Ðêm Vĩnh Biệt Sài Gòn
Chuyện Nhà Tranh Ðấu Dân Quyền Tầu Luật Sư Mù Trần Khang Thành Vượt Thóat Vòng Vây của bọn Công An Tầu Cộng làm tôi nhớ một câu nói của Nhà Văn Solzhenitsyn năm xưa.(Hình phải : MAI THẢO. Cali
1982).Năm xửa, năm xưa ấy là những năm 1971, 1972 khi tôi dịch tác phẩm The First Circle ra tiếng Việt Tầng Ðầu Ðịa Ngục. Trong một bài viết Nhà Văn Nga cay đắng và tiếc hận, ghi nhận thái độ của người dân Nga trong những năm Stalin mở những cuộc bắt giam họ.
“Người ta sợ quá. Biết là mình sắp bị bắt, người ta cứ ở nhà chờ chúng đến bắt. Không ai dám nghĩ đến việc đi trốn. Nếu trong những chiến dịch bắt người ấy, người Nga chỉ chống đối tiêu cực thôi, như trốn đi, như kéo nhau ra đập phá xe của bọn công an ban đêm đi bắt người đậu ở ngoài đường, nhiều người có thể trốn thóat, bọn Mật vụ sẽ vất vả hơn trong việc đi bắt người, số người bị bắt sẽ không nhiều đến như thế.”
Nhà Văn kể:
“Tôi biết một sinh viên. Khi bọn mật vụ đến bắt anh, anh nhẩy qua cửa sổ ra vườn sau, chạy trốn. Anh trốn thóat. Nhiều năm sau tôi gặp lại anh. Anh sống như mọi người.”
Chuyện nhớ lại đó gợi cho tôi nghĩ:
“Trong hai tháng Ba, tháng Tư 1976, bọn Lê Duẩn phóng tay bắt giam những văn nghệ sĩ, ký giả Sài Gòn có người nào chúng muốn bắt mà trốn thoát không?”
Có một người.
Người ấy là Mai Thảo.
Năm 1956 khi Hồ Anh ra Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong tôi mới gặp Mai Thảo. Anh giữ trang BìnhThơ của tuần báo. Nhưng chỉ chừng hai, ba tháng, Mai Thảo ngừng viết cho Văn Nghệ Tiền Phong, anh chủ trương Tạp Chí Sáng Tạo. (Hình phải : MAI THẢO. Tranh CHÓE.)
Bà nội tôi là bà em Ôâng nội của Mai Thảo. Khoảng năm 1940 có một lần tôi theo ông bố tôi về làng Thủ Khối, làng quê ngọai của ông bố tôi, làng quê của Mai Thảo Nguyễn Ðăng Quí. Thủ Khối ở cạnh làng Bát Tràng, Phủ Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, bên đê sông Hồng. Ông bố của Mai Thảo và ông bố tôi từng ở trọ cùng một nhà người trong họ ở Hà Nội để đi học. Mai Thảo là anh tôi.
Tòa sọan Tạp Chí Sáng Tạo ở đường Ký Con. Mai Thảo ở ngay trong căn nhà ấy. Căn ngoài là tòa sọan, bàn viết của Mai Thảo, gian trong là phòng ngủ. Năm ấy Mai Thảo có xe bốn bánh – Xe Fiat, 2 cửa, mầu trắng – anh sống chung kiểu già nhân ngãi, non vợ chồng với chị Cúc. Cuộc sống chung kéo dài chừng ba năm. Những năm 1960 nhiều văn nghệ sĩ độc thân sống trong Bin-đinh Cửu Long, đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Trong số này có các ông Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư, Minh Ðăng Khánh, nhưng Mai Thảo không sống tháng nào trong Bin-đinh Cửu Long. Nơi ở cuối cùng của anh trước Tháng Tư 1975 là một phòng trong nhà Chiều Tím, gần tiệm Phở 79. Ông anh của Mai Thảo – Luật sư Nguyễn Ðăng Thiện – có căn nhà ở đường Phan Ðình Phùng. Anh Thiện và gia đình anh đi khỏi nước trước ngày 30 Tháng Tư. Ông anh thứ hai của Mai Thảo là anh Nguyễn Ðăng Viên, người từng làm Quận trưởng ở ngoài Bắc trước năm 1954, đến ở căn nhà này. Nhờ anh Viên làm được Sổ Gia Ðình với số nhà này nên anh giữ được nhà. Viết rõ hơn: căn nhà của anh Thiện không bị bọn Bắc Cộng chiếm vì lý do chủ nhà trốn ra nước ngoài. Mai Thảo có một phòng trong nhà này. Một đêm đi chơi khuya tôi về ngủ với Mai Thảo trong phòng này. Hai anh đàn ông ngủ một giuờng. Cả đêm hai tên cùng khó chịu. Trong đêm ngủ này tôi thấy trong ngăn kéo bàn ngủ có mấy bài thơ của anh Vũ Hoàng Chương.
Bọn Cộng vào Sài Gòn, ông bà Vũ Hoàng Chương sống rất cơ cực về vật chất – ông bà Thi bá bị bà Mộng Tuyết trở mặt đuổi ra khỏi nhà – nhưng Thi bá vẫn mần Thơ. Ông vẫn viết như trước, ông dùng bút làm bằng cành tre, cành trúc, viết với mực Tầu, những hàng chữ phơi phới bay lên. Thi bá làm nhhững bài thơ tứ tuyệt, viết lên những mảnh giấy, tặng những văn nghệ sĩ. Trong ngăn kéo bàn ngủ trong phòng Mai Thảo đêm xưa ấy tôi thấy có bài thơ anh Vũ Hoàng Chương tặng Mai Thảo.
Tháng Ba, Tháng Tư năm 1976, cuộc bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn xẩy ra. Sáng sớm anh bạn trên xe đạp ghé qua nhà tôi, nói ở cửa:
“Ðêm qua nó bắt các anh Côn, Sĩ, Duyên Anh, Ðằng Giao, Hồng Dương, Minh Vồ, Lê Xuyên, Minh Ðăng Khánh, Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, vợ chồng Trần Dạ Từ, Nhã Ca.. Nhiều lắm. Nó còn bắt nữa. Có trốn thì trốn đi..”
Tôi hỏi về Mai Thảo, anh bạn nói không rõ, hình như Mai Thảo chưa bị bắt. Về sau tôi biết lý do Mai Thảo không bị bắt trong ngày đầu ấy. Không vợ con, anh đến chơi nhà người trong gia đinh anh, nhà bạn anh, anh hay ngủ lại những nhà đó. Bọn Công An Thành Hồ đến căn nhà đường Phan Ðình Phùng nhưng chúng không thấy Mai Thảo ở đó. Biết tin bị bắt, Mai Thảo đi luôn.
Mai Thảo trốn, anh trốn thoát.
Một hôm anh cháu gọi Mai Thảo là cậu đến nhà tôi, anh đưa tôi lá thư ngắn của Mai Thảo:
“Tưởng mày bị bắt nên không liên lạc với mày. Tao bây giờ là kẻ thù của mặt trời. Cho tao mượn tiểu thuyết Detective..”
Mỗi lần tôi đưa anh cháu đem về cho Mai Thảo cả chục quyển tiểu thuyết Detective chữ Pháp. Sau vài lần lấy sách, tôi nói với anh cháu:
“Anh đưa ông ấy đến đây với vợ chồng tôi, ở đây với chúng tôi một ngày.”
Anh cháu chạy xe Vespa một sáng đưa Mai Thảo đến căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi trong Cư Xá Tự Do, giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Mai Thảo đội mũ phớt, để ria mép. Vợ tôi làm cơm, rồi chúng tôi đánh chắn. Tôi mời bà Dì tôi nhà ở gần nhà sang chơi. Bà Dì tôi, Mai Thảo, anh cháu, vợ tôi, bốn chân bài, tôi phải ngồi vào chân bài thứ năm. Tôi đánh chắn thấp hơn vịt. Tối xuống, cậu cháu Mai Thảo ra về. Ðấy là lần cuối cùng tôi gặp Mai Thảo ở Sài Gòn.
Bọn Công An Thành Hồ cay cú vì chúng không bắt được Mai Thảo. Chúng càng cay cú khi chúng biết Mai Thảo vẫn sống ở Sài Gòn. Chúng lùng bắt Mai Thảo ráo riết nhưng chúng vẫn không bắt được Mai Thảo. Cay cú nhất là tên Công An Huỳnh Bá Thành.
Vì có vài lần tôi kể chuyện Mai Thảo đến nhà tôi, kể với anh em văn nghệ, để anh em biết Mai Thảo chưa bị bắt, nên chuyện bị bọn Ăng-ten báo với bọn Công An. Năm 1977, Hùynh Bá Thành thẩm vấn tôi trong Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu. Hắn bất chợt hỏi tôi:
“Mai Thảo có đến nhà anh. Anh cũng có lần anh đến chỗ Mai Thảo rủ anh ta đi chơi chứ?”
Tôi trả lời:
“Chỉ có Mai Thảo đến nhà tôi, tôi không bao giờ đến chỗ Mai Thảo ở. Tôi không hỏi Mai Thảo ở đâu, vì tôi sợ nếu tôi biết, khi tôi bị bắt, các anh hỏi. Tôi không khai thì tôi sợ tôi bị các anh làm khó, tôi khai ra thì tôi ân hận vì tôi mà Mai Thảo bị bắt.”
Tôi nói thêm:
“Tôi nghĩ như thế trước khi tôi bị bắt. Nay tôi bị bắt rồi tôi thấy tôi có thể khai chỗ ở của Mai Thảo. Vì tôi thấy Mai Thảo có bị bắt, nó cũng khổ như tôi mà thôi. Mà trước sau gì nó cũng bị các anh bắt, làm sao trốn mãi được.”
Trong một lần thẩm vấn, Hùynh Bá Thành lấy giấy bao gói thuốc lá, đưa tôi cây bút, bảo tôi viết lên mặt trắng của mảnh giấy:
“Anh viết cái thư ngắn cho Hoài Bắc: “Người ta biết chỗ ở của Mai Thảo rồi. Báo cho Mai Thảo đi chỗ khác ngay.”
Tôi biết mưu của Huỳnh Bá Thành: người tù thuờng lén viết thư nhờ đưa ra ngoài khi có bạn tù được tha. Y sẽ cho một tên công an trẻ giả làm người tù, đến nhà Hoài Bắc, đưa thư tôi:
“Cháu ở tù chung phòng với ông Hoàng Hải Thủy. Cháu được tha, ông ấy nhờ cháu đưa cho ông thư này.”
Nhận được thư tôi Hoài Bắc sẽ lên ngay xe đạp, đi đến chỗ Mai Thảo ở, bọn công an phục sẵn bên ngoaì, sẽ theo Hoài Bắc đến bắt Mai Thảo.
Tôi biết Hoài Bắc cũng không biết chỗ Mai Thảo ở như tôi, tôi cúi mặt trên mảnh giấy, đọc nhẩm lời xin Ðức Mẹ Maria ban ơn, làm cho thư tôi viết không gây ra việc Mai Thảo bị bắt. Rồi tôi viết:
“Hoài Bắc. Tao là HHT. Người ta biết chỗ Mai Thảo đang ở. Mày đến bảo MT đi chỗ khác gấp.”
Hoài Bắc không “mày tao” với tôi, tôi thấy anh cũng không “mày tao” với những người bạn thân của anh. Tôi cố ý viết “mày tao” với anh trong thư để anh nghi thư không phải do tôi viết. Tôi viết xong, Huỳnh Bá Thành còn bảo tôi:
“Anh vẽ bông hoa dưới chữ ký của anh.”
Cuối năm 1977 hay đầu năm 1978, một buổi trưa tôi đi làm việc về “làm việc” là đi chịu thẩm vấn – Ðường Thiên Lý cũng đi làm việc về. Ðường Thiên Lý mới bị bắt. Anh đứng ở cửa Phòng Tập Thể 6, tôi đứng ở cửa Phòng Tập Thể 7, chúng tôi chờ cai tù đến mở cửa để vào phòng. Ðường Thiên Lý nói với tôi:
“Hoài Bắc, Mai Thảo….. đi thoát hết rồi.”
Nghe tin, tôi nhẹ người.
Những mùa thu vàng võ theo nhau qua. Tháng 11 năm 1994 vợ chồng tôi đến Virginia. Mai Thảo đang ở chơi Virginia. Tôi gặp lại Mai Thảo. Ðưa bàn tay lên, Mai Thảo nói:
“Bàn tay này của tao đã đẩy ba thằng bạn tao vào lò thiêu, tao còn thiết gì nữa.”
Ba người bạn của Mai Thảo là Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Hoài Bắc.
Khi tôi đến Kỳ Hoa, Hòai Bắc đã qua đời. Tôi không thể hỏi anh chuyện năm xưa VC Hùynh Bá Thành có cho người đem đến anh cái thư hắn bắt tôi viết trong tù hay không.
Lễ Giáng Sinh năm 1994, Hồng Dương mời vợ chồng tôi sang chơi Cali. Tôi gặp lại Mai Thảo trong căn phòng nhỏ của anh ở sau Tiệm Ăn Song Long. Phòng anh có một giường một người nằm, bàn viết kê trước giường, một ghế.
Ðó là lần thứ hai và lần cuối cùng tôi gập Mai Thảo ở Mỹ.
Mời quí vị đọc một trong những bài viết cuối cùng của Mai Thảo ở Sài Gòn.
Tháng 1-1975 một nhóm văn nghệ sĩ tổ chức một đêm Thơ Vũ Hòang Chương. Việc làm này là để lấy một khoản tiền giúp ông bà Thi bá. Ðêm Thơ được làm ở Trà Thất của Khánh Ly đường Tự Do.
VĂN Ngày 25 Tháng 1 Năm 1975.
Lời Tòa Sọan: Những dòng dưới đây của Mai Thảo kể lại một buổi họp mặt văn nghệ tại nhà Vũ Hoàng Chương, có lẽ là lần cuối cùng, mà chúng ta còn biết được trước khi miền Nam sụp đổ.
Mai Thảo: Cùng trở lại Út Viên biệt thự với Cung Tiến, Phan Lạc Phúc, Thái Tuấn, Hoài Bắc, Thanh Nam. Trao tận tay Vũ số tiền 600 ngàn đã trừ mọi phí khoản thu được về Ðêm Thơ ở Khánh Ly Trà Thất. Tóc Vũ như tóc Thằng Bờm, bờm hết mọi sợi. Chân cẳng Vũ, hai cái ống trúc, làm khẳng khiu cả một vùng cầu thang. Bàn ghế đẹp, theo yêu cầu. Chiếu trải trên nền phòng. Cảnh tượng tháo giầy cùng dăm thế ngồi dân tộc tính gợi không khí một họp mặt tiền chiến của đám thi sĩ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đầu bù tóc rối.
Vũ nhận gói bạc, hơi ngỡ ngàng. Nhiều thế này. Cho cám ơn cả nhé. Ðoạn, chìa mấy tờ giấy:
“Ðây, cảm đề ít hàng Ðêm Thơ Tao.”
Chúng tôi truyền tay nhau hai cái tứ tuyệt. Của chị Mộng Tuyết, giấy vàng ngà quý phái, nét chữ nhi nữ thanh nhã:
Thế kỷ lầm hay đã chẳng lầm
Mà nghe bốn bể vọng thanh âm
Duyên Thơ gợn sóng trên tơ Nhạc
Ðồng điệu hòa lên khúc Cẩm Tâm.
Của Vũ:
Thế kỷ đang còn một Góc thôi
Mà Duyên nhiều thế ư Hai mươi?
Ðêm Thơ quán Nhạc tình tri kỷ
Tận thế rồi men cũng chẳng vơi.
Mà Duyên nhiều thế ư Hai mươi?
Ðêm Thơ quán Nhạc tình tri kỷ
Tận thế rồi men cũng chẳng vơi.
Rồi, trong hoàng hôn Tây Bắc Sài Gòn, sự quây quần chung quanh một bữa nhậu thanh đạm dọn trên mâm đồng. Chuyện mở vào Thơ, tất nhiên. Gọi về Thâm Tâm. Rủ Nguyễn Bính tới. Cho Xuân Diệu, Huy Cận, ngồi ghé một mép chiếu. Nhấp một ngụm rượu của thời bây giờ, thả ngược cái ngà ngà hậu sinh nơi mình, tới những Xứ Thơ, những Cõi Thơ đã tịch lặng, tôi vỡ nhẽ được một điều Thơ này là phải ở thật sâu và xa trong mịt mùng tịch mịch, những bài thơ bất hủ mới sáng chói tới cùng độ ánh sáng, trong suốt tới cùng độ trong suốt. Như cái hiện tượng một vật thể có phản chiếu, khi đã ở thật cao trên thượng tầng không khí, không còn bị khí quyển độc vẩn che lấp, vật thể đó mới cực điểm hào quang.
Nghe Vũ vừa đọc vừa dẫn giải một số hạt ngọc của Thơ nghìn cũ, tôi theo chân bạn, đẩy nhẹ cánh cửa Tịch Mịch, lọt được vào một cõi thơ Ðường nguy nga những hạc vàng. Ðứng lại, kính thành, trước từng bài thơ Ðường nâng đẩy tình, nghĩa, tri kỷ, bằng hữu lên thành khí phách trí thức và hoài bão một đời, thần giao cách cảm trong khoảnh khắc với những Giang Nam trăng nước, Tô Châu núi non, Ðộng Ðình dương liễu, bỗng thấy được, dầu rất đỗi mơ hồ, thế nào là trạng thái linh hiển của ngôn ngữ trác tuyệt. Phi phàm, hiển thánh, siêu việt. Chỉ có Thơ, ở những thăng hoa tột đỉnh, tất nhiên xứng đáng những danh xưng này. Và tài năng. Bất chấp mọi phán đoán, tài năng, một giá trị tương đối, hàm hồ, lại là cái đích thực, hiển nhiên nhất của mọi giá trị mặt đất. Lăn ra khỏi những lớp lớp từng từng giá trị hư ngụy và đầy ngờ vực khác, tài năng sáng chói, dù dưới nghìn thước sâu.
Ngưng trích bài viết của Mai Thảo.
CTHÐ: Chuyện xưa, nhắc lại chỉ thêm ngậm ngùi. Tôi viết bài này là để:
Kể chuyện năm 1975 bọn Bắc Cộng chiếm Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Chúng bắt người Quốc Gia VNCH đi tù. Và tất cả những người Quốc Gia bị chúng bắt đi tù đều líu ríu xách bị đi tù. Có thể có người không chịu tuân lệnh trình diện đi Tù nhưng số người này quá ít, ít đến có thể nói là không có. Nhưng ít nhất, theo tôi biết, có một người bị bọn Công An Thành Hồ bắt mà trốn thoát. Người ấy là Nhà Văn Mai Thảo.
Ở Nga Xô những năm 1970 có một thiếu nữ đánh máy chữ những bản thảo tác phẩm của Nhà Văn Alexandre Solzhenitsyn. Vì tội đó người thiếu nữ bị bọn Mật Vụ Nga bắt giam. Cô chết trong tù.
Ở Sài Gòn có người đánh máy tác phẩm Ðồi Fanta của Duyên Anh. Người này bị bắt khi Duyên Anh đã vượt biên đi thóat. Ra tòa, người đánh máy bản thảo Ðồi Fanta – Duyên Anh viết năm 1982 ở Sài Gòn – bị án 5 năm tù.
Tôi không biết kể từ ngày bọn Cộng Sản cướp chính quyền trên thế giới có bọn Cộng nước nào kết án tử hình những tu sĩ Phật giáo hay không? Năm 1988, bọn Cộng Việt Nam đã kết án Tử Hình Tu sĩ Trí Siêu Lê Mạnh Thát, và Tu sĩ Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương.
Ở Sài Gòn năm 1985 Nhạc sĩ Trịnh Hưng bị bọn Cộng kết án Tù Khổ Sai 8 năm vì bản nhạc ông làm trong có câu:
“Thành phố âm u, chúng bắt thầy tu đi tù.”
Năm 1986, trong sà-lim Trung Tâm Thẩn Vấn Số 4 Phan Ðăng Lưu, Nhà văn Dương Hùng Cường, bút hiệu Dê Húc Càn, ban đêm chết cứng trên sàn xi-măng vì tội viết bài “Nếu anh Trương Chi đẹp trai.”
Ở Sài Gòn năm 1988, cô Lý Thụy Ý, một nữ ký giả, bị án tù 5 năm khổ sai vì bài thơ cô làm trong có hai câu:
“Tôi giải phóng anh hay anh giải phóng tôi?”
“Tôi kiêu hãnh vì tôi là Ngụy.”
Tôi – CTHÐ – có bài thơ về Mai Thảo:
Giã Từ Hà Nội Ðêm còn nhớ?
Bẫy Ngầm ai biết chuyện bây giờ.
Buồn như Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật!
Về Ðỉnh Trời xem lại Chúc Thư.
Bẫy Ngầm ai biết chuyện bây giờ.
Buồn như Bầy Thỏ Ngày Sinh Nhật!
Về Ðỉnh Trời xem lại Chúc Thư.
Mai Thảo có bài thơ:
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Một chiều nhớ Mai Thảo, tôi làm bốn câu:
Cuộc sống có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời.
Ngàn năm thân đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời chắc hiểu rồi!
Càng hiểu không ra lúc cuối đời.
Ngàn năm thân đã nằm trong đất
Ðọc ở sao trời chắc hiểu rồi!
Ði khỏi Hà Nội, Mai Thảo viết “Ðêm Giã Từ Hà Nội.”
Ði khỏi Sài Gòn, Mai Thảo không viết “Ðêm Vĩnh Biệt Sài Gòn.”
Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Ngày 18 Tháng 5, 2012.
Hoàng Hải Thủy