Monday, May 13, 2013

Romeo và Juliet

 
Thiên Tình Sử Romeo và Juliet   


“What’s in a name? That which we call a rose
By any name would smell as sweet.”

(Shakespeare’s Romeo and Juliet,
Act II, Scene ii)
Bông hồng dù gọi tên nào,
Thì hoa cũng vẫn ngạt ngào thơm tho.
 
Chắc độc giả đã nhiều lần nghe qua truyện Romeo và Juliet, và có thể đã xem nhiều phim dựa vào cốt truyện, hay đã nghe nhạc Tchaikovsky phần mở đầu Fantasy Overture trong vũ khúc ballet do ban vũ cổ điển Bolshoi của thành phố Moscow hay ban vũ cổ điển Kirov của thành phố St. Petersburg trình diễn, nhưng chắc không biết từ trước đến nay truyện Romeo và Juliet được đưa lên phim mấy lần? Trước khi trả lời câu này ở bên dưới, xin lược truyện. Tiếp theo là phần chuyển dịch sang tiếng Việt hai đoạn đáng nhớ nhất trong vở kịch. Đó là cảnh Romeo nghe Juliet đứng than thở những lời yêu thương ở bao lơn ngoài phòng ngủ của nàng nhìn xuống vườn cây của gia đình Capulet, có biết đâu cũng lúc đó chàng đứng trong lùm cây bên dưới, nghe được tâm sự nàng. Cảnh thứù hai là lúc gần sáng ở phòng Juliet, sau đêm hai người gặp nhau như vợ chồng trước khi chàng đi đầy ở Mantua.
 
Bài viết này chia làm năm phần: I. Lược truyện; II. Kịch đưa lên phim; III. Ngôn ngữ và tính hài hước của Shakespeare; IV. Hai cảnh đáng nhớ: cảnh ở bao lơn và đêm vĩnh biệt; V. Chú thích thêm: Nhạc và vũ cổ điển dựa vào cốt truyện; thăm Verona, và sách tham khảo.
 
I. Cốt Truyện:
 
Truyện tình Romeo và Juliet gốc từ một bi-kịch của kịch-tác-gia và thi- sĩ người Anh William Shakespeare (1564-1616) viết trong khoảng 1591-1596, khi ông trong khoảng 27-32 tuổi, dựa theo một truyện thơ dài của Arthur Brooke tên là “The Tragicall Historye of Romeus and Juliet” (in năm 1562), kể chuyện đôi tình nhân mệnh yểu (star-crossed lovers), nhưng cái chết của họ làm hai họ Capulet và Montague quên hận thù nhau. Ấn bản của vở bi-kịch gọi là Quarto 2 (trang giấy in gấp làm 2 lần, thành 4 tờ, 8 trang) mang tựa “The Most Excellent and Lamentable Tragedie of Romeo and Iuliet” in năm 1599. Ấn bản Quarto 1 mang tựa nguyên văn là “An Excellent conceited Tragedie of Romeo and Iuliet” in ở London, năm 1597. (Đây là ấn bản xưa nhất của vở kịch, theo giáo sư Jill L. Levenson, trang 104, cuốn Romeo and Juliet, chú dẫn ở phần cuối bài. Thời Shakespeare “J” in là “I”)

Tại tỉnh Verona nước Ý, có hai gia đình danh-giá là Montague và Capulet có thù với nhau từ đời nọ sang đời kia. Romeo là con trai và là người sẽ thừa-kế tài-sản của họ Montague. Romeo mê nàng Rosaline nhưng không được nàng để ý tới. Romeo nghe nói Rosaline sẽ dự tiệc hoá trang ở nhà ông bà Capulet, bèn cùng bạn thâân là Mercutio đeo mặt nạ đến dự tiệc, và mong sẽ được thấy dung nhan nàng Rosaline. Nhưng vừa tới buổi tiệc hoá trang, Romeo thoáng thấy nàng Juliet xinh đẹp, con gái ông bà Capulet, thì đem lòng yêu ngay. Trong khi dò hỏi cho biết tên nàng Juliet, Romeo bị Tybalt là cháu bà Capulet nghi ngờ. Tybalt gây sự toan đấu với Romeo, nhưng Ông già Capulet can hai người để tránh đổ máu trong bữa tiệc.  

Trong buổi tiệc, sau khi gặp Juliet, Romeo biết nàng là con gái của dòng họ Capulet có thù với dòng họ mình, và Juliet cũng khám phá ra chàng Romeo mà nàng chớm yêu là con trai của gia đình Montague, tử thù của dòng họ nàng. Tối hôm đó, sau khi khách ra về, Romeo lén ở lại. Đứng dưới vườn nhà Juliet, Romeo chợt thấy nàng bước ra bao lơn. Nghe lén thấy nàng than-thở giá người yêu không phải thuộc dòng họ Montague, Romeo bèn xuất đầu lộ diện. Juliet lúc đầu bẽn-lẽn khi thấy Romeo nghe rõ thầm ý của mình, nhưng rồi hai người trao nhau lời hứa sẽ yêu nhau mãi mãi. Juliet cho Romeo hay nàng sẽ lấy chàng, và bảo chàng sáng hôm sau tìm cách làm phép cưới. Romeo chạy ra tu-viện gặp tu-sĩ Laurence xin giúp làm chủ lễ. Tu-sĩ Laurence cũng mong cuộc tình duyên này sẽ giúp hai họ không thù nhau nữa.
Sáng sớm hôm sau, khi cùng đi với hai người bạn là Benvolio và Mercutio, Romeo gặp bà vú nuôi của Juliet và nhắn với nàng là hãy gặp tu-sĩ Laurence (có bản viết là (Lawrence) để làm lễ thành hôn. Cũng ngày hôm đó, Mercutio đang đi ngoàøi phố thì tên Tybalt đến gây sự trách sao Mercutio lại chơi thân với Romeo là kẻ thù của dòng họ Capulet. Thấy Tybalt hạ nhục Romeo, Mercutio giận, nhận đấu gươm, nhưng bị Tybalt, cũng là một tay gươm giỏi, đâm chết, khi Romeo chen vào can hai người. Để trả thù cho bạn, Romeo đấu gươm với Tybalt và đâm chết tên này, và vì tội giết người, Romeo bị ông Hoàng Escalus của xứ Verona. [Chữ “city” không có nghĩa là “thành phố,” như bây giờ, vì trong thời Phục hưng, nước Ý chia thành nhiều city-states, mỗi “city” có quân đội riêng và có một ông hoàng cai trị như một “xứ nhỏ.”]
Sau khi đâm chết Tybalt, để tránh lính tuần, Romeo lén đến gặp tu-sĩ Laurence xin giúp. Tu-sĩ khuyên Romeo gặp Juliet đêm đó trước nhận đi đầy ở vùng Mantua. Vào lúc này, Ông già Capulet muốn gả Juliet cho một vị bá tước có họ với ông Hoàng xứ Verona tên là Paris, vì ông già không biết gì về chuyện Juliet và Romeo đã đưọc tu-sĩ Laurence làm phép thành hôn với nhau rồi. Nếu Juliet thổ lộ cho cha là đã làm lễ thành hôn với Romeo thì chàng sẽ không toàn mạng vì vừa mang tội giết Tybalt.

Juliet bèn đi tìm tu-sĩ Laurence xin giúp. Vị tu-sĩ hiến một kế là cho nàng một lọ thuốc, bảo cứ uống vào đêm trước hôm phải lấy bá tước Paris. Chất thuốc này sẽ làm nàng chết giả trong 42 tiếng đồng hồ. Như vậy, xác nàng, theo tục lệ thời đó, sẽ được quàn tại hầm mộ gia đình Capulet một hai ngày. Và trong thời gian đó, tu-sĩ Laurence sẽ báo tin cho Romeo lúc đó đang lưu đầy ở Mantua đến cứu. Vì theo mưu của vị tu sĩ nhân từ này, Romeo và Juliet có thể cùng trốn khỏi Verona. Bây giờ hãy lo trốn trước, sau này sẽ xin cha mẹ của hai họ tha thứ.

Gia đình Capulet đang tíu tít sửa-soạn làm lễ cưới cho Juliet lấy bá tước Paris thì nghe tin Juliet chết. Thế là đám cưới thành đám tang. Gia đình đưa xác nàng ra phần mộ. Trong khi đó, tu-sĩ Laurence viết thư cho Romeo và giao cho một người mang thư đến Mantua báo cho Romeo biết mưu kế của mình và bảo chàng hãy kíp về cứu Juliet khi nàng tỉnh dậy ở hầm mộ. Nhưng thư của tu-sĩ Laurence không đến tay Romeo kịp. Người đưa thư đi qua vùng có bịnh dịch hạch nên bị dân làng, vì sợ lây, đóng cửa giam luôn trong nhà có dịch hạch.

Romeo vẫn không biết gì về kế của tu-sĩ Laurence, chỉ được tên hầu là Balthasar đi ngựa đến báo tin Juliet đã chết. Trước khi lén về Verona thăm mộ Juliet, Romeo gặp một ông già bán thuốc ở Mantua, năn nỉ và mua chuộc ông để ông bán cho một lọ thuốc độïc, với ý định sẽ quyên sinh bên nàng. Tới hầm mộ Juliet, Romeo gặp Paris lúc đó cũng mang hoa đến mộ Juliet. Romeo tưởng Paris là một tên đào mả lấy trộm nữ trang nên đâm chết Paris. Trước khi chết, Paris xin Romeo đem xác mình đặt gần xác Juliet. Tới chỗ Juliet nằm, Romeo thấy xác nàng, than khóc lời vĩnh biệt rồi uống thuốc độc tự tử. Khi thuốc mê đã giã, Juliet tỉnh dậy, thấy Romeo chết, bèn rút chiếc dao găm chàng còn đeo bên mình, đâm ngực tự vẫn.

Hai gia đình nghe tin Paris và Romeo chết, kéo tới hầm mộ. Tu-sĩ Laurence kể cho hai họ Capulet và Montague chuyện của Romeo và Juliet, chỉ mắc tội yêu nhau mà chết oan. Hai gia đình nghe câu chuyện đau thương của đôi trẻ, và trước lệnh của ông Hoàng, thề sẽ không còn thù hận nhau nữa.
 
II. Kịch đưa lên phim:
 
Từ trước đến nay có ít nhất 6 cuốn phim về truyện tình Romeo và Juliet. Theo Charles Boyce thì có ít nhất 17 lần truyện được đưa lên phim nếu kể cả các phim nói tiếng Pháp, Ả rập và Hindi Ấn độ.

(1) Phim năm 1936, do nữ tài tử Norma Shearer, lúc đó 36 tuổi, đóng vai Juliet; còn vai Romeo thì do Leslie Howard, lúc đó 43 tuổi, đóng. Đạo diễn bởi George Cukor.
(2) Năm 1964, nữ tài tử Susan Shentall và nam tài tử Lawrence Harvey, lúc đó 26 tuổi đóng vai Romeo.
(3) Năm 1961, Nathalie Wood, lúc đó 23 tuổi, và Richard Beymour, 22 tuổi, đóng trong vở nhạc kịch West Side Story, kể chuyện hai bọn băng đảng ở New York, tích truyện dựa vào vở kịch này. Nhạc do L. Bernstein.
(4) Năm 1968, Olivia Hussey, lúc đó 15 tuổi, đóng vai Juliet cùng với Leonard Whiting, 17 tuổi, đóng vai Romeo. Đạo diễn người Ý Franco Zeffirelli. Có lẽ đây là cuốn phim hay và thành công nhất.
(5) Năm 1996: Vai Juliet do nữ tài tử Angelina Jolie 21 tuổi đóng, và Nathaniel Marston, 20 tuổi, đóng vai Romeo.
(6) Năm 1996: Claire Danes, 16 tuổi, đóng vai Juliet, và Leonardo DiCaprio, lúc đó 21 tuổi, đóng vai Romeo. [Phần này viết theo bài báo của Anita Gates đăng trong New York Times ngày 10/27/96, trang H13.]
Theo cốt truyện thì Juliet lúc đó mới 14 tuổi mà trong bộ phim đầu, tài tử đóng vai Romeo là Leslie Howard (người đóng vai chàng Ashley Wilkes, người mà Scarlett O’Hara mê trong phim Gone with the Wind, ra mắt năm 1939), lúc đó 43 tuổi, còn nữ tài tử Norman Shearer đóng vai Juliet lúc đó đã 36 tuổi. Vậïy mà khán giả thời đó vẫn chấp nhận. Trong mấy bộ phim sau, tài tử trẻ hơn. Olivia Hussey đóng vai Juliet năm 1968 lúc nàng mới 15 tuổi. Phải chăng nhà đạo diễn Ý Franco Zeffirelli muốn phim có tính hiện thực hơn? Hay thành phần khán giả trẻ xem phim ngày nay càng ngày càng đông nên nhà làm phim phải chọn những tài tử trẻ cho hợp với vai trò? Phim mới nhất (1966) có đổi cảnh trong phim, và có súng, như vậy có làm mất không khí của vở kịch thời Shakespeare không? Chỉ có độc giả xem hay đọc xong vở kịch rồi coi cuốn phim, hay xem xong cuốn phim rồi đọc lại vở kịch, mới biết rõ. Điều này, một lần nữa, nêu lên tính cách phổ-cập và nhân-bản của kịch-tác-gia Shakespeare: văn-chương nếu hay thì mọi thời-đại và mọi nền văn-hoá đều hâm mộ.
 
III. Ngôn ngữ và tính cách hài hước của Shakespeare
A. Ngôn ngữ: Kịch Romeo và Juliet viết theo thể thơ blank verse, mỗi câu có 10 âm tiết, nhấn mạnh vào nhịp nhì và không có vần. Tuy nhiên, có vài đoạn trong vở kịch, như đoạn mở đầu, viết theo thể thơ sonnet, có 14 câu, mỗi câu có 10 âm tiết, nhấn vào nhịp nhì, và có vần gieo như sau: ababcdcdefefgg. Đó là thể tình thi sonnet kiểu Shakespeare. Thí dụ như đoạn mở đầu trước khi vở kịch bắt đầu:
 
“The Prologue”
[Đồng ca]
Two households, both alike in dignity
In fair Verona, where we lay our scene,
From ancient grudge break to new mutiny,
Where civil blood makes civil hands unclean.
From forth the fatal loins of these two foes
A pair of star-crossed lovers take their life;
Whose misadventured piteous overthrows
Doth with their death bury parents’ strife
The fearful passage of their death-marked love,
And the continuance of their parents’ rage,
Which, but their children’s end, naught could remove,
Is now the two hours’ traffic of our stage;
The which, if you with patient ears attend,
What here shall miss, our toil shall strive to mend.
Hai gia đình cùng môn đăng hộ đối
Ở Verona diễm lệ, là nơi vở kịch của chúng tôi xẩy ra,
Vì mối thù xưa bùng lên thành loạn;
Nơi những vụ đổ máu giết nhau làm nhơ nhuốc những bàn tay hiền lành.
Từ hai gia-đình tử thù này,
Đôi tình nhân vì định mệnh yêu nhau, rồi kết liễu đời mình;
Nhưng cái chết thảm thương của họ
Đã chôn theo mối thù khôn gột rửa của cha mẹ.
Vở bi kịch dài hai giờ sắp tới này sẽ kể câu chuyện
Về mối tình bi-thảm của họ, và cơn thịnh nộ của cha mẹ,
Mà chỉ có cái chết của đôi trẻ mới chấm dứt.
Nếu quí khán giả kiên nhẫn lắng nghe,
Bù cho những khiếm khuyết ở đây, chúng tôi cố diễn cho hay.
 
B. Buồn mà vui, vang tiếng cười của khán giả: Tuy kịch Romeo và Juliet là một bi-kịch, nhưng không phải lúc nào cũng buồn thảm, nhờ óc khôi hài và tài chơi chữ của Shakespeare.
- Cách dùng chữ: Theo Jill L. Levenson (chú thích bên dưới bài), phần mào đầu (Prologue) cho thấy cách dùng chữ của Shakespeare. Như phép dùng tương phản (gọi là antithesis), và cân đối (symmetry), như ở dòng 3, hai chữ “grudge” (thù ghét) và “mutiny” (nổi loạn), và ở dòng 4, hai chữ “civil blood” (gây tương tàn) and “civil hands” (bàn tay hiền lành, ngụ ý dân sống hiền lành trong cộng đồng) ở trong cùng một câu, chữ nọ làm mạnh nghĩa thêm chữ kia, chữ nọ là nguyên nhân gây nên chữ kia là hậu quả. Ở dòng 9, chữ “death-marked” ngụ hai nghĩa: (a) bị số mệnh bắt phải chết; (b) mục tiêu của họ là cái chết. “Take their life” (dòng 6) có hai nghĩa: (a) từ hai dòng họ tử thù sinh ra; (b) kết liễu đời họ. 

- Óc hài hước: Trong đoạn đầu vở kịch, cảnh hai tên gia nhân Sampson và Gregory của dòng họ Capulets đeo khiên nhỏ và gươm, bàn nhau nếu gặp gia nhân nhà Montagues, chúng cũng không sợ. Chữ “bite the thumb,” nghĩa đen là “cắn đầu ngón tay cái,” nhưng nghĩa bóng là “ra dấu ngón tay chửi ai.” Tương tự, bây giờ có thành ngữ “Thumb one’s nose.” Ta hãy nghe hai tên gia-nhân gia đình Capulet là Sampson và Gregory bàn nhau bằng ngôn từ hơi thô-tục vì chúng đóng vai trò của comic relief, làm không khí của bi-kịch bớt căng thẳng:
Sampson:
Nay, as they dare. I will bite my thumb at them, which is disgrace if they bear it.
[He bites his thumb.] Đừng, để xem bọn chúng chịu ra sao. Tớ sẽ ra dấu tay chửi để hạ nhục chúng. [Nói rồi cắn đầu ngón cái.]
Abram: (gia nhân nhà Montague)
Do you bite your thumb at us, sir?
[Có phải Anh hạ nhục bọn tôi, hả?]
Sampson:
[aside to Gregory] Is the law of our side if I say “Ay”?
[Quay lại hỏi Gregory]--Nếu tớ trả lời “Phải” thì chúng ta có đúng luật không?
Gregory: [aside to Sampson]
No. [Nói riêng với Sampson] Không.
Sampson:
No, sir, I do not bite my thumb at you, sir, but I bite my thumb, sir.
[Thưa không, tôi không cắn ngón cái ra dấu chửi anh, nhưng, xin thưa, tôi cắn ngón cái của tôi ạ.]
-Thí dụ 2: Hai nghĩa của chữ “Maidenhead”:
Cũng trong đoạn mở đầu:
Sampson: Any dog of that house of Montague moves me. [Bất cứ tên vũ phu nào trong dòng họ Montague cũng làm tớ nổi giận.]

Sampson: ‘Tis all one. I will show myself a tyrant. When I have fought with the men, I will be civil with the maids—I will cut off their heads.
[Sampson: Mối hận thù của chủ mình cũng là của chúng ta. Tớ sẽ cho chúng biết, tớ là một tay bạo tàn. Khi tớ đánh thắng bọn đàn ông họ Montague, tớ sẽ lịch sự với bọn thiếu nữ—tớ sẽ chặt đầu chúng.
Gregory: The heads of the maids? [đầu thiếu nữ?]
Sampson: Ay, the heads of the maids, or their maidenheads. Take it in what sense thou wilt. [Phải, đầu thiếu nữ, hay là trinh-tiết của họ. Tùy anh muốn hiểu nghĩa nào thì hiểu.]
Gregory: They must take it in sense that feel it. [Họ sẽ hiểu tùy cảm-giác của họ.]
-Thí dụ 4: [Hồi II, cảnh ii)
ROMEO: O, wilt thou leave me so unsatisfied? [Ôi, sao em để lòng ta còn khao khát thế này?]
JULIET
What satisfaction canst thou have to-night? [Thế chàng muốn thỏa mãn gì đêm nay?]
ROMEO
Th’ exchange of thy love’s faithful vow for mine. [Cùng em trao đổi lời thề sẽ yêu chung thuỷ.]
-Thí dụ 5: “Life” có nhiều nghĩa.
Juliet: Then, window, let day in, and let life out.
[Cửa sổ ơi, mở ra cho ánh sáng lùa vào, và cho nguồn sống thoát đi.]
Chữ “life” ở đây có nhiều nghĩa: đối với Juliet, Romeo là “nguồn sống” của nàng; Mạch sống thoát đi, hay từ giờ phút Romeo từ cửa sổ leo xuống ra đi, là đi vào cõi chết. Hai nhân vật Romeo và Juliet chưa biết số phận họ, nhưng khán giả được cho hiểu là điềm báo trước sự vĩnh biệt của họ, vì chàng ra đi lần này là lần cuối hai người còn thấy nhau khi còn sống. Chữ “life” làm khán giả hay độc giả liên tưởng đến chữ phản nghĩa “death,” cũng như chữ “day” báo trước chữ phản nghĩa “night” như một cặp chữ: day/life và night/death. Chữ “window,” một vật vô tri vô giác được nhân cách hoá, tượng trưng sự ấm cúng của tình yêu hai người. Bây giờ khi Juliet xin cửa sổ mở ra, của sổ có quyền định đoạt về số phận Romeo. Trong câu trên, chữ “in” đối với chữ “out”: Then window, let day in, and let life out.
Vậy thì, cửa sổ ơi!
Mở ra cho ánh sáng vào,
Để cho mạch sống dạt dào thoát đi!
-Thí dụ 5: Ông già Capulet vị vợ ngăn cản không cho gây sự.
(Hồi I, cảnh 1)
Cảnh lộn xộn ngoài phố.
CAPULET
What noise is this? Give me my long sword, ho!
Chuyện gì lộn xộn vậy? Lấy cho ta thanh gươm dài, bay đâu!
WIFE (vợ ông già Capulet)
Crutch, a crutch! Why call you for a sword?
Đưa ổng cái nạng, cái nạng! Tại sao ông đòi lấy gươm cho ông?
 
(Còn tiếp kỳ sau)

PHẠM TRỌNG LỆ
- sưu khảo và dịch
(Virginia - USA)

@cothom