Tuesday, June 12, 2012

USA vs VN


Hoa Kỳ và Cam Ranh

Ông Leon Panetta, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ sau khi tham dự Hội nghị Shangri-La tại Singapore với 27 bộ trưởng quốc phòng trên thế giới (1) hôm Chủ Nhật 3 tháng 6, 2012 đã đến viếng căn cứ Cam Ranh mở đầu chuyến công du Việt Nam 3 ngày.

Ðây là chuyến thăm viếng căn cứ Cam Ranh đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ kể từ khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi căn cứ sau Hiệp Ðịnh Paris 1973.

Công bố chính thức của cuộc công du Việt Nam là để thúc đẩy việc tìm kiếm tung tích của 1,200 binh sĩ Mỹ đã chết trong cuộc chiến Việt Nam nhưng chưa tìm được hài cốt. Và đồng thời thăm chiến hạm Richard E. Byrd, một chiến hạm chuyên chở binh sĩ của Hải quân Hoa Kỳ đang neo để sửa chữa tại Cam Ranh. Chuyên viên sửa tàu của Việt Nam đã được gởi đến giúp chuyên viên Hoa Kỳ trong việc sửa chữa.

Dù được công bố mục đích của chuyến thăm viếng là gì, và các lời tuyên bố rào trược đón sau của Hà Nội cũng như của Hoa Kỳ để làm yên lòng Trung Quốc, sự hiện diện của ông Bộ Trưởng Panetta là một thông điệp không thể nhầm lẫn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Tại Hội nghị Shangri-La ở Singapore ông Panetta đã cảnh giác Trung Quốc rằng nếu Hoa Kỳ đưa sức mạnh quân sự trở lại Tây Thái Bình Dương Hoa Kỳ không có mục đích đe dọa quyền lợi của Trung Quốc. Và ông Panetta thuyết phục Trung Quốc rằng nói chuyện với nhau tốt hơn là cãi vã nhau.

Tại Singapore, ông Panetta không nói gì đến việc ông sắp thăm viếng Cam Ranh, và chỉ nói rằng Trung Quốc đừng ngạc nhiên nếu trong tương lai Hoa Kỳ đưa thêm nhân sự và tàu chiến vào vùng Á Châu Thái Bình Dương. Ông cũng không ngần ngại tiết lộ rằng vào năm 2020, 60% trong số 285 tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ hiện diện tại vùng Á Châu Thái Bình Dương và ông cũng cho biết 6 trong số 11 mẫu hạm của Hoa Kỳ cũng sẽ thường trực tại Á Châu. Ông Panetta nói kế hoạch bố trí dài hạn 8 năm trước mắt của Hải quân Hoa Kỳ đã được dự liệu dù ngân sách quốc phòng được cắt giảm.
Căn cứ Cam Ranh là một quân cảng quan trọng, và có thể nói ai quản lý Cam Ranh là người kiểm soát biển Ðông và con đường thông thương huyết mạch từ Ấn Ðộ Dương lên phía Bắc Thái Bình Dương.

Năm 1964 Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu nghiên cứu địa hình cảng Cam Ranh chuẩn bị mở rộng cuộc chiến bảo vệ miền Nam Việt Nam ra miền Bắc. Và đầu năm 1965 sau khi Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Việt Nam Cộng Hòa phát hiện và đánh đắm một chiếc tàu trọng tải 100 tấn của Bắc Việt chở vũ khí tiếp tế cho bộ đội cộng sản ở miền Nam tại Vũng Rô (trong vùng Ðèo Cả thuộc tỉnh Phú Yên) Hoa Kỳ quyết định xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ Hải Không quân.

Từ năm 1965 đến năm 1973 Cam Ranh là một cứ điểm quan trọng của Hoa Kỳ. Quân đội và tiếp liệu cho toàn cuộc chiến đều ra vào qua cảng Cam Ranh. Sau Hiệp Ðịnh Paris 1973 Hoa Kỳ rút các lực lượng ra khỏi Cam Ranh, và giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Việt Nam Cộng Hòa không có phương tiện duy trì Cam Ranh như một căn cứ và chỉ sử dụng phi trường Cam Ranh một cách giới hạn.

Vào đầu tháng 4, 1975 cảng Cam Ranh còn được sử dụng để tiếp người tị nạn từ miền Trung. Ngày 3 tháng 4, 1975 Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Cam Ranh.

Sau khi chiếm miền Nam, Hải quân Bắc Việt một phần không có nhu cầu, một phần không có khả năng nên căn cứ Cam Ranh bỏ trống. Năm 1979, sau cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, Việt Nam cho Nga thuê Cam Ranh trong 25 năm. Mục đích chính yếu là dùng sự hiện diện của Nga ngăn ngừa một cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung Quốc. Nga đã biến cải Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn ngoài lãnh thổ Nga. Nga cho xây thêm tại Cam Ranh 5 cầu tàu, 2 bãi đưa tàu lên cạn để bảo trì và sửa chữa, xây thêm cơ sở cho tàu ngầm ẩn núp, kho chứa dầu, nhà máy điện, doanh trại và kéo dài phi đạo. Năm 1991 Liên Bang Xô Viết sụp đổ, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thay đổi. Giữa năm 2002, Nga rút khỏi Cam Ranh. Sau khi Nga rút đi, Trung Quốc ve vãn Hà Nội để thuê cảng Cam Ranh, nhưng Hà Nội vẫn còn đủ tỉnh táo để không “bán” Cam Ranh cho Trung Quốc dù căn cứ được bỏ trống.

Những năm gần đây Hà Nội cho chuyển phi trường dân sự Nha Trang vào Cam Ranh dùng cho các chuyến bay nội địa. Người ta đoán Hà Nội có ý dân sự hóa hải cảng Cam Ranh, và sau đó quốc tế hóa Cam Ranh để giải tỏa áp lực đòi thuê bao sử dụng của Trung Quốc.

Quyết định đó của Hà Nội là một quyết định có tính chiến lược đúng đắn chừng nào Trung Quốc còn biết tự chế trong việc đòi quyền làm chủ biển Ðông và giành quyền kiểm soát con đường biển quan trọng của thế giới.

Thời gian cho thấy Trung Quốc dường như đặt mục tiêu “trở thành siêu cường” là một nhiệm vụ lịch sử và bước đầu là bung ra biển Ðông, biến biển Ðông thành cái “hồ nhà” của mình để dọn đường đi bốn biển năm châu. Trung Quốc biết rằng sức mạnh của Hoa Kỳ đang đi xuống nhưng còn mạnh hơn mình nhiều và Trung Quốc sẽ chờ đợi: 10 năm, 15 năm, trước khi đọ sức với Hoa Kỳ.

Nhưng với các nước nhỏ trong vùng Trung Quốc không cần chờ đợi. Trung Quốc dùng chính sách o ép bằng kinh tế và chính trị. Riêng với Việt Nam ngoài áp lực kinh tế Trung Quốc còn dùng nợ nần và ơn nghĩa cũ để làm áp lực. Ðối với Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng nhất nên nếu trị được Việt Nam, các nước khác trong khối Asean sẽ phải cúi đầu thuần phục. Cho nên trong những năm qua Trung Quốc đã triển khai một chính sách “lấn ép” Việt Nam trên biển Ðông. Và năm 2011 là năm Trung Quốc làm những hành động bắt nạt Việt Nam lộ liễu nhất.

Giữa năm 2011 chính quyền đảo Hải Nam công bố lệnh ngưng đánh cá trong biển Ðông và gởi hằng trăm tàu hải giám để chặn bắt ngư dân Việt Nam. Ngày 1 tháng 6 Trung Quốc dọa bắn một ngư thuyền Việt Nam gần Trường Sa và ngày 5 tháng 7 nhân viên Hải giám Trung Quốc đánh đập một chủ thuyền khác trước khi dùng vũ lực đuổi ra khỏi vùng biển “cấm” tại Hoàng Sa.

Trung Quốc cũng còn tìm cách ngăn cản việc khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng Ðặc quyền Kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ). Ngày 26 tháng 5 Trung Quốc cho 3 tàu Hải giám đến lén cắt dây cáp dò tìm dầu khí của tàu Bình Minh 2 của Cục Dầu khí PetroVietnam. Ðây là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm một cách lộ liễu vùng EEZ của Việt Nam.

Trong hai ngày liên tiếp 29 & 30 tháng 5 trong khi tàu khảo sát Viking II do PetroVietnam thuê tìm dầu khí trong bãi Tư Chính (Vanguard Bank), một tàu hải giám Trung Quốc đến cắt dây kéo dụng cụ tìm dầu. Lực lượng bảo vệ Viking II của Việt Nam đã ngăn cản đuổi tàu hải giám của Trung Quốc đi và hai bên xuýt đụng đô nhau bằng vũ lực. Chưa hết, ngày 9 tháng 6 Trung Quốc lại cho tàu đánh cá đến cắt dây cáp của Viking II. Và cuối tháng 6 một vụ cắt dây cáp khác lại diễn ra chung quanh bãi Tư Chính.

Trước các hành động khiêu khích và lần lướt của Trung Quốc, Việt Nam đã áp dụng đối sách phản ứng nhiều mặt: (1) đối đầu (không dùng vũ khí) trên thực địa, (2) Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố mạnh mẽ Việt Nam sẽ hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền biển đảo của quốc gia, (3) làm ngơ để nhân dân Hà Nội và Sài gòn biểu tình trong các ngày Chủ Nhật trong suốt 12 tuần từ đầu tháng 6, và sau cùng (4) không quên mặt ngoại giao gởi giới chức cao cấp đi Trung Quốc nói chuyện hơn thiệt.

Nhưng các hành động của Trung Quốc trên biển Ðông không phải là những đụng chạm ngoài ý muốn, mà là các hành động trong chính sách nên các đối sách đáp ứng của Việt Nam không còn thích hợp. Việt Nam cần phải có một chọn lựa khác.

Có nhiều dấu hiệu năm 2012 là năm căng thẳng. Ðầu tháng 3, 2012 Trung Quốc bắt giữ 21 ngư dân Việt Nam và hai thuyền đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa (Trung Quốc đã chiếm bằng vũ lực đầu năm 1974) đòi tiền chuộc. Và Việt Nam cũng chỉ có thể phản ứng bằng nước bọt. Giữa tháng 4 Trung Quốc gây hấn với Phi Luật Tân tại bãi cạn Scarborough của Phi, và với lời lẽ “dao to búa lớn” của Trung Quốc người ta chờ đợi những bước lấn tới trong chính sách đã được hoạch định của Trung Quốc. Dường như Trung Quốc muốn khiêu khích để Việt Nam chịu không nổi phải đánh trả và họ có cớ để ra tay đẩy cuộc tranh chấp sang một tầng cao khác có lợi cho họ.

Trong tình hình hiện nay Cam Ranh trở thành một cái chìa khóa giải quyết cuộc tranh chấp biển Ðông. Nếu trong 10 năm qua (từ 2002 khi Nga rút ra khỏi Cam Ranh) Việt Nam đã từ chối mọi ve vãn quốc tế sử dụng cảng Cam Ranh và nhắm quốc tế hóa cảng này là một chính sách khéo léo thì với các chuyển biến càng lúc càng tăng cường độ của Trung Quốc có thể buộc Việt Nam phải có một chọn lựa khác.

Ðồng minh và quan hệ an ninh có văn bản đối với Hoa Kỳ có lẽ còn quá sớm. Nhưng nếu có giao kèo để Hoa Kỳ sử dụng Cam Ranh thì có lẽ cũng là một thế bài giải nước bí của Việt Nam. Trước đây người ta vẫn đặt câu hỏi: Hoa Kỳ có muốn sử dụng lại Cam Ranh hay không. Và không ai có câu trả lời dứt khoát. Chuyến thăm viếng Cam Ranh của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Leon Panetta và sự tiếp đón nồng hậu của Việt Nam là một câu trả lời từ hai phía không nhầm lẫn được.

Tín hiệu chuyển đổi chính sách của Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ làm Trung Qquốc rà soát và điều chỉnh lại chiến thuật tiến ra biển Ðông của họ. Và lịch trình Hoa Kỳ thuê bao Cam Ranh để làm căn cứ tiếp vận cho Hạm đội 7 còn tùy thuộc vào sự điều chỉnh này.

Có thể còn rất lâu. Nhưng chuyến thăm Cam Ranh của ông Panetta sẽ làm cho tính cách bè bạn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thay đổi, và quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không còn như trước. Nếu giữa Việt Nam và Trung Quốc còn đồng sáng với 16 giữ vàng giả dối thì “mộng” cũng đã khác nhau nhiều.

(1) Hội nghị Tổng trưởng quốc phòng của 27 nước Australia, Brunei, Burma, Cambodia, Canada, France, Germany, India, Indonesia, Japan, Laos, Malaysia, Mongolia, New Zealand, Pakistan, People's Republic of China, Philippines, Russia, South Korea, Sri Lanka, Singapore, Thailand, East Timor, United Kingdom, United States và Vietnam họp hằng năm tại khách sạn Shangri-La ở Singapore bắt đầu từ năm 2002 do sáng kiến và tổ chức bởi Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (International Institute for Strategic Studies). Do đó hội nghị này có tên là Hội nghị Shangri-La (Shangri-La dialogue).

Trần Bình Nam