Giải mã cổ thi
để giác ngộ lãnh đạo đương thời
Trên trang mạng Lý luận Nghiên cứu Văn học số tháng 6, 2011 Thượng Tọa Trí Siêu – Lê Mạnh Thát cho đăng một bài luận văn khá lý thú có đầu đề “Bài thơ vận nước và tư tưởng chính trị của Thiền sư Pháp Thuận”. Thoạt nhìn cái tựa đề người ta có thể cho rằng đây là một bài nghiên cứu hàn lâm về tư tưởng chính trị Phật giáo nhưng nếu đọc kỹ bài này và qui chiếu vào thực trạng chính trị Việt Nam hiện nay người đọc có thể nhận ra thâm ý của tác giả. Như chúng ta đã biết Thượng Tọa Trí Siêu – Lê Mạnh Thát là một học giả Phật giáo tầm vóc không những ở Việt Nam mà còn cả trong vùng Đông Nam Á. Mấy năm trước đây khi Việt Nam được chọn là nước đăng cai tổ chức Đại Hội Phật giáo Thế giới ở Hà Nội chính quyền cộng sản, trong một tình huống chẳng đặng đừng, để sơn phết bộ mặt chính sách tôn giáo của Đảng, đã phải nhất thời sử dụng Thượng Tọa Trí Siêu – nhân vật Phật giáo Việt Nam có uy tín quốc tế - để tiếp đón khách mời năm châu đến tham dự Đại Hội.
Về thái độ chính trị của Thượng tọa Trí Siêu trước đây chúng ta được biết ông là một trong số những lãnh tụ cùng với Hòa Thượng thích Quảng Độ của Giáo Hôi Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ sau biến cố Tháng Tư 1975 giữ vị trí đối lập chính quyền trong một thời gian dài, nhưng mấy năm gần đây ông rời Thanh Minh Thiền Viện ra sống bên ngoài. Nhưng căn cứ vào những bài viết và tác phẩm chúng ta thấy ông đã không thay đổi tên mà vẫn ghi là Thượng Tọa Trí Siêu – Lê Mạnh Thát. Như vậy có thể nói ông vẫn giữ nguyên phẩm vị trong hàng ngũ Phật Giáo tuy có thể khi ra đời sống bên ngoài việc giữ nguyên trang phục với ông không là điều quan trọng. Chúng ta cũng không có thông tin nào cho thấy ông đã hợp tác với Giáo Hội Phật Giáo Quốc doanh do chính quyền dựng lên.
Là một trí thức Phật giáo nên cách bày tỏ chính kiến trước hiện tình bi đát của đật nước Thượng Tọa Trí Siêu có cách bày tỏ riêng. Chúng ta hãy thử đọc bài luận văn “Bài thơ vận nước và tư tưởng chính trị của Thiền sư Pháp Thuận” của ông để phần nào biết được thái độ và tư tưởng chính trị của ông hiện nay cũng như đóng góp thầm lặng vào việc đưa ra một cơ sở tư tưởng chính trị làm nền tảng cho một giải pháp cứu nước.
Mở đầu bài luận văn tác giả viết: “Bài thơ vận nước có thể giải mã một cách đích xác và cụ thể những yếu tố có thể làm cho vận nước được dài lâu. Đó là sự đoàn kết của toàn dân và phẩm chất tài đức của người lãnh đạo.” Câu mở đầu nói rõ ý định của người viết: vận nước hiện nay đang lâm nguy nên cần nghiên cứu lịch sử, truyền thống để tìm ra một giải pháp. Hai điều kiện cốt tủy để cứu nước là đoàn kết toàn dân và phẩm chất đạo đức cùng với tài năng của người lãnh đạo.
Không cần nói rõ nhưng ai đọc câu này cũng có thể hiểu vận nước Việt Nam đang lâm nguy trước họa xâm lăng từ Trung Quốc và giới lãnh đạo hiện nay không có phẩm chất đạo đức và tài năng lãnh đạo. Mối quan tâm của Thượng Tọa Trí Siêu là đất nước, tổ quốc và người lãnh đạo, hai mặt phải trái của thực tại.
Không cần nói rõ nhưng ai đọc câu này cũng có thể hiểu vận nước Việt Nam đang lâm nguy trước họa xâm lăng từ Trung Quốc và giới lãnh đạo hiện nay không có phẩm chất đạo đức và tài năng lãnh đạo. Mối quan tâm của Thượng Tọa Trí Siêu là đất nước, tổ quốc và người lãnh đạo, hai mặt phải trái của thực tại.
Truy cứu lịch sử Thượng Tọa Trí Siêu nhận thức và tổng hợp tư tưởng chính trị cứu nước từ bài Thần Nước Nam Sông Núi với bài thơ vận nước của Thiền sư Pháp Thuận. Bài thơ vận nước như sau:
Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ hết đao binh.
Trước khi giải mã bài thơ này Thượng tọa Trí Siêu sơ lược hoàncảnh lịch sử thời đại xuất hiện bài thơ: “Trong ba vị Thiền sư đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh năm 981 là Thiền sư Khuông Việt, Vạn Hạnh và Pháp Thuận, thì hình như Thiền sư Pháp Thuận là người được vua Lê Đại Hành tín nhiệm và kính trọng nhiều nhất. Sự tình này ta có thể thấy qua việc vua Lê Đại Hành đã đem vận nước ngắn dài ra để trưng cầu ý kiến của Thiền sư Pháp Thuận. Phải nói rằng Thiền sư Pháp Thuận đã được tín nhiệm tới một mức độ nào đó, thì Lê Hoàn mới dám đem vấn đề ấy ra để hỏi. Khi nói đến vận nước, thực tế là nói đến vận mạng của một triều đại. Vua Lê Đại Hành đã đem vận mạng của triều đại mình để hỏi, điều này cũng có nghĩa ông hoàn toàn tin tưởng Thiền sư Pháp Thuận.... vua Lê Đại Hành đã đặt câu hỏi ấy vào một thời điểm mà triều đại nhà Lê do Lê Hoàn thiết lập đang đứng trước những khó khăn thách thức, có nguy cơ có thể bị sụp đổ. Thời điểm đầy nguy cơ ấy không đâu khác hơn là giai đoạn lúc Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979) và khi Hầu Nhân Bảo tiến quân vào nước ta vào mùa Xuân tháng 3 năm Tân Tỵ (981). Đây là giai đoạn của thù trong giặc ngoài, mà nếu không có sự ủng hộ một lòng một dạ của dân thì Lê Hoàn đã không bao giờ thành công, đè bẹp và tiêu diệt đám thù trong giặc ngoài ấy. Quả vậy, bên trong đám Đinh Điền, Nguyễn Bặc do quyền lợi cá nhân và dòng họ, đã không thấy nguy cơ xâm lược của kẻ thù đối với đất nước, nên đã kiên quyết chống lại Lê Hoàn. Còn bên ngoài, triều đình nhà Tống đang ráo riết đi sâu vào những khó khăn nội bộ của ta và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng Đại Cồ Việt. Trong một tình huống như thế, nếu không có sự đoàn kết của toàn dân, vua Lê Đại Hành đã không thể chiến thắng được thù trong giặc ngoài như vừa kể.”
Vận nước theo Thiền sư Pháp Thuận như một bó mây quấn lấy nhau “Vận nước như mây cuốn”. Câu thơ chỉ ra thật rõ ràng khi dùng hình ảnh của sự đoàn kết toàn dân để giữ nước và vận nước như cuộn mây (đằng lạc) quấn chặt vào nhau. Trước vận nước nguy nan Lê Hoàn đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo tài giỏi trong việc lắng nghe và làm theo lời cố vấn của Thiền sư Pháp Thuận đã chỉ ra quyền lực tối thượng nằm trong tay toàn dân, người lãnh đạo phải nắm lấy dân, biết đoàn kết với dân thì mới có thể giữ nước cũng có nghĩa giữ được triều đại/chính quyền bằng không tất cả sẽ xụp đổ một cách nhanh chóng. Nếu người lãnh đạo nắm được dân, đoàn kết với dân thì sẽ mở ra một tương lai tươi sáng, triều đại/chính quyền bền vững như câu thơ thứ hai chỉ ra “Trời Nam mở thái bình.”
Nhưng câu 3 của bài thơ vận nước “Vô vi cư điện các” có tầm quan trọng đặc biệt nên cần được giải mã tường minh. Theo Thượng tọa Trí Siêu hai chữ “vô vi” không nên hiểu theo nghĩa triết lý Lão Trang nhưng: “Về phía Phật giáo, vô vi là một phạm trù lớn và thường được coi là dịch từ chữ asamskrta của tiếng Phạn. Nội dung của vô vi theo hướng này thường được quy định trong giới hạn của bản thể luận và nhận thức luận. Song ảnh hưởng của kinh Lục Độ Tập đối với Phật giáo nước ta lúc ấy, ta thấy truyện 81 của kinh này có một định nghĩa của vô vi như sau: “Cẩn thận, không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che dấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi”. Nhưng theo Thượng tọa Trí Siêu ta cần bổ sung nghĩa hai chữ vô vi bằng quan niệm Trị Đạo Vô Vi của vua Thuấn như Khổng Tử giải thích nằm gọn trong hai chữ “cung kỳ”nghĩa là nghiêm túc với chính mình. Nhưng trong sách Trung Dung Khổng tử nói rõ hơn Trị Đạo Vô vi của vua Thuấn gồm hai yếu tố chính là có trí và có hiếu. “Có trí để xét đoán sử dụng sở trường của người mà quên đi những sở đoản của họ, giữa những quan điểm cực đoan biết chọn lấy một đường lối thích hợp để phục vụ cho người dân. Và có hiếu nhằm có đức lớn để có thể lãnh đạo được nhân dân.” Như thế ta có thể giải mã câu thơ “Vô vi cư điện các” của Thiền sư Pháp Thuận rõ ràng chỉ ra diện mạo người lãnh đạo phải có hai phẩm chất tài và đức thì đất nước mới thái bình thịnh trị và chấm dứt được chiến tranh.
Đó là bài học lịch sử Thượng tọa Trí Siêu nêu ra để chúng ta nghiền ngẫm. Hơn thế nữa việc giải mã cổ thi của nhà trí thức Phật giáo này theo chúng tôi thấy được ông đưa ra trong thời điểm đất nước đang phải chống trả âm mưu xâm lược của Trung Quốc chính là một lời cảnh báo gửi cho giới lãnh đạo hiện nay.
Đào Trung Đạo