Saturday, June 23, 2012

nguoihieucoblog


Cuộc ly biệt đầy cảm xúc giữa Lý Bạch
và Mạnh Hạo Nhiên tại Hoàng Hạc lâu

Hạc lâu (黄鹤楼) là một ngôi tháp lịch sử, được cất trên vực đá Hoàng Hạc của núi Xà Sơn bên bờ sông Dương Tử, thuộc thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hoàng Hạc Lâu được xem là một trong bốn tứ đại danh tháp của Trung Quốc và là ngôi lầu nổi tiếng được các thi nhân ca tụng. Tuy nhiên, thơ tại lầu Hoàng Hạc nói chung đều mang không khí đượm buồn. Chúng ta từng biết đến bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường, nói rõ về tâm trạng buồn man mác tại lầu hạc, khi mà “hạc vàng bay mất từ xưa/mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ” (Tản Đà dịch) rồi dẫn ra những mạch cảm xúc của chính tác giả. Bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” 黄鹤楼送孟浩然之广陵 (Tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng tại lầu Hoàng Hạc) của Lý Bạch cũng mang tâm trạng chung như vậy, buồn man mác, nỗi buồn của sự chia ly, nhưng giá trị hơn cả, đó chính là một bức họa tuyệt vời mà không bút nào có thể vẽ nên được.

黃鶴樓送孟浩然之廣陵Cũng có rất nhiều họa gia công phu tìm hiểu ý tứ của Lý Bạch để vẽ nên những bức họa hết sức tuyệt vời về khung cảnh chia ly ở một không gian hùng vĩ như vậy. Xem ảnh bên, Lầu Hoàng Hạc đứng kiêu hãnh trên vách núi, hướng ra Trường Giang hùng vĩ, cùng với những cánh buồm nhỏ xíu như sắp bị dòng sông nuốt chửng. Khung cảnh hùng vĩ mà mờ ảo này toát lên sự hùng vĩ của thiên nhiên, đè nặng lên cánh buồm nhỏ nhoi của con người, không khí chia ly lại càng được lột tả rõ nét.

Dưới đây tôi xin phân tích đôi nét về bài thơ:

黃 鶴 樓 送 孟 浩 然 之 廣 陵

故 人 西  辭  黃 鶴 樓,
煙 花 三 月 下 陽 州。

孤 帆 遠 影 碧 空 盡,

惟 見 長 江 天 際 流。
李白

 Hoàng Hạc lâu tống Mạnh
 Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu
.

Dịch nghĩa:

Bạn tri kỷ đã từ biệt ta từ lầu Hoàng Hạc ở phía Tây (để đi về Đông)
Tháng ba, tháng của hoa liễu rủ như những bông hoa khói, diễm lệ là thế, cũng là lúc ta phải xuống Dương Châu.
Cánh buồm cô liêu đã đi xa tít tắp, màu xanh của núi non lại vô tận.
(Lúc này thuyền đã khuất bóng), ta chỉ còn thấy dòng Trường Giang chảy mãi đén tận chân trời.


Bình sinh, Lý Bạch là người rất thích ngao du thiên hạ, ông đã đi hết khắp trong ngoài cõi Trung Nguyên. Ông từng viết một câu thơ nói lên quan điểm của mình rằng:

Nhân sinh quý ở chỗ biết nhau
Cần gì phải nghĩ đến kim với tiền
(Tặng hữu nhân – bài thứ 2/3)

Câu thơ thể hiện rõ tinh thần của ông về đạo cư xử có trước có sau và thành tín giữa bạn bè, đồng thời nói lên tình cảm rất nồng hậu mà mãnh liệt của nhà thơ với bạn hữu. Trong số các bạn bè của Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên là nhân vật xuất hiện rất nhiều trong thơ ông. Lý Bạch yêu mến Mạnh Hạo Nhiên ở nhiều mặt, thơ văn, tính cách, sự nghiệp… Vì thế mà ông đã phải thốt lên rằng “Ta yêu mến Mạnh phu tử”.

Bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” được Lý Bạch viết trong bối cảnh năm 729 (tức năm thứ 13 niên hiệu Khai Nguyên thời Đường Huyền Tông), Lý Bạch đi thuyền từ Tứ Xuyên đến phía Đông Trường Giang, trên đường đã đi qua rất nhiều nơi. Đến mùa xuân năm 726, Lý Bạch đi đến Quảng Lăng và ở đó vài tháng. Mùa đông năm ấy, ông rời Quảng Lăng, du ngoạn ở phương Bắc. Sau đó đến Tương Dương, nghe nói Mạnh Hạo Nhiên ẩn cư ở núi Lộc Mộc ở phía Đông Nam thành thì liền đến để thăm hỏi. Mạnh Hạo Nhiên đọc thơ Lý Bạch, hết lời khen ngợi, hai người nhanh chóng trở thành bạn hữu tri kỷ. Mạnh Hạo Nhiên rất nhiệt tình khoản đãi Lý bạch, và giữ ông ở lại đó hơn 10 ngày. Đến tháng 3 năm 730, Lý Bạch được biết mạnh Hạo Nhiên muốn đi Quảng Lăng, liền nhờ người đưa tin, hẹn gặp Mạnh Hạo Nhiên ở Giang Hạ (nay là thành phố Vũ Hán của Trung Quốc). Rồi họ gặp nhau ở lầu Hoàng Hạc tại Giang Hạ. Vài hôm sau, Mạnh Hạo Nhiên đi thuyền xuống phía Đông, Lý Bạch đích thân tiễn đến bờ sông. Thuyền đi, Lý Bạch đứng bên bờ sông ngóng thuyền Mạnh Hạo Nhiên khuất bóng, cảm xúc dâng trào mãnh liệt, liền viết bài thơ “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”. Do đó, chúng ta có thể thấy được tình bạn rất đáng quý của hai người. Bài thơ này là tác phẩm rất tiêu biểu của Lý Bạch, đã trở thành bài thơ quen thuộc, cửa miệng của rất nhiều người.

Nguyễn Ngọc Thanh