Tuesday, June 26, 2012

VH


Bài thi đình( năm 1463) của Lương Thế Vinh

Thần cúi đầu xin đọc:

Sách thánh nói: Nhà nước ta đặt quan chức, lớn nhỏ cùng mối, trong ngoài nối nhau. Bàn việc cơ mật có Mội mật viện. Giữ các miền có Ngũ đạo quan. Xử kiện tụng có Ngũ hình viện. Chức củ sát có Ngự sử đài, nắm lễ nhạc có Lễ nghi viện. Đào tạo nhân tài có trường học của nước của lộ. Coi giữ kho tàng xây dựng có Nội thị tỉnh. Giữ các nơi xa có các quan phủ lộ trấn huyện. Nắm phép quân có quan các vệ. Những chức việc đó đều vì dân mà ra vậy.
Thế mà, mọi việc làm chưa tốt, hình ngục vẫn phạm, kỷ cương chưa vững, lễ nhạc chưa hưng thịnh, nhân tài chưa nhiều, của cải chưa giàu, hàng hóa chưa lưu thông, đạo đức chưa nhuần thấm, quân dân còn oán trách, tệ xấu chưa trừ, việc tốt chưa thấy. Cớ sao?

Thần xin trình bày:
Trời dựng hoàng gia, lấy đức làm đầu. Thái Tổ Cao hoàng đế với trí dũng trời cho dẹp loạn ở đời, cứu muôn dân khỏi cảnh chết chóc, diệt trừ được chinh chiến mọi nơi. Trong buổi đầu dựng nứoc, thiết lập quan chế, rường mối rõ ràng, lớn nhỏ trong ngoài cùng một hệ thống, đều không ngoài vì dân mà dựng nên. Nói đến việcc xếp đặt các quan cai trị lại cũng đều vì dân mà làm vậy.
Hơn nữa, đến đời Hoàng đế Thái Tông nối ngôi, thì quan chế lại càng rõ ràng. Tiếp đến, đời Hoàng đế Nhân Tông thì quan chế càng hoàn bị. Theo như kinh Thi nói: không thiếu không quên, đều làm như sách cũ, kinh dịch nói: Đại nhân kế thừa cái sáng mà tỏa ra khắp bốn phương, đều là như vậy đó.

Nay.
Bệ hạ nối nghiệp thiên thánh, xây dựng mở mang, thường khuyên quần thần làm hết chức trách, cần dùng người phải vì việc chung mà đưa lên, vỗ lớn thành giàu, làm rõ công chính là ở thời này vậy.
Thế mà bệ hạ vẫn lo là trị chưa được, còn muốn trị sâu sắc hơn, còn mong trị cấp thiết hơn.
Tấm lòng bệ hạ như vậy, khiến thần tuy bất tài, cũng không dám dấu giếm gì, xin dựa án tâu rằng:
Việc yên hay loạn là do các quan. Từ đó suy ra việc sửa mình hay không của các quan há chẳng liên quan đến việc yên hay loạn đó sao?
Theo thần, thì thời nay, cho rằng cả trăm quan đều không làm hết chức trách là không đúng nhưng nói rằng cả trăm quan đều làm hết chức trách thì cũng không đúng. Tại sao nói như vậy? Như Nội mật viện nắm các việc quan trọng nhà vua đã giao cho các tể thần trong coi, lại còn thêm các văn quan để giữ việc, thì các vị này không có cớ gì mà không làm, nhưng trong đó quả không có sai sót hay sao?
Lại như Ngũ đạo quan coi giữ các miền trong nước, bệ hạ đã căn dặn từng người lấy đạo lý để mà trị, lại cử người liêm khiết chăm chỉ làm chuyện đó. Trong họ tất có kẻ có tài, nhưng liệu họ có đều là những người làm hết chức trách hay không?

Do đó mọi việc chưa thể làm tốt hết được. Đến như việc hình luật, hình luật phải rõ ràng, đã rõ ràng thì không thay đổi được, đó là điều quan trọng của hình quan có thể biết được. Nay trong những người giữ việc ngũ hình, có ai tài giỏi như Thích Chi, Đới Trụ đời trước chưa? Cho nên hình ngục tất còn nhiều, còn có nhiều người sai phạm. Như trên núi có thú dữ thì không ai dám hái rau. Triều đình có quan lại chính trực tất gian tà không thể phạm được. Đó là điều quan trọng mà Giám quan có thể biết. Nay làm việc ở đài Gián cũng có người như vậy, cũng hiền tài như Trương Cương, Phạm Bằng, tất kỷ cương không thể không vững vàng. Việc cai trị yên dân trước phải có lễ, thay đổi phong tục, trước phải có nhạc, lễ nhạc là việc lớn vậy. Triều đình ta nắm giữ lễ nhạc vốn thuộc về Lễ nghi viện, việc này làm ở triều đình rất hay, đáng tiếc là chưa thực hành xuống tận dân quê. Việc giáo dục đào tạo người tài là do các trường của nước, của lộ, nhưng việc dạy chỉ chú ý đến văn nghệ, cái đáng lo là chưa dạy về đức hạnh. Lại nói đến việc làm giàu của cải, cũng chưa đến nơi đến chốn (Vua phê là đúng). Hàng hoá chưa lưu thông là do cấm lệnh chưa thi hành đầy đủ, chính là trách nhiệm của Nội thị tỉnh. Thần còn nghe các bậc tiên nho nói rằng: Người cầm lệnh là tướng soái của dân, phải theo đường đúng mà dẫn dắt dân. Cầm lệnh tốt hay không là có làm cho dân được an nhàn hay không? Do đó người cầm lệnh không thể không là nguời như vậy. Theo thần thời nay đương cầm lệnh, các quan ờ phủ lộ trấn huyện, người làm hết chức trác thì ít, mà người làm không hết chức trách thì nhiều. Lấy việc giáo hóa mà nói, cũng chỉ mới xử án, mở khoa thi là cùng còn nói việc chăm dóc dân, thờ phụng người có công thì cũng làm trên sổ sách. Con hiếu cháu hiền, nghĩa phu tiết phụ triều đình phải quan tâm. Số đáng biểu dương hỏi được mấy người? Mẹ goá con côi không thể tự sinh sống, triều đìng phải giúp đỡ, nghe đâu không đến một vài người. Người trông coi việc này đã mấy ai làm tròn trách nhiệm. (Vua phê là đúng) Kinh Dịch lại viết: “Sư trinh đại nhân cát”. Lại viết: Người cầm đầu ra quân, tất phải nắm được quy luật chiến tranh, không thể không là người như vậy được. Thần lại nghĩ: Người có quyền thế, nắm giữ việc quân, xứng chức thì ít, không xứng chức thì nhiều. Tiếng là quan võ mà thông hiểu vũ lược được mấy người? Chức là quân quan mà kẻ am hiểu viêc quân được là bao? Thu thuếu nặng, là việc triều đình cấm mà sao vẫn thu lạm tiền nuôi quân. Nuôi nấng tử tuất là bản ý triều đình mà mấy ai được hưởng? Những người nắm việc quân này nào đã mấy người làm tròn chức trách. Đạo đức chưa nhuần thấm, quân dân còn oán giận, điều đó không thể tránh được. Cũng do đó điều xấu chưa trừ diệt mà điều tốt cũng không thấy hết được?

Thần cúi đầu xin đọc:
Thánh sách viết: Điều trọng yếu để cai trị, không ngoài sự hiểu rõ đạo thánh, chính nhân tâm, trừ dị đoan, nắm quan chức, bỏ tệ xấu, làm việc tốt, làm được những việc đó, tất phải có chước thuật của nó. Sĩ đại phu thông hiểu việc xưa nay, phải đem hiểu biết của mình viết thành sách để nhà vua xem.
Ôi!
Điều mà bệ hạ quan tâm đến đó không chỉ may mắn cho chính đạo mà cũng là may mắn lớn cho thiên hạ. Theo đạo thánh, không thể không sáng suốt, lòng người không thể không ngay thẳng, thì tà thuyết ắt phải bị trừ diệt, đó là điều quan trọng để trị vậy. Rõ ràng sự sáng suốt của đạo thánh, sự ngay thẳng của lòng người, chính là cái gốc để trừ diệt tà thuyết. Cần dùng nhân văn để giáo hoa thiên hạ, sự sáng suốt của đạo thánh chính là chỗ đó. Đạo thánh đã sáng suốt tất lý sẽ rõ ràng, mọi người đều hiểu. Lòng người đã ngay thẳng tất phân biệt được đúng sai, thì còn lo gì tai họa của đạo Phật Lão. Hàn Tử nói: người phải trở về bản chất con gười, phải đốt sách đi, phải nơi ở cũ, lấy đạo lý để làm sáng tỏ cái đạo của vua trước. Mạnh Tử viết: người quân tử phải trở về con đường chính, đường đi đã chính, tất dân sẽ hưng thịnh sẽ không sai phạm nữa, đó là điều phải làm. Đến ngay việc trị quan, không thể không cải cách, mà việc tốt tất phải làm, đều là những phương sách trị nước vậy. Mà việc nắm vững chính sự, nắm chắc các quan lại chính là cái gốc để trừ tệ xấu, làm điều tốt. Cần phải khảo tích, xem rõ đúng sai, việc nắm chắc các quan chức là như vậy. Chước thuật cần có chính là ở chỗ bệ hạ cùng triều đình phải đồng tâm nhất thể vậy (Vua phê: Việc trị nước không hết một câu này).
Kinh Dịch nói: Đầu óc sáng suốt, chân tay lanh lẹn mọi việc đều tốt đẹp, đó là nói về nhất thể vậy.

Thần mong muốn rằng:
Trên thì bệ hạ, dưới thì các quan trong triều đình như kinh Dịch nói trên dưới tất phải cùng một chí, như kinh Thư nói đầu óc chân tay tất phải cùng một thể. Vua thì không ngại tự sửa mình bầy tôi cũng không ngại tự sửa mình, thì chính sự sẽ được tốt đẹp, nhân dân đều thấm nhuầu đạo đức, còn lo gì không có cách để làm ngay thẳng lòng người trừ diệt tà thuyết, còn lo gì không có cách nắm vững các quan, trừ tệ xấu.
Ý kiến của thần là như vậy. Thần không biết lời nói có sai có ngông cuồng không nếu là lời nói của kẻ ngông cuồng, cũng xin thánh nhân chọn lựa.

Thần cúi đầu mong muốn:
Bệ hạ chọn được những điều cần chọn thì kẻ hạ thần vô cùng may mắn!
Thần kính cẩn xin dâng.

Lương Thế Vinh

Vua phê: Quyển này rõ ràng không hổ danh là một bài đối sách, văn càng đọc càng thích thú.

Khảo quan phụng phê: Quyển này có học thức, xứng đáng đậu đầu.

Các quan đọc quyển: Thần
Nguyễn Như Đỗ
Nguyễn Phục
Đào Tuấn
Nguyễn Vĩnh Tích
Nguyễn Bá Ký.

@xua&nay  -  namlinhle