Tuesday, May 28, 2013

KT/TC.VN

 
Việt Nam ngập trong 'núi' nợ 

HÀ NỘI (NV) .- Trong khi Nhà cầm quyền Hà Nội cả quyết tổng số nợ công của Việt Nam chỉ chừng 55.4% GDP thì Ủy ban Kinh tế của Quốc hội CSVN cho biết, nợ công của Việt Nam đã lên tới 95% GDP.
Trước nay, chế độ Hà Nội vẫn cho rằng, tổng số nợ công của Việt Nam vẫn còn dưới mức 60% GDP và vì vậy, vẫn an toàn.
Nhà cầm quyền CSVN định nghĩa, tổng nợ công là nợ trong nước và nợ nước ngoài của khu vực công, bao gồm nợ của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương nhưng không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chỉ có nợ của các DNNN được Chính phủ CSVN bảo lãnh mới được tính vào tổng nợ công.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội CSVN thì tin là cách tính toán nơ công của chính phủ CSVN chưa chính xác. Để có con số chính xác, cần phải cộng thêm cả nợ của hệ thống ngân hàng, nợ của các DNNN, nợ bằng trái phiếu không được chính phủ CSVN bảo lãnh. Với cách tính mà Quốc hội CSVN tin là “như thế mới đúng”, nợ công của Việt Nam hiện chiếm khoảng 95% GDP.

Trong một báo cáo, ghi nhận kết quả nghiên cứu về “Nợ công và tính bền vững ở Việt Nam”, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội CSVN nhận xét, rủi ro lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam không nằm ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách, mà tiềm ẩn trong những khoản nợ xấu của khu vực DNNN và rất có thể Việt Nam sẽ phải xuất công qũy để trả.

Đây chính là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công ở Việt Nam. Hiện nay, khoản nợ của khu vực tư nước ngoài, mà chính yếu là nợ của các DNNN, không được Chính phủ CSVN bảo lãnh đang chiếm chừng 10.6% GDP.

Bên cạnh đó, vào năm 2012, Đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính CSVN còn ghi nhận, nợ trong hệ thống ngân hàng của các DNNN xấp xỉ khoảng 16.5% GDP.
Nếu tính hết những yếu tố đó, cộng với các khoản DNNN nợ bằng trái phiếu trong nước, không được Chính phủ CSVN bảo lãnh thì nợ công của Việt Nam xấp xỉ 95% GDP.

Tỷ lệ đó rõ ràng đã vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP) mà các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo và bỏ xa tỷ lệ được công bố trên “Đồng hồ nợ công thế giới” của Economist.
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội CSVN còn cảnh báo rằng, dù nợ nước ngoài có lãi suất thấp song lại hàm chứa nhiều rủi ro về tỉ giá. Sự mất giá của đồng Việt Nam sẽ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng lên.

Hiện nay, các chủ nợ lớn của Chính phủ CSVN là Nhật (chủ 34.3% tổng nợ công) và các tổ chức quốc tế như: IDA (chủ 24.9% tổng nợ công), ADB (chủ 15% tổng nợ công). Mỹ và EU chỉ làm chủ lần lượt là 0.3% và 6.9% tổng nợ của Chính phủ CSVN, tuy nhiên nợ theo đồng tiền của các nước/khu vực này lại chiếm tỉ trọng lớn.
Vì các chủ nợ thường có xu hướng sử dụng những đồng tiền mạnh nên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội CSVN tin rằng, việc vay nợ theo các đồng tiền mạnh khiến nợ nước ngoài chịu rủi ro cao khi chúng có xu hướng lên giá theo thời gian.

Chẳng hạn, từ đầu năm 2010 đến giữa năm 2011, ba đồng tiền chủ chốt là EUR, USD và JPY trong giỏ nợ nước ngoài của Việt Nam đã lên giá lần lượt khoảng 12%, 13% và 26% so với VND. Điều này đồng nghĩa với gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng chóng mặt và gây sức ép đối với thâm hụt ngân sách và chính sách tiền tệ.

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội CSVN nhận định, việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và cập nhật về nợ công, nợ nước ngoài và nợ của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là hết sức khó khăn. Bản tin Nợ nước ngoài của Bộ Tài chính, phát hành 6 tháng/lần chỉ phản ánh sơ sài về thống kê nợ nước ngoài cho tới hết năm 2010. Các thống kê khác về nợ công trong nước và đặc biệt là nợ của khối DNNN đều không được công bố chi tiết và chính thống.

Thành ra, thách thức đầu tiên trong việc quản lý nợ công của Việt Nam là xây dựng một hệ thống cung cấp và quản trị thông tin nợ công/nợ nước ngoài một cách minh bạch và nhanh chóng. (G.Đ)

@nguoiviet