Sunday, May 19, 2013

China

 
Giấc mộng của Trung Quốc
 
Giải phẫu “Trung Quốc Mộng” Của Tập Cận Bình

Từ đầu năm nay, truyền thông Anh ngữ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đã trăm lần nói đến “Trung Quốc Mộng,” một mục tiêu do lãnh tụ mới lên là Tập Cận Bình đề ra. Dư luận bèn tìm hiểu nội dung của khẩu hiệu mới để từ đấy suy đoán ra những gì lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiến hành trong những năm tới. Hồ Sơ Người Việt đề cập đến chuyện này hầu quý độc giả...
 
Các lãnh tụ lập thuyết
Khác hẳn lãnh đạo của các nước trên thế giới, lãnh đạo Trung Hoa từ ngàn xưa đã có thói quen tìm tòi mỹ từ tốt đẹp nhất để nói về triều đại của mình. Ngoài niên hiệu có thể đổi thay, thụy hiệu sử dụng sau khi vị hoàng đế tạ thế có thể là một chuỗi dằng dặc những từ rất kêu, rất đẹp để hậu thế nhắc nhở. Văn hóa Việt Nam dưới ảnh hưởng Trung Quốc cũng có lệ này, làm các nhà viết sử hoặc trẻ em học sử phân vân không ít về cách gọi tên khi sống và khi chết.

Qua thế kỷ 20, và từ năm 1949, lãnh đạo của Trung Hoa dưới chế độ cộng sản có đổi mới. Họ không dùng cách gọi đầy màu sắc phong kiến thời xưa vì có tham vọng khoa học hơn. Dùng chữ nghĩa để làm thay đổi nhận thức của thần dân về chương trình hành động của lãnh đạo. Thế giới bên ngoài thì lầm tưởng là do ảnh hưởng của Marx, các lãnh tụ cộng sản Trung Hoa cải tạo sinh hoạt kinh tế ở dưới hạ tầng nhằm chi phối nhận thức của con người trên thượng tầng theo quy luật “vật chất quyết định tư tưởng,” hoặc “duy vật biện chứng pháp.” Lãnh tụ Bắc Kinh tinh vi hơn vậy.

Ði xa hơn Marx, họ áp dụng phương pháp của Lenin, là làm thay đổi xã hội từ cả hai giác độ vật chất lẫn tinh thần. Nghĩa là vừa cải tạo kinh tế vừa quyết định một cách tiên thiên từ đầu, rằng tư tưởng này là đúng, cách lý luận kia là sai. Ðiều ấy mới giải thích những chiến dịch đàn áp văn nghệ sĩ trong nỗ lực cải tạo tư tưởng hay cách mạng văn hóa. Vào một dịp khác, Hồ Sơ Người Việt sẽ trở lại vấn đề này mà chỉ xin nhắc nhở quý độc giả là phải tìm đọc cuốn biên khảo công phu của Thụy Khuê về vụ Nhân Văn Giai Phẩm và về con người Hồ Chí Minh.

Trở lại chuyện Trung Hoa Cộng Sản, hay Trung Cộng, người ta không quên nét văn hóa Trung Hoa trong chế độ khởi đi từ Mao Trạch Ðông. Là dùng mỹ từ thật ngắn mà thật kêu làm khẩu hiệu cho nhiều chiến dịch cải tạo xã hội hay thanh trừng chính trị. Ðã là lãnh tụ thì phải sính làm thơ và là người lập thuyết, dựng ra những lý thuyết làm tư tưởng chỉ đạo cho cả xã hội. Ðặc tính ấy nổi bật ở Mao Trạch Ðông và được Hồ Chí Minh học theo với cả trăm bài diễn văn được kết tập thành sách và một số bài thơ có khi ăn cắp của người khác.
Những khẩu hiệu huy động
Sau 30 năm hoang tưởng chết người của Mao, Trung Quốc từ thời Ðặng Tiểu Bình trở về sau đã thay đổi theo hướng thực tiễn hơn, với các lãnh tụ không xuất thân cách mạng mà là kỹ sư hay kỹ thuật gia. Nhưng dấu vết văn hóa của lãnh tụ lập thuyết thì vẫn còn.

Vì vậy, người dân được thấm nhuần chuỗi khẩu hiệu về tinh thần chỉ đạo có đẳng cấp thứ tự: 1) Chủ nghĩa Mác-Lenin, 2) Tư tưởng Mao Trạch Ðông; 3) Lý luận Ðặng Tiểu Bình; 4) Phương pháp Giang Trạch Dân và 5) Kỹ thuật Hồ Cẩm Ðào. Là thế hệ lãnh đạo thứ tư vừa ra đi, Hồ Cẩm Ðào chưa có cống hiến nổi bật như Giang Trạch Dân. Mà họ Giang này cũng chưa thể bằng Ðặng Tiểu Bình và dù họ Ðặng mới thật có công cho sự nghiệp “cách mạng,” ông vẫn không vượt qua Mao Trạch Ðông.

Cũng vì Giang và Hồ chưa thể nào sánh với Mao và Ðặng, khi lãnh đạo thì họ cố tìm chữ đẹp như người dán nhãn hiệu lên cái chai với ước mơ rót đầy chai rỗng một nội dung tích cực cho đảng, nhân dân và hậu thế. Tập Cận Bình cũng không làm khác, nhưng đi sớm hơn.

Năm 2000, Giang Trạch Dân đưa ra thuyết “Tam Biểu” (Tam Cá Ðại Biểu) theo đó, đảng Cộng sản là đại biểu chân chính của 1) lực lượng sản xuất tiên tiến (hiểu theo ý nghĩa kinh tế của Marx), 2) văn hóa kỹ thuật tiên tiến (hiểu theo ý nghĩa văn hóa duy chủng của Trung Hoa), và 3) quyền lợi của đại đa số quần chúng nhân dân (hiểu theo tinh thần dân chủ tập trung của đảng).

Ðến Hồ Cẩm Ðào thì có hai khẩu hiệu mang tính chất chỉ đạo về tư tưởng và chính trị.

Khi lên lãnh đạo sau Ðại hội 16 từ năm 2002, vào đầu năm 2003, Hồ Cẩm Ðào nói đến quan niệm phát triển khoa học (“Khoa Học Phát Triển Quan”) để kết hợp các yếu tố đưa đến hình thái xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa do Ðặng Tiểu Bình đề ra. Ðó là 1) xã hội chủ nghĩa khoa học (về tư tưởng), 2) phát triển bền vững (về kinh tế), 3) xã hội phúc lợi (về xã hội), dân chủ (về chính trị). Loại nhãn hiệu có vẻ bao đồng này không có giá trị bằng một khẩu hiệu khác.

Ðó là “Hòa Hài Xã Hội” đưa ra từ năm trong tinh thần 1) phát triển xã hội hài hòa của nền văn hóa Khổng nho truyền thống, 2) cải sửa những dị biệt và bất công của chiến lược phát triền thời Ðặng và Giang; 3) tìm sự hòa đồng giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, nhất là Hoa Kỳ.

Phải nhắc đến bối cảnh ấy, chúng ta mới hiểu ra chuyện thời nay. Vừa lên lãnh đạo sau Ðại hội 18 vào Tháng Mười Một năm ngoái, và cầm quyền từ khóa họp của Quốc Hội vào Tháng Ba vừa qua, Tập Cận Bình đã rất nhiều lần nói đến “Trung Quốc Mộng.”

Nội dung “Giấc mơ của Trung Quốc” có thể là gì?

Viễn ảnh Tập Cận Bình
 
Do thể chế đặc biệt của Trung Quốc Cộng sản hiện nay, các lãnh tụ mới lên đều là ẩn số với rất ít thông tin được công bố ra ngoài. Vì vậy, khi họ lên cầm quyền, giới quan sát bên ngoài phải ráo riết tìm hiểu để từ đó suy đoán ra chiều hướng của quốc gia này trong tương lai. Thật ra, Tập Cận Bình hay Lý Khắc Cường - hai nhân vật tiêu biểu đứng hạng nhất hạng nhì của “thế hệ thứ năm” - đã được các thế hệ lãnh đạo Giang-Hồ sàng lọc từ cả chục năm rồi.
Họ được gọi là “Thế hệ Tập-Lý.”

Nhưng khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào, Tập Cận Bình vừa lên ngôi là nắm ngay ba ấn tính lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội: Tổng bí thư đảng, Chủ tịch Nhà nước và Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội. Quân ủy hội là hai cơ chế có cùng tên và cùng thành phần nhân sự bên đảng và nhà nước để lãnh đạo quân đội. Giang và Hồ phải chờ ba năm mới giữ vị trí đó. Tập Cận Bình thì được Hồ Cẩm Ðào nhường chức ngay sau Ðại hội 18. (Xin quý độc giả tìm lại loạt bài của Hồ Sơ Người Việt về hệ thống quyền lực Trung Quốc từ năm ngoái, trước khi có Ðại hội 18).

Người ta có nhiều cách giải thích hiện tượng tập trung quyền lực rất sớm như vậy.

Một là Tập Cận Bình có bản lãnh. Hai là được hậu thuẫn của Giang Trạch Dân, phe “Thái tử đảng” và “cánh Thượng Hải” để sớm đẩy lui Hồ Cẩm Ðào và “Ðoàn phái,” các đảng viên cao cấp xuất thân từ Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản. Ba là vì tình hình có quá nhiều vấn đề cấp bách nên các phe phái đều đồng ý gác bỏ mọi dị biệt để Tập Cận Bình sớm có đầy đủ quyền hạn.

Thế giới bên ngoài chưa thể biết sự thật, nhưng nhiều khó khăn chồng chất về kinh tế, xã hội và nhất là chính trị trên thượng tầng đảng suốt năm ngoái (kể cả vụ cách chức Bí thư Bạc Hy Lai của Trùng Khánh) có thể là lý do chính khiến Tập Cận Bình thâu tóm được quyền lực rất sớm.

Không những vậy, cách bố trí nhân sự lãnh đạo đảng với bảy ủy viên (thay vì chín người) trong Thường Vụ Bộ Chính Trị theo xu hướng bảo thủ còn cho thấy ý chí quyết liệt củng cố quyền lực của đảng. Thứ nữa, việc tái tổ chức nhân sự lãnh đạo Quốc Vụ Viện (Hội Ðồng Chính Phủ) cho tinh giản với ít phủ bộ hơn mà mỗi bộ phận lại có nhiều quyền hạn hơn có thể phản ảnh nỗ lực kiện toàn một bộ máy hành động bén nhạy hơn tại trung ương. Thứ ba, nhiều nhân vật thuộc xu hướng thực tiễn - không hẳn là cởi mở - có thể đã mất cơ hội vào Thường Vụ Bộ Chính Trị (như Lưu Yến Ðông, Uông Dương hay Mã Khải) nhưng lại giữ vị trí phó thủ tướng và phụ trách các hồ sơ kinh tế.

Thứ tư, nhân vật số hai trong đảng không là người chỉ đạo về chính trị, như trường hợp Ngô Bang Quốc trước đây, mà là tổng lý Quốc Vụ Viện tức là Thủ Tướng Lý Khắc Cường.

Như vậy, ưu tiên của thế hệ Tập-Lý vẫn là phát triển kinh tế, nhưng với điều kiện là bảo vệ hệ thống chính trị. Việc cải cách chính trị theo cùng nhịp độ cải cách kinh tế là không có. Ðấy là bối cảnh rộng lớn và sâu xa để chúng ta tìm hiểu về “Trung Quốc Mộng” của Tập Cận Bình.

 
Hiện đại hóa giấc mơ ngàn đời
 
Nhiều nhà quan sát Tây phương có thể bị ảnh hưởng từ tinh thần chủ quan của Hoa Kỳ mà cho là Tập Cận Bình chọn khẩu hiệu là “Giấc mơ Trung Quốc” như một phản diện của “Giấc mơ Hoa Kỳ,” the American Dream. Thật ra, họ Tập không đến nỗi thụ động, tiêu cực hay nông cạn như vậy.

Lần đầu tiên ông ta nói ra khẩu hiệu này là tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia (Quốc Gia Bác Vật Viện) tại Bắc Kinh trong cuộc triển lãm nặng tính chất tuyên truyền về “Ðường Canh Tân” vào Tháng Mười Một năm ngoái. Cuộc triển lãm khai thác hội chứng nạn nhân của Trung Quốc khi bị liệt cường sâu xé làm xã hội lụn bại, quốc gia lâm nguy cả trăm năm, từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Với khẩu hiệu mới, Tập Cận Bình khơi dậy tinh thần ái quốc và tự ái dân tộc và nhấn mạnh đến vai trò phục quốc của đảng Cộng sản. Ðộng lực chính trị nằm ở đó, với hậu quả tất nhiên là tỏa ra nhiều mặt, kể cả mặt quân sự hay nhu cầu bảo vệ “quyền lợi cốt lõi” mà các nước khác gọi là chủ nghĩa bành trướng, bá quyền.

Thực tế thì Trung Quốc đã từng là bá quyền, với tổng sản lượng kinh tế bằng phân nửa của sản lượng toàn cầu vào thời thịnh đạt của nhà Ðại Thanh. Ngày nay, Trung Quốc sẽ tìm lại giấc mơ họ coi là chính đáng này.

Một cách cụ thể hơn, ít ra về kinh tế, giấc mơ đó là trong 10 năm sắp tới, lãnh đạo phải nâng được lợi tức đồng niên của mỗi người dân qua cái ngưỡng tâm lý là 10 ngàn đô la. Hiện nay, mỗi người mới chỉ có được chừng sáu ngàn và dù nhân với dân số hơn một tỷ ba thì sản lượng toàn quốc có thể mấp mé sản lượng của Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn là nước nghèo. Mỗi người dân Mỹ hiện có lợi tức quãng 42 ngàn đô la một năm, gấp bảy dân Tầu đông gấp bốn lần rưỡi. Giấc mơ của Tập Cận Bình là đến ngày kỷ niệm trăm năm lập quốc của đảng (1949-2050), người dân sẽ có lợi tức 42 ngàn, bằng dân Mỹ ngày nay. Nhìn lại thì giấc mơ đó cũng dễ hiểu và tầm thường.

Ðấy là sự hiện đại hóa giấc mơ “tiểu khang” của Ðặng Tiểu Bình: lấy chữ từ một bài ca dao trong Kinh Thi, họ Ðặng thực tiễn đề ra chủ trương cải cách kinh tế hầu cho nhà nào cũng có đủ ăn trong một “xã hội tiểu khang,” có mức thịnh vượng trung bình. Ba chục năm sau khi Ðặng Tiểu Bình cải cách và mở cửa, tiêu chuẩn “tiểu khang” được nâng lên chút đỉnh để theo kịp thiên hạ.

Nhiều nhà quan sát Tây phương có thể nhìn vào nỗ lực đó mà kết luận rằng lãnh đạo thời nay của Trung Quốc đã lặng lẽ buông bỏ ý thức hệ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa để đi tìm thành quả thực tế về kinh tế. Ðiều này vẫn có thể sai. Lãnh đạo Trung Quốc muốn hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội bằng văn hóa tư tưởng Trung Hoa và gọi đó là “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa.” Giấc mơ của Tập Cận Bình nhắm vào đó.

Sau khi phát biểu, rằng “giấc mơ Trung Quốc là lý tưởng của mọi người dân Trung Hoa,” lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Hoa nhấn mạnh, rằng “người cộng sản phải có lý tưởng cao hơn, đó là chủ nghĩa cộng sản.”
Kết luận ở đây là gì?
 
Chúng ta mỉm cười nhớ lại lý luận vòng vo của Hồ Chí Minh, rằng “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa.” Hiện tượng đó không mới lạ vì vẫn phản ảnh tinh thần duy ý chí của người cộng sản.

Rằng chủ nghĩa, tư tưởng và quyền lực của đảng sẽ cải tạo mọi mặt kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa của quốc gia để đưa đất nước lên trình độ cao hơn.

Và trong giấc mơ mà Tập Cận Bình phả vào tâm trí của quần chúng như khói thuốc phiện, hoàn toàn không có giấc mơ cải cách hiến pháp để tiến tới một chế độ chính trị hiện đại. Họ vẫn theo đuổi chén cơm tiểu khang và bảo rằng đó là nhờ đảng.
 
Hùng Tâm 
@nguoiviet