Wednesday, February 2, 2011

US vs Egypt


Hoa Kỳ muốn khởi đầu chuyển quyền ở Ai Cập

Video -msn - USA

CAIRO (Reuters) - Tối khuya Thứ Ba, 1 tháng 2, Tổng Thống Hosni Mubarak xuất hiện trên truyền hình Ai Cập qua một cuốn băng thâu sẵn loan báo sẽ không tái ứng cử sau khi nhiệm kỳ hiện tại chấm dứt vào tháng 9.

Ông nói: “Ðất nước yêu quý này là nơi tôi đã sống, chiến đấu và bảo vệ, cũng là nơi tôi sẽ chết.”

Theo tin của BBC, trước đó đặc sứ Frank Wisner, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ai Cập, đã chuyển thông điệp của Tổng Thống Barack Obama đến Tổng Thống Mubarak đề nghị ông không tái ứng cử cũng như không nên để con ông ra ứng cử. Thông điệp không đề cập trực tiếp đến việc ông Mubarak phải từ nhiệm ngay cũng như trước đó tòa Bạch Ốc đã cho biết Hoa Kỳ không can dự vào việc chọn người lãnh đạo mới ở Ai Cập.

Ba tiếng đồng hồ sau khi Tổng Thống Mubarak tuyên bố không từ chức, Tổng Thống Obama qua cuộc họp với các cố vấn cao cấp ở tòa Bạch Ốc cùng nhiều giới chức an ninh, ngoại giao khác trong đó có Ngoại Trưởng Hillary Clinton, đã điện đàm khoảng 30 phút với tổng thống Ai Cập.

Lần đầu tiên lên tiếng về tình hình Ai Cập trước ống kính thu hình của các phóng viên tại tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama nói rằng sự chuyển quyền “phải có ý nghĩa, trong ôn hòa và phải bắt đầu ngay bây giờ.” Theo lời ông: “Tổng Thống Mubarak ý thức được là nguyên trạng không thể tồn tại được và thay đổi phải được thực hiện.” Tổng Thống Obama nói thêm: “Không bất cứ quốc gia nào có vai trò quyết định về giới lãnh đạo Ai Cập, chỉ có dân chúng Ai Cập có thể làm việc ấy.”

Buổi sáng Thứ Ba hơn 200,000 người Ai Cập, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội từ sinh viên đến bác sĩ cùng những người dân khu xóm nghèo ở đô thị, cùng kéo về trung tâm thủ đô Cairo hôm Thứ Ba trong cuộc biểu tình tuần hành lớn nhất từ trước đến nay để bày tỏ sự phản đối chế độ độc tài từ 30 năm nay của Tổng Thống Hosni Mubarak.

Phất cờ Ai Cập, giơ cao biểu ngữ, hô khẩu hiệu: “Ði đi, Mubarak đi đi,” đoàn người biểu tình bác bỏ những hứa hẹn cải cách của ông Mubarak và nhất định đòi ông phải ra đi. Khoảng 20,000 người khác tụ tập ở thành phố Suez, hô khẩu hiệu đòi đuổi ông Mubarak ra đi.

Nhân vật lãnh đạo phía đối lập, ông Mohamed ElBaradei, nói rằng Tổng Thống Mubarak, năm nay 82 tuổi, phải rời khỏi quốc gia này trước khi phía đối lập đòi cải cách bằng lòng nói chuyện với chính quyền về tương lai của quốc gia đông dân nhất trong khối Ả Rập này.

“Có thể có cuộc đối thoại nhưng điều đó chỉ xảy ra sau khi đòi hỏi của người dân được đáp ứng và điều đầu tiên là Tổng Thống Mubarak phải ra đi,” ông tuyên bố với đài truyền hình Al Arabiya, nói rằng các cuộc thảo luận sẽ bao gồm các thỏa thuận chuyển tiếp và giải tán Quốc Hội.

Khả năng kiểm soát tình thế của Tổng Thống Mubarak rõ ràng suy yếu hẳn đi sau khi quân đội vào tối ngày Thứ Hai công nhận quyền chính đáng của người biểu tình và khẳng định sẽ không nổ súng bắn vào họ, coi như trao lại quyền làm chủ đường phố cho phía thành phần chống đối sau khi họ kêu gọi huy động một triệu người tham gia các cuộc biểu tình tuần hành trên khắp nước để phản đối ông Mubarak.

Các binh sĩ trấn đóng tại công trường Tahrir, nơi trở thành điểm tập trung của cuộc biểu tình phản đối đàn áp và nghèo đói, dựng hàng rào kẽm gai nhưng không cản trở hành động của người biểu tình.

“Chúng tôi đã làm xong phần khó nhất. Chúng tôi đã chiếm được đường phố,” theo lời một người trong đoàn biểu tình, ông Waild Abdel-Muttaleb, 38 tuổi. “Nay đến phiên thành phần trí thức và chính trị gia cùng nhau đưa ra giải pháp cho chúng tôi.”

Người biểu tình treo hình nộm của ông Mubarak trên các cột đèn và một số mang theo một quan tài bằng giấy.

Ðám đông biểu tình có đủ thành phần, từ luật sư cho đến công nhân và sinh viên, cho thấy sự chống đối sâu rộng trong quần chúng đối với ông Mubarak. Nam và nữ giới đứng cạnh nhau, nắm tay cùng tham dự biểu tình.

Cuộc nổi dậy của dân chúng, quá căm phẫn với tình trạng tham nhũng, đàn áp và khó khăn kinh tế, bùng ra tám ngày trước đây và nhanh chóng lan ra khắp nơi trong nước tạo nên cuộc khủng hoảng chưa từng thấy trong chế độ độc tài, được bảo vệ bởi thành phần an ninh mật vụ, cai trị Ai Cập trong sự sắt máu từ 30 năm qua.

Sự sụp đổ của chế độ Mubarak sẽ đưa đến một thời đại mới trong lịch sử Ai Cập và vẽ lại bản đồ địa dư chính trị của vùng Trung Ðông, với những ảnh hưởng lớn lao đến Washington và các đồng minh từ Israel cho đến Saudi Arabia.

“Sự chuyển tiếp nay đã khởi sự,” theo lời Steven Cook thuộc cơ quan nghiên cứu tư nhân Council on Foreign Relations.

“Vấn đề quan trọng hiện nay là điều hành việc ra đi của Mubarak, vốn phải hết sức nhẹ nhàng trong lúc này. Vì lý do sĩ diện, thành phần tướng lãnh sẽ không chấp nhận hình thức nào khác.”

Ðặc sứ Hoa Kỳ Frank Wisner, từng là đại sứ Mỹ ở Cairo, được gửi đến Ai Cập để tìm hiểu tình hình và gặp giới chức lãnh đạo nơi đây.

Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, hôm Thứ Hai bày tỏ sự lo ngại rằng Ai Cập có thể sẽ trở thành một quốc gia Hồi Giáo quá khích như trong trường hợp Iran. Ông nói ông hy vọng thỏa ước hòa bình giữa Israel và Ai Cập ký kết năm 1979 sẽ tiếp tục được tôn trọng. Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng ông Mubarak nên lắng nghe đòi hỏi của người dân trong nước. Ủy viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay cho hay cuộc biểu tình hôm Thứ Ba có thể là giai đoạn then chốt trong tiến trình chuyển đổi sang thể chế dân chủ của Ai Cập và kêu gọi quân đội cùng cảnh sát quốc gia này hãy có sự tự chế.

Quân đội Ai Cập, có ảnh hưởng quan trọng trong chính trường quốc gia này kể từ khi lật đổ vua Farouk năm 1952, sẽ có vai trò chính trong việc quyết định ai sẽ lên thay thế ông Mubarak. Một số phân tích gia cho rằng quân đội Ai Cập sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng của mình trong khi đưa ra các biện pháp cải cách đủ để làm vừa lòng dân chúng. (V.Giang)

Nguồn nguoi-viet