Thursday, August 18, 2011

Michael Auslin


Xây, Giữ, và Dọn –
 Chiến lược của Mỹ đối với châu Á

Kỷ nguyên toàn cầu tiếp theo của nước Mỹ đang ló rạng. Khi chúng ta (tức là Mỹ – ND) giảm quy mô hoạt động quân sự cả ở Afghanistan và Iraq, thì sự thịnh vượng, ảnh hưởng, và an ninh tương lai của chúng ta sẽ được quyết định bởi những gì diễn ra trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang nổi lên. Nếu chúng ta đóng vai trò dẫn đầu trong khu vực mênh mông trải suốt từ Ấn Độ tới Nhật Bản này, thì những thập kỷ tới đây sẽ chứng kiến sự lớn mạnh không chỉ của siêu cường Mỹ, mà còn của các đồng minh tự do, dân chủ của chúng ta. Ngược lại, nhường vị thế cao ở châu Á cho Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy đến sự suy thoái của hệ thống quốc tế tự do hóa sau chiến tranh và sự hình thành một tôn giáo, một thế giới kém an toàn hơn và bất ổn hơn. Có hai câu hỏi đặt ra trước một Washington chỉ tập trung vào cắt giảm ngân sách, lại bị stress nặng sau một thập kỷ giao tranh ở Trung Đông. Câu hỏi thứ nhất là, liệu chúng ta có quyết tâm thành công ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương không? Câu hỏi thứ hai, liệu chúng ta có phương cách nào để tiếp tục làm người đi đầu không? (Hình phải : tác giả Michael Auslin)

Câu trả lời có thể được rút ra từ những xung đột gần đây. Hòn đá tảng trong công cuộc chống chiến tranh du kích ở Iraq và Afghanistan là chiến lược “dọn, giữ, và xây” – tức là, dọn sạch các cuộc nổi loạn, giữ lấy khu vực, và sau đó xây dựng nên những thể chế kinh tế và chính trị để duy trì ổn định. Mặc dù nhiều nhà quan sát lo ngại rằng Bộ Quốc phòng dưới thời cựu Bộ trưởng Robert Gates đã chuyển sang tập trung một cách quá cứng nhắc vào chống nổi loạn, nhưng học thuyết chống nổi loạn hiện hành thực ra có thể chỉ ra một chiến lược cho chính sách của Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong vài thập niên tới – nhưng chỉ nếu nó đảo ngược lại, thành một chiến lược “Xây, Giữ và Dọn”.

Ấn Độ-Thái Bình Dương đang và sẽ tiếp tục là khu vực năng động nhất thế giới. Quả thật, các khuynh hướng toàn cầu đang lôi kéo trọng tâm chú ý của Mỹ về phía đông theo một cách không thể cưỡng lại. Sau Thế chiến II, chúng ta – quốc gia có tư duy truyền thống là hướng về châu Âu – một cách tự nhiên đã đặt châu Âu vào cao điểm của những mối quan tâm về an ninh quốc gia, mặc dù chúng ta cũng có tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên toàn cầu. Khi Liên Xô tan rã (trong hòa bình) vào năm 1991, chúng ta chuyển sự chú ý sang Trung Đông, do bị thôi thúc bởi việc Saddam Hussein đem quân xâm chiếm Kuwait. Thập kỷ sau đấy chứng kiến sự tham gia dần dần, ngày một sâu thêm, của Mỹ vào khu vực, trong khi đó chủ nghĩa khủng bố Al-Qaeda nói riêng và Hồi giáo nói chung đụng độ ngày càng mạnh với các lợi ích của Mỹ, lên đến đỉnh điểm trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, từ năm 2001 trở đi. Giờ đây, với việc chấm dứt tham gia giao tranh quân sự ở Trung Đông, Mỹ đang rút dần về phía đông, sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Rõ ràng, trong mỗi thời kỳ như thế, Washington đều duy trì sự tham dự của mình trên khắp thế giới, dính dáng cả tới hàng loạt cuộc khủng hoảng ở Trung Đông suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đương đầu với sự ngạo mạn của Trung Quốc trong thập niên 1990 và những tháng trước biến cố 11-9. Nhưng trong mỗi giai đoạn của thời hậu Thế chiến II này, đều có một sự đồng thuận rộng rãi trên tầm quốc gia về những mối đe dọa chính yếu đối với sự an toàn của Mỹ và các cơ hội lớn cho sự thịnh vượng của nó, và châu Âu cùng với Trung Đông là hai khu vực chiếm ưu thế vượt trội trong tư duy về an ninh quốc gia. Trong kỷ nguyên Ấn Độ-Thái Bình Dương sắp tới, Mỹ sẽ không từ bỏ cam kết của mình đối với Trung Đông, và sẽ phải đương đầu với một nước Iran tiềm ẩn khả năng hạt nhân, nguy cơ sụp đổ kinh tế của châu Âu, và nguy cơ khủng bố. Nhưng sự đồng thuận mới của chúng ta chắc chắn sẽ tập trung vào những cơ hội và rủi ro mà châu Á đặt ra cho tương lai của nước Mỹ.
Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trải dài từ Ấn Độ Dương tới tây Thái Bình Dương. Nó chiếm hơn nửa dân số thế giới, gồm cả dân cư Ấn Độ và Trung Quốc – hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Nó có nền dân chủ lớn nhất thế giới ở Ấn Độ; có hai nền kinh tế lớn nhất, của Trung Quốc và Nhật Bản; và ít nhất ba siêu cường có khả năng hạt nhân. Cuộc đấu tranh vì dân chủ và tự do đã đạt những bước tiến phi thường ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong vài thập niên qua. Khu vực có ba đầu tàu là Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, còn các xứ sở trải suốt từ Hàn Quốc tới Đài Loan, Mông Cổ, Indonesia thì hoặc là đã có dân chủ đầy đủ, hoặc vẫn đang tiếp tục công cuộc thúc đẩy tự do chính trị. Những nước khác như Thái Lan và Philippines thì phải đấu tranh để có được sự ổn định dân chủ.

Ấn Độ-Thái Bình Dương là đầu tàu kinh tế và làm ra cả kho hàng hóa tiêu dùng cho thế giới. Tầng lớp trung lưu của họ ngày càng tăng theo mức trăm triệu, suốt từ Ấn Độ qua Trung Quốc tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là các thị trường chủ chốt để các nhà xuất khẩu trên thế giới tăng trưởng. Khu vực đã đạt gần 2 nghìn tỷ USD trao đổi hàng hóa và dịch vụ với Mỹ. Phòng Thương mại Hoa Kỳ ước tính rằng khoảng 11 triệu công việc ở Mỹ phụ thuộc theo một cách nào đó vào thương mại với khu vực châu Á rộng lớn.

Sự phát triển của Ấn Độ-Thái Bình Dương, tuy có lợi cho người tiêu dùng, nhưng lại đặt ra những thách thức đáng kể cho ổn định kinh tế trong tương lai. Mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, và trong thập niên qua, họ chiếm tới 78% mức tăng toàn cầu về sử dụng than. Nhật Bản là nước tiêu dùng năng lượng nhiều thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ; trong khi Hàn Quốc đứng thứ 8. Tất cả những quốc gia này đều phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Về lâu dài, sự mở rộng của nền kinh tế châu Á sẽ không chỉ gây áp lực ngày càng tăng lên giá năng lượng toàn cầu ở những thập niên tới, mà còn có ảnh hưởng đối với an ninh giao thông hàng hải, an ninh cảng biển, chủ nghĩa khủng bố, và xung đột khu vực, xuất phát từ những nguồn năng lượng tiềm tàng. Những cuộc xung đột như thế tăng vọt trong vài năm qua, với những yêu sách đối kháng về chủ quyền trên Đông Hải và biển Hoa Nam, nơi có nhiều mỏ dầu và khí tự nhiên.

Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng làm cho những lực lượng quân sự lớn nhất thế giới phình to thêm. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã có hải quân và không quân hiện đại, tinh vi, trong khi những nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam thì đang mua tàu ngầm mới (trong trường hợp Ấn Độ thì họ còn mua thêm cả tàu biển và phản lực chiến đấu mới nữa). Bắc Triều Tiên duy trì quân đội triệu lính, cùng một chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân ở thế chủ động. Hơn 40.000 quân Mỹ hiện diện vĩnh viễn trên Ấn Độ-Thái Bình Dương, và đa số tàu sân bay, khu trục hạm và tàu ngầm của chúng ta đều đang đóng hoặc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, hoặc ở Biển Tây nước Mỹ. Trong những năm tới, Mỹ chắc chắn sẽ đặt hạm đội máy bay ném bom và máy bay chiến đấu ở Thái Bình Dương, với một số lượng máy bay cao hơn nhiều. Đặc biệt đáng quan tâm là việc Trung Quốc xây dựng quân đội. Bắc Kinh đang chủ động phát triển năng lực quân sự để giảm ưu thế định tính của Mỹ và để nhằm vào các căn cứ cũng như lực lượng của Mỹ một cách hiệu quả, hy vọng tạo ra được một môi trường trong đó quân Mỹ sẽ khó bước chân vào khu vực và khó có thể hoạt động thoải mái nếu vào được. Trong những chương trình đặc biệt gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách quân sự của Mỹ, có chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu biển DF-21, được thiết kế để theo dõi tàu lớn của Mỹ trên biển; máy bay tàng hình J-20, có khả năng hạn chế sức mạnh của máy bay tàng hình F-22s và F-35s của Mỹ; hạm đội tàu ngầm đang gia tăng về số lượng, hiện đã có trên 70 tàu ngầm; cùng các chương trình chiến tranh trên mạng, được thiết kế để tấn công cơ sở hạ tầng Internet trong bộ máy quốc phòng Mỹ.

Các nhà làm chính sách cần bắt đầu lên kế hoạch và thực hiện một chiến lược cho kỷ nguyên Hoa Kỳ sắp tới, trước khi chúng ta mất thêm nhiều cơ sở kinh tế, hoặc trước khi tình trạng mất an ninh dẫn tới bất ổn và khả năng xung đột quân sự. Cũng như công việc chống bạo loạn truyền thống, việc này đòi hỏi thời gian, toàn tâm toàn ý, và nguồn lực. Con đường trước mặt là Xây, Giữ và Dọn.
Cái cốt lõi của chiến lược Mỹ ở châu Á trong sáu thập kỷ tới, cho đến nay vẫn là một hệ thống đồng minh song phương về quốc phòng, gọi là chiến lược “trục bánh xe và nan hoa” (“hub and spoke”). Những hiệp ước đồng minh ký với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan và Philippines, không chỉ ràng buộc Mỹ vào công việc bảo vệ những quốc gia này trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà còn tạo điều kiện cho Mỹ hiện diện trong khu vực, đặc biệt là nhờ quan hệ đồng minh với Nhật Bản – cơ sở chính cho sự có mặt của quân đội Mỹ ở châu Á.

Mặc dù các đồng minh song phương đó cũng giúp ích cho chúng ta, và sẽ tiếp tục là cốt lõi của quan hệ an ninh của Mỹ ở châu Á, nhưng cũng đã đến lúc phải xây dựng một cộng đồng lớn hơn tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm các đối tác cả cũ lẫn mới. Qua việc xây dựng một cấu trúc (an ninh) mới, Mỹ có thể ra mặt thúc đẩy xây dựng một khu vực dân chủ, thịnh vượng và ổn định hơn. Cộng đồng mới này sẽ bao gồm các quốc gia lớn nhỏ, tự do hoặc đang trên đường tự do hóa, hợp tác với nhau và với Washington để củng cố ổn định khu vực và tăng cường an ninh. Họ có thể được xem như một tập hợp những “tam giác đồng tâm”, nối kết các siêu cường khu vực với những nước đang phát triển nhỏ yếu hơn. Đây không phải là một hệ thống đồng minh, mà là một cộng đồng lợi ích; cộng đồng ấy sẽ tạo ra những cấp độ lợi ích chung khác nhau và đều cần thiết cho sự phát triển của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong tương lai.

Tam giác bên ngoài sẽ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, tất cả đều là đồng minh của Mỹ, cùng với Ấn Độ – siêu cường tiếp theo, đang nổi lên trong khu vực. Các giá trị chính trị – xã hội căn bản mà ba quốc gia này chia sẻ, cùng với cam kết thực hiện tự do thương mại toàn cầu của họ, tạo ra nền tảng chung cho việc thúc đẩy dân chủ, xã hội dân sự, pháp trị trên toàn khu vực. Mỗi nước đều có liên quan đến vô số quốc gia khác; họ viện trợ, ký hiệp định mậu dịch tự do, và đôi khi còn tiến hành tập trận chung. Quan trọng nhất là, mỗi nước đều rất có ảnh hưởng đối với các láng giềng, do vậy, cả bốn quốc gia kể trên đều có thể đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực sát cận với họ, phối hợp với lực lượng quân sự Mỹ. Washington nên hướng tới lập một diễn đàn cấp cao, lâu dài, với bốn quốc gia tự do này, để thảo luận các vấn đề an ninh toàn khu vực, xác định những nguy cơ và thách thức chung, và theo đuổi một tiếng nói chung bất cứ khi nào có thể tại các định chế khu vực và quốc tế.

Mặc dù ban đầu thì hợp tác với ba nước đồng minh hiện tại của Mỹ có thể dễ hơn, nhưng không thể có sáng kiến ngoại giao và an ninh có giá trị thực tiễn nào nếu thiếu sự tham gia của Ấn Độ. Chính sách của Mỹ nên khuyến khích cả bốn quốc gia cùng tham dự vào việc hình thành các thể chế chính trị khu vực trong một hệ thống tự do, và cùng đóng góp nguồn lực để bảo vệ an ninh khu vực nói chung và nói riêng tại các vùng lân cận với họ. Khi hợp tác với Mỹ, mỗi nước đều cần mở rộng dần dần diện tuần tra hàng hải, tiến hành tập trận quân sự thường xuyên hơn với quy mô lớn hơn, phát triển và chia sẻ thông tin tình báo, hợp tác với các nước nhỏ yếu hơn để thúc đẩy tự do.

Tam giác ngoài tập trung vào chiến lược tổng thể cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng nên xây dựng một tam giác trong, tập trung vào Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt nam. Tam giác đó có tâm là vùng phía nam biển Hoa Nam (tức Biển Đông – ND), và đặc biệt là những tuyến đường biển sống còn, trong đó có eo biển Malacca, nơi mà thông qua đó, hơn 50.000 tàu biển và một phần tư hàng hóa mậu dịch toàn cầu lưu thông mỗi năm, đấy là chưa kể tới một nửa lượng dầu chuyên chở trên toàn thế giới cũng phải đi qua đó. Khu vực này là cái bản lề giữa Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương, nối kết hai nửa Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các nước ở đây đều có vị trí chiến lược, đều tham gia sâu vào Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đều bị sức ép trước những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên biển, đều có vai trò kinh tế rất quan trọng, và (ngoại trừ Việt Nam) đều đang tự do hóa theo những mức độ khác nhau.

Tăng trưởng kinh tế ở tất cả các quốc gia này đang tạo ra một tầng lớp trung lưu mới, dồi dào, và chính quyền mỗi nước nên được khuyến khích tự do hóa hơn nữa thể chế chính trị và kinh tế của họ. Hiện tại Malaysia, Singapore và Indonesia đều đã tham gia tuần tra chung chống cướp biển, và hợp tác với Mỹ, Australia trong chính sách chống khủng bố. Mỗi nước đều thúc giục ASEAN tỏ lập trường vững vàng hơn trước sự hung hăng của Trung Quốc trên biển Hoa Nam, và họ cũng đã tham gia xây dựng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á mới. Lợi ích và vị trí địa lý của họ khiến cho họ trở thành đối tác lý tưởng (của Mỹ) để góp phần củng cố an ninh trên những tuyến đường hàng hải quan trọng, cung cấp các vị trí tình báo quan trọng cũng như mở đường vào cho không quân và hải quân của Mỹ và các đồng minh, ngoài việc Singapore mở Căn cứ Hải quân Changi. Indonesia, Malaysia và Việt Nam nói riêng thì đang tìm cách tăng cường năng lực hải quân và không quân để tuần tra trên các bờ biển trải dài và vùng biển rộng lớn của họ.

Mỹ và các nước tam giác ngoài cần hợp tác với các quốc gia thuộc tam giác trong để xác định những nguy cơ chung về an ninh, giúp họ phát triển năng lực quân sự, tăng cường trao đổi quân sự chính quy, liên kết các phong trào chính trị trong dân chúng với những lãnh đạo của xã hội dân sự, và khuyến khích tự do hóa hơn nữa về chính trị. Mục tiêu phải là xây dựng một phong trào ổn định tiến tới cởi mở và dân chủ, đồng thời phát triển năng lực về an ninh và thúc đẩy hợp tác.

Xây dựng một cộng đồng mới về lợi ích ở Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ chẳng có mấy giá trị nếu Mỹ không giữ được vị thế của họ trong khu vực. Chiến lược “giữ” đòi hỏi Mỹ phải dồn các nguồn lực ngoại giao, kinh tế và quân sự cần thiết cho việc thực hiện chính sách “xây” nói trên.

Chúng ta phải có một đường lối ngoại giao rõ ràng để không gây rối cho các nước bạn, và tập hợp được, một cách hiệu quả, những nước nào hành động theo hướng gây bất ổn. Chính quyền Obama đã bắt đầu công khai gây áp lực như thế lên Trung Quốc vì những yêu sách chủ quyền trên biển của họ, nhưng sự miễn cưỡng của chúng ta khi phải làm rõ những chính sách xấu của Trung Quốc liên quan tới Bắc Triều Tiên, Myanmar, Iran và các nước khác, cũng như các “thành tích” thậm tệ của họ về nhân quyền không ngừng tiếp diễn, thì cũng giống như việc chúng ta đang gửi đi các thông điệp gây nhiễu tới những nước muốn hành xử cao hơn, theo chuẩn quốc tế và quốc nội. Washington không chỉ cần đóng vai trò nổi bật hơn trong những thể chế khu vực như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, mà còn phải làm chủ diễn đàn dân chủ Ấn Độ-Thái Bình Dương để có thể có tiếng nói (ủng hộ) đến những nhân tố tự do dân chủ trên toàn khu vực.

Sự năng động về kinh tế của Ấn Độ-Thái Bình Dương tạo ra một điều đặc biệt không may mắn, đó là, dưới thời Obama, Mỹ đã để mất một cơ sở quan trọng là tự do thương mại. Chúng ta đã để mất nó cho Trung Quốc. Nước này không ngừng mở rộng các khu vực mậu dịch tự do của họ, kể cả với ASEAN, mặc dù theo những cách không hề bảo vệ quyền của người lao động, cũng không xây dựng nên những cơ chế bảo vệ chặt chẽ người tiêu dùng. Washington cần lấy lại vị trí đi đầu về thương mại tự do, cần đảm bảo thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ, cần duy trì thị trường hàng tiêu dùng giá thấp cho người dân trong nước, và dòng chảy tự do của các sáng kiến, ý tưởng làm lợi cho hoạt động kinh tế. Vị thế của chúng ta ở Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ kém vững vàng nếu chúng ta là kẻ ngoài cuộc trước sự phát triển của Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và những nước khác.


Giữ vị thế quân sự của chúng ta trong khu vực là điều có ảnh hưởng sâu xa, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc phát triển hệ thống vũ khí cao cấp mà một ngày nào đó có thể ngang bằng với lực lượng không quân và hải quân của ta. Trong một tương lai ngân sách dự đoán được, đây sẽ là một trong những khó khăn lớn nhất ngăn cản việc thực hiện chiến lược của Mỹ, nhưng cái giá phải trả cho nó còn thua xa cái giá có thể phải trả vì đánh mất lợi thế quân sự của chúng ta trong một môi trường an ninh biến đổi nhanh chóng. Muốn giữ vị thế, chúng ta phải kết hợp một cách thận trọng giữa việc duy trì các lực lượng quân sự cấp cao nhất trên sân khấu an ninh với việc mở rộng đường tiến vào khu vực. Tái lập lại thế cân bằng giữa các lực lượng của chúng ta trên toàn cầu để triển khai thêm nhiều tàu ngầm, nhiều biện pháp phòng vệ bằng tên lửa đạn đạo, và máy bay tàng hình ở châu Á – điều ấy sẽ là lời tái đảm bảo cho các đồng minh của chúng ta và sẽ gây khó khăn cho những kế hoạch hung hăng của các thế lực thù địch tiềm tàng. Có được quyền đóng căn cứ ở Australia, mở đường cho các đơn vị không quân, hải quân tiến vào Đông Nam Á, sẽ tạo ra thế linh hoạt cho chúng ta trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc ngày càng có khả năng tấn công vào các căn cứ tiền tuyến của chúng ta ở Nhật Bản và Guam, một phần trong chiến lược “giữ vị thế” của chúng ta ở Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ phải bao gồm cả hoạt động phát triển năng lực tấn công từ xa của thế hệ vũ khí kế tiếp – tức là vũ khí được đặt an toàn trên đất Mỹ nhưng có khả năng vươn tới và thâm nhập vào các khu vực mà thế lực thù địch âm mưu ngăn chặn, không cho không quân và hải quân Mỹ tiến vào.

Ngay cả khi Mỹ “xây và giữ” được ở Ấn Độ-Thái Bình Dương thì khu vực này vẫn sẽ tiếp tục thay đổi. Tình trạng thù địch giữa các quốc gia châu Á ít có khả năng sẽ chấm dứt sớm. Việc Trung Quốc tăng cường quân sự cũng đã đưa đến hậu quả là các nước khác cũng tăng cường hải quân, không quân của họ, và Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục đe dọa sự ổn định của các nước láng giềng và khu vực. Do vậy, Mỹ phải quyết tâm dọn sạch những trở ngại đối với ổn định và phát triển. Đây không đơn giản là chỉ dựa vào lực lượng quân sự; mà phải là một kế hoạch triển khai, áp dụng các yếu tố sức mạnh quốc gia đã nói ở trên.

Washington phải chủ động làm giảm không gian hoành hành của những yếu tố hoặc những cách hành xử phá phách trong khu vực. Có nghĩa là Mỹ phải gây thêm áp lực lên Bắc Triều Tiên, bằng cách tái thiết lập các lệnh cấm vận tài chính sâu rộng, từ chối hợp tác với công ty Trung Quốc nào hỗ trợ hoạt động kinh tế của Bình Nhưỡng. Liên quan tới Trung Quốc, Mỹ không được nhường “không gian biển” (theo cách gọi của hải quân Mỹ) cho Trung Quốc, và phải tiếp tục giám sát chặt chẽ các vùng biển và trời trong khu vực. Cũng có nghĩa là Mỹ phải theo dõi quyết liệt hơn những tàu hải quân Trung Quốc có ý định quấy rối láng giềng, và phải duy trì sự hiện diện liên tục của Mỹ ở những vùng biển đôi khi có xung đột. Nếu Trung Quốc tiếp tục kích động Bình Nhưỡng phát triển tên lửa hoặc có hành động mang tính chất gây rối, Mỹ không nên chần chừ mà hãy hạn chế hoặc hủy bỏ mọi giao dịch quân sự với Bắc Kinh (mà chúng ta từng hăm hở thúc đẩy, coi như bằng chứng cho sự nghiêm chỉnh của chúng ta).

Cuối cùng, Mỹ phải nghiêm túc trong quyết tâm xử lý những yếu tố có khả năng gây ra xung đột. Sự ổn định ngày một mất dần, do những hành động khiêu khích không ngừng của Bắc Triều Tiên và thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, có thể dẫn tới những nước cờ sai lầm hoặc làm căng thẳng gia tăng tới mức xung đột quân sự bùng nổ. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã nói rõ rằng họ sẽ phản ứng lại bất kỳ hành động tấn công nào vào lãnh thổ của họ, và kế hoạch tham chiến của Mỹ cũng cần sẵn sàng ngăn chặn khả năng Bắc Triền Tiên tiến hành những hành động như thế. Chúng ta cũng phải chuẩn bị để có thể tận dụng các điểm yếu trong hệ thống quân sự và chỉ huy của Trung Quốc để đảm bảo chiến thắng quyết định trong bất kỳ cuộc giao tranh nào, đây phần nào cũng là một cách làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột. Một chuyện cũng nghiêm túc như những việc làm đó của Mỹ, thậm chí nghiêm trọng, sẽ là đi tới một điểm bùng phát, nơi người ta mất lòng tin vào Mỹ, và một cuộc tranh giành kiểu Machtpolitik (chính trị sức mạnh) giữa các cường quốc trong khu vực sẽ dẫn tới bất ổn dài hạn.

Chiến lược Xây, Giữ và Dọn là cách tiếp cận linh hoạt và thực tiễn nhất để Mỹ duy trì ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Không có gì lạ khi một số người, đặc biệt là những nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, sẽ coi đây là âm mưu nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trên thực tế, cách làm này không phải là chống Trung Quốc, mà là ủng hộ châu Á. Mục tiêu của chúng ta là kiên định cam kết bảo vệ khu vực khỏi tình trạng mất an ninh, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế và thương mại, và đẩy mạnh hơn nữa xu hướng tự do hóa về chính trị.

Sức khỏe kinh tế và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong thế hệ tới phụ thuộc vào khả năng Mỹ duy trì vai trò tại khu vực năng động nhất thế giới này. Nghĩa là Mỹ phải xúc tiến mệnh lệnh tự do, thứ đã kích thích châu Á tăng trưởng suốt nửa thế kỷ qua. Cũng có nghĩa là phải tìm giải pháp thay thế hữu hiệu ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Thông qua thúc đẩy cả một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thịnh vượng hơn và ổn định hơn, không chỉ nước Mỹ mà cả các đồng minh và đối tác của Mỹ sẽ đều có lợi. Và cả Trung Quốc nữa, cuối cùng có thể họ sẽ quyết định đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn trong việc bảo vệ một hệ thống mà họ cũng như bất kỳ quốc gia nào khác có thể hưởng lợi từ đó.

Michael Auslin
Người dịch: Đỗ Quyên