Monday, August 22, 2011

Trần Đông Đức

  
Trước ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng

Video Libyan Rebels Take Over Tripoli 


Trong mấy tháng gần đây, kể từ những ngày khởi đầu cho Cách Mạng Hoa Lài làm rung chuyển và sụp đổ các chế độ độc tài trong thế giới Ả Rập cho đến những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền tại Việt Nam, người dân Việt Nam như được thể nghiệm qua một trào lưu cách mạng mới chưa từng có trong mấy chục năm qua dưới chế độ toàn trị của xã hội chủ nghĩa. Có lẽ đây là một cuộc Cách Mạng với tất cả danh xưng và ý nghĩa thật sự nhưng chưa có ai tự tiện đặt tên vì những lý do rất nhạy cảm mà những biểu tình viên và nhà đương cục Việt Nam đều muốn tránh tiếng gọi tên.

Tuy nhiên, dư luận tràn trào về âm mưu chính trị trên mạng của Trung Quốc thì cho rằng Cách Mạng Hoa Lài đã đến tận biên cương Trung Quốc. Dư luận ngũ mao bên Tàu đổ vấy cho Mỹ đã xuất cảng Cách Mạng Hoa Lài sang Việt Nam mà nhà đương cục Việt Nam không biết cách đề phòng. Lãnh đạo cao tầng của Trung Quốc cũng từng cảnh cáo Việt Nam coi chừng đang đùa với lửa chính là một trong những dụng ý này. Lực lượng công an Việt Nam cũng đã ghi nhận nguy cơ nhân dân xuống đường và âm thầm tìm cách đối phó nhưng không dám nêu thẳng ra vấn đề. Xét cho cùng, nếu công an nói thẳng ra thì có nghĩa là đã tự thừa nhận trào lưu xuống đường chống Trung Quốc chính là một hoạt động mưu cầu dân chủ của nhân dân Việt Nam chống lại nền bạo chính đang đóng vai trò mã tổ của chế độ cầm quyền Việt Nam hiện nay.

Với lập luận một cách chắp vá, nhà đương cục Việt Nam phát biểu với các hãng truyền thông Hoa ngữ rằng cuộc biểu tình chống Trung Quốc và các thế lực lưu vong chống chính phủ Việt Nam có quan hệ. Tuy lập luận này sẽ làm tiền đề cho phong trào trấn áp mới nhưng nội dung đã hiện rõ sự lúng túng của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.

Trước đó, Trung Quốc cũng từng hăm dọa với các đặc sứ do lãnh đạo cao tầng của Việt Nam gởi sang là Trung Quốc sẽ kích thích tinh thần dân tộc nước lớn sẽ đè bẹp ý định "dòm ngó của Việt Nam vào Nam Hải". Mặc dù muốn dằn mặt Việt Nam lắm, nhưng "nước lớn" không thể thực hiện được vì nguy cơ tạo manh nha cho một cuộc cách mạng khác sẽ bùng nổ trước thềm kỷ niệm 100 năm cách mạng Tân Hợi mà nhân dân Trung Quốc hiện nay rất nóng lòng chờ đợi một sự giải thích sòng phẳng với lịch sử.

100 Cách Mạng Tân Hợi

Nhà cầm quyền Trung Quốc đang muốn năm 2011 này qua đi một cách thật êm thắm không tạo sự liên tưởng nào trong lòng dân chúng về cuộc khởi nghĩa Vũ Xương lật đổ triều đình nhà Thanh của 100 năm về trước vào năm 1911.

Chính quyền cộng sản Trung Quốc hiện nay đang mô phỏng phương pháp trị dân kiểu nhà Thanh dùng phương hướng thô bạo, đè đầu để đối phó với các thách thức lớn của xã hội. Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn thường nghe thấy Trung Quốc xử bắn quan chức tham nhũng làm nức lòng dân chúng. Thực ra đó là một chiến lược trị quốc an dân theo kiểu triều đình phong kiến để tháo ngòi căm phẫn trong lòng nhân dân. Trung Quốc hiện nay rơi vào hẳn giai đoạn trước Mậu Tuất chính biến năm 1898, nghĩa là nền văn minh Trung Quốc lâu đời cũng không có cách nào để sản sinh ra một thể chế pháp trị mang tính nền tảng như Âu Châu mà đều phải dùng đến phương hướng ứng xử tuỳ tiện kiểu trung cổ trong những tình huống bị thử thách về lý luận. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường nghe Trung Quốc đề cao Khổng giáo như một biện pháp trị dân nhằm ức chế khát vọng con người chứ chẳng phải là nâng cao nhân tính văn hóa gì cả. Chẳng qua đó là hành vi mượn áo thầy tu nhằm lừa bịp người vọng cổ.

Trong một bài viết trên BBC Tiếng Trung có tựa đề "Tân Hợi Bách Niên: Góc cạnh thay đổi của cuộc cách mạng" phỏng vấn Ngô Anh Nghị, uỷ viên kiều vụ Đài Loan cho rằng hiện nay người Trung Quốc không nói gì tới cuộc "cách mạng mẹ" của các cuộc cách mạng này. Tuy nhiên đây là điều ấm ức trong lòng vì chính nhà cầm quyền đại lục Trung Quốc và nhân dân đều phải tự có ý thức kiềm chế. Kỷ niệm cách mạng Tân Hợi mà không nhắc tới Trung Hoa Dân Quốc thì không yên. (Xét cho cùng các lãnh thổ do Trung Hoa Dân Quốc khai khống ở Biển Đông là tiền đề cho Trung Cộng phát triển âm mưu bành trướng hiện nay. "Công trạng" của Trung Hoa Dân Quốc đối với chủ nghĩa ái quốc trá hình ở Trung Quốc hiện nay cũng to lớn.)

Trong lúc nỗ lực của Trung Quốc đại lục ra sức phân tán danh nghĩa Trung Hoa Dân Quốc tương đối có sự thành công khiến một người như ông Ngô Anh Nghị phải cảm thán rằng: "Lòng tôi thường hướng ánh trăng nhưng hy vọng rằng ánh trăng không chiếu đến quốc kỳ". Góc độ của Cách Mạng Tân Hợi bị biến tướng đến độ không ai muốn nhìn thẳng vào mà nói lời chính nghĩa.

Cũng như Việt Nam, Trung Quốc lâm vào tình trạng có hai quốc kỳ qua danh nghĩa của những cuộc chính biến trong thế kỷ 20 nhưng mà nhân dân và học giới không được sòng phẳng trình bày. Với khuôn mặt trịch thượng, kỷ niệm 100 Cách Mạng Tân Hợi của năm 2011 sẽ đẩy nhà cầm quyền đại lục hiện nay vào thế phải tìm cách giảm nhẹ sự hiếu kỳ về lịch sử về Trung Hoa Dân Quốc 100 năm.

Thế nhưng, ở Việt Nam, qua các cuộc biểu tình, người dân Việt Nam cũng đã kiềm chế trong quy phạm dẫn đạo không để nhà cầm quyền Việt Nam liên tưởng đến những trào lưu thời đại mà có cớ dập tắt cuộc xuống đường chống bá quyền Trung Quốc, trên danh nghĩa vẫn là đồng minh ý thức hệ của cộng sản Việt Nam. Tuy người biểu tình có kiềm chế cảm xúc dưới ánh trăng vàng nhưng những cử chỉ cao cả vĩ đại nhất đã xảy ra. Những người biểu tình đã hóa giải với lịch sử trước năm 1795 bằng cách ghi nhận máu xương của những anh hùng ngã xuống vì Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Những hình ảnh và nhận thức làm rung động lòng người Việt khắp nơi trên thế giới.

Tuy đến giờ phút này, nhiều người của hai phía Việt Nam cũng chưa mong ánh trăng chiếu đến quốc kỳ nhưng ánh trăng nay đã chiếu tận tâm tình dân tộc, chiếu sáng linh hồn cuộc cách mạng xuống đường trong 11 tuần qua tạo sự liên kết trong ngoài với cường độ hiệp thông chưa từng có.

Trong lúc cuộc Cách Mạng Hoa Nhài manh nha đi vào lãnh thổ Trung Quốc chưa kéo đến tuần thứ ba thì bị nhà cầm quyền Trung Quốc huy động tới mấy chục vạn cảnh sát dập tắt từ trong trứng nước thì ở Việt Nam, Cách Mạng Hoa "Kỳ" đã tiếp tục thu hút phong trào.

Ở Việt Nam, nguyên nhân và động lực cách mạng có khác nhưng về mặt khách quan thì mục tiêu chung để chống thể chế bạo quyền bành trướng Bắc Kinh hiện nay vẫn là tiền đề cơ sở. Nhân dân Việt Nam đã làm nên chuyện mà các nhân sĩ tiến bộ của Trung Quốc chưa làm được. Tính ra, thời gian xuống đường lần đầu tại Việt Nam cho đến nay còn dài hơn cuộc biểu tình tại Thiên An Môn mà nhà cầm quyền Việt Nam tìm không ra danh nghĩa nào để đàn áp. Cho dù nhà cầm quyền Việt Nam rất muốn dập tắt cuộc xuống đường để phù hợp thỏa hiệp ngoại giao Trung-Việt nhưng đây là điều không dễ thực hiện vì ngay từ lúc ban đầu và đến giờ này các biểu tình viên không có ý định thách thức nào với nhà cầm quyền Việt Nam.

Một nguyên nhân sâu xa khác là ngay từ lúc đầu, nhà cầm quyền Việt Nam đã lợi dụng được trào lưu này để gây sức ép ngoại giao với Trung Quốc trong diễn đàn đối thoại Shangri-La vào đầu tháng Sáu tạo uy tín lãnh đạo cho Việt Nam vào lúc đó. Do đó, về mặt nhận thức chung thì nhà cầm quyền Việt Nam vẫn còn mắc nợ phong trào biểu tình này một câu cám ơn nên không thể chỉ huy đàn áp trực tiếp. Họ đang dàn ra kế hoạch đợi lúc động lực xuống đường nguội dần thì mới ra tay dìm xuống.

Tuy nhiên, sự việc ngăn chận đã quá muộn màng-Lybia. Cách mạng Tân Mão (2011) của Việt Nam đã xảy ra, đưa tận hương thơm Hoa Nhài đến gần biên cương Trung Quốc làm chuyển động bề măt ngoại giao của lãnh đạo cao tầng hai nước. Lực lượng công an đàn áp phong trào này chẳng qua là một thứ hành vi nối giáo cho giặc làm thiên hạ chê cười. Những công an nào bắt giữ người yêu nước sẽ đi vào lịch sử như những thiên cổ tội nhân. Ngay sau khi công an bắt người biểu tình thì bị báo chí Tây phương quật ngay một bài với tựa đề"Vietnamese police crush anti-China protest" (Công an Việt Nam trấn áp biểu tình chống Trung Quốc). Bài này lên trang Yahoo vào tựa đề số 1. Thật là một nghiệp vụ đáng xấu hổ của công an làm các uỷ hội nhân quyền thế giới phải ra ngay tuyên ngôn phản đối.

Xét cho cùng, thế lực cầm quyền Việt Nam hiện nay không có ích lợi nào về mặt cảm tình dân tộc để chặn đứng trào lưu xuống đường này, không có danh nghĩa nào để bóp nghẹt lòng yêu nước, không còn mặt mũi nào để bóp méo sự thật. Họ đang đứng vào thế trước mặt là Trung Quốc hung tàn sau lưng là nhân dân dứt khoát.

Khôn ngoan nhất hiện nay của công an là để nhân dân Việt Nam ra mặt đối phó với Trung Quốc. Cho dù lãnh đạo cao tầng của Trung Quốc có gởi đặc sứ sang để nhát gà dọa khỉ, yêu cầu nhà đương cục Việt Nam chấm dứt phong trào "phản Hoa thị uy" nhưng rõ ràng cách mạng Việt Nam thu hút được trào lưu gây địa chấn sang Trung Quốc. Đây chính là một vận hội lịch sử nhân dân Việt Nam đang nắm trong tay thúc đẩy luôn cả vận mệnh lịch sử Trung Quốc trong "Tân Hợi Bách Niên", cơ hội ngàn năm có một.

Nhân dân Việt Nam xuống đường tuy không làm cách mạng Hoa Nhài như các nước vì tự thân những biểu tình viên ở Hà Nội là những đoá hoa nhài. Những người yêu nước Việt Nam tự thân đang biến thành vấn đề biên cương Trung Quốc, thách thức chủ quyền "đang khai khống" của họ trên Biển Đông.

Như các triều đại Trung Quốc tan vỡ vì vấn đề biên cương, nhân dân Việt Nam đứng lên chống Trung Quốc một cách quyết liệt chính ra là một cuộc cách mạng mới tạo nên sự hiếu kỳ to lớn cho nhân loại và lợi ích sở cầu của toàn thế giới đang đối phó với bộ mặt bạo tàn, tham lam, độc ác của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay. Nhưng đòn phép dân vận dẩu môi thuyết phục hãy để "Đảng và nhà nước" dùng ngoại giao đấu tranh với Trung Quốc trở nên quá nhỏ bé và khiếp nhược trước những lời hô vang đanh thép hào hùng của trào lưu xuống đường đả đảo Trung Quốc xâm lược.

Trần Đông Đức
Đây là chuỗi bài viết liên quan đến việc kỷ niệm 100 năm Cách Mạng Tân Hợi mà các báo đài như BBC tiếng Trung đang làm chuyên đề. Phía Trung Quốc đại lục đang ra sức tuyên truyền không để nhân dân Trung Quốc liên tưởng đến cuộc khởi nghĩa cách đây 100 năm, lập nên Trung Hoa Dân Quốc chấm dứt chế độ phong kiến ngàn năm ở Trung Quốc.
  1. http://www.bbc.co.uk/zhongwen/simp/indepth/2011/06/110610_revolution_chinese_expact.shtml
  2. http://news.yahoo.com/vietnamese-police-crush-anti-china-protest-030752459.html