Wednesday, August 31, 2011

Hà Giang


Chân dung người Mỹ gốc Việt qua Census 2010

Tài liệu chính thức của Census 2010, vừa được công bố, cho thấy một cộng đồng gốc Việt năng động, trẻ hơn tuổi trung bình toàn quốc, và lớn hàng thứ tư trong số di dân gốc Á tại Hoa Kỳ. Mặc dầu tốc độ gia tăng dân số gốc Việt chậm lại trong 10 năm qua, cộng đồng chúng ta “nói tiếng Việt ở nhà” nhiều hơn các sắc dân khác. Trong 10 năm, dân số gốc Việt tăng gần nửa triệu người, và ngay tại thời điểm này, tổng số người mang họ Việt Nam tại Hoa Kỳ là: 1,548,449

Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ có tổng cộng 1,548,449 người,theo công bố chính thức của thống kê dân số 2010 (Census 2010).(Hình  phải: 10 quận có cộng đồng gốc Việt lớn nhất Hoa Kỳ, theo thống kê dân số Census 2010. Cả 3 quận đứng đầu đều thuộc về tiểu bang California. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Như vậy, trong vòng một thập niên, từ năm 2000 đến 2010, cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ tăng thêm 425,921 người, tương đương 38%.
Và cộng đồng chúng ta trở thành sắc dân châu Á đông thứ tư tại Hoa Kỳ, sau Trung Quốc (gần 3.5 triệu), Ấn Ðộ (gần 3 triệu) và Philippines (2.5 triệu).

Dân Số Gốc Á tại Hoa Kỳ:

Trung Quốc: 3,347,229
Ấn Ðộ: 2,843,391
Philippines: 2,555,923
Việt Nam: 1,548,449
Hàn Quốc: 1,423,784
Nhật Bản: 763,325
Các sắc dân Á Châu khác: 2,192,151

Khoảng 3/4 người Mỹ gốc Việt tập trung ở 10 tiểu bang; với tiểu bang đông nhất là California. Ðứng thứ nhì là Texas, thứ ba là tiểu bang Washington.(Hình phải: Di dân gốc Việt chiếm hơn 9% tổng di dân gốc Á tại Hoa Kỳ. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt).
Mười tiểu bang đông dân gốc Việt nhất bao gồm: California (581,000); Texas (210,000); Washington (67,000); Florida (58,000); Virginia (54,000); Georgia (45,000); Massachusetts (43,000); Pennsylvania (39,000); New York (29,000); và Louisiana (28,000).

Cộng Ðồng Gốc Việt, 2000-2010:

Năm 2000: 1,122,528 người
Năm 2010: 1,548,449 người
Tăng: 425,921 người (37.9%)

Tính theo các khu vực đô thị (metropolitan area), vùng Los Angeles – Long Beach – Santa Ana đông dân Việt Nam nhất, với 271,000 người. Kế đến là vùng San Jose – Sunnyvale – Santa Clara với 126,000 người; vùng Houston – Sugar Land – Baytown với 104,000 người; Dallas – Fort Worth – Arlington với 72,000 người; và Washington DC – Arlington – Alexandria 59,000 người.(Hình  phải: Trong 10 năm, từ 2000 đến 2010, cộng đồng gốc Việt tăng 37.9% dân số, thấp hơn các sắc dân gốc Á khác. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt).

Xếp theo thành phố, và theo con số tuyệt đối, các thành phố đông dân gốc Việt nhất bao gồm: San Jose 59,000 người; Garden Grove 47,000 người; Westminster 36,000 người; Houston 35,000 người; và San Diego 33,000.

Tuy nhiên, xếp theo tỷ lệ gốc Việt so với cư dân toàn thành phố, “vương miện” được trao cho thị trấn Midway, California, với 41% cư dân gốc Việt (Tuy vậy, thị trấn Midway không có quy chế thành phố, và vì thế không có cơ cấu chính quyền riêng).Ðứng sau thị trấn Midway là các thành phố khác, cũng thuộc California: Westminster (40%); Garden Grove (27.7%); Fountain Valley (21%).
Thành phố Morrow City, thuộc tiểu bang Georgia, có tỷ lệ gốc Việt khá cao: 20%.

10 Tiểu Bang Ðông Người Việt Nhất:

California: 581,946 (tăng 30% trong 10 năm)
Texas: 210,913 (tăng 56% trong 10 năm)
Washington: 66,575 (tăng 44% trong 10 năm)
Florida: 58,470 (tăng 76% trong 10 năm)
Virginia: 53,529 (tăng 43% trong 10 năm)
Georgia: 45,263 (tăng 56% trong 10 năm)
Massachusetts: 42,915 (tăng 26% trong 10 năm)
Pennsylvania: 39,008 (tăng 30% trong 10 năm)
New York: 28,764 (tăng 21% trong 10 năm)
Louisiana: 28,352 (tăng 16% trong 10 năm)

(Hình phải: Cứ 100 người gốc Việt tại Mỹ, có 12 người sống ở mức nghèo khó. Theo tiêu chuẩn này, cộng đồng gốc Việt chỉ “giàu” hơn 2 cộng đồng gốc Á khác, là Hmong và Cambodia. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)
Từ thập niên 1970s đến thập niên 1990s, dân số gốc Việt tại Hoa Kỳ tăng nhanh đáng kể, một phần do làn sóng di dân cao. Kể từ năm 2000, nhịp gia tăng dân số gốc Việt bắt đầu chậm lại, ở mức 38%.

Census 2010 trích dẫn thống kê của American Community Survey (ACS) phổ biến năm 2007, cho biết, so với các cộng đồng khác, di dân gốc Việt có tỷ lệ “sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà” tăng mạnh nhất (511%), tính từ năm 1980 đến 2007.
Về tuổi tác, ACS cho biết tuổi trung vị của cộng đồng gốc Việt là 35.4, so với 35.7 của các sắc dân Á Châu, và 36.8 của toàn quốc Hoa Kỳ.

10 Thành Phố Ðông Người Việt Nhất:

San Jose, California: 100,486
Garden Grove, California: 47,331
Westminster, California: 36,058
Houston, Texas: 34,838
San Diego, California: 33,149
Santa Ana, California: 23,167
Los Angeles, California: 19,969
Anaheim, California: 14,706
Philadelphia, Pennsylvania: 14,431
New York city, New York: 13,387
 
 
Trong tổng số gần 1.6 triệu người Việt hiện đang ở Mỹ, giới trẻ 17 tuổi trở xuống chiếm 26%, so với 44% của cộng đồng người Hmong, 28% của người Cam Bốt, và 27% của người Lào, và so với 20% của toàn quốc.
Người gốc Việt trên 65 tuổi tại Hoa Kỳ chiếm 8% so với cộng đồng già nhất là Nhật Bản (22%) và so với 13% trên toàn quốc.
Về gia cảnh, 57% người gốc Việt có gia đình, 31% chưa bao giờ lập gia đình, khoảng 7% ly dị, 1% ly thân, và 4% góa vợ (hoặc chồng).Hình  phải: 22% người Mỹ gốc Việt được sinh ra tại Mỹ; số còn lại sinh ra bên ngoài nước Mỹ. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Về mặt kinh tế, số gia đình gốc Việt sống dưới mức nghèo khó chiếm 12%, so với 25% của người Hmong (nghèo nhất), và 10% của toàn quốc. Mức nghèo khó năm 2011 do chính quyền liên bang ấn định cho một gia đình 4 người là lợi tức dưới $22,350 một năm.
Gia đình trung bình của người Việt có 4 người và lợi tức trung bình $59,000 một năm so với $47,000 của người Hmong (thấp nhất), $99,000 của người Ấn Ðộ (cao nhất), và $62,000 của toàn quốc.
Tỷ lệ người gốc Việt trên 16 tuổi có công ăn việc làm là 67%, đứng hàng thứ Tư trong cộng đồng di dân Á Châu, vào nhỉnh hơn tỷ lệ toàn quốc, 65%.
Khoảng 65% gia đình gốc Việt làm chủ căn nhà mình đang ở, (ngang với cộng đồng người Philippines) so với 48% của người Hmong và 66% của toàn quốc.

Census 2010 trích dẫn bản tường trình của Survey of Business Owners (SOB) công bố năm 2007 cho biết số cơ sở thương mại do người Việt làm chủ tăng 56% từ năm 2002 đến nay so với 40% của các sắc dân Á Châu khác.
Cũng theo bản tường trình năm 2007 của SOB, số cơ sở thương mại của người gốc Việt lên tới 229,000, tương đương 15% của toàn bộ di dân gốc Á, với doanh thu $28.8 tỷ một năm.

Gần 30,000 trong số những cơ sở thương mại này là các công ty tạo ra công ăn việc làm, mướn tổng cộng 166 ngàn nhân viên, với doanh thu $21 tỷ trong năm 2007, tăng 82% so với năm 2002.
Gần 67% cơ sở thương mại của người gốc Việt thuộc ngành bảo trì, sửa chữa, dịch vụ cá nhân, giặt giũ và bán lẻ, chiếm con số cao nhất trong nhóm di dân Á Châu.(Hình phải: Trong 5 năm, từ 2002 đến 2007, cộng đồng doanh nghiệp gốc Việt tại Mỹ có thu nhập cao hơn. (Hình: Khoa Vũ/Người Việt)

Về việc thực thi quyền công dân, nhìn chung người Mỹ gốc Á ghi danh đi bầu và thực sự đi bầu ít hơn người dân bản xứ.
Census 2010 trích thống kê của Current Population Survey (CPS) công bố năm 2008 cho thấy tỷ lệ di dân gốc Á ở tuổi đi bầu khá thấp, ở mức 55% so với 71% của toàn quốc.
Ðã thế, chỉ có 48% người ở tuổi này ghi danh đi bầu, so với 64% của toàn quốc.
Cũng theo tài liệu của CPS, người nhập tịch Hoa Kỳ gốc Á ghi danh đi bầu đông hơn những người gốc Á sinh ra ở Mỹ.

 Còn theo dữ liệu của ACS cho thời gian từ 2007 đến 2009, khoảng 68% di dân gốc Việt được sinh ra ở ngoài đất nước Hoa Kỳ, trong đó 73% đã có quốc tịch Mỹ.
Nhìn một cách tổng quát, cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ tương đối trẻ, xét về tuổi (35.4), tỷ lệ giới trẻ từ 17 tuổi trở xuống (26%), và tỷ lệ người 65 tuổi trở lên (8%), so với các con số tương ứng 36.8, 20% và 13% cho toàn quốc.

Với khuynh hướng gia đình, người gốc Việt có tỷ lệ ly dị 6%, thấp hơn tỷ lệ chung toàn quốc (11%), và đơn vị gia đình (3.9 người/gia đình) cũng đông hơn tỷ số trung bình toàn quốc, 3.1.

 Về đời sống kinh tế, cộng đồng gốc Việt có mức lợi tức trung bình hàng năm hơi thấp ($59,000) so với $62,000 toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ người gốc Việt làm chủ căn nhà mình đang ở là 65% so với 66% của toàn quốc cho thấy tính cần kiệm và quan điểm “an cư lạc nghiệp” của cộng đồng chúng ta.

Hà Giang

Tuesday, August 30, 2011

Trần Gia Phụng


2-9, Ngày Quốc Nạn Độc Tài


Chế độ Cộng Sản Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ ngày 2-9-1945. Ngày nầy đánh dấu sự khởi đầu quốc nạn độc tài đảng trị toàn trị trên đất nước chúng ta cho đến ngày nay.

1.- CHỦ TRƯƠNG ĐỘC QUYỀN CAI TRỊ

Ngày 2-9-1945, đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) và Mặt trận Việt Minh (VM), một tổ chức ngoại vi của đảng CSĐD, cướp chính quyền. Lúc đó, đảng CSĐD chỉ có khoảng 5,000 đảng viên. (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam đe 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 182.) Những người nầy thuộc ba nhóm chính: (1) Nhóm theo Hồ Chí Minh từ khi còn hoạt động ở Trung Quốc. (2) Nhóm trong nước từ thời Trần Phú và trước đó. (3) Nhóm từ Liên Xô đi thẳng về miền Nam. Tuy nhiên cả ba nhóm đều thuộc đảng CSĐD, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Trung ương đảng CSĐD, và nằm trong hệ thống CSQT do Liên Xô lãnh đạo.

Đảng CSĐD và Mặt trận VM thành công là nhờ lúc đó quân đội Nhật Bản đầu hàng Đồng minh ngày 14-8-1945, hạ võ khí, và hoàn toàn không chiến đấu; trong khi chính phủ Trần Trọng Kim không có bộ Quốc phòng, không có quân đội để bảo vệ trật tự, an ninh. Do đó, bộ đội VM một mình thao túng, cướp chính quyền và công bố thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945.

Ngày 11-9-1945, tức chỉ gần 10 ngày sau khi chính phủ VNDCCH ra mắt, hội nghị Trung ương đảng CSĐD tại Hà Nội đưa ra nguyên tắc căn bản là đảng CSĐD nắm độc quyền điều khiển mặt trận VM, và một mình thực hiện cách mạng. (Philippe Devillers, sđd. tr. 143.) Đảng CSĐD nắm độc quyền mặt trận VM. Mặt trận VM đang nắm chính quyền, cai trị đất nước. Như thế có nghĩa là đảng CSĐD độc quyền cai trị đất nước.

Do chủ trương độc tôn quyền lực, VMCS thực hiện hai kế hoạch: Thứ nhất tiêu diệt tất cả những thành phần đối lập, theo chủ nghĩa dân tộc. Thứ hai, thương thuyết với các thế lực nước ngoài (Trung Quốc và Pháp) nhằm duy trì quyền lực.

Kế hoạch tiêu diệt thành phần đối lập được VM gọi là “giết tiềm lực”. Chỉ những ai chịu sự điều động của VM, thì được tồn tại. Còn những ai có năng lực nhưng không hợp tác với VM, dầu không chống đối VM, cũng bị VM tiêu diệt để loại bỏ những khả năng tiềm ẩn, có thể bất lợi về sau cho VM. Cho đến nay chưa có thống kê đầy đủ tổng cộng số người bị VM sát hại vì lý do chính trị và tôn giáo từ cấp cao nhất ở trung ương và các thành phố lớn, đến cấp thấp ở các làng xã trên toàn quốc, trong giai đoạn từ khi VM nắm quyền năm 1945. Con số phỏng chừng không dưới một trăm ngàn người trên toàn quốc trong cuộc giết tiềm lực của VM. Con số xem ra lớn lao, nhưng tính trung bình từng tỉnh hoặc thành phố, nhân lên tổng số tỉnh trên toàn quốc thì sẽ thấy rõ. Xin chú ý thêm rằng những người bị VM giết đa số là nhân tài của đất nước, có thể nguy hiểm cho cộng sản, nên mới bị cộng sản giết.

2.- BƯỚC ĐẦU THI HÀNH ĐỘC TÀI.

Việt Minh nắm hết ngay tất cả những phương tiện truyền thông, đài phát thanh, các nhà máy in, các cơ sở sản xuất giấy và buôn bán giấy. Báo Cứu Quốc của mặt trận VM trước đây phát hành bí mật, nay ra công khai từ ngày 24-8-1945. Báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận của nhà nước VM, xuất bản số đầu ngày 5-12-1945. Việt Minh thành lập ban chỉ đạo báo chí và văn sĩ, huấn luyện cán bộ tuyên truyền cho chế độ để hướng dẫn quần chúng.

Ngay khi vừa được thành lập, tuy chưa có quốc hội để quyết định, chính phủ VNDCCH đặt thủ đô tại Hà Nội. Ngày 5-9-1945, bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký văn thư quy định quốc kỳ là “Cờ đỏ sao vàng”, vốn là cờ của mặt trận Việt Minh, và bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao là quốc ca.

Lúc đó, quốc kỳ của CSVN có ngôi sao vàng ở giữa mập đầy, chứ không thon và sắc cạnh như về sau. Cờ nầy phỏng theo cờ của các đảng CSTH và Liên Xô. Theo tài liệu của CSVN, quốc kỳ và quốc ca của nhà nước VM đã được quyết định tại “Đại hội đại biểu quốc dân” ngày 16-8-1945 ở Tân Trào. (Bộ Quốc Phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tr. 911.)

Về hành chánh, VM ban hành sắc lệnh ngày 5-9-1945 dẹp bỏ toàn bộ hệ thống quan lại cũ ở thành thị cũng như hào lý ở nông thôn, và lập ra những Uỷ ban nhân dân trên toàn quốc theo các cấp xã, huyện, tỉnh, bộ (kỳ). Uỷ ban nầy gồm những cán bộ VM và những người thân VM, trong đó đa số chưa thông thạo công việc hành chánh.

Nghị định ngày 8-9-1945 quy định tổ chức phổ thông đầu phiếu trong vòng hai tháng để bầu cử Quốc dân đại biểu đại hội (Quốc hội lập hiến). Tất cả công dân trên 18 tuổi đều được ứng cử và bầu cử, không phân biệt giới tính (nam, nữ), sắc tộc.

Tuy nói là hai tháng, nhưng VMCS tìm cách trì hoãn bầu cử. Mãi đến khi các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc, từ Trung Quốc trở về Việt Nam sau thế chiến thứ hai, đòi hỏi quyết liệt, quốc hội lập hiến mới được bầu ngày 6-1-1946. Do sự chỉ định và áp đặt của VM, đa số đại biểu VM và than VM đắc cử. Chỉ có một thiểu số nhân vật các đảng phái được đưa vào quốc hội. Cựu hoàng Bảo Đại cho biết sau khi ra Hà Nội, ông bị đưa đi “nghỉ mát” ở Thanh Hóa. Việt Minh cho người đến mời ông ứng cử. Ông không tranh cử, nhưng lạ lùng là ông vẫn được đắc cử ở Thanh Hóa với số phiếu là 92% cử tri đi bầu. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nguyễn Phước tộc xuất bản, 1990, tt. 221-222.)

Quốc hội soạn xong bản hiến pháp và thông qua ngày 9-11-1946, gồm “Lời nói đầu”, 7 chương và 70 điều. Lúc đó, các lãnh tụ đối lập với VM bị khủng bố đã rút lui hay bỏ qua Trung Quốc, không còn ai đối lập với VM. Vì vậy, Hiến pháp chưa được chính phủ ban hành, thì ngày 14-11-1946 quốc hội gồm đa số đại biểu VM còn lại, tuyên bố đình chỉ thi hành hiến pháp vừa thông qua. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, 1945-1964, Sài Gòn: 1965, California: Nxb Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 28.)

Trong chế độ cộng sản đảng trị, nhà nước VM chỉ là cánh tay nối dài của đảng CS và chỉ tuân theo những nghị quyết của đảng bộ cộng sản, thường được gọi là đảng ủy các cấp, từ trung ương xuống địa phương, chứ không theo luật pháp quy định. Nghị quyết là quyết định của một nhóm người (tức các đảng bộ VM) đưa ra trong một hội nghị, theo từng hoàn cảnh, chủ quan chính trị và quyền lợi của nhóm người đó. Vì vậy, để độc tôn quyền lực, nhà nước VM không cần đến hiến pháp nhằm tránh bị hiến pháp ràng buộc.

Ngày 11-9-1945, Hồ Chí Minh gởi thông báo cho các tỉnh trên toàn quốc, chỉ dẫn cách thức tổ chức Ủy ban nhân dân tỉnh. Mỗi ủy ban tỉnh gồm có từ 5 đến 7 người: chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký, và 4 ủy viên (chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội). Ủy viên chính trị có nhiệm vụ thành lập tòa án nhân dân trừng trị những kẻ phạm tội, trái luật, do thám, Việt gian, tuyên truyền và huấn luyện chính trị cho nhân dân. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, sđd. tt. 21-23.)

Việt gian là từ ngữ xuất hiện từ năm 1945 mà VM dùng để chỉ những người không đồng chánh kiến với VM, theo các đảng phái khác, hay cộng tác với người Pháp hoặc người Nhật (VM gọi là tay sai). Việt Minh muốn hãm hại ai, thì chỉ cần chụp mũ Việt Gian là bắt giết. Trong khi đó, Hồ Chí Minh và VM cộng tác và làm tay sai cho Liên Xô và Cộng sản Trung Quốc thì sao?

Về danh xưng các đơn vị hành chánh, ngày 14-9-1945, VM lấy tên danh nhân hay tên cán bộ cộng sản đặt tên các địa phương, thay thế tên cũ. Đại khái tên các thành phố và tỉnh thành như sau: Thành phố Hoàng Diệu (Hà Nội); Nguyễn Trãi (Hà Đông); Đề Thám (Bắc Giang); Lý Thường Kiệt (Bắc Ninh); Ngô Duy Phường (Thái Bình); Tán Thuật (Hưng Yên); Trần Hưng Đạo (Nam Định); Hoa Lư (Ninh Bình); Trưng Trắc (Phúc Yên); Nguyễn Thái Học (Vĩnh Yên); Đội Cấn (Thái Nguyên); Ngô Quyền (Sơn Tây); Tô Hiệu (Hải Phòng); Phạm Ngũ Lão (Hải Dương); Thái Phiên (Đà Nẵng); Trần Cao Vân (Quảng Nam); Lê Trung Đình (Quảng Ngãi); Cao Thắng (Phú Yên); Nguyễn Huệ (Quy Nhơn) …

Tuy nhiên, người Việt không có thói quen dùng tên người để đặt tên thành phố theo kiểu Tây phương, nên ngày 9-10-1945, Hội đồng chính phủ quyết định các địa phương đều phải lấy lại tên cũ. Trong thời gian nầy, chính phủ VM chia nước thành 14 khu, vừa có tính chất hành chính, vừa có tính chất quân sự, và dùng con số để đặt tên các khu. Bắc Bộ có 7 khu (1, 2, 3, 10, 11, 12, 14). Trung Bộ có 4 khu (4, 5, 6, 15). Nam Bộ có 3 khu (7, 8, 9). Số thứ tự các khu về sau sẽ được điều chỉnh.

Điều đáng nói thêm là để thi hành chủ trương độc tài đảng trị, đảng CS và VM áp dụng chính sách “giáo dục phục vụ nhân dân” hay “giáo dục phục vụ chính trị”. Đó là nền giáo dục nhằm mục đích trên lý thuyết là phục vụ nhân dân, phục vụ công nhân lao động, nhưng trên thực tế là phục vụ chính trị, tức phục vụ chế độ do đảng CSĐD lãnh đạo.

Chính sách nầy do thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn nhập cảng từ Liên Xô. Có người cho rằng chính sách nầy ở Liên Xô do bộ trưởng Liên Xô là Kalenikov (?) đưa ra. Nguyễn Khánh Toàn có tên Nga là Minin, đã tòng học tại Học viện Thợ thuyền Đông phương (Université des Travailleurs d’Orient) ở Moscow (Liên Xô) từ năm 1928 đến năm 1931.

Trong nền giáo dục nầy, chương trình học tập cho học sinh theo đúng lập trường đảng CSĐD, nhất là các môn nhân văn (quốc văn, sử địa, công dân hay chính trị). Chỉ những người có thẩm quyền trong đảng mới được soạn sách giáo khoa và sách giáo khoa được xem là pháp lệnh, không giáo viên nào được giảng dạy ra ngoài sách giáo khoa. Giáo viên, học sinh đều phải “hồng” hơn “chuyên”, tức phải mang tính đảng hơn là khả năng chuyên môn. Với một nền giáo dục như thế, CSVN chỉ đào tạo được những người biết vâng lời hơn là biết suy nghĩ. Cộng sản chỉ cần như thế để ap đặt chế độc độc tài toàn trị. Tuy nhiên, chính đó là nguyên nhân suy thoái của Việt Nam ngày nay.

Chỉ sơ lược như trên, rõ ràng ngày 2-9 chẳng có gì vui mừng để gọi là “quốc khánh”, mà là ngày mở đầu cho quốc nạn và quốc nhục độc tài đảng trị và toàn trị của dân chúng Việt Nam.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 30-8-2011)

Monday, August 29, 2011

Ngọc Lan


Tâm Trương, thợ may của những người nổi tiếng


WESTMINSTER (NV) - Dù “navigator” báo đến nơi rồi, tôi vẫn loay hoay chưa nhìn thấy được đâu là cái nhà may mà nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới ca sĩ, thể thao nhà nghề của Mỹ thường tìm đến để đặt may cho mình những bộ đồ veste ưng ý. (Tâm Trương, thợ may của những người nổi tiếng. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bởi đó là một khu thương mại nhỏ, chừng mươi tiệm, khá cũ kỹ nằm trên đường Goldenwest, gần góc Westminster. Ðưa mắt nhìn qua nhìn lại nhiều lượt, tôi mới phát hiện ra được cái bảng hiệu khiêm tốn của tiệm may Tam Tailor nằm phía trên lầu.

Tiếp tôi tại tiệm chuyên may áo sơ mi và đồ veste, vào lúc 9 giờ sáng là một người đàn ông cao chừng 5 feet 6, ngoài 70, dáng gầy gầy, đeo kính gọng vàng, áo sơ mi xanh, quần kaki tươm tất. Ông có giọng nói nhỏ, tiếng người Quảng Nam, thân thiện.

Người đàn ông đó chính là Tâm Trương, thợ may của không ít người nổi tiếng trong giới thể thao, ca sĩ, và các xướng ngôn viên truyền hình của đài số 4, số 9, như Edwin Moses, Jaret Wright, Rod Stewart, Eric Johnson, Will Downing, Emmanuel Lewis.

Rách quá nên đi học nghề may

“Khoảng năm 1952, làng Lệ Trạch quê tôi, ở Quảng Nam, đói rách quá. Khi đó tôi có một người bạn cùng xóm. Bạn tôi nói nếu thoát khỏi làng này, nó sẽ đi tìm học làm nông nghiệp để kiếm cơm, trước là cho mình ăn, sau là giúp người khác. Tôi thì nghĩ, ‘mẹ, rách quá như vầy thì tôi đi học nghề may cho rồi.’” Ông nhớ lại nguyên nhân đưa đẩy ông đến với công việc may vá.

Thế là ở tuổi 15, ông Tâm khăn gói đi tìm ông bác ở Qui Nhơn, tên Trương Quý Thích, một thợ may xưa chuyên may đồ cho lính ngự lâm quân, sau đó chuyên may đồ đầm cho Tây, để học nghề.

“Vài năm sau, tôi lại vô Sài Gòn học tiếp. Tôi học việc ở một tiệm may số 52 đường Tự Do. Ðây là nhà may của những người từ Bắc di cư vô. Ban ngày học việc, ban tối tôi đi học thêm tiếng Anh.” Người thợ may kể.

Sau khi thành nghề, ông Tâm “trở lại Qui Nhơn mở một tiệm may lớn lắm,” và “do biết chút ít tiếng Anh nên nhiều sư đoàn Mỹ đóng ở đó dồn hết vô tiệm để may đồ”.

Ông cười hóm hỉnh, nói vừa đủ nghe, “Lúc đó dễ kiếm tiền lắm. Mới hai mươi mấy tuổi mà tôi đã làm được căn nhà lớn 3 tầng.

Khách hàng của ông Tâm Trương, những người nổi tiếng trong giới thể thao, ca sĩ, và các xướng ngôn viên truyền hình của đài số 4, số 9... như Edwin Moses, Jaret Wright, Rod Stewart, Eric Johnson, Will Downing, Emmanuel Lewis, đội football Pittsburgh Steelers, v.v. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tháng 10 năm 1980, ông Tâm “đăng ký” theo diện người Hoa để đi vượt biên, lấy tên là Trương Muối - đây cũng chính là lý do vì sao nhiều người Mỹ vẫn gọi ông là “Muoi”. Nhiều năm đầu ở Mỹ, ông vẫn mang tên trên giấy tờ là “Muối Trương”. Ðến khi vào quốc tịch, “Tôi mới đổi lại được thành Tâm Trương.”

Gần một năm rưỡi ở trại tị nạn Hồng Kong, ông Tâm vẫn thể hiện khả năng may vá của mình bằng cách “lật đế chiếc dép lên làm bàn cắt, vô trạm xá xin kim chỉ của mấy người y tá, cùng những chiếc váy mà họ bỏ, rồi may thành quần short cho mấy anh thanh niên trong trại mặc”.

“Bởi lúc đó có ai có đồ đạc gì đâu. Vậy mà mỗi ngày tôi cũng may tay như vậy được 2 cái đó.” Ông lại cười một cách thú vị khi nhớ lại chuyện xưa.

Cơ may trên đất Mỹ

Sang Mỹ, ông Tâm vô trường Orange Coast College học để biết thêm tiếng Anh, đồng thời học thêm các lớp may có trong trường.

Khi nhận ra người sinh viên mới này thực sự đã là một thợ may giỏi, những người ở trường giới thiệu cho ông một khách hàng là luật sư. Rồi ông luật sư này lại giới thiệu thêm cho ông những người khách khác.

Những người ở trường OCC còn hướng dẫn ông nên tìm đến “những khu nhà giàu hỏi xem họ có may đồ không”.

“Tôi dạn lắm. Tôi lái chiếc xe cũ rích, đến gõ cửa nhà họ nói rằng tôi mới tới, họ có đồ đứt chỉ, đồ rách cần vá, hay có cần may đồ gì không, cái gì tôi cũng làm được hết.” Người đàn ông gầy gầy ngoài 70 này dường như rất vui khi nhớ lại những năm đầu khó khăn của mình trên đất khách.

Ông nói, “Khi xâm nhập được vào những ngôi nhà đó thì người này lại giới thiệu cho người kia, khách của tôi từ xưa giờ không có người Việt.”

“Tôi thấy, ủa sao làm có tiền được dữ vậy nè,” ông lại cười.

Theo lời gợi ý của một khách hàng, ông đến xin làm thợ may cho một tiệm may lớn ở khu South Coast Plaza.

Ông Tâm kể, một lần, có người khách từng là lính biệt kích Mỹ tham chiến ở Việt Nam đến tiệm thử đồ. Trông thấy ông, người khách hỏi, “Có biết ăn nước mắm không?” Dĩ nhiên ông trả lời, “Có”.

Người cựu lính Mỹ theo ông về nhà cho biết. “Ổng nhìn gia cảnh thê thảm của tôi lúc đó, ổng nói cứ yên tâm sang đến Mỹ thì đừng lo gì nữa.”

Hai ngày sau, vị khách trở lại “đùm đề lương thực đủ thứ” cho ông.

Chưa hết, “sau đó ổng dẫn người bạn của ổng đến may đồ”. Người bạn đó chính là vận động viên thể thao nổi tiếng của Mỹ Edwin Moses.

Người thợ may nhớ lại, “Khi nhìn thấy Edwin Moses, hàng xóm chạy tới chụp hình lung tung thiên hết mà tôi thì không biết chuyện gì. Tôi đâu có biết ổng là ai.”

Ông cựu biệt kích Mỹ và Edwin Moses, người vận động viên đoạt không biết bao nhiêu là huy chương vàng trong các kỳ thế vận hội, đi mua vải và đặt người thợ may gốc Việt này may cùng lúc “bốn mươi mấy bộ đồ,” dù khi đó ông Tâm lập nên tiệm may của mình “chỉ tốn có $90, gồm cái bàn để cắt, cái bàn ủi, cái màn treo cho thử đồ, và chiếc máy may, tất cả đặt trong garage”.

“Ðó như là một cơ hội cho tôi.” Ông Tâm nói.

Hài lòng với những bộ trang phục của mình, Edwin Moses lại giới thiệu cho ông những người bạn vận động viên khác của ông ta.

Thợ may cho những người nổi tiếng

Theo lời kể của ông Tâm, mấy năm sau, có người từ Los Angeles dẫn một người chuyên lo trang phục cho ca sĩ Rod Stewart tới tìm ông hỏi “Ông có làm được không.” “Cái gì tôi cũng làm được,” người thợ may trả lời.

“May đồ cho ca sĩ Rod Stewart đâu chừng một năm thì tôi mua được cái nhà. Lấy nhà đó làm tiệm may tiếp.” Ông nói.

Khi có nhiều người nổi tiếng biết đến thợ may Tam Truong hay Muoi Truong, theo lời khuyên của họ, ông không may ở nhà nữa mà đi thuê một chỗ mở tiệm, có treo bảng hẳn hoi.

“Ðó là năm 1991, tôi gắn luôn với tiệm này đến giờ.” Ông nói về tiệm may cũ kỹ mang tên Tam Tailor của mình trên đường Goldenwest.

May trang phục cho những người nổi tiếng, những người nhà giàu, không đồng nghĩa với chuyện khách sẽ đến tiệm may, mà phần lớn, người thợ may sẽ “bay” đến nơi họ ở.

Chính vì như vậy nên “khắp nước Mỹ này tôi đi gần hết rồi, đi theo những đội thể thao như Pittsburgh Steelers để may cho các cầu thủ, rồi đi qua England, Paris, Japan... khi những gia đình giàu có tổ chức đám cưới ở đó thì mình cũng đi theo làm đồ, thử đồ. Cũng đã sang Nigeria ở South Africa để may đồ cho gia đình phó tổng thống bên đó”.(Ông Tâm Trương bên chiếc bàn cắt trong tiệm may cũ kỹ trên đường Goldenwest, thành phố Westminster. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Ði may như vậy, chú phải mang tất cả vải vóc, máy may, vật liệu theo à?” Phóng viên Người Việt hỏi.

“Không. Thường thì mình đã có số đo trước, mình may mang theo. Ðến đó chỉ thử và chỉnh sửa, nếu cần thôi. Có khi đi đo rồi về may và gửi sang.” Ông cho biết.

Những khách hàng nổi tiếng của mình, có người ông biết tên, có người không nhớ tên, ông chỉ có thể nhắc đến vài người tiêu biểu như Edwin Moses, Jaret Wright, Rod Stewart, Eric Johnson, Will Downing, Emmanuel Lewis, các thành viên của đội football Pittsburgh Steelers, v.v.

Ông Tâm kể câu chuyện mà “trong đời nhớ hoài”.

Một lần, có một người khách đến tiệm “mặc quần jean, áo thun, nhìn dơ lắm”. Vị khách nói có người giới thiệu anh ta tới, và xưng là Phil Ivey, vua đánh bạc.

“Ổng hỏi có gì tốt không may cho ổng mấy chục bộ. Tôi đưa hàng tốt cho ổng xem mà trong bụng cứ nghi lắm. Ổng cứ biểu đo và may đi.” Ông kể.

Khi nghe ông nói giá khoảng $2,000 cho một bộ, vị khách kêu may 10 bộ, “rồi đi mất tiêu”.

“Tôi chẳng biết trời trăng mây gió gì. Thì cũng cứ đo thôi. Hai ngày sau, có người mang tiền đến. Tôi may xong, cũng chẳng biết đâu mà giao. Chỉ thấy là sau đó tự nhiên có người đến lấy. Tay chân bộ hạ của ổng đâu mà quá trời!” Ông cười.

Có lần, “đùng một cái ông Phil Ivey này hỏi tôi có đi Las Vegas được không. Tôi nói được. Tôi mang theo hết các mẫu vải ra phi trường, có người của ổng lo hết mọi thứ. Ðến Las Vegas thì ra là có một tiệc của đó của gia đình ổng. Ðông lắm. Ổng kêu tôi đo may hết cho mọi người.”

Ông Tâm kể, ông đo từ 5 giờ chiều đến gần 1 giờ sáng mới xong.

“Lúc đó tôi muốn ngả nghiêng ngả ngửa rồi. Tôi tính hết $100,000. Ổng kêu nhiều quá. Tôi nói thôi thì muốn đưa bao nhiêu đưa. Ổng nói may vải thường thôi, và đưa tôi đâu sáu mươi mấy ngàn. Ổng kêu yên tâm đi ngủ, hôm sau ổng cho xe chở tôi về nhà.” Ông Tâm thích thú kể lại chuyện một trong những vị khách của mình.

“Một bộ veste chú may đắt nhất bao nhiêu và rẻ nhất bao nhiêu?” Tôi hỏi.

“Mắc nhất là $6,000, rẻ nhất mà tôi từng may là $650. Ðó là tôi chỉ may bằng nửa giá người ta thôi.” Chủ tiệm Tâm's tailor cho biết.

“Người khách may nhiều nhất mỗi lần bao nhiêu bộ?” Tôi lại hỏi.

“Cũng trên 20 chục bộ.” Vừa nói, ông Tâm vừa kéo ra một trong những quyển sổ đặt hàng của ông. Lướt nhìn sơ qua, tôi nhận thấy, một người khách may áo sơ mi đã đặt không biết bao nhiêu là mẫu vải, mà theo chủ tiệm, mỗi yard không dưới $40.

Ông cũng chỉ tôi xem những mẫu vải có giá khoảng $300/yard, có loại rẻ hơn khoảng $150/yard dùng để may đồ veste. Có những loại đắt tiền có thể trên $1,000/yard.

“Có ông ca sĩ muốn trên những sọc vải có thấp thoáng tên của ổng thì mình phải order vải, nhiều khi 3 tháng mới có.” Ông cho biết.

Những chiếc áo đang treo tại tiệm chờ giao cho khách, ngoài miếng “mạc” tên tiệm đính bên trong phía trái áo, còn có thêm một mạc nữa, đính bên phải, là tên của chủ nhân chiếc áo.

Khách của ông Tâm, ngoài giới thể thao, ca sĩ, còn lại là những luật sư, giáo sư, bác sĩ, những người buôn bán nhà. Ông chỉ vào những chiếc thùng giấy đặt đầy dưới nhà, nói, “Ðó là những hợp đồng may đồ.”

“May đến khi nào chết thì thôi”

Theo lời người thợ may già dặn kinh nghiệm này, để may một bộ veste đẹp, “quan trọng là khi khách nói may như thế nào thì con mắt mình đã ở trong cơ thể họ rồi”.(Tiệm may Tam Tailor, nơi biết rất nhiều những người nổi tiếng ở Mỹ tìm đến. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ông Tâm nói qua về những kinh nghiệm mà người thợ may cần có như việc ngoài nhìn ra được cơ thể hình dáng người khách, còn phải biết khách mặc đồ vest đó cho chuyện gì. “May cho người trong ban nhạc, ca sĩ, khác với may cho ông giáo sư dạy học, khác với may cho ông luật sư hay những người làm xướng ngôn viên truyền hình.” Mỗi người mỗi nghề có những hoạt động, cử động, động tác khác nhau, phải mang cho thích hợp thì chiếc áo nhìn mới đẹp.

“Ngoài chuyện may ra, chú còn có thú giải trí nào không?” Tôi tò mò.

“Không có gì hết.” Ông trả lời ngay lập tức. “Ðầu tôi lúc nào cũng chỉ có ba cái vải sợi thôi.”

Tuy nhiên, vài giây sau, người thợ may lại nói, “Thực ra tôi thích nghe tin tức. Nghe tin tức của Mỹ và đài Việt Nam thì nghe Ðỗ Dzũng nói chuyện. Hôm nào ông Ðỗ Dzũng nói trên đài tôi cũng canh nghe. Hôm nào bị trễ, nghe không được thì thấy không vui.”

Ông nói ông có 4 người con, nhưng không ai theo nghề ông hết. Ông cũng không nhận học trò nào hết vì “giờ đâu mà dạy”.

Tiệm Tam Tailor mở cửa 7 ngày một tuần, “mở từ rất sớm và có khi đóng rất trễ đến 1, 2 giờ sáng” và “không cần biết đến ngày nào là lễ Tết gì hết”. Cho nên, chỉ trừ khi ông đi đo, thử quần áo cho khách ở những nơi xa, thì lúc nào ông cũng có mặt ở tiệm. Ðó là niềm vui của ông.

“Vui nhất là sau khi chiếc áo hoàn tất, khách mặc vào rồi ngắm nhìn trong kiếng và cười. Lúc đó mình thấy vui lắm!” Ông thổ lộ.

74 tuổi, người thợ may này chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu, “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện retire, làm đến khi nào chết thì thôi. Dân Quảng Nam, cô biết mà, người nào đã làm thì làm chết bỏ, làm đến chết thì thôi.”

Có một điều ông Tâm nghĩ, “Tôi là một người Việt Nam, tôi chạy theo người Mỹ để kiếm đồng tiền, kiếm sự hiểu biết trên đất Mỹ. Giờ đây nước Mỹ này chỗ nào tôi cũng lội hết rồi, người nào tôi cũng biết rồi. Giờ tôi nghĩ thôi mắc rẻ gì bây giờ nên làm với người Việt cho vui.”

Và qua hai người khách Việt đầu tiên, người thợ may nổi tiếng này nhận ra rằng, “May cho người Việt sao mà dễ đẹp quá!”

Ngọc Lan

Sunday, August 28, 2011

Việt Sử


Đố Vui Việt Sử

“Đố Vui Việt Sử” là một tập thơ lục bát gồm có một trăm câu đố về lịch sử và văn học sử Việt Nam đề ra bởi luật sư Đào Hữu Dương và hai trăm câu thơ trả lời của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh.

Dụng ý của hai tác giả là dùng một thể thơ thật nhẹ nhàng và hấp dẫn để nhắc nhở các thanh thiếu niên ôn lại những trang sử Việt Nam và nuôi dưỡng tinh thần nhớ nước, thương nòi ở nơi đất khách. Tập thơ in ra lần đầu ở San Diego, vào năm 1985, đã được gửi tặng các trường dậy Việt ngữ. Cuốn sách này cũng được Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang ở San Jose, CA in lại để làm tài liệu dậy tiếng Việt.

Chúng tôi in lại ở đây như là một tài liệu giáo dục quý giá cho thế hệ trẻ

Câu hỏi của Đào Hữu Dương
 
1. Vua nào mặt sắt đen sì?
2. Vua nào trong buổi hàn vi ở chùa?
3. Tướng nào bẻ gậy phò vua?
4. Tướng nào dùng bút đánh lừa Vương Thông?
5. Ngựa ai phun lửa đầy đồng?
6. Voi ai nhỏ lệ ở giòng Hóa Giang?
7. Kiếm ai trả lại rùa vàng?
8. Súng ai rền ở Vũ Quang thủa nào?
9. Còn ai đổi mặc hoàng bào?
10. Nữ lưu sánh với anh hào những ai?
11. Nhà thơ lên đoạn đầu đài?
12. Tướng Tàu chui ống chạy dài Bắc phương?
13. Tướng Nam chẳng thiết phong vương?
14. Rắc lông ngỗng, thiếp nghe chàng hại cha?
15. Anh hùng đại thắng Đống Đa?
16. Đông du khởi xướng bôn ba những ngày?
17. Lũy Thầy ai đắp, ai xây?
18. Hồng-Sơn Liệp-Hộ, triều Tây ẩn mình?
19. Vua Bà lừng lẫy uy danh?
20. Ấu nhi tập trận, cỏ tranh làm cờ?
21. Vua nào nguyên-súy hội thơ?
22. Hùng-Vương quốc-tổ đền thờ ở đâu?
23. Đại vương bẻ gẫy sừng trâu?
24. Rừng Lam khởi nghĩa áo nâu anh hùng?
25. Hại dân bán nước tên Cung?
26. Đục chìm thuyền địch dưới sông Bạch-Đằng?
27. Lý triều nổi tiếng cao tăng?
28. Bình-Ngô ai soạn bản văn lưu truyền?
29. Mười ba liệt sĩ thành Yên?
30. Bỏ quan treo ấn tu tiên thủa nào?
31. Ai sinh trăm trứng đồng bào?
32. Bình-Khôi chức hiệu được trao cho người?
33. Tây-Sơn có nữ tướng tài?
34. Cần-vương chống Pháp bị đầy xứ xa?
35. Tổ ngành hát bội nước ta?
36.. Khúc ngâm Chinh-Phụ ai là tác nhân?
37. Vua nào sát hại công thần?
38. Nhà văn viết truyện Tố-Tâm trữ tình?
39. Thái-Nguyên chống Pháp dấy binh?
40. Hà-Ninh tổng đốc vị thành vong thân?
41. Vua nào mở nghiệp nhà Trần?
42. Nêu gương hiếu tử diễn âm lưu truyền?
43. Công lao văn học Nguyễn-Thuyên?
44. Lừng danh duyên hải Dinh-Điền là ai?
45. Nhà thơ sông Vị, biệt tài?
46. Vua nào chống Pháp bị đầy đảo xa?
47. Ngày nào kỷ niệm Đống Đa?
48. Biên thùy tiễn biệt lời cha dặn dò?
49. Mê-Linh xây dựng cơ đồ?
50. Bến Hàm-Tử bắt quân thù xâm lăng?
51. Húy danh Hoàng-Đế Gia-Long?
52. Tướng nào hương khói Lăng-Ông thủa giờ?
53. Rồng thiêng kết nghĩa Âu-Cơ?
54.. Thánh Trần nay có bàn thờ ở đâu?
55. Đời nào có chức Lạc-Hầu?
56. Tướng Châu-Văn-Tiếp, ở đâu bỏ mình?
57. Danh nho thường gọi Trạng Trình?
58. Cha con cùng quyết hy sinh với thành?
59. Đầm Dạ-Trạch nức uy danh?
60. Sớ dâng chém nịnh không thành, từ quan?
61. Công thần vì rắn thác oan?
62. Ai mời bô lão dự bàn chiến chinh?
63. Vua nào dòng dõi Đế-Minh?
64.. Vĩnh-Long thất thủ, liều mình tiết trung?
65. Ngày nào trẩy hội Đền Hùng?
66. Ngày nào sông Hát, nhị Trưng trẫm mình?
67. Núi nào ngự trị Sơn-Tinh?
68. Sông nào ghép lại bút danh thi hào?
69. Gốc nguồn hai chữ đồng bào?
70. Bôn ba tổ chức phong trào Đông du?
71. Hùm Thiêng trấn đóng chiến khu?
72. Vua nào thành lập Hội Thơ Tao-Đàn?
73. Dẹp Thanh giữ vững giang san?
74. Thiết triều nằm lả khiến tàn nghiệp Lê?
75. Hóa-Giang giữ trọn lời thề?
76. Mười năm kháng chiến chẳng nề gian lao?
77. Móng rùa thần tặng vua nào?
78. Bình Chiêm, Dẹp Tống, Lý trào nổi danh?
79. Dâng vua sách lược “Trị-Bình”?
80. Trạng nguyên tướng xấu ví mình hoa sen?
81. Người Tàu dựng đất Hà-Tiên?
82. Họ Lương chống Pháp, Thái-Nguyên bỏ mình?
83. Quy-Nhơn thất thủ, quyên sinh?
84. Lê Triều sử ký soạn thành họ Ngô?
85. Công thần mà bị quật mồ?
86. “Vân-Tiên” tác giả lòa mù là ai?
87. Đại-Từ nổi tiếng tú tài?
88. Đem nghề in sách miệt mài dạy dân?
89. Dâng vua cải cách điều trần?
90. Sánh duyên công chúa Ngọc-Hân, vua nào?
91. Thi nhân nổi loạn họ Cao?
92. Xây thành đắp lũy, họ Đào là ai?
93. Họ Phan lãnh ấn khâm sai?
94. Phòng khuya vọng tiếng thuyền chài tương tư?
95. Đông y lừng tiếng danh sư?
96. Lời thề diệt địch trên bờ Hóa-Giang?
97. Vân-Đồn ai thắng danh vang?
98. Am mây ẩn dật chẳng màng lợi danh?
99. Mùa xuân nào phá quân Thanh?
100. Bao giờ trở lại thanh bình Việt Nam?


Giải đáp của GS Nguyễn Xuân Vinh
  
 Trước đèn đọc sách Đào quân:
“Đố Vui Việt Sử”, gieo vần họa thơ.
Duyên văn tao ngộ từ xưa,
Nặng lòng đất nước, bây giờ luyện thi.
1. Vua nào mặt sắt đen sì ?
Tướng Mai-Hắc-Đế, sử ghi chống Đường.
2. Quét chùa mà tướng đế-vương,
Lý-Công, tên Uẩn, xuất đường lên ngôi.
3. Phò vua, chống giặc cõi ngoài,
Đức Trần-Hưng-Đạo dẹp suôi hận lòng.
4. Bút thần đâu sợ Vương-Thông,
Thù cha, Nguyễn-Trãi có công dựng triều.
5. Gậy thần, ngựa sắt cao siêu,
Thiên-Vương Phù-Đổng một chiều thét vang.
6. Voi lầy, nhỏ lệ Hóa-Giang,
Đại-Vương Hưng-Đạo quyết đường dẹp Nguyên.
7. Kiếm thần, lập quốc, báo đền,
Vua trả lại rùa thiêng trên hồ.
8. Vũ-Quang, chống Pháp lập đô,
Súng do Cao-Thắng, phất cờ cụ Phan.
9. Lê-Lai đổi mặc áo vàng,
Để vua Lê-Lợi thoát vòng gian lao.
10. Triệu, Trưng kể lại biết bao
Nữ nhi sánh với anh hào kém chi
11. Ngang tàng cung, kiếm, cầm, thi,
Ông Cao-Bá-Quát sá gì phân thây!
12. Thoát-Hoan, Vạn-Kiếp sa lầy,
Ống đồng chui rúc, từ đây kéo về.
13. Nước Nam, làm quỷ ai thề ?
Tướng Trần-Bình-Trọng chẳng nề Bắc-Vương.
14. Lông ngan làm chước dẫn đường,
Mỵ-Châu, Trọng-Thủy còn vương hận lòng.
15. Đống-Đa thây giặc điệp-trùng,
Quang-Trung Nguyễn-Huệ anh hùng phương Nam.
16. Họ Phan có cụ Sào-Nam,
Bôn ba khởi xướng, luận bàn Đông-Du.
17. Nguyễn-Vương giữ vững cơ đồ,
Lũy xây Trường-Dục, Duy-Từ có công.
18. Nguyễn-Du tạm lánh sơn trung,
Truyện Kiều thi phẩm, anh hùng nổi danh.
19. Triệu-Bà Lệ-Hải Tài-Trinh,
Ngàn năm dân Việt tôn vinh, phụng thờ.
20. Mục đồng tập trận ấu thơ,
Tiên-Hoàng Bộ-Lĩnh phất cờ bông lau.
21. Thánh-Tôn, nguyên súy, công hầu,
Tao-Đàn lập hội, lựa câu họa vần.
22. Đền Hùng, hương khói phong vân,
Lâm-Thao là chốn nhân dân hướng chầu.
23. Phùng-Hưng bẻ gẫy sừng trâu,
Tôn thờ Bố-Cái, sức đâu hơn người.
24. Lam-Sơn áo vải, lòng trời,
Vua khởi nghĩa, muôn đời ghi công.
25. Họ Hồ chính Nguyễn-Sinh-Cung,
Liên-Sô dâng nước, khốn cùng nhân dân.
26. Yết-Kiêu, Dã-Tượng sả thân,
Đục chìm thuyền địch, mấy lần Đằng-Giang.
27. Lý-Triều Vạn-Hạnh cao tăng,
Cùng Từ-Đạo-Hạnh tiếng vang pháp thiền.
28. Bình-Ngô Đại-Cáo sách tuyên,
Văn tài Nguyễn-Trãi lưu truyền mai sau.
29. Thành Yên, liệt sĩ rơi đầu,
Vang danh Thái-Học, lưu sầu Quốc-Dân.
30. Tiên-Du, treo ấn từ quan,
Giáng-Hương, Từ-Thức theo nàng lên tiên.
31. Âu cơ, trăm trứng nở truyền,
Ngàn năm Hồng Lạc, con Tiên, cháu Rồng.
32. Bình-Khôi, chức hiệu Nguyên-Nhung,
Lệnh Bà Trưng Nhị được phong tướng tài.
33. Tây-Sơn lẫm liệt thần oai,
Quần thoa ai sánh tướng Bùi-Thị-Xuân.
34. Cần-Vương vì nước gian truân,
Vua Hàm-Nghi trải tấm thân lưu đầy.
35. Lập ngành Hát Bộ từ đây,
Tổ-sư Đào-Tấn, bậc thầy xướng ca.
36. Đoàn thư, Chinh-Phụ dịch ra,
Trần-Côn trước tác khúc ca ngậm ngùi.
37. Gia-Long từ độ lên ngôi,
Công thần giết hại, nhiều người thác oan.
38. Tố-Tâm, tác giả Song-An,
Chữ Hoàng-Ngọc-Phách, lời than tự tình.
39. Thái-Nguyên chống Pháp, dấy binh,
Lưu danh Đội Cấn, gây tình quốc gia.
40. Pháp quân tiến đánh thành Hà.
Tuẫn trung, Hoàng-Diệu, Chính-Ca một thời.
41. Chiêu-Hoàng nhà Lý truyền ngôi
Cho chồng Trần-Cảnh nối đời làm vua.
42. Diễn âm gương hiếu ngày xưa,
Ghi công Văn-Phức, vốn thừa gia.
43. Hán văn chuyển tiếng nước nhà.
Thơ Nôm, Đường luật chính là Nguyễn-Thuyên.
44. Kim-Sơn, Tiền-Hải, dinh điền,
Uy danh Công-Trứ, tiếng truyền đời sau.
45. Tú Xương, sông Vị, không giầu,
Tiếng thơ cao ngạo, ai rầu mặc ai.
46. Duy-Tân vì nước rời ngai,
Thực dân uy hiếp đưa ngài đảo xa.
47. Mồng Năm kỷ niệm Đống-Đa,
Tháng Giêng chiến thắng, hùng ca Ngọc-Hồi.
48. Tiễn cha, Nguyễn-Trãi nhớ lời
Phi-Khanh còn vẳng núi đồi Nam-Quan.
49. Bà Trưng khôi phục giang san,
Mê-Linh khởi nghĩa, dẹp tan quân thù.
50. Danh Trần-Quang-Khải ngàn thu,
Chương-Dương cướp giáo, bắt tù Hàm-Quan.
51. Nguyễn-Triều, khởi sự gian nan,
Bôn ba Phúc-Ánh, Bắc Nam hợp lòng.
52. Tả-Quân, thờ phụng Lăng-Ông,
Tướng Lê-Văn-Duyệt có công phá thành.
53. Âu-Cơ, tiên nữ giáng trần,
Hợp duyên cùng Lạc-Long-Quân giống Rồng.
54. Đức Trần-Hưng-Đạo phá Mông,
Đền thờ Kiếp-Bạc, tôn sùng khói hương.
55. Ngàn năm thời đại Hùng-Vương,
Lạc-Hầu, Lạc-Tướng, chức thường gọi quan.
56. Tướng Châu-Văn-Tiếp thân tàn,
Vĩnh-Long, Mang-Thít đầu hàng Tây-Sơn !
57. Trạng Trình phong tước Quốc-Công,
Bỉnh-Khiêm họ Nguyễn, vốn dòng Cổ-Am.
58. Hùm thiêng sớm đã về âm,
Tri-Phương cùng với Nguyễn-Lâm giữ thành.
59. Chống Lương, Dạ-Trạch uy danh,
Triệu-Vương, Quang-Phục hiển vinh một thời.
60. Chu hiền xin chém bẩy người,
Vua nghe kẻ nịnh, ông rời chức quan.
61. Vì tay Thị Lộ thác oan,
Công thần Nguyễn-Trãi gia toàn chu di.
62. Diên-Hồng quyết chiến còn ghi,
Đời Trần bô lão kém gì tráng sinh.
63. Tổ Hùng tên hiệu Đế Minh,
Dương-Vương Lộc-Tục, con mình phong vua.
64. Vĩnh-Long chống Pháp đành thua,
Ông Phan-Thanh-Giản, ơn vua tuẫn người.
65. Dù ai buôn bán ngược xuôi,
Đền Hùng trẩy hội mồng Mười tháng Ba,
66. Hàng năm kỷ niệm Hai Bà,
Tháng Hai, mồng Sáu trầm hà Hát-Giang.
67. Tản-Viên che phủ mây vàng,
Sơn-Tinh chuyện cũ đưa nàng lên cao.
68. Tản-Đà, bút hiệu thi hào,
Núi sông hai chữ ghép vào thành tên.
69. Cùng trong một bọc Rồng Tiên,
Trứng trăm con nở, nối truyền đời ta.
70. Đông-Du cách mạng sơn hà,
Bội Châu lừng lẫy tiếng nhà họ Phan.
71. Hùm thiêng Yên-Thế họ Hoàng,
Nổi danh Hoa-Thám giữ vùng chiến khu.
72. Đời bình trị thiên thu,
Thánh-Tôn mới lập hội thơ Tao-Đàn.
73. Thăng-Long giữ vững giang san,
Quang-Trung Nguyễn-Huệ đánh tàn quân Thanh.
74. Ngọa triều, tửu sắc liệt mình,
Uổng cho Long-Đĩnh tan tành nghiệp ê.
75. Hóa-Giang giữ trọn lời thề,
Thánh Trần không thắng không về tới sông.
76. Mười năm kháng chiến thành công,
Ơn vua Lê-Lợi, non sông phục hồi.
77. Kim-Quy chuyện móng ngàn đời,
An-Dương-Vương được Rùa trời ban giao.
78. Bình Chiêm, dẹp Tống, hào,
Câu thơ Thường-Kiệt: Nam trào, Nam cư.
79. Đời Lê, Lương đống tâm tư,
Đắc Bằng, quốc sách dâng thư trị bình.
80. Trạng nguyên họ Mạc thấp mình,
Đĩnh Chi thảo phú ví tình hoa sen.
81. Hà-Tiên Nam Việt cuối miền,
Nhờ tay Mạc-Cửu dựng nên mật trù.
82. Thái-Nguyên chống Pháp, giặc thù,
Ông Lương-Ngọc-Quyến thiên thu tuyệt mình.
83. Quy-Nhơn, Võ-Tánh quyên sinh,
Đài cao đốt lửa, chiếm thành Tây-Sơn.
84. Sĩ-Liên, Sử-Ký Đại-Toàn,
Triều Lê soạn thảo, danh thần họ Ngô.
85. Nguyễn phò, gây dựng cơ đồ,
Tướng Lê-Văn-Duyệt, quật mồ thảm thay.
86. Vân-Tiên, tác giả ai hay ?
Cụ đồ Đình-Chiểu, xưa nay mù lòa.
87. Đại-Từ, cách mạng sơn hà,
Hải-Thần, cụ Nguyễn bôn ba nước ngoài.
88. Thám-Hoa Nhữ-Học, thiên tài,
Học nghề in sách miệt mài dạy dân.
89. Tâu vua, Trường-Tộ điều trần,
Tiếc thay Tự-Đức canh tân không màng.
90. Ngọc-Hân tài sắc vẹn toàn,
Quang-Trung Nguyễn-Huệ điện vàng sánh duyên.
91. Văn tài Bá-Quát vô tiền,
Quốc-Oai treo ấn, cự thiên, kháng đình.
92. Lũy-Thầy, Đồng-Hới, Quảng-Bình,
Duy-Từ nổi tiếng xây thành, khai sơn.
93. Khâm sai Bắc Việt chiêu dân,
Cụ Phan-Kế-Toại, văn thần vua phong.
94. Trương-Chi hát vọng khuê phòng,
Mỵ-Nương nghe tiếng, đem lòng tương tư.
95. Đông-Y Hải-Thượng danh sư,
Dương-An Toàn-Trạch, đề thư dụng truyền.
96. Trận này không phá giặc Nguyên,
Không về sông Hóa, lời nguyền Đạo-Vương.
97. Vân-Đồn thắng địch tuyệt lương,
Quân Nguyên nản chí, công dường Khánh-Dư.
98. Bạch-Vân về ngụ, tâm tư,
Thi văn, lý đoán, ẩn cư Trạng Trình.
99. Quang-Trung thần tốc phát binh,
Mùa xuân Kỷ-Dậu chiếm thành Thăng-Long.
100. Lời ca con cháu Tiên Rồng :
Cộng nô tiêu diệt, non sông thanh bình.


Đào Hữu Dương - Nguyễn Xuân Vinh.

Nguồn internet

Friday, August 26, 2011

Nguyên Thạch


Đạo lý Việt Nam – Sự vỡ tan toàn diện

Nền đạo lý Việt Nam dưới thời cộng sản

Bất luận,bạn là ai: Giàu nghèo sang hèn hay già trẻ gái trai và thuộc tầng lớp nào trong xã hội: Trí thức, Bác sĩ, Kỹ sư, Tiến sĩ, Nông dân, Công nhân, Sinh viên học sinh, Cán bộ, Quốc nội, Hải ngoại… Là người Việt Nam, chúng ta thảy không khỏi không bâng khuâng về hiện tình của Đất Nước. Cho dẫu tầm nhìn được xét qua lăng kính dưới bất cứ góc độ nào thì vấn đề Việt Nam và riêng khía cạnh đạo lý vẫn là một tiêu đề nhức nhối hiện nay.

Thực thể của một xã hội là kết quả và trách nhiệm của tất cả các thành viên thuộc xã hội ấy. Trong đó,chính quyền là một tập thể nhỏ có tác động chi phối vận hành cũng như gánh vác trách nhiệm thiết thực nhất. Còn lại đại đa số dân chúng, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện bổn phận của mình như là bổn phận của mỗi một công dân. Sự biểu hiện này, sẽ còn tùy thuộc vào niềm tin và sự nhiệt tình. Chính quyền và người dân là hai thực thể hỗ tương lẫn nhau để tạo nên hình ảnh của một xã hội. Xã hội tốt đẹp lành mạnh hay yếu kém suy đồi tụt hậu là mối liên quan giữa sự hỗ tương đó.

Chính quyền

Một nhà nước thật sự và đầy tính chính nghĩa, phải là một nhà nước do dân, vì dân và phải được dựng nên bởi dân. Đảng phái chính trị chỉ là những nền tảng lý luận, tôn chỉ và luận cương nhằm phục vụ cũng như lấy đó làm kim chỉ nam cho nhà cầm quyền thực thi chính sách.

Ở Việt Nam, Trung Cộng cùng một số ít quốc gia cộng sản và độc tài khác, hệ thống chính quyền hoàn toàn không thuộc về dân và do dân bầu cử, đó là những cơ chế độc tài toàn trị, đi ngược lại với trào lưu văn minh của nhân loại khi bước vào thế kỷ 21.

Loài người là một trong những sản phẩm của Thượng đế tạo ra, càng phát triển tiến bộ thì con người càng chú tâm về nhân quyền và nhân phẩm. Dân chúng Việt Nam là một trong những lớp người đáng tội tình nhất trong cộng đồng thế giới hôm nay bởi lý do họ đã bị nhồi nhét ép bức trong tăm tối mụ mị cùng bạo lực.

Một sự thật mà ai ai cũng biết rằng ở Việt Nam không có bầu cử và ứng cử tự do. Giữa thời đại ngày nay, nghịch lý này đã được tồn tại bởi toàn trị cực đoan dưới nhà tù và nòng súng.Sự thật và nghịch lý này còn tồn đọng ngắn hay dài đều tùy thuộc vào ý niệm và hành động của người dân. Thế kỷ này là thế kỷ của truyền thông, chúng ta phải nắm lấy cơ hội của kỹ nghệ thông tin hiện đại biến thành những đoàn quân hùng mạnh trong trận chiến tri thức. Phải bằng mọi cách đưa thông tin đến người dân, tạo cho họ có được nếp suy nghĩ đúng đắn hơn, bớt sợ hãi yếm thế hơn bởi lý do đơn giản là họ phải biết rằng họ phải có cái quyền được sống, được làm người.

Ngược dòng lịch sử để quán triệt nguyên nhân của những sự nghịch lý.

Là một công dân Việt, không ai mà không biết cái gọi là cuộc đấu tố cải cách ruộng đất, được chuẩn bị từ năm 1953 đến gần hết 1956. Một cuộc đấu tố được coi là ” long trời lở đất”, quả bom khổng lồ có sự bộc phá vỡ tan nền đạo lý luân thường khủng khiếp và toàn diện nhất. Con tố cha, vợ tố chồng, hàng xóm nghi kỵ tố giác lẫn nhau, nó đã tạo ra những sự nghi ngờ thù hận lẫn nhau tàn bạo nhất trong lịch sử xã hội Việt Nam.

Sai lầm ấy cùng những sai lầm kế tiếp mà hệ quả của nó gây nên bao điêu tàn chết chóc thù hận gian dối đê hèn kéo dài mãi đến tận ngày hôm nay. Người dân quốc nội lẫn người Việt tha hương, thảy đều ngao ngán cho một một xã hội hiện hành ,nơi có bao oái ăm nhiễu nhương hận thù và bạo ngược. Tầm nhìn với tất cả mọi góc độ vào một xã hội mà không thể tìm thấy bất cứ một sự tích cực hay niềm tin nhỏ nhoi nào. Một hệ thống cầm quyền hoàn toàn vô vọng, một xã hội hoàn toàn đen tối khi bóng ma ngoại bang đã lù lù trùm phủ quê hương.

Cuộc chiến huynh đệ tương tàn cho quốc tế cộng sản. Miền Bắc đã gieo bao thảm trạng tai ương cho miền Nam. Đám chư hầu là những hung thủ đã giết chết nền dân chủ và nhân bản hãy còn non nớt của Việt Nam Cộng Hòa. Một lỗi lầm sẽ mãi còn bị dày xéo trong tâm khảm của cả hai miền.

Thực trạng hoang mang, niềm tin cạn kiệt thì càng khơi dậy niềm nuối tiếc quá khứ cùng những tham vọng ngô nghê nông nỗi. Thử đặt một câu hỏi mà chính nó đã có sự trả lời. Giá mà ngày xưa, năm 1975, hai miền không thống nhất thì làm sao chúng ta phải đối diện với thảm trạng như ngày hôm nay! Một xã hội được xem là tận cùng bằng con số không to tướng. Những ảo danh đi làm cách mạng để rồi kết cục là sự đau thương trong nước mắt, tròng nô lệ, không thành công mà cũng chẳng thành nhân và kết cuộc là phải mang tiếng ô danh muôn đời.

Người dân

Như đã nói trên, sự thành đạt của một quốc gia gồm hai yếu tố cơ bản. Chính quyền mẫn cán tinh tế chính nghĩa và dân chúng có trọn niềm tin, sẵn sàng hy sinh cũng như luôn năng động trong mọi sinh hoạt. Với môi trường và khung cảnh trong bàn tay sắc máu bạo lực, sẵn sàng đàn áp hoang phí tất cả vì quyền lợi riêng tư cho cá nhân cùng băng đảng, người dân là những nô lệ đáng thương. Doanh nghiệp luôn bị chèn ép nhũng nhiễu, công nhân luôn bị áp bức bóc lột tận xương tủy, nông dân lê kiếp nhọc nhằn để còn được sống một giá trị sống thấp kém nhất. Sinh viên học sinh phải chịu khốn đốn trong nghèo khó, tiêu hao chất xám từ nền giáo dục cưỡng bức nhồi sọ, khi ra trường thì lại bị phe phái già nua tham quyền cố vị hãm tài. Bệnh tật,cướp bóc,đĩ điếm tràn lan. Thực phẩm tẩm chất độc từ kẻ thù bá quyền phương Bắc với mưu đồ giết hại dần mòn một cách tinh vi…

Một xã tốt đẹp và phát triển là một xã hội ắt có và đủ hai thực thể hổ tương lẫn nhau. Trong khi thực tế ở Việt Nam thì sự hổ tương ấy dường như là đối nghịch. Sở dĩ người dân còn đáp ứng với nhà nước là bởi sự sợ hãi, muốn yên thân trong trạng thái nín thở qua sông. Sự hợp tác trong tinh tinh thần tự nguyện bởi bổn phận của một người công dân là hoàn toàn miễn cưỡng. Kéo dài một xã hội như vậy là mê muội và hoang phí. Từ đó, do nhu cầu của sự phát triển, bảo đảm dân sinh, an toàn cho nền độc lập của Tổ Quốc… Ắt phải thay thế một cơ chế chính quyền mà đa đảng đa nguyên là chuẩn đề định hướng cho một con đường tương lai. Một con đường mà ai cũng có quyền ngẫng mặt, có sự cạnh tranh chỉnh đốn, không độc đảng toàn trị, một thể chế có đầy nhân bản vị tha niền tin và đạo lý.

Qua bức tranh lõa lồ của thực thể Việt Nam, bắt buộc chúng ta phải tự can đảm để vươn vai thoát khỏi bế tắc nếu Việt tộc còn muốn dân và đất Việt vẫn còn trên bản đồ thế giới. Chúng ta phải lấy những hình ảnh nào để noi theo?

Một cách cụ thể, gần đây nhất qua vụ thiên tai siêu Động đất và sóng thần Tōhoku 2011, chúng ta và kể cả thế giới đã học hỏi được gì ở người Nhật? Trong những điều kiện khủng khiếp kinh hãi nhất,họ vẫn bình tâm và lấy chữ trọng làm đầu, chia sẻ nhường nhịn,không chen lấn giựt dọc ấu đã để giành lấy sự sống. Một dân tộc đầy ý thức, kỷ luật và lòng tự trọng, họ thà đói chết chớ quyết không đánh mất chữ trọng ấy.

Xa hơn nữa, hãy nhìn vào lịch sử, lòng ái quốc và niềm tự hào của người Do Thái để trân quí những thành quả mà tiền nhân tổ tiên của chúng ta đã dầy công với xương thành núi, máu thành sông, với bao linh hồn tử sĩ mới tạo dựng được cho Việt tộc đến ngày hôm nay. Dòng lịch sử 4.000 năm trải bao nhọc nhằn cơ cực lẫn ý chí mới giữ được Nước để truyền lại cho thế hệ chúng ta, thế thì không vì bất cứ lý do gì khiến chúng ta phải cúi nhục vô cảm thờ ơ trước thái độ ích kỷ nhu nhược vì quyền lợi riêng tư cho cá nhân và băng nhóm để qui hàng, nguyện làm Thái thú thần phục ngoại bang Bắc triều.

Đảng cộng sản VN vô trách nhiệm trước tiền đồ Tổ Quốc, vô thần, vô đạo nghĩa và hệ trọng hơn là đầu độc, lừa mị kéo theo cả một tập thể dân tộc theo con đường tội lỗi tày trời này.

Ngạn ngữ Việt Nam có nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo khó khăn nhất định, con người ta có thể quẫn trí mà làm liều, điều này, ở mức độ nào đó,có thể cảm thông được. Nhưng rất đáng trách và hơn nữa là thật đáng khinh bỉ khi một người hoặc một nhóm người đã có dư thừa uy quyền tiền bạc nhà lầu biệt thự xe sang vợ bảnh con du học… mà vẫn còn muốn gom cả giang sơn về mình thì chẳng những đáng khi miệt mà còn là một trọng tội.

Nếu quả như đảng cộng sản đã thực thi cho những gì mà họ đã dầy công quảng bá cho nền độc lập, sự ấm no, niềm hạnh phúc, xã hội công bằng phát triển và văn minh thật sự thì không ai điên khùng hẹp hòi gì mà phê phán hoặc chống đối. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Người cộng sản đã lì lơm trơ trẽn một cách kiên trì để rêu rao lừa mị dân chúng với những chiếc bánh vẽ đầy chất độc. Họ không vì Đất Nước, không vì Tổ Quốc Nhân Dân chi cả mà thực tế dinh thự đồ sộ của đảng ủy, của nhà nước, biệt thự xe hơi nhà lầu khách sạn công ty đất đai tài sản tiền vàng châu báu,gởi nước trong nước ngoài đầy ắp. Ở Việt Nam, thằng quan nào, con đảng nào mà chẳng giàu sụ, gởi cả con cháu ra ngoại quốc.Thế! Không là ích kỷ, không là tham lam, không là vô lương bất chánh, vô đạo đức thì là gì?

Một lũ cầm quyền mà từ trung ương đến địa phương, từ Tổng bí thơ Thủ tướng đến lãnh đạo các quận huyện, thậm chí thị trấn xã, các ngành các cấp, có ai dám chứng minh cho mọi người biết là các cấp kể trên không tham nhũng? Đó là sự thật, một thật trần truồng mà không ai có thể biện minh bằng bất cứ thứ từ ngữ nào.

Một chính phủ không có đạo đức,không còn lòng tự trọng cho bản thân gia tộc và quốc thể là một chính phủ xấu xa thấp kém đáng phải vứt đi. Dứt khoát.

Sự hệ lụy nhục nhã từ những người cầm nắm vận mệnh Đất Nước đưa đến hình ảnh man rợ tiêu cực trong xã hội mà báo đài cũng như nhiều người mục kích. Còn hình ảnh nào dã man hơn khi một cô gái xinh xắn lành lặn bị đám côn đồ giựt dọc, đạp té xe, vỡ cả khuôn mặt, gãy cả cánh tay chỉ vì sợi dây chuyền vàng 5 phân! Cô gái nằm sóng sượt trên vũng máu, cái ví sổ ra vài trăm ngàn tung tóe, người đi đường bàng quan vô cảm nhưng không thể nén nỗi lòng tiếc, tranh nhau nhặt từng đồng tiền của nạn nhân để làm của riêng. Nếu ai đó còn chút đọng lòng trách móc sao không đuổi cướp thì sự trả lời là sợ bị bọn băng đảng trả thù.

Đất nước nào cũng vậy,thanh niên là rường cột của quốc gia. Ở Việt Nam phần đông những rường cột này khi được hỏi ý kiến “Nhà nước tham ô,giặc ngọai bang đang lăm le xâm chiếm quê hương,bạn nghĩ gì?: “Tôi không biết, tôi chỉ lo kiếm tiền. Việc đó, để người khác lo…”!

Xã hội Việt Nam ngày hôm nay, hỏi mấy ai có được sự bình yên thật sự?. Có ai là không từng bị lừa đảo giựt dọc, kể cả “Việt kiều”? Một xã hội mà sự ngao ngán đã lên đến tột độ và toàn diện.

Dưới chế độ cộng sản, sợ hãi đã trở thành một tập tục! Sự sợ hãi ấy đã vượt xa tình cảm, đạo lý và lòng nhân ái tối thiểu của một con người. Liệu rằng, chúng ta có sợ hãi quá xa mức cần thiết ấy không?

Khi một xã hội không coi trọng đạo lý, mà trong đó nhà cầm quyền là một tập thể chủ chốt cốt cán không còn đạo đức thì viễn ảnh của quần thể ấy sẽ đi về đâu? Bên bờ vực của hố thẳm vong nô, mọi cá nhân phải tự vượt qua u ám mê muội, hãy sớm thức tỉnh trước khi quá muộn, không thể chần chờ chi thêm nữa.

Nguyên Thạch
Tháng Tám-2011
@vanganhinfo
Đọc thêm : thetiensa