Thursday, August 4, 2011

Henriette Bùi Quang Chiêu


Thăm nữ bác sĩ Việt đầu tiên tại Pháp -
Henriette Bùi Quang Chiêu

PARIS - Về lại Paris sau bao nhiêu năm xa cách, Paris vẫn là Thủ Ðô Ánh Sáng, thủ đô tráng lệ, là cái nôi của văn hóa.

Không ai có thể phủ nhận, rằng Paris là thủ đô ánh sáng, nhưng ở đây chúng tôi muốn đưa ra những “ánh sáng” ít khi được nêu lên, có liên quan đến cộng đồng gốc Việt chúng ta. Ðó là những sinh viên Việt Nam xuất sắc, xuất thân từ các đại học ở Paris nói riêng và ở xứ Pháp nói chung, từ những thập niên 1920s, 1930s xa xôi. Thời gian ấy, người Việt Nam chúng ta vẫn còn rất “mù mờ” về nền văn minh Âu Tây!(Bà Henriette Bùi Quang Chiêu, ở tuổi 105. Hình chụp tại Paris nhân chuyến viếng thăm của đoàn bác sĩ từ Hoa Kỳ. (Hình: Tác giả cung cấp)

Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ - “Vietnamese American Medical Research Foundation” - được thành lập trên 15 năm qua. Ngoài việc nghiên cứu trong ngành y khoa, hội thường khuyến khích và vinh danh người Việt Nam tài ba, xuất sắc, làm rạng danh cộng đồng người Việt hải ngoại bởi những đóng góp của họ trong các ngành nghề vào cộng đồng thế giới. Chuyến đi tháng 6, 2011 vừa qua không ngoài mục tiêu vừa nêu ra.

Cách đây năm năm, Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ ngỏ ý mời một nhân vật đặc biệt trong giới Y khoa Pháp sang Mỹ, để mừng thượng thọ 100 tuổi, và cũng để cộng đồng Việt Nam tại California được chiêm ngưỡng và vinh danh. Ðó là bác sĩ Việt Nam đầu tiên, tốt nghiệp tại “Faculté de Médecine de Paris,” Ðại Học Y Khoa Paris, từ năm 1934. Ý định này không thành, vì vị nữ bác sĩ vừa bị tai nạn và từ đó Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ không còn liên lạc được với bà nữa.(Di ảnh gia đình. Từ trái: Madeleine, Henriette, ông Bùi Quang Chiêu, Louis, Camille, Helene. Hình chụp tại Phú Nhuận, Sài Gòn, năm 1921. (Hình: Tác giả cung cấp)

Trong những câu chuyện hàng ngày, Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh, người sáng lập Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ, từng ngỏ ý tiếc đã “để mất liên lạc với vị bác sĩ đặc biệt này.” May mắn thay, Bác Sĩ Nguyễn Tấn Phát, người sáng lập “Hiệp Hội Trường Không Biên Giới” - “École Sans Frontiere,” người thường sinh hoạt trong các trại tỵ nạn và trong cộng đồng Việt Nam ở Pháp, đã tìm được địa chỉ của nữ bác sĩ này. Ông còn xin được cái hẹn cho phái đoàn Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ sang Pháp để gặp gỡ. Vị nữ bác sĩ tỏ ý “vui mừng đóng tiếp phái đoàn đến từ Hoa Kỳ.”

Dùng chữ phái đoàn nghe to lớn, trên thực tế, vì chuyến đi đột ngột, “phái đoàn” chỉ có hai ông bà Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và phu nhân, bà Bác Sĩ Nguyễn T. Hoàng Lan và hai ông bà nhạc sĩ Nhật Ngân. Chỉ có ba ngày, chúng tôi phải khăn gói lên đường đến Paris cho đúng ngày hẹn với “người đặc biệt,” và phái đoàn chỉ có... 5 người.(Bà Henriette Bùi, thời sinh viên y khoa tại Bordeaux. (Hình: Tác giả cung cấp)

Nhân vật đặc biệt

Người mà chúng tôi tìm kiếm cho chuyến thăm viếng này là bà Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu. Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu sinh tại Hà Nội ngày 8 tháng 9, 1906, là ái nữ của ông Bùi Quang Chiêu, người miền Nam, và bà Vương Thị Y.

Sau khi ông Bùi Quang Chiêu tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông tại Pháp quốc, ông trở về Việt Nam làm việc trong ngành chuyên môn. Là người của khoa học, ông Chiêu lại nổi tiếng về lập trường chính trị. Ông sáng lập đảng Lập Hiến, sở hữu tờ báo “La Tribune Indochinoise.” Mặc dầu hoạt động trong khuôn khổ bất bạo động, theo lập hiến để đòi quyền tự trị, ông là người Tây du, đi cùng đường hướng với cụ Phan Châu Trinh, người Ðông du, dưới con mắt của người Pháp thuộc địa, ông là người có tinh thần quốc gia nguy hiểm, không khác nào người làm cách mạng.

Ðảng Cộng Sản Việt Nam thì xem ông như một chướng ngại vật có tầm vóc nên Việt Minh không ngần ngại sát hại ông cùng rất nhiều nhà yêu nước khác, đồng thời buộc tội ông là người hợp tác với chính quyền Pháp thuộc địa.

Con gái ông Bùi Quang Chiêu, là bà Henriette Bùi Quang Chiêu, thừa hưởng tính chất năng nổ, hoạt bát từ người mẹ, đồng thời được sống trong môi trường thuận lợi: gia đình khá giả, có kiến thức của hai nền văn hóa Âu Á, được thêm sự giáo dục phóng khoáng. Vì nền tảng ấy, từ rất sớm, bà đã thể hiện cá tính độc lập với năng lực khác thường. Sống ở Saigon khi còn bé, vào tiểu học năm 1915 “l'École Primaire Superieure des jeunes filles,” sau đó bà vô Lycée Marie Curie. Cô học sinh Henriette là một người thông minh, lại có tính bướng bỉnh nhưng không kém phần hoạt kê, dí dỏm. Bà đỗ bằng tiểu học Certificat d'Études với thứ hạng cao, rồi sau đó nằng nặc đòi thân phụ cho đi học ngành Y khoa ở Paris như người anh Henri của bà.(Bà Henriette Bùi, hình chụp năm 1931. (Hình: Tác giả cung cấp)
Gởi con gái đi xa gia đình, vào thời bấy giờ là chuyện hy hữu. Bà Henriette cứ tiếp tục “quấy nhiễu” thân phụ mẫu, đòi được sang Pháp du học. Cuối cùng, ông bà phải chiều ý. Cô tiểu thư Henriette Bùi ra bến tàu Sài Gòn, xuất ngoại mùa Hè 1921, khi chưa tròn tuổi 15.

Henriette vào Lycée d'Agen và Bordeau năm 1922-25, thuộc miền Tây Nam nước Pháp. Cô học sinh gốc Á hấp thụ đời sống Âu Tây một cách tự nhiên, lấy bằng tú tài năm 1926 dưới sự giám hộ của giáo sư triết Madame Meyerson, nơi bà thường gặp nữ bác học Marie Curie. Bà bắt đầu vào trường Y Khoa năm 1926. Thời bấy giờ, đại học còn rất ít sinh viên nữ, và ngành Y khoa lại càng hiếm hoi hơn. Sau mười năm “tu luyện” nội trú trong các bệnh viện, bà chọn ngành chuyên môn là Sản Phụ Khoa, với luận án bác sĩ được tưởng thưởng huy chương. Bà trở thành bác sĩ gốc Việt đầu tiên xuất thân từ Ðại Học Y Khoa Paris. Lúc ấy, bà vừa tròn 28 tuổi. Sự kiện bà hồi hương năm 1935 là một biến cố quan trọng, làm chấn động dư luận xã hội và truyền thông thời bấy giờ.

Về Việt Nam, Bác Sĩ Henriette Bùi được bổ nhiệm làm trưởng khoa Hộ Sinh ở Chợ Lớn, và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có trách nhiệm chăm lo hệ thống bệnh viện thuộc địa thời ấy. Với cá tính độc lập, bướng bỉnh, bà thường gặp nhiều khó khăn với các “ông tây thuộc địa,” và sự tranh chấp, đố kỵ xảy ra gần như hàng ngày. Tương truyền, bà từ chối mặc y phục Âu Tây để người Pháp kính nể hơn. Giới bác sĩ Pháp thời ấy nói rằng, nếu bà mặc y phục Việt Nam, người ta sẽ lầm tưởng bà là một “bà mụ đỡ đẻ” hơn là một bác sĩ sản khoa. Bà cương quyết từ chối, vẫn cứ tiếp tục hãnh diện trong bộ y phục Việt Nam của mình!

Không những thế, bà không ngừng chống đối sự kỳ thị, về giới tính và chủng tộc. Trong nghề, bà để hết tâm huyết, công sức mở các lớp huấn luyện các bà mụ sản khoa. Một trong những chế độ kỳ thị trắng trợn thời ấy là, cho dầu cùng là bác sĩ, những đồng nghiệp cùng khoa bảng lãnh lương cao gấp 10 lần nữ bác sĩ bản xứ. Ðơn giản, vì các đồng nghiệp ấy là... người Pháp. Bà nhất định tranh đấu, đòi quyền bình đẳng, cho bà, cho nữ giới bản xứ, và cho cả bệnh nhân người bản xứ. Người Pháp rất bực mình về thái độ của bà; họ tố cáo bà “làm cách mạng.”

Trong cuộc sống xã hội, Bác Sĩ Henriette Bùi hành xử rất “Tây.” Bà làm những việc gần như không thể chấp nhận được cho nữ giới thời ấy: bơi lội trong các hồ bơi tập thể, lái xe hơi. Bà chỉ tiếc là đã bỏ cuộc trong việc học lái máy bay!

Cuối năm 1950, bà lại sang Nhật Bản học châm cứu, rồi trở về Pháp hành nghề trong ngành chuyên môn mới, rất thành công tại Paris.

Ðến năm 1966 bà gia nhập một tổ chức từ thiện, trước khi tổ chức “Medecins Sans Frontière” (Bác Sĩ Không Biên Giới) được thành lập. Khi chiến tranh Việt Nam bùng nổ dữ dội, bà tận tụy chữa trị mọi người, không phân biệt bạn, thù.

Bà trở về Pháp năm 1971, làm việc đến năm 1976. Về hưu, bà vẫn tiếp tục công du khắp lục địa.

Về đường gia đình, nữ Bác Sĩ Henriette Bùi thành hôn với ông Vương Quang Nhượng, luật sư nổi tiếng của Tòa Án Sài Gòn, cũng là người bạn thân của thân phụ bà. Hai người ly dị hai năm sau. Sau đó, bà sống với người bạn đời mà bà từng quen biết khi ông còn đi học ở Paris. Ðó là ông Nguyễn Ngọc Bích, người từng tốt nghiệp Kỹ Sư Cầu Cống từ trường nổi tiếng bậc nhất xứ Pháp, “École Polytechnique,” vốn chỉ dành riêng cho sinh viên uu tú nhất của nước Pháp và thế giới thời ấy. Ông Nguyễn Ngọc Bích thuộc thành phần người quốc gia, yêu nước chân chính, đáp lời tiếng gọi quê hương, gia nhập phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được các anh em đồng đội tin tưởng và ngưỡng mộ, bầu làm Khu Bộ Phó Khu 9. Ảnh hưởng của ông càng ngày rộng lớn, và vì ông từ chối gia nhập Ðảng Cộng Sản, ông bị Việt Minh gài cho quân đội Pháp bắt trong vùng tỉnh Sóc Trăng. Dù bị tra tấn, ông nhất định không tiết lộ tên thật, và bị lên án tử hình.

Những năm đau khổ nhất trong cuộc đời của bà Henriette Bùi là khi cha và anh bà bị Việt Minh ám sát tháng 9, 1945. Rồi đến 1947, người bạn đời của bà, kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích, bị Việt Minh gài cho quân đội Pháp bắt, rồi bị lên án tử hình. Ðược tin không lành, bà Henriette Bùi ráo riết tìm các bạn học trường Polytechnique cùng chồng, là những người nay trở thành những nhân vật có ảnh hưởng quan trọng trong chính quyền Pháp, nhờ can thiệp. Kết quả, ông Nguyễn Ngọc Bích được chuyển sang danh sách trao đổi tù binh, thay vì án tử hình. Ðổi lại, ông không được trở lại Việt Nam, mà phải sang Pháp lưu trú. Tại đây, ông trở lại trường Y khoa và thành tài trong mấy năm sau. Tuy nhiên, ông không hành nghề bác sĩ và lại trở thành giáo sư dạy môn Vật Lý tại trường Y Khoa. Chuyện liên hệ ngẫu nhiên: giảng sư Nguyễn Ngọc Bích lại là thầy của Bác Sĩ Vũ Ngọc Quỳnh, người gần gũi ông nhất (Bác Sĩ Quỳnh cũng có mặt trong buổi thăm viếng với phái đoàn) và cũng là thầy của Bác Sĩ Nguyễn Tấn Phát, người bắt được liên lạc với bà Bác Sĩ Henriette Bùi.

Người 105 tuổi

Phái đoàn đến thăm viếng bà Henriette Bùi tại nhà dưỡng lão sang trọng thuộc Quận 19, Paris. Bà tiếp phái đoàn 8 người trong một phòng khách rộng lớn, trên lầu cao có cả sân thượng. Trên đường đến thăm bà, tất cả những người trong phái đoàn ai cũng hân hoan nhưng lo ngại, không biết bà sẽ như thế nào. Ðến khi gặp mặt, mọi người đều vui mừng, thán phục thấy bà tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn ở tuổi 105.

Bà vui mừng nắm tay từng người, hỏi han từ đâu đến và hành nghề gì. Bà vui mừng khi biết các bác sĩ từ Hoa Kỳ đến thăm. Bà rất thoải mái trong bầu không khí trẻ trung không gò bó, ai cũng gọi “bà Henriette,” thay vì gọi “bà cụ” hay “bác sĩ.” Khi bác sĩ Hoàng Lan xin chữ ký, bà để chức vụ “M.D. Henriette Bùi Quang Chiêu” chứ không dùng chữ Docteur vì biết Bác Sĩ Hoàng Lan đến từ Hoa Kỳ. Kể ra những chi tiết để thấy bà vẫn còn minh mẫn, và vẫn còn tính... nghịch ngợm, khôi hài.

Trong lúc trò chuyện, bà hay hỏi lại tên người này người kia vì bà hay quên những gì trong hiện tại, trái lại những gì trong quá thì bà nhớ rất rõ. Bà đọc lại bài vè thật dài, học được khi còn bé, cho mọi người hiện diện cùng nghe. Rồi bà quay qua hỏi người mà bà từng đỡ cho ông được sinh ra 75 năm trước: “Ông là ai?” Người này trả lời: “Dạ thưa, con là Nguyễn Duy Tân.” Bà thản nhiên phát ra một câu không chờ đợi: “A! ông ắt phải là một ông lớn.” Mọi người hiện diện trong phòng cười rộ lên. Bà tỏ ra phấn chấn, vì biết câu nói đùa của mình được mọi người tán thưởng.(Ông bà Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Nguyễn Thị Hoàng Lan trao “plaque” kỷ niệm chuyến viếng thăm bà Bác Sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu ngày 6 tháng 3, 2011. (Hình: Tác giả cung cấp)

Ðộng tác của bà cụ 105 tuổi nay đã chậm, nhưng tư duy vẫn rất nhạy bén. Nói về quá khứ, bà nhớ từng chi tiết một, và khi hỏi bà có hận thù cộng sản đã giết cha và anh của bà không? Bà trả lời: “Không oán hận, vì đó là lịch sử.” Bà nói, mọi chuyện hãy “để cho lịch sử phán xét.”

Trên hai tiếng đồng hồ rộn tiếng cười, đột nhiên bầu không khí trở nên nghiêm trang khi ông bà Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Bác Sĩ Hoàng Lan trao tặng bà tấm phù điêu thủy tinh, vinh danh bà và cũng để đánh dấu ngày 3 tháng 6, 2011, ngày kỷ niệm phái đoàn của Hội Nghiên Cứu Y Khoa Việt-Mỹ đến thăm viếng. Cảm động, bà ôm lấy tặng vật vào lòng, một hình ảnh xúc động, dễ thương!

Trời đã trưa, phái đoàn ngỏ ý mời bà dùng buổi cơm trưa ngoài phố, bà đồng ý ngay. Có người đỡ bà đứng dậy, rồi bà tự động cầm lấy cán xe (walker), thong dong đi một mình đến gọi thang máy để xuống lầu. Nhà hàng ăn ngoài phố không xa nơi bà  trú. Khi đẩy xe bà đến, tất cả nhân viên của nhà hàng niềm nở đón tiếp như thượng khách; bà là khách thường xuyên ở đây!

Sau gần năm tiếng đồng hồ được trò chuyện, sinh hoạt cùng bà, mọi người đưa bà trở lại nơi cư ngụ. Bịn rịn, cảm động, bà bắt tay từng người, bảo: “Phải trở lại thăm bà nữa nhé.” Khi chúng tôi chúc bà sức khỏe và trường thọ, bà phán: “Bà sẽ sống đến 121 tuổi để lấy giải sống lâu hơn một bà người Pháp sống đến 120 tuổi.”

Bác Sĩ Henriette Bùi, biểu tượng của cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như tại Paris nói riêng, một nhân vật đặc biệt, chứng nhân của cả một thế kỷ Việt Nam đầy biến động.

Nguyễn Quang