Friday, May 31, 2013

ĐH Harvard

 
ĐH Harvard: Di dân đóng góp
 thêm cho Medicare hàng tỉ đô la
 
HARVARD, Massachusetts (NBC News) - Trong suốt nhiều năm qua, di dân đã đóng góp vào quỹ Medicare nhiều hơn phí tổn cơ quan này phải chi ra cho họ.

Biểu tình trước tòa nhà liên bang ở Chicago, Illinois, kêu gọi tăng thuế người giàu, đồng thời phản đối cắt giảm chương trình An Sinh Xã Hội, Medicare và Medicaid. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

Phân tích của trường y khoa Đại Học Harvard cho thấy di dân tạo được một thặng dư lên đến $13.8 tỉ cho chương trình săn sóc y tế của chính phủ dành cho người cao niên trong năm 2009.
 
Từ 2002 đến 2009, di dân tạo thặng dư cho Medicare $115 tỉ, trong khi số dân sinh tại Mỹ gây thâm thủng thêm $28 tỉ.
 
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tập san Health Affairs số Tháng Sáu, phản bác quan niệm cho rằng di dân đang làm thâm thủng nguồn trợ cấp y tế.
Một thăm dò của Reuters/Ipsos hồi Tháng Hai cho thấy, hơn phân nửa công dân Hoa Kỳ nghĩ, đa số di dân bất hợp pháp cần phải được trục xuất về nước. Họ cho rằng di dân chiếm hết việc làm, khiến cho lương bổng bị hạ thấp, và gây tốn kém các phúc lợi của chính phủ.
 
Các nhà nghiên cứu ở Đại Học Harvard nói phân tích của họ mang lại một cái nhìn đầu tiên về sự đóng góp của di dân đối với chương trình Medicare, đồng thời có thể có tác động đối với thay đổi chính sách di dân của chính phủ về quỹ săn sóc y tế. Bài nghiên cứu viết: “Chính sách giảm di dân chắc chắn sẽ làm yếu đi khả năng tài chánh của Medicare, và nếu không muốn vậy, phải tiếp tục tăng thêm di dân.”
 
Giới chức Hoa Kỳ dự trù đến năm 2024 quỹ dành cho bảo hiểm y tế của chính phủ sẽ cạn kiệt, một khi chi phí săn sóc y tế cho người Mỹ cao niên vượt cao hơn mức thu vào ngân quỹ.
 
Bản phân tích viết di dân ngày nay trả tiền một cách hào phóng cho hệ thống dịch vụ xã hội mà họ chưa hề dùng đến. Di dân thường là người trẻ tuổi hơn và đang trong tuổi lao động, so với người sinh ra ở Mỹ, mà số đông ở độ tuổi 65 trở lên và đến lúc bắt đầu hưởng phúc lợi Medicare.
Quỹ này lấy từ tiền thuế của người lao động. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, một số di dân có thể sẽ về nước khi họ đến tuổi về hưu, hoặc ít dùng đến chương trình này. (TP)

@nguoiviet