Monday, June 4, 2012

Saigon


Khu Dân Sinh, một thuở Sài Gòn


30 tháng 4, 1975, Khu Dân Sinh là một địa chỉ mà hầu hết dân Sài Gòn đều quen thuộc, ghi nhớ và lui tới thường xuyên.(Lối vào khu Dân Sinh từ đường Yersin. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

< Ðây là một trung tâm buôn bán, đặc biệt là đồ “lạc xon” và quần áo cũ; trung tâm vui chơi giải trí: rạp chiếu phim, quán bi-da, banh bàn, máy đánh bạc trẻ em,... các quán bar, quán ăn... và rạp chiếu phim thường trực, gọi là “cinéma permanent.”

Có thể xem Khu Dân Sinh là một Passages Eden bình dân của Sài Gòn.

Diện tích mặt bằng Khu Dân Sinh khá lớn rộng, 4 con đường bao quanh: Yersin-Nguyễn Công Trứ-Ký Con-Nguyễn Văn Sâm (bây giờ là đường Nguyễn Thái Bình). Lối vào Khu Dân Sinh, mặt trước ở đường Yersin, mặt sau ở đường Nguyễn Công Trứ.

Sau 30 tháng 4, Khu Dân Sinh mang biển hiệu là Chợ Dân Sinh; sự thay đổi này thật đúng với hiện trạng của nó: Khu Dân Sinh bây giờ chỉ là một cái chợ buôn bán hàng hóa, không còn là Khu Dân Sinh với những sinh hoạt như thuở trước.

Khu Dân Sinh thuở trước in đậm trong ký ức một thời học trò ở Sài Gòn. Thuở ấy chúng tôi là học sinh trường trung học Chu Văn An, vẫn thường “cúp cua” để rủ các bạn thân học tại trường Nguyễn Văn Khuê, vào Khu Dân Sinh xem chiếu phim “cinéma permanent.”

Trường trung học tư thục Nguyễn Văn Khuê (sau đổi tên là trường Bồ Ðề) chỉ cách Khu Dân Sinh chừng vài trăm mét. Cũng giống rạp chiếu phim Eden ở giữa những lối hành lang nên gọi là Passages Eden; rạp chiếu phim Dân Sinh cũng ở trung tâm của khu này.

Chúng tôi không bỏ sót một phim Mỹ nào. Rạp chiếu phim Dân Sinh thường chiếu phim cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ - phim Western, với những người hùng cưỡi ngựa phi nước đại, bắn súng bằng cả hai tay, và phim tình cảm Ấn Ðộ rất cảm động, làm người xem rơi nước mắt; thỉnh thoảng rạp có trình diễn tuồng cải lương.

Bây giờ hồi tưởng, còn nhớ lại được cả cảm xúc hồi hộp khi xem phim cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ, trong rạp chiếu phim của Khu Dân Sinh, có máy lạnh mát rượi giữa Sài Gòn oi bức.

Người bạn của chúng tôi còn nhắc nhở: “Cậu có nhớ những lúc có pha đấu súng, người hùng rút súng nhanh như chớp, hạ gục đối phương rồi quay súng rất điệu nghệ; thì bọn học trò - gần như hầu hết khán giả trong rạp lúc đó là học trò - chúng mình đứng cả lên vỗ tay, những chiếc ghế gỗ bật lên rào rào, nghe thật phấn khích... Lại mỗi khi đang chiếu bị đứt phim, màn ảnh hiện lên hai chữ 'Cáo lỗi', hoặc để thay than cho máy chạy phim, màn ảnh hiện lên dòng chữ 'Tạm nghỉ 5 phút để thay than', mình nhớ mãi chả thế nào quên được...”

Học trò trốn học hay ngày nghỉ, vào chơi ở Khu Dân Sinh, không xem chiếu phim thì đá banh bàn; hoặc chơi đánh bạc trẻ em. Những cái máy đánh bạc trẻ em ấy, vừa nhả tiền keng cho người thắng điểm, vừa chớp tắt ánh đèn ngó thật linh động, vui mắt.

Thuở đó, chúng tôi được nghe nhiều người lớn tuổi nói: Thời ông Bảy Viễn tung hoành, chính tại Khu Dân Sinh này là một trong những sòng bài bạc lớn nhất Sài Gòn-Chợ Lớn. Lên học bậc đại học rồi, chúng tôi cũng vẫn lui tới Khu Dân Sinh; thường là để mua quần áo cũ, bây giờ gọi là đồ si-đa. Với giá rất rẻ, chúng tôi có thể mua được những chiếc áo sơ-mi ca-rô đủ kiểu đủ màu của Mỹ-quốc-viện-trợ, rất đúng điệu học sinh cao bồi mặc áo sơ-mi ca-rô, như câu hát nhái theo nhạc điệu một bài ca thịnh hành đương thời.

Ngay cả lúc đã gia nhập quân đội, chúng tôi cũng thường vào Khu Dân Sinh mỗi khi có dịp. Ở đây, những quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thích vận quân phục đẹp, có thể mua những chiếc áo “treillis” bốn túi; những đôi botte-de-saut chính hiệu của quân đội Hoa Kỳ, gọi là giày MAP; và nón lưỡi trai nhà binh cũng chính hiệu Hoa Kỳ sản xuất.

Khu Dân Sinh bây giờ không thể gợi dậy những hình ảnh của Khu Dân Sinh thuở trước, chỉ là cái chợ như biển hiệu của nó, dù hiện nay trong Khu Dân Sinh cũng có sạp hàng bán đồ “lạc-xon”; tuy nhiên không có sạp hàng chuyên doanh đồ si đa nữa, vì bây giờ thứ hàng này bày bán ở bất cứ chỗ nào, cả trong và ngoài thành phố(Lối vào khu Dân Sinh từ đường Yersin. (Hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt)

Những sạp hàng ở mặt tiền chợ Dân Sinh, trên đường Yersin, đa số hàng hóa là các thiết bị hàn-cắt, đồ sắt, và các mặt hàng kim khí điện máy. Chúng tôi nhận thấy, chợ Dân Sinh là nơi tập trung các mặt hàng nói trên, kinh doanh theo chiều hướng của cả khu vực rộng lớn, nối dài trên các đường phố lân cận.

Bây giờ Khu Dân Sinh không còn là một đặc điểm của Sài Gòn; trở thành một trung tâm buôn bán như các trung tâm buôn bán khác, đã được lập nên vô số ở khắp nơi của thành phố. Lứa tuổi học trò hôm nay ở Sài Gòn không có được niềm vui từ những trò chơi giải trí như thuở trước.

Người bạn của chúng tôi còn giữ được vài tờ “Programme,” trong đó có tờ nền màu xanh chữ đen, in hình tài tử Henry Fonda với hai tay hai khẩu súng. Người bạn đã lưu giữ tờ chương trình này khi xem chiếu phim Dũng Sĩ Với Ðôi Súng Bá Vàng (L'homme aux colt d'or) tại rạp Dân Sinh trong Khu Dân Sinh, cách đây đã hơn nửa thế kỷ.

Nguyễn Ðạt