Một Xã Hội Khuyết Tật
Nói đến xã hội và văn hóa Việt Nam, một trong những điều chúng ta hay tự hào nhất là quan hệ giữa người và người vốn được cho là lúc nào cũng ăm ắp tình nghĩa. Điều đó nhất định là đúng. Nhưng chỉ đúng trong bình diện cá nhân với cá nhân. Ở một bình diện khác, bình diện quan hệ được thiết chế hóa với tư cách tổ chức, nghĩa là được nhìn từ góc độ chính trị học và xã hội học, xã hội Việt Nam lại cũng không thiếu khuyết tật, trong đó, quan trọng nhất là: nó thiếu hẳn kích thước dân sự.
Nói như vậy cũng có nghĩa là, chúng ta cần phân biệt hai bình diện của quan hệ: phi-thiết chế (noninstitutionalized) và thiết chế hóa (institutionalized).
Phi-thiết chế là những quan hệ hoàn toàn có tính chất cá nhân và ngẫu nhiên, ví dụ, trong quan hệ bạn bè: chúng ta chơi thân với một số người, thường xuyên gặp gỡ họ để chuyện trò hoặc nhậu nhẹt, hoặc trong quan hệ láng giềng: thỉnh thoảng chúng ta ghé nhà nhau, tán dóc hay giúp đỡ nhau chuyện này chuyện nọ. Những quan hệ phi-thiết chế ấy ở đâu cũng có, tuy mỗi nơi có những sắc thái khác nhau. Chẳng hạn, ở Việt Nam, hàng xóm có thể chạy qua chạy lại nhà nhau bất kể giờ giấc; ở Tây phương, ngược lại, thường, thứ nhất, cần có hẹn trước; thứ hai, không ngồi quá lâu; và thứ ba, không nên trố mắt hay chõ miệng vào đời sống riêng tư của nhau.
Quan hệ được thiết chế hóa là những quan hệ được biến thành tổ chức. Có hai loại tổ chức chính: tư (private) và công (public).
Tư, có hai hình thức chính: gia đình và chỗ làm. Gia đình rõ ràng là một quan hệ được thiết chế hóa, ở đó, mọi người nối kết với nhau theo hai nguyên tắc chính: huyết thống và tình nghĩa. Đây là quan hệ căn bản không những cho sự sinh tồn mà còn cho cả việc giáo dục, đặc biệt, việc xã hội hóa của từng cá nhân. Những bài học đầu tiên, từ những bài học về ngôn ngữ đến những bài học về nghệ thuật ứng xử của nhân loại bao giờ cũng được thụ đắc từ gia đình. Chỗ làm, hoặc là công sở hoặc là xí nghiệp hay hiệu buôn, v.v… là một hình thức khác của quan hệ tư, ở đó, nguyên tắc chính để nối kết mọi người là lợi nhuận: mỗi người một công việc khác nhau với những khả năng và bổn phận khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở một điểm: vì lợi nhuận.
Thiết chế quan hệ công thì chỉ có một: chính trị. Đó là quan hệ giữa cá nhân và chính phủ. Cá nhân, bất cứ là cá nhân nào, dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, tất cả đều gắn chặt trong mối quan hệ với nhà nước. Luật pháp áp dụng cho mọi người. Thuế má cũng áp dụng cho mọi người. Nguyên tắc nối kết mọi người trong lãnh vực này chủ yếu là quyền lực.
Ngoài các thiết chế quan hệ vừa kể, còn gì nữa không? Một số người có thể nói: ở Việt Nam còn có một tổ chức quan hệ khác: đó là làng. Làng, ở Việt Nam, ít nhất từ góc nhìn của các nhà Văn hóa học, là một đơn vị nằm giữa gia đình và đất nước. Quan hệ giữa người với người trong làng cũng được thiết chế hóa với những sinh hoạt và những tôn ti nhất định. Đành là đúng. Nhưng ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, cái thiết chế trong làng chủ yếu mô phỏng theo thiết chế của nhà nước, cũng là một hệ thống đẳng cấp nghiêm ngặt. Nhiều người hay nói đến tính chất dân chủ trong văn hóa làng ngày xưa. Nhưng chắc chắn đó không phải là thứ dân chủ của những kẻ cùng đinh. Thứ hai, quan trọng hơn, cấu trúc và văn hóa làng ấy chỉ còn là một hoài niệm. Làng, hiểu theo nghĩa truyền thống, đã biến mất ở Việt Nam hiện nay.
Thành ra, ở Việt Nam bây giờ, quanh đi quẩn lại, mọi quan hệ giữa người và người chỉ giới hạn trong ba thiết chế chính: gia đình, nơi làm việc và nhà nước; với ba kích thước chính: tình nghĩa, lợi nhuận và quyền lực.
Nhưng như vậy đã đủ chưa?
Chắc chắn là chưa đủ.
Các nhà nghiên cứu xã hội học về di dân, nhất là các cộng đồng di dân mới, trong đó có cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đều đi đến nhận định này: đời sống của đa số, nói chung, khá nghèo nàn. Trong khi phần lớn người bản xứ, ngoài gia đình và công việc, thường tham gia tích cực vào các sinh hoạt tập thể như hội đoàn, từ hội đoàn xã hội đến các hội đoàn tôn giáo, hoặc ít nhất, các câu lạc bộ, kể cả câu lạc bộ của các “fans” một môn thể thao nào đó, các cộng đồng di dân thường chỉ biết gia đình. Đi làm xong thì về với gia đình. Hết. Nếu tham gia vào sinh hoạt tập thể thì cũng chỉ giới hạn trong các đoàn thể chính trị, nghĩa là ít nhiều quan hệ với nhà nước.
Hiện tượng đó nổi rõ ở cộng đồng người Việt ở hải ngoại nhưng không phải không có ở Việt Nam, nếu không muốn nói, nó chỉ là hiện tượng kéo dài của một tập quán đã có ở Việt Nam: Chúng ta chưa có các sinh hoạt mang tính xã hội.
Nói chưa, thật ra, không đúng. Trước đây thì có. Ở miền Nam trước đây, những sinh hoạt tập thể dựa trên nguyên tắc phi-lợi nhuận và phi-quyền lực như vậy đã khá phổ biến, ví dụ, thanh thiếu niên, ngoài phong trào Hướng Đạo, còn có thể tham gia vào các sinh hoạt do các tôn giáo tổ chức. Hầu như tôn giáo nào cũng có những hội đoàn như thế: Phật giáo thì có đoàn thanh niên Phật tử; Công giáo thì có đoàn Hùng tâm – Dũng chí, v.v…
Sau năm 1975, tất cả các sinh hoạt ấy đều bị nghiêm cấm.
Tất cả các sinh hoạt tập thể ngoài hai nguyên tắc lợi nhuận và quyền lực cũng đều bị nghiêm cấm. Con người trở thành bơ vơ.
Cái kích thước trong quan hệ bị nghiêm cấm ấy chính là kích thước dân sự, một trong những kích thước căn bản và quan trọng trong đời sống con người.
Thiếu nó, xã hội sẽ trở thành khuyết tật.
TS.Nguyễn Hưng Quốc