Saturday, May 18, 2013

Trần Gia Phụng


Ông Hồ mấy vợ?

Lời nói đầu: Sau khi các báo đăng bài viết của tôi nhan đề “Sự thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương”, thì có một độc giả nhận là du học sinh Việt Nam, đã e-mail hỏi tôi về việc gia đình và vợ con của Hồ Chí Minh. Câu hỏi nầy trùng với đề tài một bài báo tôi đã viết và đăng trên Thế Kỷ 21 ở California gần mười năm trước. Tôi hiệu đính và đăng lại bài nầy, hy vọng để cung cấp cho các bạn trẻ thêm một số thông tin về đời sống Hồ Chí Minh mà trong nước cấm kỵ và bưng bít.




Một người đến tuổi trưởng thành, lập gia đình là chuyện bình thường. Hồ Chí Minh là một con người như mọi người. Do đó, nếu Hồ Chí Minh lấy vợ thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, bản thân Hồ Chí Minh cũng như đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) luôn luôn xưng tụng ông Hồ là một người chỉ nghĩ đến việc phục vụ đất nước nên không có thời giờ lập gia đình, và không có vợ con. Sự thật không phải như thế. Tài liệu cho thấy rằng ít nhất ông Hồ đã bốn lần lấy vợ.

 1. Tăng Tuyết Minh, ngượi vợ đầu 



Tăng Tuyết Minh: thời xuân sắc và lúc tuổi già mòn mỏi đợi chờ (với ảnh vẫn trên tường)
Nguồn: dprk-cn.com









Tháng 10/1924, Nguyễn Ái Quốc, tên của ông Hồ thời mới qua Liên Xô, rời Moscow đi Vladivostok (Hải Sâm Uy), hải cảng cực đông Liên Xô, trên bờ biển Thái Bình Dương. Từ đây, ông đáp tàu thủy, xuống tới Quảng Châu khoảng giữa tháng 11-1924, với bí danh Lý Thụy, một công dân Trung Hoa, làm thư ký kiêm thông ngôn trong phái đoàn cố vấn Borodine (Liên Xô) bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, trong giai đoạn liên minh quốc cộng lần thứ nhất ở Trung Hoa.

Trong thời gian sống tại Quảng Châu, ngoài những hoạt động chính trị, Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc), Uỷ viên Đông phương bộ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), đã kết hôn với một nữ đảng viên CSTH là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) ngày 18-10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình ở trung tâm thành phố Quảng Châu với sự hiện diện của các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ ông Chu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng. Hai người chia tay khi chiến tranh Quốc Cộng bùng nổ ngày 12-4-1927.(1) Lý Thụy trốn đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường biển lên Vladivostok (Hải Sâm Uy), qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927.

Cuối năm 1927, Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) được ĐTQTCS chuyển qua hoạt động ở Tây Âu một thời gian ngắn, rồi đến Ý. Tại đây, ông được gởi qua Xiêm La (Thái Lan) và ông đến Xiêm tháng 8-1928. Trong thời gian họat động ở Xiêm La, Lý Thụy có gởi cho Tăng Tuyết Minh một lá thư bằng chữ Nho, bị mật thám Pháp phát hiện ngày 14-8-1928, nên thư không đến tay người nhận(2)

Vào tháng 5-1950, nhìn thấy hình Hồ Chí Minh trên Nhân Dân Nhật Báo (Trung Hoa), bà Tăng Tuyết Minh gởi nhiều lá thư cho ông Hồ, thông qua đại sứ Việt Minh ở Bắc Kinh là Hoàng Văn Hoan, nhưng đều không được trả lời. Sau năm 1954, bà Tăng Tuyết Minh xin qua Hà Nội gặp Hồ Chí Minh, cũng bị từ chối. (3)
Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội phủ nhận mối quan hệ giữa Lý Thụy và Tăng Tuyết Minh. Họ cho rằng nếu lá thư có thật, chẳng qua là Lý Thụy thường thông tin với các đồng chí dưới dạng thư tình để qua mặt giới tình báo của các nước tại Quảng Châu, Trung Hoa. Sự phản bác nầy không hữu lý, vì chú ý đọc kỹ lá thư với lời lẽ rất thân thiết lãng mạn (muội, huynh, tình thâm), thì không thể là thư liên lạc bình thường.

Sau đây là lá thư Lý Thụy gởi cho Tăng Tuyết Minh do Nha Liêm Phóng (Công an) Đông Dương phát hiện ngày 14/8/1928:

“Dữ muội tương biệt,
Chuyển thuấn niên dư,
Hoài niệm tình thâm,
Bất ngôn tự hiểu.
Từ nhân hồng tiện,
Dao ký thốn tiên,
Tỷ muội an tâm,
Thị ngã da vọng.
Tịnh thỉnh nhạc mẫu vạn phúc.
Chuyết huynh Thụy.”

Tạm dịch:

“Cùng em chia tay nhau,
Thấm thoát nháy mắt đã hơn năm,
Nhớ nhung tình sâu,
Không nói cũng tự biết.
Nay nhân gởi tin hồng nhạn,
Xa xôi gởi lá thư mang tấm lòng,
Mong em yên tâm,
Là điều anh trông ngóng.
Cũng xin vấn an nhạc mẫu vạn phúc.
Người anh vụng về Thụy.” (4)

2. Nguyễn Thị Minh Khai, người đồng chí

Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910 tại Vinh (Nghệ An), con ông Nguyễn Huy Bình, nhân viên hỏa xa, và là chị của Nguyễn Thị Quang Thái, vợ đầu của Võ Nguyên Giáp. Minh Khai học trường tiểu học Pháp Nam ở Vinh. Năm 1928, Minh Khai gia nhập Tân Việt Cách Mạng Đảng, sau đó qua đảng Cộng Sản Đông Dương, và sang Hồng Kông hoạt động năm 1930.(5)

Ở Hương Cảng, tại trụ sở chi nhánh Bộ Đông Phương của Quốc tế cộng sản, hằng ngày, vào buổi sáng, Minh Khai học chính trị do Lý Thụy đích thân truyền dạy. Từ đó nẩy sinh tình cảm nam nữ giữa hai người.(6) Tháng 4-1931, Minh Khai bị bắt ở Hương Cảng, đến đầu năm sau thì được thả ra. Trong khi đó, Lý Thụy cũng bị bắt ngày 6-6-1931 tại Cửu Long (Kowloon), gần Hương Cảng, rồi bị trục xuất đầu năm 1933. Lý Thụy qua Quảng Châu, lên Thượng Hải, đáp tàu đi Vladivostok, rồi đến Moscow trong cùng năm đó.

Ngày 25/7/1935, tại Moscow khai mạc Đại hội cộng sản quốc tế. Phái đoàn đảng Cộng Sản Đông Dương do Lê Hồng Phong dẫn đầu gồm Lê Hồng Phong, Quốc, Kao Bang, Minh Khai và hai đại biểu khác từ Nam Kỳ và Ai Lao đến. (8) CD

Khi đến Moscow, Minh Khai khai báo lý lịch là đã có chồng, và mở ngoặc tên chồng là Lin. Lin là bí danh của Nguyễn Ái Quốc lúc đó.(9): Cũng theo nguồn tài liệu nầy, những phiếu ghi nhận đồ đạc trong phòng riêng hai người tại nhà ở tập thể của các cán bộ cộng sản cũng đều ghi hai vợ chồng Minh Khai, Lin cùng chung phòng, chung giường, chung đồ dùng...(10) 
 

Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), một trong những đảng viên đầu tiên của đảng CSĐD
Nguồn/Ảnh: Ho Chi Minh, A life, William J. Duiker/TTXVN








Theo lời con gái của bà Vera Vasilieva (bà nầy là một nhân viên người Nga trong tổ chức Quốc tế Cộng sản), kể cho nhà nữ sử học Sophia Quinn Judge (Hoa Kỳ), được ông Thành Tín viết lại trong sách Về ba ông thánh, thì trong thời gian diễn ra Đại hội nầy, ông Lin (tức Lý Thụy) hay ghé lại nhà bà Vera Vasilieva thăm, và thường đi cùng với một phụ nữ Việt Nam tên là Phan Lan. Phan Lan là bí danh của Nguyễn Thị Minh Khai dùng khi ở Moscow.(11)

Sau Đại hội, Minh Khai ở lại Liên Xô và học ở Viện thợ thuyền Đông phương tức trường Stalin đến tháng 2-1937. Trong thời gian nầy, Quốc bị giữ lại Liên Xô và cũng học ở Viện thợ thuyền Đông phương. Năm 1938, Minh Khai qua Pháp, về Sài Gòn. Hai năm sau (1940), Khai bị bắt, bị lên án tử hình, và bị bắn tại Hóc Môn năm 1941. Theo tài liệu của đảng CSVN, Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong (tức Lê Huy Doãn), và có với Phong một người con gái tên Lê Thị Hồng Minh, sinh năm 1939. Trước khi làm vợ Lê Hồng Phong, những tài liệu trong tờ khai lý lịch và những câu chuyện do bà Sophia Quinn Judge đưa ra, cho thấy một thời Minh Khai đã là vợ của Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh.

Nhà báo Thành Tín còn đi xa hơn nữa khi đặt câu hỏi biết đâu tên Minh (trong Hồ Chí Minh) là kỷ niệm về Minh Khai? Ngoài ra ông Hồ còn lấy tên là T. Lan để viết một quyển sách tự truyện tựa đề là Vừa đi đường vừa kể chuyện. Cũng theo tác giả Thành Tín, có thể chữ Lan cũng lấy từ Phan Lan, bí danh của Minh Khai khi ở Moscow.(12)

3. Đỗ Thị Lạc là ai? 



Lê Hồng Phong, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1935 đến 1936 (1902-1942)
Nguồn: wikimedia.org








Sau Đại hội Moscow ngày 25-7-1935, Lê Hồng Phong (1902-1942) được QTCS gởi về nước Việt Nam hoạt động, còn Nguyễn Tất Thành (hay Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc) ở lại hay bị giữ lại ở Liên Xô cho đến năm 1939, Thành được gởi về Trung Hoa dưới một tên mới là Hồ Quang, điều khiển ban Hải ngoại đảng Cộng Sản Đông Dương.

Đầu năm 1940, Lê Hồng Phong bị bắt ở Phan Thiết, đưa vào Sài Gòn, bị đày đi Côn Đảo rồi chết ở ngoài đó năm 1942. Trong khi đó, cuối năm 1940, Nguyễn Tất Thành bắt đầu sử dụng thông hành mang tên Hồ Chí Minh, ký giả của một tờ báo do Cộng Sản Trung Hoa điều khiển. (13)

Vào đầu năm 1941, Hồ Chí Minh về nước, đặt căn cứ ở hang Pắc Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau khi củng cố nội bộ, huấn luyện đảng viên, phát triển cơ sở, và tổ chức Hội nghị trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 8 (tháng 5-1941), đưa Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1909-1988) lên làm Tổng bí thư, Hồ Chí Minh qua Trung Hoa tiếp tục hoạt động, đánh phá các cơ sở cách mạng không cộng sản, và kiếm cách xin Trung Hoa viện trợ. Cuối tháng 8-1942, Hồ bị chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng bắt giữ đến tháng 9-1943.(14)

Ra khỏi tù, Hồ luôn luôn kiếm cách lấy lòng các tướng quân Trung Hoa ở Liễu Châu như Trương Phát Khuê, Tiêu Văn. Lúc bấy giờ, phía Trung Hoa đang có sự hợp tác quốc cộng lần thứ hai để chống Nhật. Tướng Tiêu Văn theo phương thức đó áp lực các tổ chức cách mạng Việt Nam hợp nhất với nhau.

Dầu bị Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) phản đối, Tiêu Văn vẫn cho tiến hành Đại hội tại Liễu Châu ngày 28-3-1944 gồm đại biểu của tất cả các tổ chức chính trị Việt Nam. Các phe phái không cộng sản và cộng sản tranh luận gay gắt, nhưng cuối cùng cũng bầu ra được một ban chấp hành mới gồm có bảy uỷ viên chính thức, một uỷ viên dự khuyết là Hồ Chí Minh, và ba uỷ viên giám sát.(15)

Trong danh xưng mới, Hồ khéo léo ẩn mình, rất được Tiêu Văn tin cậy. Hồ đề nghị Tiêu Văn cho mình về nước cùng một số cán bộ đã được Trung Hoa huấn luyện, đem theo súng đạn, thuốc men và tiền bạc. Tiêu Văn đồng ý cho Hồ về Việt Nam với 18 cán bộ vừa mới tốt nghiệp khóa huấn luyện quân sự Đại Kiều (gần Liễu Châu), cọng thêm 76.000 quan kim, tài liệu tuyên truyền, bản đồ quân sự và thuốc men, nhưng không cấp vũ khí. Hồ về tới Pắc Bó (Cao Bằng) vào gần cuối năm 1944.

Trong số 18 cán bộ theo Hồ về nước lần nầy, có Đỗ Thị Lạc tức “chị Thuần”. Nhân thân của Đỗ Thị Lạc không được rõ ràng, chỉ biết rằng vào năm 1942, khi tướng Quốc Dân Đảng Trung Hoa là Trương Phát Khuê tổ chức lớp huấn luyện chính trị và quân sự cho các tổ chức cách mạng Việt Nam ở Đại Kiều (gần Liễu Châu), Đỗ Thị Lạc theo học lớp truyền tin.

Khi về Pắc Bó, Đỗ Thị Lạc sống chung với họ Hồ một thời gian, lo dạy trẻ em và vận động vệ sinh ăn ở của dân chúng ở Khuổi Nậm gần Pắc Bó. Sử gia Trần Trọng Kim, trong sách Một cơn gió bụi cho biết Đỗ Thị Lạc đã có một người con gái với Hồ Chí Minh.(16) Do tình hình biến chuyển, Hồ rời Pắc Bó đầu năm 1945 qua Trung Hoa, bắt liên lạc và hợp tác với tổ chức OSS (Office of Strategic Services), tức Sở Tình báo Chiến lược (Hoa Kỳ) dưới bí danh là Lucius vào tháng 3-1945.(17) Đầu tháng 5-1945, Hồ về Việt Nam, ghé Khuổi Nậm (Cao Bằng) thăm Đỗ Thị Lạc một thời gian ngắn, rồi đi Tân Trào (Tuyên Quang), và bị cuốn hút vào những biến chuyển lịch sử sau đó.

Chuyện tình giữa Hồ với Đỗ Thị Lạc, cũng như với Nguyễn Thị Minh Khai, Tăng Tuyết Minh đều bị đảng CSVN giấu nhẹm, nên sau đó không còn dấu vết gì nữa.

(Còn tiếp)
Trần Gia Phụng

Toronto, Canada
Copyright © 2006 DCVOnline  -  motgoctroi



Thi Xuân

  Thị Ninh