Sunday, August 21, 2011

Lê Tâm


Bằng cấp mất giá khi
đòi hỏi nhận việc ngày càng cao

Câu chuyện của anh William Klein được tờ báo New York Times tường thuật mới gần đây, nghe có vẻ rất quen thuộc đối với các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp cử nhân vài năm trở lại đây.

Klein tốt nghiệp đại học State University of New York at Brockfort, có cử nhân sử học. Nhưng thay vì tìm được việc làm, anh phải về lại nhà sống với chạ mẹ. Ở đó, thành phố Buffalo, New York, anh chỉ tìm được việc chạy bàn trong nhà hàng, mức lương $7.25 một giờ. Không khác gì lúc còn học trung học - cũng ở nhà với cha mẹ, cũng chạy bàn với mức lương tối thiểu.

Ðiều này xảy ra cho anh (và nhiều người trẻ khác) chẳng phải vì không còn việc gì khác trên thị trường lao động. Ðó chỉ vì nay các công ty nay có vẻ đều muốn tuyển nhân viên có học thức cao hơn. Ngay cả việc dạy kèm ở một trường tư hay hướng dẫn các tour thăm viếng một di tích lịch sử cũng đòi hỏi phải có bằng Cao học. “Rõ ràng là với mảnh bằng đang có hiện nay, tôi chẳng có nhiều việc làm để chọn lựa,” anh Klein nói.

Do vậy, trong khóa mùa Thu năm nay, Klein sẽ cố gia tăng giá trị của mình khi đi kiếm việc bằng cách theo học bậc cao học chương trình Do Thái Học (Jewish Studies) ở Ðại Học Rutgers - với hy vọng dẫn đến công việc liên quan đến dạy học, làm việc trong viện bảo tàng, hoặc tổ chức gây quỹ trong cộng đồng Do Thái. Ðây cũng chẳng phải là loại công việc Klein đặc biệt ưa thích, nhưng anh biết chắc chắn là mình phải có một bằng Cao học nào đó.

Bởi vì hầu như mọi mẩu quảng cáo tìm người, đều có kèm câu sau đây: “Phải có bằng Cử nhân, ưu tiên cho người có bằng Cao học.”

Nhiều người gọi đây là tình trạng lạm phát bằng cấp. Mảnh bằng Cao học, trước đây có lúc bị diễu cợt là phần thưởng an ủi cho những ai không hoàn tất được chương trình Tiến sĩ, hay chỉ là cách để câu giờ trong khi chờ đợi thời buổi kinh tế khó khăn qua đi, thì nay lại là loại bằng cấp đang gia tăng nhanh chóng. Con số văn bằng Cao học cấp phát trong năm 2009 ở Mỹ là 657,000 - tăng hơn gấp đôi so với thập niên 80, và mức độ phát triển vọt hẳn lên trong hai, ba năm trở lại đây, theo Debra W. Stewart, chủ tịch Hội Ðồng Ðào Tạo Sau Cử Nhân. Trong số người trên 25 tuổi hiện nay, cứ 25 người có khoảng 2 người có bằng Cao học. Thời thập niên 1960, đó là tỷ lệ của người có bằng Cử nhân.

“Vài năm trước đây, chúng tôi bắt đầu nhận thấy rằng việc có tấm bằng Cao học đang nhanh chóng trở thành bằng cấp sơ khởi để bước vào một số ngành nghề,” theo lời Tiến Sĩ Stewart.

Những chương trình Cao học mới thường có tính cách rất chuyên môn, thu hẹp vào một lãnh vực nhất định. Ðây không phải là tấm bằng Cao học về chính sách hay quản trị có tính cách chung chung như trước đây. Ngay cả bằng Cao Học Quản Trị Kinh Doanh (M.B.A), theo nhận xét của một khoa trưởng Thương Mại, cũng bị coi là quá rộng lớn trong môi trường hiện nay.

Tấm bằng được ưa chuộng ngay trong lúc này là bằng Cao Học Khoa Học Chuyên Môn (Professional Science Master P.S.M), vừa dạy kỹ thuật chuyên môn vừa dạy kỹ năng kinh doanh.

Mới vài năm trước đây, chỉ có một số ít chương trình loại này, ngày nay hiện có 239 với hàng chục chương trình khác trong giai đoạn phát triển.

Các trường đại học hiện đang đào tạo quá nhiều cử nhân, vượt hẳn khả năng tiếp nhận của thị trường, và mảnh bằng Cao học trở nên là điều cần thiết, nếu không thì phải là tấm bằng Cử nhân của một đại học nổi tiếng, theo lời Richard K. Vedder, giáo sư kinh tế tại đại học Ohio University.

Giáo Sư Vedder cho rằng hiện không chỉ có khuynh hướng “học quá nhiều” mà còn là vấn đề người sinh viên phải gánh chịu chi phí cho việc có được các bằng cấp này.

“Những người hưởng lợi là các đại học và giới chủ nhân,” theo Giáo Sư Vedder. Giới chủ nhân có được nhân viên có nhiều khả năng (mà không phải trả thêm tiền lương), và các đại học tha hồ hốt tiền học phí.

Ông gọi đây là tình trạng lạm phát bằng cấp vượt tầm kiểm soát. Ông mỉa mai tiên đoán rằng “chỉ 20 năm tới đây người ta phải cần có bằng Tiến sĩ mới đi làm công việc dọn dẹp lau chùi được.”

Lê Tâm
(theo NYT)