Wednesday, June 27, 2012

US illegal immigrations


Lại Chuyện Di Dân

Theo dõi tin tức báo chí và dư luận Hoa Kỳ chúng ta thấy nhiều người bị lẫn lộn giữa hai danh từ di dân và di dân bất hợp pháp. Cái việc gây nhức nhối cho chính quyền và gây khó chịu cho dân chúng là cái chữ bất hợp pháp tức là thiếu giấy tờ cư trú hợp lệ. Do đó, khi nói ngắn gọn "di dân" người ta ám chỉ bất hợp pháp.

Chính quyền bị nhức nhối là vì đây là một vấn đề đã có từ lâu, không rõ ràng được phân biệt như trắng với đen, và các tiểu bang có đông dân chúng thuộc thành phần di dân này cư ngụ đã phải tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức, đã gặp phải rất nhiều trở ngại và đã tỏ ra lúng túng, hầu như bất lực trong việc giải quyết rốt ráo vấn đề này. Hành động thế nào đi nữa kết quả sẽ là làm vừa lòng phe này và mất lòng phe kia. Hoặc là mỗi phe chỉ hài lòng một phần hay một nửa. Cái khó khăn này càng gia tăng khi mùa bầu cử càng tới gần. Chính phủ cần lá phiếu của cử tri để tiếp tục cầm quyền. Cử tri là những công dân có quyền đi bầu, quyết định vận mạng của nhà lãnh đạo. Cử tri lại có liên hệ chủng tộc, họ hàng với di dân bất hợp pháp cho nên quyết định bầu bán của họ không thuần pháp lý mà bị ảnh hưởng bởi cảm tính. Nếu không khéo léo giải quyết; có khi bị xem là mỵ dân, nhà lãnh đạo liên bang lẫn tiểu bang dễ bị mất ghế như chơi.

Người dân thì bực bội bởi vì họ thấy chính phủ liên bang không giải quyết được vấn đề một cách dứt khoát. Kết quả dân chúng tiểu bang phải gánh chịu một phần các chi phí giáo dục, y tế, nhà tù v.v...dưới hình thức thuế khoá do hậu quả của việc di dân bất hợp pháp mang lại.

Nếu ngồi chờ liên bang; hành pháp lẫn lập pháp, hành động thì không biết phải chờ đến bao giờ. Trong chương trình vận động tranh cử tổng thống của ông Obama năm 2008, ông ấy hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề di dân, nhưng có lẽ vấn đề này phải đến nhiệm kỳ tới của tổng thống may ra mới được đem ra bàn thảo và thông qua. Lòng dân phẫn uất, chi phí ngày càng tăng, không thể ngồi chờ mãi được. Thế là tiểu bang Arizona đã đi tiên phong. Quốc hội tiểu bang đã thông qua dự luật SB 1070 và nữ thống đốc Jan Brewer đã ký ban hành luật di dân vào năm 2010. Theo luật này, cơ quan công lực địa phương khi chận một người nào đó bị nghi ngờ có hành vi bất hợp pháp ngoài công lộ có quyền xét hỏi giấy tờ cư trú của người ấy. Ngoài ra, luật này bắt buộc tất cả người di cư phải mang theo giấy tờ hợp lệ trong người, và người cư trú bất hợp pháp đi tìm việc hay có làm việc bị xem là phạm luật, và cảnh sát được quyền bắt giữ cư dân bất hơp lệ mà không cần tới trát tòa. Dĩ nhiên luật này chỉ có hiệu lực trong phạm vi của Arizona mà thôi. Tuy nhiên, năm tiểu bang khác cũng đã hành động giống như thế, gồm có: Alabama, Georgia, Indiana, South Carolina và Utah. Cứ cái đà này các nơi khác sẽ làm mô phỏng theo.

Luật SB 1070 đã bị chính phủ liên bang phản đối. Một phần các nhà lãnh đạo các tiểu bang và thành phố địa phương khác và nhiều người dân cũng đã chống đối luật này. Cái lý do đưa ra là luật này vi phạm quyền tự do cá nhân của những công dân và những người cư trú hợp pháp vì từ nay mỗi khi ra đường họ phải luôn mang theo trong người giấy tờ hợp để đề phòng sự xét hỏi giấy tờ của cảnh sát, một việc mà dân chúng xưa nay không quen làm, Và luật này sẽ dẫn đến sự lạm dụng của nhân viên công lực. Trên nguyên tắc, cảnh sát thành phố hay county chỉ có thể xét hỏi giấy tờ của người dân khi họ vi phạm luật lệ giao thông. Xét định tình trạng di trú nằm trong phạm vi thẩm quyền của cơ quan di trú liên bang, nhưng với việc thi hành luật này, tình trạng có thể xảy ra là cảnh sát sẽ chận xét bất cứ một ông bà nào mà bề ngoài có dáng dấp thiểu số dù rằng họ chẳng có hành động phạm pháp rõ rệt nào. Như thế dân chúng sẽ bị sống trong hoang mang, sợ hãi, ngại đi ra ngoài đường vì ngán gặp phải cái cảnh xét hỏi giấy tờ lôi thôi. Đó là chưa muốn nói có những nhân viên công lực mà đầu óc đầy sự kỳ thị chủng tộc sẽ lợi dụng dịp này bắt bớ bừa bãi, từ đó có thể dẫn đến các hành vi hối lộ hay bạo hành khác. Xã hội vì thế sẽ gặp ít nhiều xáo trộn không cần thiết và không phản ảnh một nước Hoa Kỳ tranh đấu cho tự do, sống vì tự do và sống cho tự do mà thế giới hằng biết đến và ngưỡng mộ bấy lâu nay.

Luật SB 1070 bị quan tòa liên bang không cho thi hành. Cuối cùng nội vụ đã phải đưa lên Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ để có một phán quyết tối hậu. Vào cuối tháng 6 này, khoá làm việc của TCPV sẽ tạm kết thúc như thông lệ để các quý vị thẩm phán đi nghỉ hè, nghỉ ngơi. Chính vì thế trong tuần này; tuần lễ cuối trong tháng, pháp đình sẽ có một số phán quyết quan trọng ảnh hưởng kết quả của kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11 sắp tới, trong đó có vấn đề di dân và cải tổ y tế.

Vào Thứ Hai, 25/6, TCPV đã xét về đạo luật SB 1070 với kết quả như sau:

-Tất cả các Thẩm phán đã nhất trí trong phán quyết chấp thuận điều khoản gây nhiều tranh cãi nhất, đó là, đòi hỏi cảnh sát xét hỏi tình trạng di trú của những người nào bị chận lại vì những lý do khác. Tuy nhiên, Tòa giới hạn hậu quả của hành động này. Nếu đương sự trong cuộc bị bắt giữ, đó là do hậu quả của hành vi bất hợp pháp, chứ không phải do từ việc cư trú bất hợp lệ. Nếu người ấy không phạm pháp mà chỉ cư trú không giấy tờ hợp lệ mà thôi, cảnh sát không được quyền giữ họ quá lâu. Như thế nào là quá lâu, Tòa không giải thích. Thế là từ vấn đề này nảy sinh một vấn đề khác. Trong tương lai sẽ có những vụ tranh tụng liên quan đến thời gian và hậu quả của việc giam giữ bị xem là quá lâu.

- Ba điều khoản chính khác bị các Thẩm phán đánh đổ với một tỉ lê không đồng đều:

Bắt buộc tất cả các người di dân phải xin và mang theo trong người giấy tờ cư trú hợp lệ, với tỉ lệ 6-2.

Người di dân sẽ phạm tội hình tiểu bang nếu tìm kiếm hay giữ một việc làm, với tỉ lệ 5-3.

Cho phép cảnh sát đươc bắt giữ cư dân bất hợp lệ mà không cần đến trát tòa, với tỉ lệ 5-3.

Nữ Thẩm phán Elena Kagan không tham dự trong vụ xử này vì bà đã từng làm việc cho chính quyền Obama.

Các Thẩm phán đã chia thành hai nhóm. Nhóm chống luật này gồm có Chánh Thẩm phán John Roberts, các Thẩm phán Stephen Breyer, Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor và đại diện nhóm Anthony Kennedy. Nhóm thiên về luật này, gồm có Thẩm phán Antonin Scalia và Clarence Thomas cho phép thi hành toàn thể luật này, Thẩm phán Samuel Alito cho phép cảnh sát bắt giữ di dân đi làm mà thiếu giấy tờ và bắt giữ không cần lệnh tòa.

Chính phủ liên bang cho luật Arizona là vi phạm vào đời tư cá nhân, lấn vào lãnh vực của liên bang và như thế là bất hợp hiến.

Với phán quyết của TCPV lần này, tình hình di dân vẫn chưa ngã ngũ. Nếu hành pháp liên bang và tiểu bang bấy lâu nay chờ đợi một phán quyết rõ ràng của TCPV để dựa vào đó mà chấp hành thì kể như không có. Tình trạng chẳng khác trước khi luật SB 1070 được thông qua là bao nhiêu. Đây là một vấn đề phức tạp, liên hệ nhiều đến cảm tính, nếu chỉ dựa hoàn toàn vào pháp lý sẽ chẳng có chính quyền hay tòa án nào làm được, nhất là trên bình diện liên bang.

Quốc Hội California vào năm 2011 đã thông qua đạo luật California Dream Act cho phép những di dân trẻ tuổi được cha mẹ đưa sang đây bất hợp lệ vào lúc còn quá bé được xin trợ cấp học bổng của trường công cũng như trường tư.

Trong tháng 6 này chính phủ Obama đã đưa ra một sắc lệnh hành pháp theo đó chính phủ sẽ ngưng lại tất cả các vụ trục xuất những cư dân bất hợp pháp vị thành niên và cho phép họ đươc xin giấy phép đi làm. Mà đã là sắc lệnh thì hiệu lực của nó chỉ kéo dài trong thời gian ông Tổng thống còn tại chức, người kế nhiệm không bị ràng buộc bởi cái quyết định này.

Để giải quyết rốt ráo vấn đề, một đạo luật di trú liên bang cần phải được thông qua trong tương lai. Một tình trạng khó xử và lẩn quẩn. Nó pha lẫn tình cảm lẫn pháp lý. Người dân dựa nhiều vào tình cảm. Tòa án dựa vào luật pháp. Xử thuần túy theo lý trí và pháp lý không khó, nhưng thẩm phán cũng là con người với đầy đủ lý trí và tình cảm. Và do đó họ có cân nhắc, đo lường hậu quả của quyết định quan trọng đối với đời sống của hàng triệu người cũng như hai ngành lập pháp và hành pháp kia. Chính quyền do dân và từ dân mà ra, cứ mỗi 4 năm phải bầu lại, không theo ý cử tri thì nguy to. Được lòng nhóm này, lại mất lòng nhóm khác. Cho dù có một luật di trú liên bang đi nữa, cũng chẳng có gì bảo đảm là nó không bị một phe khiếu tố ra toà hay kháng án lên tòa trên để rồi cuối cùng lên đến TCPV, rơi vào cái vòng lẩn quẩn của luật SB 1070 hiện nay.

Còn nhớ Luật Cải Tổ Y Tế được ban hành sau bao nhiêu tốn kém, công lao bàn cãi của lưỡng viện Quốc Hội, ấy thế mà nó cũng nằm chờ phán quyết của TCPV. Một phần của luật này đã và đang được thi hành. Một số điều khoản khác sẽ có hiệu lực vào 2 năm tới, đặc biệt là điều luật bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế, nếu không sẽ bị phạt tiền. Vào Thứ Năm tuần này, ngày 28/6, TCPV sẽ trình làng phán quyết liên quan đến Luật Y Tế. Dựa vào kinh nghiệm lần này và dựa vào sự bàn cãi của các Thẩm phán trong thời gian trước đây, chúng ta có thể tiên đoán rằng Luật Y Tế sẽ được TCPV chấp thuận hầu hết, ngoại trừ điều khoản vi phạm tự do cá nhân của công dân, đó là bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm nếu không sẽ bị phạt. Các Thẩm phán dĩ nhiên sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hoàn cảnh đất nước và ý nguyện của người dân, làm thế nào để tránh gây thêm hay giảm thiểu sự hỗn loạn của xã hội, vì dẫu sao họ cũng phải có trách nhiệm trong quyết định tối hậu chi phối toàn thể quốc gia. Các điều khoản của luật nhằm ngăn cấm các công ty bảo hiểm không được từ chối bán bảo hiểm cho các khách hàng có mầm mống bệnh tật từ trước và các trẻ em đang sống chung với cha mẹ tiếp tục được hưởng chung bảo hiểm y tế với cha mẹ của họ cho đến năm 26 tuổi đã và đang được thi hành rồi và không có trở ngại gì, vì thế sẽ được giữ nguyên, không thay đổi.

Vì hiện nay là mùa bầu cử cho nên các ứng cử viên cần phải cho cử tri thấy sự khác biêt trong lập trường tranh cử của họ. Thời gian ông Mitt Romney còn là Thống đốc của Massachusetts trước đây, ông ấy là vị Thống đốc duy nhất tại Hoa Kỳ ký ban hành Luật Cải Tổ Y Tế của Massachusetts và được dân chúng tiểu bang hoan nghênh. Luật Y Tế liên bang lần này trên căn bản thì cũng giống luật của Massachusetts các năm trước nhưng ông Romney bảo rằng nếu ông ấy đắc cử Tổng thống vào tháng 11 năm nay, ông sẽ làm mọi cách để hủy bỏ luật y tế của ông Obama. Giản dị là vì nếu không nói thế thì cử tri không thấy sự khác biệt giữa Cộng Hòa và Dân Chủ, và nếu kinh tế và công ăn việc làm không quan trọng đến độ ảnh hưởng mạnh đến quyết định chọn lựa ứng viên của họ, thì việc gì dân chúng lại phải đi bầu cho người của đảng đối lập? Khi chính trị chi phối tình hình thì người dân khó mà phân biệt được đâu là lời nói đáng tin cậy và đâu là thực tâm của ứng cử viên, trừ phi họ phải thật là tinh tế suy xét. Chính vì muốn được thoải mái mà nhiều người đã chọn đứng "Độc Lập" thay vì làm cử tri Cộng Hòa hay Dân Chủ.

"Người ta không thể và cũng đừng cố công tẩy xóa dĩ vãng chỉ vì là nó không thích hợp với hiện tại." (One cannot and must not try to erase the past merely because it does not fit the present. - Golda Meir)

"Một người vĩ đại là người để lại cho người khác một sự mất mát sau khi họ ra đi."
(A great man is one who leaves others at a loss after he is gone. - Paul Valery)

Nguyễn Văn Huy
June.25/2012