang mà anh em Hồi giáo đã chẳng giúp bảo vệ gì được còn sờ sờ ra đó. Nhờ tự thân thương thảo với kẻ thù Do Thái mà sau bao nhiên năm Ai cập mới thu hồi lại đất đai đã mất. Hoa Kỳ yêu sách ông Mubarack từ chức phù hợp với ý nguyện của dân chúng Ai cập và đồng thời duy trì được giao hảo bình thường với nước này. Làm như thế, có người bảo là xử tệ với đồng minh. Chẳng hề hấn gì cả. Một cá nhân cố đấm ăn xôi, già lão quá, không còn sáng suốt để nhận định tình hình hơn thiệt cho đất nước và dân tộc của mình, ngồi dán như keo vào cái ghế Tổng Thống quá lâu, hưởng thụ không còn thiếu một cái gì do viện trợ Mỹ cung phụng, có phải bước xuống an toàn vào lúc này là phải rồi.

Đồng minh mà Mỹ cần phải duy trì là Ai cập và dân chúng nước này, và đây là thành-phần chính cần yểm trợ. Chính phủ Mubarak trong các ngày qua đã tỏ ra nhượng bộ yêu sách của nhóm biểu tình. Ông Mubarak cho biết ông sẽ không tái tranh cử vào cuối nhiệm kỳ hiện nay, khoảng tháng 9, và ông sẽ không đưa người con trai của ông lên kế thừa sự nghiệp chính trị của ông, ông hứa tăng lương cho binh sĩ. Vào hôm qua, ông Phó Tổng Thống họp với các nhóm đối lập trong đó có Huynh Đệ Hồi giáo và cho biết rằng ông sẽ cho tự do báo chí và rút bớt quyền hạn của cảnh sát nhằm đưa Ai cập trở lại tình trạng bình thường như trước. Nhưng nhóm đại diện người biểu tình dứt khoát đòi ông Tổng Thống phải từ chức. Các thanh niên trẻ tham gia đông đảo trong nhóm biểu tình cho biết họ không có đại diện trong cuộc họp này và sẽ không nói chuyện gì hết với chính phủ cho đến khi nào ông Mubarack ra đi.

Có người dè dặt cho là chính trường Ai cập không khéo sẽ lọt vào tay các nhóm cực đoan. Mặc dù nước này có đến sáu nhóm chính trị khác nhau trong đó nhóm Huynh Đệ Hồi giáo chiếm ưu thế nhờ có tổ chức, nhưng rồi ra họ chưa chắc thành công. Lịch sử cận đại của Ai cập cho thấy kể từ ngày vua Ai cập bị quân đội lật đổ, mặc dù nước này trải qua các kỳ bầu cử nhưng các nhà lãnh đạo quân đội từ đó đến nay đã thay phiên nhau nắm quyền. Quân đội Ai cập là một thành phần hậu-thuẫn vững chắc cho giới lãnh đạo. Chính vì thế mà ông Mubarack, gốc là một ông tướng Không quân, mới ngồi trên ghế Tổng Thống lâu đến thế. Nay thì ông vừa từ chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Quốc gia. Người hy vọng kế vị ông trong chức Tổng Thống sẽ là ông Suleiman cho thời gian chuyển tiếp. Đến bây giờ mà ông Mubarak chịu bước xuống là chuyện bình thường; ông mà vẫn còn ngồi tiếp được đến cuối nhiệm kỳ mới là sự lạ.

Theo lời của Thủ tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu, tuyên bố hôm qua tại Quốc Hội Do Thái, có thể có ba trường hợp sẽ xẩy ra tại Ai cập: Thứ nhất, cải cách dân chủ và tự do, thứ hai, nhóm Hồi giáo sẽ lợi dụng hỗn loạn để giành chính quyền và thứ ba, ông Mubarack sẽ phải thẳng tay đàn áp để đè bẹp đoàn biểu tình giống như Tổng Thống Iran Mamoud Ahmadinejad đã làm khi có cuộc chống đối kết quả bầu cử vào năm 2009 của dân chúng Ba Tư, tức là không thương thảo, chỉ có giết kẻ chống đối mà thôi.

Trong ba cách mà ông Thủ tướng Do Thái nêu ra ở trên xem ra cách thứ nhất là ổn thỏa và ít thiệt hại nhất, vừa giữ được hòa bình vừa giữ được viện trợ. Còn cái cách thứ ba khó có thể thi hành vì, Ai cập không phải là Ba Tư và quân đội sẽ không ra tay bắn phá dã man như Hồi giáo cực đoan Iran được.

Quyết định giải quyết rốt ráo vấn đề sẽ không nằm ở Cairo mà là ở Washington DC. Mỹ không để tình hình vuột khỏi tay dễ dàng, dụa vào kinh nghiệm thất bại bất ngờ tại Iran năm 1979 đâu. Vì đây là một sự việc có liên quan đến Do Thái cho nên cách giải quyết vấn đề phải là không làm cho cả Hoa Kỳ lẫn Do Thái bị thiệt hại về phương diện an ninh. Do Thái là một đồng minh số một của Hoa Kỳ tại Trung đông. Tổng số dân Do Thái tại Israel còn ít hơn số người Mỹ gốc Do Thái trong nội địa Hoa Kỳ. Người Mỹ gốc Do Thái có mặt trong hầu hết cơ cấu công quyền của Mỹ. Ngoài ra trong lãnh vực tư, họ nắm giữ các ngành tài chánh, truyền thông báo chí truyền thanh truyền hình v.v...Chính vì thế, chính giới Hoa Kỳ thường là dựa vào bầu cử, không thể khinh xuất ý kiến của người Do Thái, trong cũng như ngoài nước Mỹ. Kinh nghiệm Việt Nam 1975 còn đó. Vậy chúng ta hãy chờ xem.

Nguyễn Văn Huy